VnReview
Hà Nội

Ngẫm chuyện đời từ nạn “đạo” sở hữu trí tuệ

Dư luận chưa ngớt vụ đạo thơ của Phan Huyền Thư cư dân mạng lại ồn lên vụ ông Lê Văn Hoa, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch tỉnh Khánh Hòa "đạo kỷ yếu", rồi ngày 4/11 vừa qua, trang điện tử Trí Việt 24h bị dừng hoạt động vì "đạo báo". Còn nhiều loại "đạo" khác vẫn diễn ra hàng ngày, nó như tảng băng chìm mà cơ quan chức năng chưa mò ra được.;

"Đạo chích" trong sở hữu trí tuệ

Đạo Chích là tên kẻ trộm có tiếng thời xưa, sau đó trở thành danh từ chung chỉ những kẻ ăn trộm. Các loại đạo văn, đạo thơ, đạo nhạc, đạo luận án... gọi chung là "đạo văn", nói thẳng ra là "ăn cắp", nhưng là thứ ăn cắp tồi tệ hơn ăn cắp thông thường. Bởi ăn cắp thông thường chỉ là chiếm đoạt một cách vụng trộm tài sản của người khác. Còn đạo văn là ăn cắp cộng với đạo đức giả. Nhân vụ đạo thơ của Phan Huyền Thư nhớ đến "tiền căn" của nó và những vụ được biết nhiều trong công chúng: Truyện ngắn "Máu của lá" của nhà văn Võ Thị Hảo được cho là bị đạo đến 99% bởi tác giả Phạm Minh Phong; Vụ nhạc sĩ Bảo Chấn đạo nhạc khi viết bài "Tình thôi xót xa" vì có nhiều ca từ, đặc biệt là phần giai điệu lấy từ ca khúc I've never been to me của Charlene người Mỹ và Frontier của Keiko Matsui; Vụ nhạc sĩ Quốc Bảo đạo nhạc khi viết bài "Tuổi 16", vì giống bài Renaissance fair...

phan huyên thư đạo thơ

Hai bài thơ liên quan đến vụ đạo thơ tai tiếng gần đây

Trong vài năm trở lại đây, hiện tượng đạo văn xảy ra liên tục trong nghiên cứu khoa học. Công chúng hẳn còn nhớ vụ Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) với 6 tiến sĩ đạo văn. Nếu tháng 6/2009, trường này mới có TS Mai Thị Hảo Yến bị phanh phui hành vi lấy công trình nghiên cứu về ngôn ngữ của cố GS Đỗ Hữu Châu, GS Diệp Quang Ban rồi đề tên mình vào, nhân bản và bán hàng trăm cuốn cho học trò thì chỉ một thời gian ngắn sau đó, có thêm các ông Lê Văn Trưởng, Hoàng Thanh Hải, Trần Quang Dũng, Vũ Quý Thu, Mai Văn Tùng xuất hiện trên báo với tội đạo văn. Tháng 10/2013, ông Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng Viện Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) bị thu hồi bằng tiến sĩ và bị kiến nghị tước chức danh phó giáo sư, vì luận án tiến sĩ bảo vệ năm 2003 của ông đã "đạo" tới 30% dung lượng luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng. Ngoài những hình thức đạo văn thông thường, còn có những hình thức kín đáo hơn, tinh vi hơn, như vụ một PGS ở Hà Nội, không biết tiếng Pháp đi thuê một dịch giả nổi tiếng dịch một tác phẩm lý luận, sau đó đứng tên "đồng tác giả", và đặt tên mình lên trước.

Trong trường đại học, cứ gần đến kỳ bảo vệ luận văn, luận án, các trang web chuyên cung cấp luận văn lại sôi động. Với những bài luận tầm trung, sinh viên có thể đọc trực tiếp trên mạng, nhưng với loại có "chất lượng cao" thì người dùng phải trả thêm một khoản phí qua thẻ ngân hàng. Sau khi mua "hàng", việc còn lại của sinh viên, nghiên cứu sinh là cắt dán và chắp nối những đoạn khác nhau để làm thành công trình nghiên cứu của mình.

Trong thời đại tin học, "đạo phần mềm" mới tinh vi và phức tạp làm sao! Phần mềm nào càng phổ dụng thì càng bị crack nhanh chóng, bị phát tán mã crack trên khắp các website, diễn đàn. Khi được hỏi về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Bình An, Giám đốc Công ty Công nghệ T.N, cho rằng: "Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã được Chính phủ triển khai từ năm 2007, nhưng những nỗ lực của các cơ quan chức năng cũng chỉ mới đưa được Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia có mức độ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới, vi phạm bản quyền loại này vẫn diễn ra thường ngày".

Ranh giới giữa "tham khảo" và "sao chép" rất mong manh

Đời sống và pháp luật

"Sống và làm việc theo pháp luật", khẩu hiệu đó hàng ngày ta vẫn nghe, đi ra đường ta vẫn thấy, nhưng liệu nó đi vào cuộc sống được bao nhiêu thì rất khó định lượng. Chất lượng làm luật của ta không cao, cứ thay đổi luôn, có bộ luật kỳ họp năm trước Quốc hội vừa thông qua, năm sau lại thấy sửa đổi, bổ sung. Còn ý thức chấp hành luật của người dân lại kém. Hai thành tố ấy mà cộng lại thì luật đi vào đời sống hẳn cũng không mấy hiệu quả. Luật SHTT ở Việt Nam cũng không ngoài tình trạng ấy.

Đã có nhiều văn bản, quy phạm pháp luật được ban hành nhằm hiện thực hoá việc xác lập quyền SHTT trong điều kiện Việt Nam, nhưng trên thực tế việc thực thi quyền SHTT còn nhiều hạn chế, hiệu lực của hệ thống các quy định về bảo hộ quyền SHTT còn thấp, tính minh bạch và sự nghiêm minh trong thực thi luật còn nhiều "vấn đề" dẫn đến trình trạng vi phạm, xâm phạm quyền SHTT diễn ra khá phổ biến. Chẳng hạn như hàng giả, hàng nhái, hàng sao chép, hàng lậu... đang được bày bán công khai ở mọi nơi. Nhiều công ty may cho biết, một số sản phẩm của họ đang bị xâm phạm quyền SHTT, về chất liệu có khác nhưng về mẫu mã, hoa văn thì bị nhái như đúc sản phẩm của mình. Vậy là quyền SHTT trong lĩnh vực này chỉ nằm trên "giấy", công tác thực thi còn rất yếu kém, nếu có xử phạt thì mức độ chế tài chưa đủ sức răn đe, hoặc việc xử lý còn có lúc nương tay.

Còn trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu? Vụ đạo thơ của Phan Huyền Thư, Hội Nhà văn Hà Nội đã kiểm điểm rút kinh nghiệm. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Hữu Thỉnh cho rằng, nên giơ cao đánh khẽ, và coi vụ đạo thơ (có sự thu hút dư luận xã hội rộng rãi như vậy) chỉ như một "trò nghịch dại của trẻ nhỏ". Trước đây nhiều vụ đạo văn trầm trọng hơn vụ trên, nhưng "kẻ phạm tội" không những không bị trả giá mà còn được tưởng thưởng – thăng chức, "phong hàm" giáo sư, phó giáo sư!

Làm sao để thực thi Luật SHTT có hiệu quả hơn?

Người đầu tiên tôi đưa câu hỏi này là với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Đoàn Luật sư TP.HCM, ông nói: "Cần có mức xử phạt đủ nặng về mặt kinh tế và pháp lý đối với các hành vi vi phạm, xâm phạm quyền SHTT. Trước đây, theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP thì mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm Sở hữu công nghiệp tương ứng là 500 triệu đồng (với tổ chức) và 250 triệu đồng (với cá nhân). Theo các quy định hiện hành thì không có giới hạn nào cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quyền SHTT. Nhưng phải quy định rõ vi phạm ở mức nào thì xử lý hành chính, ở mức nào thì xử lý hình sự. Như vậy luật mới rõ ràng, dễ thực hiện".

Có nhiều giải pháp để ngăn chặn nạn đạo văn, trong đó, quan trọng nhất là tạo ra cơ chế cụ thể, phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả của việc xử lý những hành vi vi phạm, tạo sự răn đe cần thiết. Sửa đổi, bổ sung luật để phù hợp hơn với cuộc sống không phải khó. Nâng cao ý thức coi trọng SHTT của con người mới khó. Bởi vì chúng ta dung túng cho "thói đạo" quá lâu rồi.

Giải pháp từ gốc vẫn là phải thay đổi phương thức giáo dục hiện nay. Một trong những nguyên nhân gây nạn đạo văn là do kiểu giáo dục của ta từ trước tới nay vẫn nặng về truyền đạt kiến thức một cách thụ động cho học sinh, sinh viên. Khi hỏi về đổi mới dạy và học hiện nay, thầy Ng.V.T., giáo viên một trường phổ thông ở Hà Nội nói: "Có một số đổi mới cách dạy và học, nhưng chủ yếu vẫn là thầy, cô truyền đạt cho học sinh kiến thức và thông tin rồi đòi hỏi các em phải nhớ, chưa có những sáng tạo nào nổi bật". Thầy còn đưa ra ví dụ về việc vệ sinh trường lớp: "Một hình thức lao động nhẹ nhàng nhất là quét lớp mà học sinh cũng không phải làm, tất cả đều thuê lao công. Học sinh chỉ mỗi việc xin tiền bố mẹ để đóng tiền vệ sinh. Chẳng hạn như, một trường có 1000 học sinh, hàng tháng mỗi em đóng 5 nghìn, vậy là một tháng trường có 5 triệu tiền vệ sinh, thuê 1 lao công hết 2,5 triệu, trường vẫn còn một nửa số tiền ấy để làm việc khác...". Qua câu chuyện này đã thấy bao vấn đề được đặt ra. Làm như vậy là chúng ta đã triệt tiêu ý thức lao động của con người từ khi còn ngồi ghế nhà trường, ý thức gìn giữ vệ sinh chung của trẻ cũng không được hình thành, trẻ không biết trân trọng, quý sức lao động của người khác, coi việc hưởng thụ trên sức lao động của người khác là lẽ tất nhiên. Còn về phía nhà trường, khoản thu vệ sinh còn dư ra ấy cũng rất dễ nhập nhèm trong chi tiêu - mầm mống của những bất minh.

Viết tới đây, tôi bỗng nhớ lại hoàn cảnh thời chống Mỹ, thời bao cấp, buộc học sinh phải "tự thân vận động" đủ mọi mặt. Học sinh ở nông thôn sau giờ tan trường về phải chăn nuôi lợn, gà, phải giúp gia đình cày, cấy, thu hoạch mùa màng... Còn học sinh thành phố, đô thị hiện nay, nhiều em quá sướng, không phải làm gì ngoài học, cũng chẳng thiếu thứ gì từ ăn uống đến sách vở. Cần gì cũng được bố mẹ chiều chuộng, trang bị cho đến tận "răng". Cũng từ đó mà con người sinh ra thói quen ỷ lại, "ăn sẵn" - mầm mống sinh ra đạo chích.

Vì thế, việc thay đổi cách dạy, cách học để hình thành cho học sinh thói quen tự vận động, tránh việc dựa dẫm vào người khác, phụ thuộc vào những khuôn mẫu đã được tạo ra là vô cùng cần thiết. Tự thân vận động là cách tốt nhất giúp trẻ hình thành thói quen sáng tạo, ươm mầm khoa học cho tương lai, đất nước mới có những trí tuệ lớn.

Sở hữu trí tuệ và thực thi quyền SHTT là một vấn đề không mới ở nước ta, nhưng sẽ không bao giờ là cũ với việc nâng cao sự hiểu biết về Luật SHTT và thực thi có hiệu quả trong cuộc sống. Nhân vụ đạo thơ vừa rồi, ông Thanh bạn tôi cũng hay làm thơ, kể cho câu chuyện đạo thơ ở tuổi học trò. Chuyện là: có một cháu học sinh cấp 3 rất yêu thơ, một hôm cháu mang bài thơ đầu tay được đăng báo tới khoe với ông Thanh, ông gật gù khen hay, nhưng chỉ vài hôm sau nhận được tin bài thơ ấy là của nhà thơ Trịnh Thanh Sơn. Tòa soạn báo đăng bài thơ của cháu đến làm việc với nhà trường và gặp cháu. Lúc đầu cháu không nhận là mình đạo thơ, nhưng sau thú nhận là đã lấy bài thơ của Trịnh Thanh Sơn và ghi tên mình là tác giả. Cháu nói, đã làm thế là vì cháu gửi cho báo rất nhiều bài thơ, cháu cho là hay, nhưng không được đăng, chắc là phải "lách" với báo, hoặc có sự quen biết mới được đăng. Nay cháu thử lấy bài thơ này, ghi tên mình vào xem có được đăng không. Quả nhiên là được đăng. Được đăng báo là do chất lượng thơ chứ không phải do biết "lách" như cháu nghĩ. Sự thiếu hiểu biết về Luật SHTT đã khiến cháu vô tình mà mắc phải lỗi đạo văn.

Có lẽ còn rất nhiều người sẽ "chết vì thiếu hiểu biết". Vì thế, nâng cao sự hiểu biết về luật nói chung và Luật SHTT nói riêng lúc nào cũng là mới. Nếu mỗi người đều có ý thức về nó hẳn là nạn đạo văn sẽ giảm đi, hiệu quả thực thi quyền SHTT sẽ tăng lên.

Đ. Ngọc

Chủ đề khác