VnReview
Hà Nội

Phạt cô giáo vì comment Facebook chưa thuyết phục

Một cô giáo, một nhân viên điện lực và một công chức đã bị phạt tiền, cảnh cáo vì tội "xúc phạm uy tín, danh dự" của Chủ tịch tỉnh An Giang khi bình luận và like trên Facebook rằng "Ông chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang".

Phạt vì comment trên FB

Việc đăng bình luận, like trên Facebook cũng có thể dẫn đến rắc rối về pháp lý. Ảnh minh hoạ

Không chỉ riêng ở Việt Nam, tại nhiều nước khác, các nhà chức trách đã ra tay xử lý người dùng Facebook vì đăng những comment, hình ảnh quá đà hay like một cách vô ý thức. Như gần đây nhất, một thanh niên ở Nhật Bản đã bị bắt vì đăng clip ép con trai hai tuổi của mình hút thuốc lá. Ở Philippines, luật mới quy định nếu bạn like một status có nội dung vi phạm pháp luật thì chứng tỏ bạn đồng lõa với hành động sai trái. Bởi vậy, bạn có thể phải chịu mức án lên đến 12 năm tù giam.

Ở Việt Nam, cũng có nhiều người dùng Facebook tự gây hệ luỵ cho chính mình, nhưng phải nói sự việc cô giáo ở An Giang mới đây bị xử phạt 5 triệu đồng vì đăng bình luận nhận xét vị Chủ tịch tỉnh nhìn "kênh kiệu", "xa lánh dân nhất" là gây nhiều tranh cãi nhất. Theo văn bản xử phạt, cô giáo và một nhân viên điện lực đều bị phạt vì "xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác" theo khoản G, mục 3, điều 66, Nghị định 174 ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số điện.

Đã rất nhiều người không đồng tình với quyết định này, vì cho rằng nhận xét một ai đó "nhìn kênh kiệu" không phải là một sự xúc phạm tới ai đó. Nó cũng giống như việc khen, chê người này đẹp, người kia xấu, hay kể cả là trông "giảo quyệt", "ngớ ngẩn".

Tuy nhiên, Sở TT&TT tỉnh An Giang, cơ quan ra quyết định phạt các Facebooker trong vụ việc nói trên, có lẽ không xử phạt đoạn "nhìn kênh kiệu" trong comment. "Tội" nặng nhất trong đoạn comment ngắn ngủi của cô giáo là ông Chủ tịch tỉnh "xa lánh dân nhất". Đối với cơ quan này, cô giáo đã bình luận không đúng sự thật, vu khống lãnh đạo cấp trên.

Vậy nói một vị lãnh đạo chính quyền xa lánh dân nhất có phải là vu khống không? Tôi cho rằng không. Đó đơn giản chỉ là một nhận xét, góp ý của người dân đối với lãnh đạo chính quyền. Lẽ ra, khi được góp ý thì lãnh đạo chính quyền nên tiếp nhận, soi xét lại mình, có hành động để người dân cùng chia sẻ, hiểu rõ thì đằng này lại đi xử phạt dân.

Hiện nay, các chính khách, Bộ trưởng và ngay cả Chính phủ mới đây cũng đã tham gia mạng xã hội Facebook để gần dân, tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân để nâng cao hoạt động quản lý, điều hành đất nước tốt hơn. Nếu cứ ra tay phạt như Sở TT&TT An Giang đối với cô giáo nói trên thì e rằng người dân sau này sẽ không dám góp ý với chính quyền nữa, và rất nhiều người đã bình luận góp ý trước đó sẽ bị phạt.

Phải thừa nhận rằng, ngoài là một kênh thông tin vô tận, nhiều chiều về tất cả mọi vấn đề trong xã hội thì Facebook cũng là một thùng rác khổng lồ để người ta trút giận, bức xúc cá nhân hay nổi loạn để thể hiện mình. Việc xử phạt những hành vi quá khích, lợi dụng Facebook để xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay vu khống người khác là cần thiết để dọn bớt rác trên Facebook. Nhưng việc xử phạt của Sở TT&TT đối với cô giáo có lẽ là chưa đủ sức thuyết phục.

Mặc dù trả lời phóng viên báo Pháp luật TP.HCM, vị Chủ tịch tỉnh An Giang nói những người bị phạt, cảnh cáo cứ khiếu nại nếu thấy không thoả đáng nhưng liệu mấy ai trong trường hợp này đi khiếu nại không? Cho nên, tốt nhất là cơ quan quản lý nên làm tốt chức năng của mình, đã phạt thì phải thật nghiêm và đúng luật thì mới có thể răn đe, ngăn ngừa vi phạm thay vì cứ phạt đã, nếu người dân thấy bị phạt chưa thoả đáng thì khiếu nại như trường hợp này.

Minh San

Chủ đề khác