VnReview
Hà Nội

Quyền lực, sự thị uy và trả thù vặt…

Vụ "chê chủ tịch tỉnh bị xử phạt" tại An Giang không còn dừng lại ở mức độ nhận định về hành vi và xử phạt có thuyết phục hay không nữa, mà đã lớn chuyện thành vấn đề sử dụng quyền lực của những người có quyền lực thuộc bộ máy công quyền. Trường hợp ở đây là Chủ tịch UBND tỉnh An Giang – ông Vương Bình Thạnh, đã sử dụng quyền ‘trị dân, trị tỉnh" để… thị uy và trả thù vặt đối với ba Facebooker.

Câu chuyện ngày càng bung ra thêm những… bùng nhùng, tuy rằng nếu nhìn nó một cách nhẹ nhàng, hoặc bình thường, thì nó sẽ qua đi chỉ trong vài giờ hay lâu lắm cũng chỉ một, vài ngày.

Cũng như khi tôi viết bài đăng trên VnReview vậy, nhiều bạn đọc vào comment không nhẹ nhàng chút nào. Nhiều trường hợp comment, nói thẳng thừng ra là không chỉ chê bai mà là chửi. Tôi sẽ làm gì nhỉ? Sẽ viết ngay một bài, nêu đích danh nickname nào đó, câu chê/chửi cụ thể nào đó ra phân tích, chửi lại, hoặc tố về góc độ văn hóa, lịch sự.v.v… ư? Vậy thì ai còn đọc bài của bạn viết, ai còn muốn góp ý với bạn khi trên thực tế trong bài viết của bạn không phải là không có chỗ chưa hay, hoặc chỗ dở, chưa chính xác, hay quá lời, đầy "sạn"?...

Cần nói thẳng rằng, ông chủ tịch tỉnh có quyền dùng quyền lực của mình để điều hành bộ máy hành chính trong tỉnh, quản lí mọi mặt của địa phương và buộc dân phải chấp hành nghiêm luật pháp, nhưng phải theo hướng tích cực, ích tỉnh lợi nhà, làm cho tỉnh nhà giàu mạnh xã hội an ninh. Nên nhớ rằng quyền lực nằm trong tay ông là công quyền, và ông có quyền điều động (hay nói trắng ra là sai khiến) bộ máy công quyền dưới quyền ông thực thi các mệnh lệnh. Tuy nhiên cũng cần nhớ rằng, công quyền chỉ được phép thực thi trong công vụ và nó cũng chỉ có hiệu lực trong phạm vi đó mà thôi. Còn khi ông dùng công quyền và bộ máy công quyền vào việc xử lí những người chê ông trên Facebook, với một câu bình luận cực kì… bình thường là "Ông chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang", thì công quyền đã bị méo mó và "bẻ lái" việc sử dụng nó sang hướng cá nhân, trả thù vặt.

Với nhiều Facebooker và nhiều người trong xã hội này, câu chê kia có đúng hay không cũng chưa hẳn là thước đo đối với người bị chê, nếu có đáp trả thì cách khéo léo nhất là nhẹ nhàng và sâu sắc, hoặc chỉ cười xòa hay im lặng cho qua. Nghiêm túc hơn, từ câu bình luận đó có thể ông chủ tịch cần soi lại mình. Ông là người được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu chính quyền tỉnh để chăm lo cho dân trong tỉnh, mà bị cho rằng "xa lánh dân nhất" thì rất đáng để tự soi lại mình chứ?

Đằng này ngược lại, ông tung ra quyền lực của cương vị người đứng đầu chính quyền tỉnh, ông sai khiến cả bộ máy với 16 sở ngành, cơ quan, đơn vị (1-Phòng Tham mưu Công an tỉnh An Giang (PV11); 2-Đảng ủy khối Dân chính đảng; 3-Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA83); 4-Sở Thông tin và Truyền thông; 5-Trường THPT Long Xuyên; 6-UBND thành phố Châu Đốc; 7-Phòng GD&ĐT thành phố Châu Đốc; 8-Ủy ban kiểm tra Đảng ủy khối; 9-Sở GD&ĐT; 10-Sở Công Thương; 11-Đảng ủy khối doanh nghiệp; 12-Công ty Điện lực An Giang; 13-Văn phòng UBND tỉnh; 14-Cổng thông tin điện tử tỉnh; 15-Báo An Giang; 16-Kho bạc Nhà nước tỉnh) cùng vào cuộc xử lí những người chê ông và like cái câu chê ông trên Facebook, khiến cho vấn đề vốn bé bị xé ra to (là do ông cả mà thôi) và trở thành câu chuyện khôi hài hiếm có trong cách sử dụng công quyền tại Việt Nam từ trước tới nay.

Rồi quá trình lập biên bản thì thủ tục, hồ sơ lại sai sót tùm lum. Sơ đẳng nhất là biên bản vi phạm hành chính lập ra mà không ghi rõ ngày giờ xảy ra hành vi vi phạm, phần "người chứng kiến" thì không có ai, tên "đương sự" thì viết sai, văn bản thì nhiều lỗi chính tả, căn cứ pháp lí được viện dẫn ra để xử lí cũng không chuẩn… Đáng nói hơn, một trong ba thành viên của đoàn thanh tra lại là một người thi rớt công chức, nhưng lại được đưa vào làm thành viên của đoàn thanh tra, là hoàn toàn trái pháp luật. Bởi ở vị trí công tác đi thực thi công vụ thì phải do công chức đảm nhiệm, có công quyền trong tay.

Quyền lực, quy cho cùng nó thực sự có sức mạnh và phát huy vai trò là trong công việc, nhưng phải được thực thi một cách đúng đắn, cương trực và liên chính. Quyền lực được thực thi không đúng chỗ, bị lạm dụng, bẻ lái vào mục đích cá nhân, sự thù vặt sẽ gây ra hệ lụy rất lớn. Ông chủ tịch tỉnh An Giang mấy hôm nay trở thành tâm điểm của dư luận. cả các đại biểu tại Quốc hội là nơi nghị trường dân chủ nhất cũng không đồng tình với cách sử dụng quyền lực của ông chủ tịch tỉnh. Một vài động thái làm nhẹ vấn đề đã được tiến hành, đơn cử là UBND thành phố Châu Đốc đã có ý kiến thu hồi "văn bản cấm like" của Phòng Giáo dục & Đào tạo ban hành liên quan tới vụ việc "chê chủ tịch tỉnh bị xử phạt".

Ảnh minh họa

Ngày 20/11, khi trả lời một tờ báo, ông chủ tịch đã "gợi ý" ba đương sự bị phạt và kỉ luật; (bà Lê Thị Thùy Trang - giáo viên ở Trường THPT Long Xuyên, người đã đưa ra câu bình luận "nhìn cái mặt kênh kiệu…"; ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc – người dùng tài khoản của vợ là bà Phan Thị Kim Nga - Phó Chánh văn phòng Sở Công thương, vào "like") có quyền khiếu nại, còn ông "sẵn sàng tha thứ" vì họ đã "thấy được lỗi của mình". Bà Trang và ông Phúc đã bị Sở Thông tin & Truyền thông phạt mỗi người 5 triệu đồng vì hành vi "sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín, danh dự người khác", ông Phúc bị xử lý về mặt chính quyền, còn bà Nga vợ ông bị cảnh cáo về mặt Đảng và chuyển công tác. Tuy nhiên, báo Tuổi Trẻ chiều ngày 23/11 đăng tin cho biết, UBND tỉnh An Giang đã thống nhất yêu cầu Sở Thông tin truyền thông, Đảng ủy khối dân chính Đảng tỉnh An Giang, Sở Công thương An Giang rút các quyết định xử lý phạt hành chính và chính quyền, kỷ luật Đảng đối với 3 cán bộ mà các cơ quan này đã ra quyết định xử lý trước đó. Bà Trang đã được miễn phạt 5 triệu đồng do có đơn xin cứu xét hoàn cảnh khó khăn, ông Phúc nếu có đơn cũng sẽ được miễn, bà Nga được giảm từ hình thức cảnh cáo xuống còn phê bình.

Vậy là, dù đã "sửa sai nhưng giữ thể diện", sự thị uy của ông chủ tịch đối với những kẻ dám "vuốt râu hùm" xem như đã phá sản. Nếu không có việc sử dụng công quyền để thị uy, có lẽ câu bình luận Facebook đã chìm nghỉm từ lâu chứ không phải là câu chuyện tiếu lâm trên mặt báo suốt những ngày qua. Về mặt dư luận, nó không chỉ phá sản mà đã làm mất lòng dân ngay từ ban đầu rồi.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác