VnReview
Hà Nội

Chiếc chìa khóa xe SH “nhiễu sự” đến Cục Đăng kiểm Việt Nam

Chúng ta thường nghe câu "tinh thần thượng tôn pháp luật" trong xã hội ngày nay vì xảy ra nhiều trường hợp "chống lưng" dựa thế, CÔCC, cậy quyền… Nhưng nhìn rộng ra, một xã hội càng bất an và nhiều thứ bất trị thì mỗi công dân càng phải có tinh thần thượng tôn nhiều thứ.

Đơn cử như người có quyền trong tay thì phải luôn thượng tôn tinh thần luật pháp bất vị thân; công chức thì phải thượng tôn sự liêm chính; nhà báo thì phải thượng tôn sự thật; giới văn nghệ sĩ thì phải có tinh thần thượng tôn sự trung thực và sáng tạo; doanh nghiệp thì phải thượng tôn sự rõ ràng, minh bạch; bác sĩ, y tá thì phải thượng tôn phương châm "thầy thuốc như mẹ hiền"…

Chính vì không có sự thượng tôn pháp luật và quyền con người cho nên mới xảy ra vụ ba công dân ở An Giang chỉ chê và like câu chê về ông chủ tịch tỉnh trên Facebook mà đã bị ông chủ tịch tỉnh sai khiến tới 16 cơ quan, đơn vị nhảy vào xử càn (phạt 5 triệu đồng và kỉ luật chuyển công tác).

Chính vì không có tinh thần thượng tôn sự liêm chính mà vị Đội trưởng CSGT huyện Đakrông mới làm tờ trình đến doanh nghiệp xin vật liệu xây dựng cho sếp của mình là ông Trưởng Công an huyện xây nhà.;

Cũng chính vì không có tinh thần thượng tôn sự sáng tạo và trung thực cho nên Phan Huyền Thư mới "chày cối" trong vụ scandal sao chép bài thơ "Buổi sáng" của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan và một mực cho là do mình sáng tác.

Và còn nhiều lắm những vụ việc xảy ra vì tinh thần thiếu thượng tôn những chuẩn mực và giá trị mà dẫn đến hệ lụy và hậu quả khó lường.

Tuy nhiên điều tôi đang muốn đề cập tiếp ở đây là tinh thần thượng tôn sự minh bạch. Trong các mối quan hệ giao dịch làm ăn, kinh doanh, sự minh bạch cần phải được đặt lên hàng đầu. Có nhiều sự việc, nhỏ thôi, nếu rõ ràng từ đầu thì đã không gây ra xì xào đàm tiếu dẫn đến khủng hoảng truyền thông, hình ảnh; nhưng vì cứ cố giấu giếm hoặc khỏa lấp mà khiến cho dư luận nổi trận lôi đình thành ra to chuyện, đơn cử như câu chuyện con ruồi trong chai nước của Tân Hiệp Phát, đồng ý mức "bồi thường" nhưng sau đó lại gài thành "tống tiền", khiến cho người tiêu dùng ngày càng mất thiện cảm với doanh nghiệp này.

Mấy ngày gần đây đang rộ lên câu chuyện chiếc chìa khóa xe SH Smart Key  của hãng Honda Việt Nam "nhiễu sự". Thay vì kích hoạt tính năng cảnh báo chống trộm qua chiếc chìa khóa này thì sự cảnh báo sẽ duy trì trong khoảng thời gian 10 ngày rồi tự hủy, thì đằng này nó chỉ duy trì cảnh báo trong 10 phút. Người tiêu dùng rất sòng phẳng ghi nhận nỗ lực cải tiến công nghệ và sản phẩm của nhà sản xuất mang đến cho người dùng thêm tiện ích để bảo vệ tài sản của họ. Nhưng ngược lại, nhà sản xuất cũng phải sòng phẳng với người tiêu dùng là việc đưa công nghệ mới vào SH Việt Nam 2015 không phải "cho không biếu không" mà đã được tính vào giá, đánh vào hầu bao người dùng – tăng thêm 1 triệu đồng/xe. Vậy khi Honda SH Smart Key xảy ra lỗi về phần mềm, thì đó không phải lỗi về dịch vụ không hoàn thiện mà là lỗi sản phẩm không hoàn thiện. Nhà sản xuất giải thích rằng đó là do lỗi phần mềm vì thế phát ra chiến dịch dịch vụ từ ngày 26/10 để người dùng mang xe đến chỉnh sửa.

Thực ra xét về bản chất của sự việc, chiến dịch có tên gọi như thế nào thì cũng nhằm mục đích kêu gọi khách hàng mang xe đến để sửa chữa hoặc thay thế bộ phận bị lỗi. Thế thì ổn rồi, vì sao dư luận lại phản ứng chứ? – Vì không rõ ràng và không minh bạch. Vì dư luận luôn thượng tôn sự minh bạch trong khi Honda Việt Nam lại lập lờ mập mờ chuyển từ chiến dịch triệu hồi (do lỗi sản phẩm) sang chiến dịch dịch vụ (coi như một dịch vụ chăm sóc khách hàng). Nghĩa là khái niệm đã bị đánh tráo từ "triệu hồi" vì lỗi sản phẩm sang "dịch vụ" để chăm sóc khách hàng. Nghe sao thấy ấm áp quá chừng nhưng sự thật lại không phải vậy. Tất nhiên một khi Honda Việt Nam mập mờ, che đậy là cũng nhằm tránh bị mang tiếng sản phẩm bị lỗi và sự tổn hại về thương hiệu. Ai mà biết được một khi khái niệm bị đánh tráo sang dịch vụ chăm sóc khách hàng thì cũng dễ bị bẻ lái sang hướng "làm phước", "ban ơn" cho người tiêu dùng hay không chứ?

Luật pháp Việt Nam đã qui định rõ ràng, sản phẩm bị lỗi thì phải thực hiện chiến dịch triệu hồi để khắc phục theo đúng qui trình nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong vụ việc này, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nhanh chóng vào cuộc buộc Honda Việt nam phải tuân thủ pháp luật (thượng tôn pháp luật) và không được đánh tráo khái niệm (thượng tôn sự minh bạch) từ chiến dịch triệu hồi sản phẩm lỗi để khắc phục sang chiến dịch dịch vụ. 

Khi tinh thần "thượng tôn" của từng công dân và các tổ chức, đơn vị đặc biệt là những "đầy tớ của dân" được coi trọng và nâng cao thì xã hội cũng sẽ bớt đi sự bất an và bất trị, quyền lợi của người dân - người tiêu dùng được bảo vệ nhiều hơn. Trong đó, không thể không nhắc đến tác dụng lan truyền và tạo sóng của mạng xã hội khiến các cơ quan chức năng không thể khoanh tay đứng yên hay mặc kệ.

Một minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của mạng xã hội là vụ việc "bị côn đồ hành hung nhiều lần, cầu cứu Bộ trưởng Bộ Công an qua Facebook". Sau khi vụ việc được cậu thanh niên cầu cứu qua Face thì công an địa phương đã phải nhập cuộc xử lí vụ việc. Con đường Facebook hóa ra lại minh bạch, thẳng tuột chứ không vòng vèo, chậm chạp thậm chí thất lạc như con đường báo cáo, công văn hay đơn thư khiếu nại. vậy thì hãy thượng tôn nhiều hơn nữa đi để người dân – người tiêu dùng được nhờ.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác