VnReview
Hà Nội

Microsoft: Chia tay sớm, bớt khổ đau…

Đúng như người đời nói: Cầm lên được thì cũng phải buông xuống được. Microsoft hoàn tất thương vụ mua Nokia 7,2 tỉ USD vào đầu năm 2014. Thế nhưng bây giờ, một phần của thương vụ đó – mảng điện thoại cơ bản (feature-phone) thương hiệu Nokia - đã bị "buông tay" cho FIH Mobile Ltd., thuộc tập đoàn công nghệ Hon Hai/Foxconn, và HMD Global với giá 350 triệu USD.

Cho đến thời điểm này, nếu đặt câu hỏi thương vụ Microsoft mua Nokia giá 7,2 tỉ USD thành công hay thất bại, thì người tránh trả lời trực diện nhất cũng không thể không cho rằng: Không thành công.

Điều này thì đã thể hiện qua con số: Theo thống kê của hãng Gartner (Mỹ), quý IV/2015 Microsoft chỉ bán được 4,4 triệu chiếc smartphone (thương hiệu Lumia), tương ứng với 1,1% thị phần trên toàn cầu. Feature-phone; thương hiệu Nokia có lẽ bán được nhiều hơn về số lượng nhưng giá trị thấp, và nó cũng không thuộc sở trường hay chiến lược phát triển thiết bị đầu cuối của Microsoft.

Thực ra thông tin Microsoft bán lại mảng feature-phone Nokia khi được công bố không làm chúng ta bất ngờ. Đường hướng tái cơ cấu, tinh gọn để tập trung vào mảng then chốt chắc chắn là các cổ đông Microsoft đã biết, rồi mới lan truyền ra giới truyền thông. Tuy nhiên tâm điểm đối với giới truyền thông Việt Nam về thương vụ mua bán sáp nhập này, chính là số phận của 4.500 lao động Việt Nam làm việc tại nhà máy Microsoft Mobile tại Bắc Ninh. Đây sẽ là câu chuyện dài mà tôi sẽ đề cập ở phần sau. Còn trước hết, câu hỏi đặt ra là Microsoft "buông tay" mảng điện thoại cơ bản Nokia là thượng sách hay hạ sách bởi họ được sở hữu thương hiệu này cho điện thoại tới năm 2024?

Thứ nhất chúng ta cần lưu tâm tới những con số để phân tích tình hình: Quý I/2016, Microsoft chỉ bán ra được 15 triệu chiếc feature-phone Nokia. Nếu tính giá bình quân mỗi chiếc khoảng 30USD, thì vỏn vẹn tổng doanh số chỉ được 450 triệu USD, thế nhưng phải duy trì nhà máy, bộ máy lên đến hàng ngàn lao động, chưa nói là tỉ suất lợi nhuận của mảng feature-phone cũng không còn cao. Theo đánh giá, Microsoft chỉ cần ngồi "rung đùi" thu phí bản quyền sáng chế dùng cho thiết bị Android cũng còn hơn rất nhiều so với phần lợi nhuận của mảng điện thoại Nokia phải vất vả, trầy trật mới mang lại được.

Thứ hai, xu thế smartphone hóa đã quá rõ ràng và thị phần feature-phone đang ngày càng teo tóp. Với riêng Microsoft, tầm nhìn và chiến lược của tập đoàn này khi đi vào mảng sản xuất thiết bị đầu cuối cũng hướng đến thiết bị thông minh, vì thế một khi mảng sản xuất và kinh doanh feature-phone sa sút thì chẳng khác nào trở thành một cục nợ. Việc "chặt" sớm khối sản xuất kinh doanh feature-phone Nokia có thể sẽ giúp cho Microsoft tránh được hệ lụy và bài toán sa thải lao động phức tạp về sau. "Chia tay sớm bớt khổ đau" dù số tiền 350 triệu USD Microsoft thu về chẳng bõ bèn gì so với khoản 7,2 tỉ USD bỏ ra trước đây.

Bán đi mảng feature-phone Nokia, Microsoft sẽ rảnh tay hơn để tập trung vào mảng smartphone Lumia như thông cáo báo chí của Microsoft Việt Nam đề cập: "Microsoft sẽ tiếp tục phát triển Windows 10 Mobile và hỗ trợ cho các loại điện thoại Lumia như Lumia 650, Lumia 950, Lumia 950 XL,cũng như các dòng thiết bị từ đối tác OEM như Acer, Alcatel, HP, Trinity và VAIO".

Trong thương vụ vừa công bố có hai phần: Mảng feature-phone Nokia trên toàn cầu (gồm thương hiệu, hệ thống phân phối, cơ sở nghiên cứu, thiết kế.v.v…) được bán cho HMD Global, còn nhà máy Microsoft Mobile Việt Nam được bán cho FIH Mobile Ltd. Theo thỏa thuận "bán mình" của Nokia cho Microsoft cách đây 4 năm, Nokia sẽ được quay trở lại sản xuất điện thoại từ quý IV/2016 tuy nhiên phải lấy thương hiệu khác vì thương hiệu Nokia do Microsoft sở hữu tới năm 2024. Việc HMD Global mua lại mảng feature-phone Nokia trong đó bao gồm thương hiệu giúp cho HMD Global "châu về hợp phố" với thương hiệu Nokia của mình từng bị đem bán, đồng thời cũng nằm trong tham vọng "Nokia trở lại" muốn khôi phục phần nào đó "đế chế" ngày trước bằng "hồn Android, da Nokia".

Như vậy tính từ năm 2012 thời điểm manh nha thương vụ Microsoft – Nokia đến nay, khoảng 4 năm một "vòng luân hồi" hoán đổi vị trí thành Nokia (cũ) – Microsoft. Trong khi Microsoft muốn "chia tay sớm, bớt khổ đau" thì Nokia "cũ" muốn hồi sinh một "đế chế". Và như đã đề cập ở trên, điều mà giới truyền thông Việt Nam quan tâm chính là nhà máy Microsoft Mobile Việt Nam với 4.500 lao động hiện nay.

FIH Mobile Ltd., thuộc tập đoàn Hon Hai/Foxconn là nhà gia công điện thoại số 1 toàn cầu. Mục đích của thương vụ mua nhà máy Microsoft Mobile tại Bắc Ninh đã quá rõ: Hon Hai/Foxconn muốn mở rộng cơ sở, mạng lưới gia công. Sau chuyển giao, việc tinh giản, giữ nguyên hay mở rộng thêm sản xuất của nhà máy hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của Foxconn nhưng có một lẽ thường là không lẽ Foxconn bỏ tiền ra mua nhà máy để rồi cắt giảm nhân công, thu hẹp sản xuất? Nếu làm như thế có khác nào lãng phí tài nguyên hạ tầng, con người và số tiền bỏ ra mua lại nhà máy?...

Chưa thể nói trước được điều gì trong vấn đề này nhưng mong rằng nếu Microsoft "bớt khổ đau" được thì cũng đừng để phần "bớt" đó sang qua cho 4.500 lao động Việt Nam tại nhà máy.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác