VnReview
Hà Nội

Muốn “dẫn dắt cuộc chơi OTT” nhà mạng cần làm gì?

Mới đây trên ICTNews.vn có bài viết dẫn lời ông Nguyễn Việt Dũng – Tổng giám đốc Viettel Telecom – cho rằng "doanh nghiệp nhỏ đang dẫn dắt cuộc chơi OTT" ám chỉ trường hợp điển hình là Zalo của VNG. Đây không phải là một nhận định mới mẻ gì. Vấn đề ở chỗ, các nhà mạng có định "đồng khởi" để lật ngược thế cục?

Trước hết phải xác định rằng những OTT nào đang "dẫn dắt cuộc chơi" tại thị trường Việt Nam? Theo tôi có 3, xếp hạng theo tiêu chí số lượng người dùng thì Zalo đầu bảng, tiếp đến là Messenger của Facebook rồi Viber. Ông Dũng ám chỉ Zalo là OTT của "doanh nghiệp nhỏ" VNG, là so với Viettel có doanh thu mấy trăm ngàn tỉ đồng mỗi năm. Chứ trong làng Internet Việt Nam, chủ sở hữu Zalo không hề nhỏ khi giá trị doanh nghiệp từng được định giá khoảng 1 tỉ USD, còn doanh thu hàng năm luôn ở tốp đầu ngành Internet Việt Nam (trong đó có nhiều năm liền đứng ở vị trí số 1).

Với Messenger của Facebook và Viber thì nghiễm nhiên là doanh nghiệp lớn, chỉ có điều là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và cũng chưa đăng kí hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Như vậy nếu khu biệt ở phạm vi doanh nghiệp Việt Nam thì chỉ còn có Zalo của VNG là đang "dẫn dắt cuộc chơi".

Và cũng nếu khu biệt trong phạm vi doanh nghiệp Việt, thì hiện giờ cũng chỉ có Zalo của VNG là duy nhất lớn mạnh (về người dùng và cộng đồng). Zalo mới đây đã đạt mức 50 triệu người dùng, có thể nói là một con số khó tưởng đối với một thị trường còn phát triển thấp như Việt Nam nhưng một ứng dụng OTT đã có thể vượt lượng người dùng so với số lượng thuê bao của một mạng di động. Qua đây cũng thấy trào lưu di động hóa và sử dụng các ứng dụng, tiện ích di động miễn phí trên nền internet đang có một sức hút mạnh mẽ trong đời sống tiêu dùng của người dân Việt.

Vì sao Zalo có được điều này? Đã có nhiều bài báo nói tới đội ngũ 50 kĩ sư, lập trình viên.v.v… quên ăn quên ngủ để làm Zalo. Nhưng theo tôi còn vấn đề mấu chốt của "cái thuở ban đầu" rất quan trọng chính là sự đầu tư kinh phí: kinh phí để nuôi đội ngũ kĩ thuật công nghệ, kinh phí để làm marketing quảng bá thu hút người dùng, kinh phí để đấu được với những LINE và KakaoTalk trong những năm 2012-2014… VNG tốn lắm tiền mới có được cộng đồng người dùng tròn nửa trăm triệu như hiện nay. Nhưng đó chỉ mới là thành công - hiệu quả bước đầu thôi chứ chưa đủ. Thành công - hiệu quả trọn vẹn chỉ đến khi nào Zalo tận dụng được cộng đồng hàng chục triệu người dùng để kiếm tiền mang lại doanh thu lớn. Nói tới đây cũng cần chốt lại một vấn đề: Hàng trăm tỉ đồng VNG đầu tư vào Zalo đã không bị trôi sông trôi biển như LINE, KakaoTalk ở Việt Nam trước đây.

Xét về tiền thì, doanh thu hàng năm của VNG từ trước tới nay so với Viettel, MobiFone, VinaPhone chỉ ở mức "gãi ngứa", nhưng vì sao các nhà mạng hùng mạnh chưa làm được một ứng dụng OTT ra hồn? Quá rõ câu trả lời rồi: Đầu tư nửa vời, làm cho có, chỉ góp mặt cho chợ thêm đông…

Là bởi, các OTT của nhà mạng như Mocha (Viettel), VietTalk (VinaPhone) và Halo (MobiFone) cũng chỉ được xem là một trong số cả trăm dịch vụ giá trị gia tăng hay tiện ích mà các nhà mạng này đang cung cấp/kinh doanh mà thôi.

Là bởi, tung Mocha, VietTalk, Halo ra chưa hẳn đã mang lại doanh thu được bằng các dịch vụ khác cho nên nhà mạng cũng chẳng thiết tha quảng bá thu hút người dùng.

Là bởi, nhà mạng vẫn đang sống bằng các dịch vụ viễn thông cốt lõi chính là các dịch vụ cơ bản (thoại, tin nhắn SMS) và dịch vụ giá trị gia tăng truyền thống và chưa mặn mà với các dịch vụ, ứng dụng phi truyền thống như OTT.

Là bởi, không đẩy mạnh OTT hoặc OTT thất bại thì nhà mạng vẫn còn bình chân như vại, nhưng nếu các mảng kinh doanh cốt lõi kể trên suy giảm chỉ vài ba phần trăm trong năm thôi thì nhà mạng đã phải lo sốt vó.

OTT không phải là dịch vụ cốt lõi của nhà mạng và nhà mạng cũng chưa chọn nó làm dịch vụ sống còn. Trong khi đó, ngay từ lúc khởi điểm, OTT Zalo chưa phải là dịch vụ sống còn của VNG nhưng ban lãnh đạo VNG đã chọn Zalo là mũi nhọn quyết sống mái để mở con đường phát triển vào thời đại di động hóa (Mobilization), và đó chính là con đường sống còn trong tương lai: Từ ý chí lãnh đạo phải biến thành ý chí của cả tổ chức, doanh nghiệp; tăng các khoản đầu tư vào thời đại di động; thắt lưng buộc bụng ở những lĩnh vực khác… để đầu tư cho OTT biến di động hóa trở thành một chiến lược kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.

Còn các nhà mạng thì sao? Miễn phí truy cập internet di động khi sử dụng OTT của nhà mạng, nhưng các dịch vụ nhắn tin, gọi điện lại phải mua gói cước. Giữa miễn phí và có phí đã rất khác để thu hút được người dùng, chưa nói rằng các ứng dụng OTT của nhà mạng cũng chẳng được chăm sóc thường xuyên với các dịch vụ đi kèm, thì làm sao quyến rũ được người dùng, đặc biệt là giới trẻ?

Phân tích ra như vậy nhưng không có nghĩa là đáng trách móc nhà mạng. Mỗi doanh nghiệp hay mỗi loại hình doanh nghiệp có một đường hướng, chiến lược phát triển miễn là kinh doanh hiệu quả và thành công. Không đẩy mạnh được OTT nhưng nếu Viettel, VinaPhone, MobiFone vẫn tăng trưởng và kinh doanh hiệu quả thì cũng rất đáng hoan nghênh. Và như thế có khi Zalo lại thầm "cảm ơn các anh" vì tránh được những đối thủ cạnh tranh đáng gờm.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác