VnReview
Hà Nội

Làm luật để dân… phỏng đoán sao?

Xung quanh Điều 292 của Bộ luật Hình sự năm 2015 khiến giới start-up (khởi nghiệp) Việt Nam lo ngay ngáy vì không khéo sự nghiệp khởi nghiệp chưa đến đâu thì đã có thể trở thành tội phạm. Nhiều ý kiến cho rằng, luật cứ qui định thế chứ chưa chắc đã "xử" ngay, nhưng phải có "cây roi" để khi cần là mang ra "quất". Thế thì "con" Dân, "em" Doanh nghiệp mới càng nơm nớp…

Lo là có nguyên do

Điều 292 của Bộ luật Hình sự năm 2015 mà các start-up đang e ngại có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 tới qui định về việc cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Theo đó, các cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ mà không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi từ 50-200 triệu đồng hoặc có doanh thu từ 500 triệu - 2 tỉ đồng sẽ bị phạt tiền từ 200-500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.

Các lĩnh vực bị điều chỉnh bởi Điều 292 gồm: Kinh doanh vàng tài khoản trên mạng, sàn giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp, hoạt động trung gian thanh toán, trò chơi điện tử trên mạng và các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông...

Tại sao các tổ chức khởi nghiệp lo lắng, đặc biệt là các tổ chức khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng máy tính và viễn thông? Nỗi lo này có căn nguyên của nó.

Căn nguyên đầu tiên: Các nhóm khởi nghiệp ở Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ thường bắt đầu từ vài ba người hoặc thậm chí là một cá nhân. Trường hợp thứ nhất, họ tự làm ra các sản phẩm, dịch vụ tiện ích (như các ứng dụng di động, game.v.v...) và ngày nay với sự hỗ trợ mạnh mẽ của internet họ hoàn toàn có thể tự tổ chức bán hàng thông qua các chợ ứng dụng trên mạng hoặc trên website, mạng xã hội của đơn vị khác. Trong trường hợp này tương tự như người nông dân Việt trồng lúa, hoa hay vải…, tự mang đến điểm thu mua để bán hoặc bị ép giá quá thì mang ra chợ, vỉa hè bày bán. Có ông bà nông dân nào nghĩ rằng phải xin cái giấy phép kinh doanh đâu. Ngàn đời nay là thế rồi. Các start-up ngày nay cũng vậy, tự nhiên chứ chẳng ai thôi thúc hay nhờ học hành bài bản kinh doanh, họ quẳng lên các chợ ứng dụng như của Google hay Apple.

Trong trường hợp các start-up muốn đẩy mạnh bán hàng, mở rộng thị trường, cần có một pháp nhân để kí kết hợp đồng, xuất các hóa đơn, chứng từ.v.v…, thì họ phải tìm hiểu để thành lập công ty, còn không thì phải nhờ bên thứ hai phân phối sản phẩm, dịch vụ cho mình và đối tác này phải tự lo giấy phép bán hàng hay kinh doanh gì đó.;

Trên thực tế, làm thủ tục lập công ty chẳng có gì khó khăn trong xã hội hiện nay. Nhưng bên lĩnh vực nội dung số hay internet nói chung, xin được những cái giấy phép cho sản phẩm game được lưu hành, sàn giao dịch thương mại điện tử, cổng thanh toán, hay một số ứng dụng tiện ích mới trên nền viễn thông internet lại không hề dễ. Không dễ vì có quá nhiều giấy phép con. Không dễ vì có những thứ chưa có luật điều chỉnh. Không dễ vì rơi vào lĩnh vực… nhảy cảm cho nên cũng phải rất nhạy cảm mới kiếm được cái giấy phép. Hay nói trắng như không ít Facebookers thẳng thắn trên mạng là nếu không biết điều thì còn lâu mới xin được giấy phép.

Thời đại internet đi nhanh vùn vụt mà một ứng dụng hay "con" game cho di động mà phải chờ giấy phép mất vài tháng hay cả năm thì đến khi tung ra chính thức đã trở thành nguội lạnh với xu thế tiêu dùng. Còn muốn "cầm đèn chạy trước ôtô" ư? Như không ít Facebookers dùng hình ảnh là: "dao càng gần cổ".

Sao để luật bị hiểu theo kiểu "hiểu sao cũng được"? 

Cần khẳng định rằng, đã kinh doanh thì phải xin phép, ở xã hội nào cũng thế. Xã hội càng thượng tôn pháp luật thì càng phải chấp hành qui định này.

Nhưng từ qui định tại Điều 292 và nỗi lo của start-up Việt, có thể hiểu vì sao một qui định để đưa các hoạt động kinh doanh vào hành lang pháp lí lại gây hoang mang, lo lắng cho họ đến vậy.

Đầu tiên, đó là các khái niệm "kinh doanh" "cung cấp dịch vụ", "cung cấp dịch vụ trái phép" trên mạng máy tính và mạng viễn thông. Các start-up Việt đưa những ứng dụng, game lên các kho ứng dụng của Google, Apple để bán có phải là kinh doanh, cung cấp dịch vụ hay không, và như vậy có bị xem là trái phép hay không? Và việc phân phối qua kênh này có gì khác với việc mở website tại Việt Nam để bán các sản phẩm, dịch vụ tự làm ra?

Các luật sư giải thích đây không phải là kinh doanh, nhưng khi luật không rõ ràng, vụ việc nếu rơi vào vòng xử lí của các cơ quan chức năng, cơ quan tố tụng, các cơ quan này hiểu theo cách đó là kinh doanh, là cung cấp dịch vụ không có giấy phép và có nguồn thu bị chế tài theo qui định, thì nguy cơ start-up "xộ" khám là rất cao.

Luật mà để cho người dân và doanh nghiệp lo lắng, giới rành luật thì hiểu cách nào cũng được thì rõ ràng là không ổn. Và hệ lụy không ổn lớn nhất ở đây là dễ tạo ra môi trường cho tệ nạn vòi vĩnh, nhũng nhiễu, tham nhũng, nếu không được thì hình sự hóa, dẫn đến bị oan sai… Còn rành rành ra đó vụ án cà-phê Xin Chào, ông Trưởng Công an huyện Bình Chánh chỉ bị tạm đình chỉ công tác mà chưa thấy xử lí dứt điểm. Còn đó vụ án cái "Chòi vịt" vừa đau đớn, phẫn nộ và khôi hài.

Sự bất an về luật "hiểu sao cũng được" là có nhưng vẫn còn có thể khắc phục bằng các văn bản pháp qui dưới luật hướng dẫn thi hành. Nhưng câu chuyện xin giấy phép với hàng chục thứ điều kiện đặt ra trong thủ tục xin giấy phép lưu hành sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp khởi nghiệp hầu như khó có thể đáp ứng được chính là những "vùng tối" mà chẳng ai có thể làm sáng lên được ngoại trừ chính các cơ quan chức năng. 

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác