VnReview
Hà Nội

Khi san hô “rừng trong biển” bị hủy diệt

Những mùa hè trước gia đình tôi thường đi biển, khi về hay mua một số đồ lưu niệm bằng san hô. Hè này gia đình không về với biển, vì vẫn bị ám ảnh bởi "chuyện cá chết". Mọi người trong gia đình nói, chất độc do nhà máy luyện cốc của Formosa thải ra làm cho hơn 400 ha san hô chết, còn lắng đọng thì nước vẫn còn ô nhiễm. Khắc phục hậu quả này còn lâu lắm. Và câu hỏi về đạo đức môi trường lại vang lên mỗi khi nhắc tới san hô?

1-;Tôi mang câu chuyện nhà không đi biển mùa này và cũng có thể của nhiều gia đình khác, trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Thông, nguyên Viện phó Viện khí tượng biển, ông nói: "Nỗi băn khoăn của những người trong gia đình cũng có lý, nước thải từ nhà máy luyện cốc gồm nhiều kim loại nặng như chì, crom, nhất là cyanua… đều là các chất độc. Cyanua là một trong những chất độc nhất trên trái đất. Chỉ cần khoảng 50 - 200mg cyanua xâm nhập qua đường ăn uống cũng đủ làm chết một người khỏe mạnh. Cynaua có thể tồn tại dưới nhiều hình thức: thể rắn, lỏng, vì thế việc phục hồi hoàn toàn hệ sinh thái biển là một việc khó khăn, tốn nhiều thời gian. Các cơ quan chức năng phải đánh giá xem lớp trầm tích dưới đáy biển, san hô còn tồn lưu chất độc không, mức độ như thế nào".

San hô được các nhà hải dương học ví là "rừng nhiệt đới của biển". Những rạn san hô tồn tại là biểu hiện đầy đủ của hệ sinh thái ven biển, là nền, lá chắn cho hệ sinh thái ngoài khơi. Rạn san hô là nơi cư trú của các loài sinh vật đáy và các loài cá. Các rạn san hô này cũng được chia ra làm nhiều tầng và mức độ che phủ như rừng nhiệt đới. Theo khảo sát do của nhóm công tác Tiểu ban san hô của Dự án Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tiến hành cách đây 3 năm, Việt Nam có khoảng 1.222 km2 rạn san hô; 340 loài trong tổng số 800 loài san hô của thế giới, phân bố từ Bắc tới Nam. Rạn san hô biển tập trung với mật độ cao ở vùng biển Nha Trang, Trường Sa, Hoàng Sa, biển Hòn Mun, Khánh Hòa. Sống cùng với hệ sinh thái này là trên 2000 loài sinh vật đáy và cá, trong đó khoảng 400 loài cá san hô cùng nhiều hải sản quý.

Hơn 400 ha san hô ở vùng biển miền Trung bị chết trong vụ xả thải chất độc của Formosa vừa qua, được ví như hơn 400 ha rừng nguyên sinh của nước ta bị phá hoại. San hô suy thoái và bị tiêu diệt đồng nghĩa với các nguồn lợi thủy sinh bị suy giảm nghiêm trọng.

Vì chưa đánh giá được hết tác hại của các loại chất thải độc hại làm mất giá trị kinh tế biển nên khoản tiền 500 triệu USD mà Formosa bồi thường cho các thiệt hại có thể chưa thỏa đáng.

Qua các vụ xả thải của Công ty Vedan trước đây, Formosa, nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang hiện nay (đều là các doanh nghiệp của Đài Loan), có thể họ nghĩ rằng Việt Nam "đói đầu tư" nên dễ dàng chấp nhận các điều kiện về môi trường để làm kinh tế, nên đều đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Thiết nghĩ, nhân dịp này các cơ quan chức năng cần điều tra việc sử dụng công nghệ của tất cả các doanh nghiệp của Đài Loan đã đầu tư vào nước ta, xem doanh nghiệp nào còn dùng công nghệ lạc hậu không đảm bảo vệ sinh môi trường, đừng để đến khi họ thải ra chúng ta mới khắc phục. Dư luận cho rằng, việc xử lý của chúng ta với "vụ Formosa" chỉ là "tạm chấp nhận", chứ chưa thỏa lòng mong đợi của công chúng. Lẽ ra chúng ta cần đình chỉ hoạt động của Formosa và Lee & Man Hậu Giang để cho họ và các nhà đầu tư khác thấy, Việt Nam cương quyết nói không với các công nghệ bẩn.

2- Còn bao nhiêu rạn san hô nước ta bị hủy diệt? Ngày 6/5/2016, tại Hội thảo An ninh môi trường tại biển Đông do Trung tâm Đông -Tây tổ chức tại thủ đô Washington, Mỹ, mà Đài truyền hình Việt Nam phát sóng, đã đưa ra những con số đáng chú ý: "80% các rặng san hô ở vùng biển Đông bị suy giảm, dẫn đến suy giảm nguồn cá, vì san hô chính là môi trường sinh thái để các loài cá biển phát triển.Thời gian gần đây, Trung Quốc đã tiến hành hoạt động tôn tạo, xây dựng ồ ạt một loạt các đảo nhân tạo với quy mô lớn tại biển Đông. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới những tác động tiêu cực về môi trường tại vùng biển này". 

Việc khai thác và xây dựng bừa bãi tại biển Đông, mà rõ nhất là tại các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng tại Trường Sa đang ngày càng trở thành mối lo ngại lớn về sinh thái. Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng bảo vệ san hô tại biển Đông, trước khi tình hình trở nên quá muộn. Tạp chí PLOS Biology, ngày 31/03/2016, và Vietnamnet (bản tiếng Anh" qua bài China's actions in East Sea destroycoral reefs: US ecologist, ngày 1/4/ 2016) nêu rõ: San hô tại Trường Sa không chỉ là nạn nhân của việc mở rộng, bồi đắp trực tiếp, mà còn đe dọa bị hủy diệt hàng loạt do việc nạo vét lòng biển bằng phương thức hút. Hoạt động này để lại vô số các trầm tích, trùm lên các rạn san hô, khiến chúng rất khó hồi sinh. Nhóm nghiên cứu ra thông cáo kêu gọi thành lập tại quần đảo Trường Sa, biển Đông một vùng biển được bảo vệ, tương tự như các vùng biển được bảo vệ tại Nam cực (Antarctica Protected Areas). Nhà hải dương học Paul Berkman cho rằng: "Cứu nguy san hô tại Trường Sa nằm trong chủ trương bảo vệ an ninh môi trường nói chung, cần được ưu tiên hàng đầu".

3- Qua một vài vụ gây ô nhiễm môi trường, nhất là vụ Formosa, chúng ta càng hiểu sâu về phát triển bền vững và đạo đức môi trường. Để bảo vệ môi trường thực sự có hiệu quả, ngoài việc áp dụng những giải pháp kinh tế - kỹ thuật thì giải pháp nâng cao đạo đức môi trường cũng phải được chú ý đặc biệt. Nên đưa yêu cầu bảo vệ môi trường thành một tiêu chí đánh giá đạo đức con người.

Hẳn là nhiều người còn nhớ bức thư của thủ lĩnh bang Seatle gửi Franklin Pierce, Tổng thống Mỹ. Năm 1854, Tổng thống muốn mua niếng đất của thổ dân da đỏ, vì ông quan niệm, đất đai là một thứ hàng hoá và có thể mua bán được. Nhưng với người da đỏ ở Seatle, đất đai cùng với con người và sinh vật ở đó là một giá trị thiêng liêng. Thủ lĩnh Seatle đã thay mặt cộng đồng da đỏ viết thư trả lời Franklin Pierce, có đoạn: "Con người là gì, nếu cuộc sống thiếu những con thú? Và nếu chúng ra đi thì con người cũng chết dần chết mòn vì nỗi buồn cô đơn về tinh thần, bởi lẽ điều gì sẽ xảy đến với con thú thì cũng sẽ xảy ra với chính con người". Bức thư này đến nay vẫn được xem là hay nhất khi viết về quan hệ giữa con người với tự nhiên. Vì qua đó đã phản ánh thái độ nhân đạo nhất của con người đối với môi trường - đất đai, biển cả và sinh vật. Nơi con người sinh sống không phải là một thứ hàng hoá như ngày nay ta thường quan niệm; con người cũng không phải là kẻ thống trị của muôn loài, mà con người chỉ là một phần tất yếu của giới tự nhiên, của vũ trụ. Nhà môi trường học Mỹ Aldo Leopold từng nói: "Một hành động chỉ được coi là đúng nếu nó nhằm bảo vệ sự toàn vẹn, ổn định và vẻ đẹp của cộng đồng sinh vật; ngược lại thì là sai lầm".

Một số người Việt Nam cư xử với giới tự nhiên và cụ thể là san hô ra sao? Cách đây không lâu tôi đọc trên các phương tiện truyền thông những dòng tin: Một số khu bảo tồn thiên nhiên biển như Hòn Mun (Khánh Hòa), Núi Chúa -Ninh Thuận, dân khai thác san hô cũng đã đột nhập vào. Họ lấy san hô sống để làm đồ mỹ nghệ, san hô chết thì làm nguyên liệu cho các lò nung vôi, xây đầm nuôi tôm; Với giá trên thị trường trên dưới 2 triệu đồng/kg, san hô đen đang được thợ lặn đảo Lý Sơn -Quảng Ngãi truy lùng ráo riết. Khai thác san hô bừa bãi không chỉ xảy ra ở vùng biển miền Trung mà cả tại vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới. Trước đây con người ít làm hại đến san hô, nhưng nay nhu cầu xây đá mỹ nghệ, hòn non bộ, trang trí nội ngoại thất ngày càng nhiều nên tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán san hô ở các địa phương ven biển diễn ra rất phức tạp. Vì lợi nhuận, nhiều người đã làm ảnh hưởng đến sự hình thành tự nhiên của dải san hô, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, khiến các nhà môi sinh phải kêu lên thảng thốt: Cứ đà này chỉ khoảng 20 năm nguồn san hô của chúng ta sẽ cạn kiệt và hải sản cũng sẽ theo số phận ấy!

Để bảo vệ các loài san hô biển, phát triển các nguồn lợi kinh tế do các rạn san hô mang lại, cùng với việc tuyên truyền, giáo dục về đạo đức môi trường, thiển nghĩ, nhân việc sắp xếp, chuyển đổi nghề cho những hộ ngư dân bị ảnh hưởng bởi vụ Formosa, các địa phương cũng nên sắp xếp việc làm cho những người chuyên đi khai thác san hô bất hợp pháp. Cho họ cơ hội có việc làm là đồng nghĩa với việc ngăn chặn khai thác san hô bừa bãi.

Còn tôi, nhìn những món đồ lưu niệm bằng san hô mua trong những chuyến đi biển, thấy đó như một lời nhắc nhở, sám hối về một thời lầm lỗi đã vô tình tiếp tay cho những người khai thác bừa bãi, hủy diệt san hô.

                                                                                                       Đ.Ngọc

Chủ đề khác