VnReview
Hà Nội

Tư duy “nếu” và hệ lụy tháo chạy…

"Nếu Uber tiếp tục lách luật trốn thuế sẽ bị phá sóng", ông Nguyễn Quang Tiến - Vụ trưởng, Phó trưởng ban thường trực Ban cải cách (Tổng Cục thuế) khẳng định như vậy trên báo chí từ ngày 21/6/2016. Tuy nhiên đến nay;đã hơn một tháng, không biết lời khẳng định trên của ông Tiến đã được triển khai thực thi hay chưa?

Chắc chắn là chưa, "Uber vẫn tiếp tục lách luật trốn thuế…", nhưng các cơ quan chức năng, trong đó có Tổng cục Thuế, chưa triển khai thực thi giải pháp mạnh mẽ như lời ông Tiến đã khẳng định: Phá sóng.

Như vậy là "bài ca chữ nếu" trong môi trường quản lí nhà nước và thực thi pháp luật ở nước ta, vẫn tiếp tục là một điệp khúc bất khả thi mà thôi. Và cứ như thế, nghiễm nhiên những câu "nếu…" đã trở thành một giải pháp nói lấy được mang tính tình thế trước công luận hơn là nói là làm hay nói đi đôi với làm.

Có thể tham khảo vụ Bigo Live mới đây. Sau khi ứng dụng này để xảy ra các vụ "show hàng" hở hang bị cơ quan chức năng là Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho là "trái thuần phong mĩ tục" của Việt Nam, và đánh tiếng sẽ "chuyển sang xử lí hình sự và ngăn chặn bằng biện pháp kĩ thuật", thì Công ty vận hành ứng dụng này đã phải điều chỉnh. Cụ thể là, hàng loạt các tài khoản của người dùng tại Việt Nam tiếp tục "show hàng trái thuần phong mĩ tục" liền bị Bigo Live chặn tài khoản. Tài khoản bị chặn coi như vô hiệu không còn được sử dụng, nếu đã tích lũy được quyền lợi gì (từ quyền lợi tài chính đến sức hút kết nối và người xem) coi như mất trắng. Bigo Live làm thế, chắc chắn đã răn đe được không ít người dùng có hành vi không được các cơ quan quản lí chấp nhận.

Như vậy có phải là các nhà cung cấp dịch vụ không biết sợ pháp luật và cơ quan quản lí? Có phải người dùng "điếc không sợ súng" trước những cảnh báo của nhà cung cấp dịch vụ? Biết sợ đấy, dù chẳng cần tới biện pháp hình sự dễ gây ra dư luận trái chiều hoặc thiếu thuyết phục. Chỉ cần sử dụng biện pháp kĩ thuật thôi, là "ngăn chặn", là "phá sóng", là hoàn toàn có thể "quản" được, buộc nhà cung cấp dịch vụ, dù đặt máy chủ ở nước ngoài và dùng tên miền quốc tế gì gì đi nữa.

Lúc này lại phải nhắc lại cái điệp khúc đụng đến vấn đề cốt lõi: Nếu các cơ quan quản lí nhà nước chỉ "nếu" mà không họp lại với nhau để đưa ra biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết, thì Uber sẽ tiếp tục "bơ bơ" chứ không chịu điều chỉnh cách hoạt động (như động thái của Bigo Live).

Cũng có ý kiến cho rằng, việc chặn tên miền hay máy chủ như là "chặt đầu Phạm Nhan", nghĩa là chặn chỗ này họ mở ra chỗ kia, sao xuể. Chẳng sao cả. Muốn làm dịch vụ đưa đến cộng đồng người tiêu dùng rộng rãi trên thị trường phát triển được tốt và ổn định, thì các dải địa chỉ IP hay tên miền cũng phải ổn định. Sự thay đổi địa chỉ IP hay tên miền xoành xoạch là điều tối kị đối với những sản phẩm, dịch vụ cung cấp công khai trên thị trường. Người dùng truy cập không vào được, riết rồi họ chán và sẽ chuyển sang dịch vụ của nhà cung cấp khác và có thể là của đối thủ cạnh tranh. Để xem lúc ấy, những nhà cung cấp tiếp tục "lách luật trốn thuế" (lời ông Tiến) hay tạo môi trường trốn thuế cho các chủ xe/tài xế đối tác có còn tiếp tục "ung dung" như bây giờ được không?

Nhưng bây giờ tôi khẳng định lại lần nữa là chưa thấy "phá sóng" như lời ông Tiến nói, vì bản thân tôi đi thử Uber những ngày qua cũng như những người xung quanh, chẳng thấy có điều chỉnh khác gì lâu nay cả. Cho dù những tháng gần đây, với tai tiếng trốn thuế và tạo môi trường trốn thuế cho các chủ xe/tài xế thì lượng xe cũng như thị phần của Uber tại Việt Nam đã sa sút.

Đã có lợi thế về công nghệ, lại thêm lợi thế về… "lách luật trốn thuế", thì taxi truyền thống lao đao và sụt giảm doanh thu là điều khó tránh, thị trường vận tải bằng taxi nghiêng ngả bởi sự bất bình đẳng trên cùng một mặt bằng thị trường kinh doanh là hệ quả tất yếu. Ai phải bù đắp cho những sa sút đó? Tất nhiên, với lợi thế cạnh tranh nhờ công nghệ mới thì các hãng taxi truyền thống "phải tự cứu mình trước khi trời cứu". Nhưng về môi trường cạnh tranh bất bình đẳng, thì trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan chức năng và quản lí nhà nước chứ không ai khác.

Bên này đóng thuế cho nhà nước thì chết dần chết mòn. Bên kia "lách luật trốn thuế" và tạo môi trường trốn thuế thì vẫn cứ "phây phây" xem luật bằng cái vung. Nên nhớ rằng, ở Trung Quốc, Uber phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Nhưng với những thị trường nhỏ hơn, Uber cậy mình là start up lớn toàn cầu (định giá 42 tỉ USD) nên phớt lờ luật pháp về thuế nước sở tại. Trong đó, sự phớt lờ nghĩa vụ thuế tại Việt Nam của Uber là một điển hình.

Chúng ta đang bất lực, chúng ta đang phớt lờ, chúng ta đang xuê xoa cho các dịch vụ khởi nghiệp từ nước ngoài cung cấp vào Việt Nam; nhưng chúng ta lại chặt chẽ đến ngột ngạt đối với doanh nghiệp khởi nghiệp ở một số lĩnh vực trong nước (như lĩnh vực thông tin nội dung số). Chính vì sự mất bình đẳng trong môi trường kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp Việt không chịu được đã phải bắt đầu chạy sang Singapore mở pháp nhân rồi cung cấp dịch vụ ngược về Việt Nam, bất chấp vất vả để đổi lấy sự an toàn về pháp lý. Thế nhưng, các dịch vụ xuyên biên giới từ nước ngoài thì "miễn", trốn được rất nhiều thủ tục tại Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là nghĩa vụ thuế.v.v… Đó là hệ quả của cách quản lí nói mà không làm, nói nhiều làm ít và làm không quyết liệt tới nơi tới chốn. Và đặc biệt là tư duy, là thói quen: Nếu…

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác