VnReview
Hà Nội

Mua sắm qua mạng xã hội đang “trên cơ” website thương mại điện tử

Những năm gần đây, nhiều người lập Fanpage bán hàng trên Facebook và bán hàng online qua mạng xã hội. Hình thức bán hàng này còn là nghề tay trái, nhưng đem lại thu nhập chính cho một số người làm công việc văn phòng ở cơ quan nhà nước. Bán hàng qua mạng đang ở thế thượng phong, tỏ ra "trên cơ" thương mại điện tử ở nước ta.

Hỗ trợ hay triệt tiêu nhau?

Mạng xã hội lớn nhất thế giới là Facebook, thứ đến là Twitter, Instagram, ở Việt Nam là Zing Me. Mạng xã hội được nhiều chuyên gia tin học và kinh tế nhận định đang ở vào "thời kỳ hoàng kim". Đồng hành với nó báo chí xã hội, đặc biệt là hình thức marketing và bán hàng qua mạng xã hội đang phát triển với nhiều hình thức và phương pháp đa dạng.

Chị Bùi Thu Hương, trước đây chuyên bán hàng khô ở chợ Hàng Da, nhưng giá thuê kiốt đắt, chị không thuê nữa mà về nhà sắm máy tính, điện thoại di động thông minh và những thứ cần thiết khác để bán hàng qua mạng. Chị bảo: "Mạng xã hội có thể giúp người mua tìm hiểu giá và so sánh giá bán của cùng một sản phẩm từ nhiều nhà cung cấp khác nhau. Chúng tôi bán hàng qua Facebook chủ yếu là khách quen, là bạn bè, hoặc được dẫn mối nhờ bạn bè nên khá thuận tiện. Facebook càng thêm nhiều tính năng thì việc kinh doanh của chúng tôi càng thuận lợi".; Khách hàng đầu tiên là người thân, bạn bè sau đó mở rộng, "cửa hàng" của chị giờ không chỉ có hàng khô như trước mà rất nhiều chủng loại, kể cả hàng xách tay.

Cháu Quỳnh Anh, là nhân viên văn phòng của một quận thuộc Hà Nội, từ 2 năm nay cũng thêm nghề tay trái - bán hàng qua mạng. Cháu bắt đầu kinh doanh hàng nhập khẩu phục vụ mẹ và bé em qua Facebook. Bình quân mỗi tháng, doanh thu "cửa hàng" của cháu 70 triệu đồng, lợi nhuận 10%, (7 triệu đồng), cao hơn lương làm ở văn phòng.

Còn cháu Tô Ánh Nguyệt, cách đây 2 năm, khi còn học lớp 12, cứ mỗi độ tết đến cháu đi mua những đôi giày vải mầu trắng đủ cỡ, rồi vẽ lên đó hình 12 con giáp và bán qua Facebook, khách hàng của cháu từ trẻ tới già, ai tuổi gì thì chọn đôi giày có hình con vật phù hợp với mình. Bây giờ cháu đã là sinh viện khoa đồ họa của trường Kiến trúc. Bán hàng qua mạng đã trở thành nghề phụ giúp cho đủ tiền ăn học, không phải phụ thuộc vào gia đình. Tôi hỏi cháu: "Từ đầu tháng 6 năm nay, Facebook đưa thêm tính năng Shop (mua sắm), cháu thấy chức năng này thế nào?". Không chần chừ, cháu nói :"Trước đây cháu phải đăng thông tin, hình ảnh sản phẩm trên trang Facebook của mình. Như thế, người xem phải di chuyển chuột, kéo xuống từng sản phẩm, rất mất thời gian. Với tính năng Shop của Facebook thì sản phẩm được trưng bày như một cửa hàng, rất dễ dàng cho người mua. Tính năng Shop cho phép bất kỳ người dùng hay doanh nghiệp nào cũng có thể tạo nhanh một "cửa hàng trực tuyến" với các hạng mục sản phẩm gồm hình ảnh và thông tin từng sản phẩm, giá bán, số lượng, phương thức giao hàng, có nút liên lạc kèm theo". Chị Hương và cháu Quỳnh Anh cùng chung nhận xét: "Tính năng mới của Facebook giúp người bán dễ dàng quản lý sản phẩm và chăm sóc khách hàng. Hai bên, ngoài trao đổi qua email, gọi điện thoại, nhắn tin, người mua còn có thể "chat" với người bán qua Facebook ".

Cuộc khảo sát "mini" của tôi với ba nhân vật bán hàng qua mạng, chưa thể rút ra được kết luận gì lớn lao, nhưng ít nhất cho thấy, tiềm năng, sức mạnh của mạng xã hội trong lĩnh vực kinh doanh và marketing online là rất lớn. Nếu nắm bắt được xu hướng và trào lưu của mạng xã hội, hay tạo ra nó, bạn sẽ không phải tốn một xu nào cho quảng bá sản phẩm mà hiệu quả của nó đem lại gấp nhiều lần so với những hình thức marketing khác.

Theo Cục Thương mại điện tử của Bộ Công thương: mua sắm qua các diễn đàn hoặc mạng xã hội tăng mạnh, từ 53% năm 2014 lên 68% năm 2015. Năm 2015, 28% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có tiến hành quảng cáo hoặc bán hàng qua mạng xã hội, tăng 4% so với năm trước; dự báo năm 2016, tỷ lệ mua sắm qua mạng xã hội tăng lên khoảng 34%.

Giữa năm 2015 khách hàng thấy xuất hiện một địa chỉ mới: Mouoc.vn và có thể coi đó là mạng xã hội mua sắm đầu tiên tại Việt Nam. Trang mạng này ra đời với ước mơ "thay đổi trải nghiệm mua sắm của 90 triệu người Việt Nam, nếu không thể mua sắm tại các Trung tân thương mại thì mọi người có thể ngồi tại nhà cùng chia sẻ, tìm kiếm, thảo luận, mơ ước về một sản phẩm nào đó".

Với sự phát triển nhanh của việc mua sắm qua mạng xã hội, nhiều người dự báo hình thức mua sắm này sẽ "giết chết thương mại điện tử Việt Nam". Nhưng tôi nghĩ khác, dự báo này thiếu cơ sở, vô tình đã gieo vào lòng nhiều người cái nhìn bi quan về nền Thương mại điện tử (TMĐT) nước ta. TMĐT nước ta đang có bước phát triển nhanh nhờ hệ thống viễn thông phát triển với khoảng 1/3 dân số Việt Nam truy cập Internet. Thương mại điện tử trên di động (m-commerce) không còn là xu hướng mà đã trở thành một công cụ chính yếu trong mua sắm qua mạng của người Việt Nam.

Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương cho thấy, năm 2015, tỷ lệ người mua sắm qua website bán hàng hóa/dịch vụ là 76%, tăng 5% so với năm 2014. Trong các hình thức của TMĐT thì mua sắm qua website bán hàng vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất. Báo cáo năm 2015 của eMarketer, một hãng nghiên cứu đến từ Mỹ, cho thấy: tỷ lệ website có tính năng đặt hàng trực tuyến ở Việt nam là 58%, trong đó tỷ lệ website có tính năng thanh toán trực tuyến là 15%. Việc phổ cập Internet, 3G, 4G đang triển khai và các thiết bị di động đã tiếp thêm sức mạnh để TMĐT Việt Nam cất cánh.

Nhìn vào những số liệu trên và căn cứ vào giá trị mua hàng trực tuyến của mỗi người Việt năm 2015 tăng thêm 30 USD so với năm 2013, doanh số mua bán trực tuyến của Việt Nam năm 2015 đạt gần 4 tỷ USD, càng thấy sức vươn lên TMĐT. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của hình thức mua sắm này đã chậm lại so với trước đây. Trong năm 2014-2015 chúng ta chứng kiến một số trang TMĐT ở Việt Nam phải dừng hoạt đông như beyeu, deca, cucre hay sự sang tên đổi chủ của Foodpanda, 123mua. Việc dừng hoạt động của các công ty trên là do những vấn đề nội sinh của nó, như vốn, con người, thời điểm và độ trải nghiệm thị trường, chứ không phải "chết vì sự cạnh tranh khốc liệt với hình thức bán hàng qua mạng xã hội".

Nhìn ở một góc khác, mạng xã hội còn được sử dụng làm công cụ quảng bá cho các website TMĐTvà được đánh giá là có hiệu quả, đang góp phần thúc đẩy TMĐT tại Việt Nam. Chẳng hạn như, với tính năng Shop các trang TMĐT không phải xây dựng ứng dụng "chat" (trò chuyện, trao đổi trực tiếp với nhau thông qua Internet bằng cách gõ nội dung từ bàn phím hoặc nói qua micro) riêng mà có thể tận dụng tính năng này của Facebook để kết nối với khách hàng. Mỗi hình thức bán hàng đều có điểm mạnh, điểm yếu, ở thời điểm này mua sắm qua mạng xã hội có cơ hội thành công nhiều hơn các trang TMĐT, nhưng không thể "bức tử TMĐT" mà cạnh tranh để cùng phát triển. Thành hay bại của hai hình thức mua sắm trên, một trong những yếu tố quyết định vẫn là giá cả, chất lượng hàng hóa.

Chất lượng hàng hóa là số 1

Chị Bùi Thu Hương, trong khi trò chuyện với tôi cũng nói tới chữ "tín" với khách hàng. "Nhiều người bán  hàng qua mạng lúc đầu hút được khách quen vì hàng thật, nhưng khi đã có nhiều khách, lại không đủ hàng có chất lượng và hám lãi cao nên sinh ra làm liều, đưa cả hàng giả, hàng nhái lên shop".

Quả thực, kiểm soát chất lượng hàng hóa kinh doanh qua mạng xã hội, qua các trang TMĐT như thế nào để hạn chế mặt tiêu cực đang là một vấn đề cần được các cơ quan chức năng quan tâm. Việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái hàng kém chất lượng diễn ra ở ngoài đời thế nào thì buôn bán trên Internet cũng tương tự như thế. Qua Internet, hàng lậu, hàng giả được tiêu thụ, các mặt hàng này thường là tân dược, thực phẩm chức năng xách tay bị làm giả tem, mẫu mã và vỏ bao bì; hàng điện tử, công nghệ. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, việc phát hiện, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng ở các gian hàng ảo trong mua sắm trực tuyến nói chung và Facebook nói riêng không dễ, trừ khi một số sản phẩm có quá nhiều phản hồi phàn nàn, khiến người khác nghi ngờ, tẩy chay.

Khó nhưng vẫn phải làm, vì đó là kỳ vọng, là miềm tin của người tiêu dùng với các cơ quan chức năng. Các lực lượng chức năng đừng quá tập trung chống hàng lậu hàng giả, hàng nhái ngoài cuộc sống mà quên trên mạng, cần có lực lượng đủ sức trong cuộc đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận đang kinh doanh trên các mạng xã hội, TMĐT.

Với người tiêu dùng thông minh thì mua sắm qua bất cứ hình thức nào cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ chính mình. Bạn phát hiện được món hàng rởm, nhái, hàng không đảm bảo chất lượng, tẩy chay cửa hàng đó cũng có nghĩa là góp phần nhỏ bé của mình vào cuộc chiến chống hàng lậu, hàng giả.

Đ. Ngọc

Chủ đề khác