VnReview
Hà Nội

Cỏ hay cọ: Hà Nội sao toàn làm việc khó?

Hà Nội chi 53 tỷ đồng mỗi năm để cắt cỏ, tỉa cây 24 km đại lộ Thăng Long đang là một chủ đề nóng trên mạng. Tuy nhiên, tôi thấy việc chi được ngần đó tiền không dễ và sắp tới chuyển sang trồng cọ thì lại lo sao Hà Nội toàn chọn việc khó để làm?

Tại cuộc gặp với cử tri quận Hoàn Kiếm sáng hôm qua (ngày 15/8/2016), Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết chi phí cắt cỏ cho 24 km Đại lộ Thăng Long (cắt cỏ, tỉa cành trúc anh đào, hoa dâm bụt) một năm là 53 tỷ đồng. Ngay cả khi công bố thông tin này, ông cũng cho rằng "nhiều người sẽ giật mình".

Mức chi phí này làm nhiều người giật mình thật, thậm chí ganh tỵ cả với công nhân cắt cỏ, tỉa cành đại lộ Thăng Long. Bởi vì chỉ dùng phép tính nhẩm có thể thấy con số chi phí là quá "khủng". Cụ thể:

Mỗi năm chi 53 tỷ đồng cắt cỏ, tỉa cành 24 km đại lộ Thăng Long và giả sử đó là loại cỏ thần kỳ, sáng cắt, chiều mọc và hôm sau phải cắt thì có nghĩa một ngày tốn 150 triệu đồng và 6,25 triệu đồng/km/ngày.

Nếu tính giá nhân công lao động phổ thông 200.000 đồng/ ngày thì cứ mỗi km dài đại lộ Thăng Long có 31 công nhân cắt tỉa cỏ hằng ngày. Cả đoạn đường dài 24 km có khoảng 750 người chuyên cắt tỉa cỏ cây hằng ngày .

Tất nhiên, đó chỉ là phép tính thô sơ vì nó mới chỉ tính theo km dài, trong khi có đoạn đường diện tích cỏ trồng khá nhiều, có đoạn lại chỉ có cây trúc anh đào, dâm bụt. Thực tế cũng không có đến 750 người chuyên cắt tỉa cây cho đại lộ Thăng Long. Hơn cả, cắt cỏ tỉa cành không giống như chăm sóc rau sạch, phải cắt tỉa, nhặt cỏ dại hằng ngày, mà ngược lại, có khi cả tháng trời mới phải thực hiện.

Chính vì vậy, trên mạng có hai luồng ý kiến: cho rằng chi phí đó là hợp lý và ngược lại, quá tốn kém, lãng phí. Còn tôi thấy việc Hà Nội hằng năm tính toán chi được 53 tỷ đồng để cắt tỉa cỏ cây đoạn đường này là quá giỏi. Tại sao?

Đại lộ Thăng Long đoạn Trung Tâm hội nghị Quốc gia cây cỏ được cắt tỉa gọn gàng

Đại lộ Thăng Long đoạn Trung tâm hội nghị Quốc gia cây cỏ được cắt tỉa gọn gàng.

Tôi biết rất rõ con đường này vì thường xuyên về quê. Nhưng để viết cho chính xác, sáng nay (16/8) tôi bắt taxi chạy một vòng đại lộ Thăng Long. Đoạn đầu đại lộ dài chừng 3 km (từ Trung tâm Hội nghị Quốc gia đến qua cầu Lê Quang Đạo vài trăm mét), có nơi rộng đến 15-20m, đúng là được trồng cỏ, cây cảnh, có cắt tỉa gọn gàng. Nhưng kể từ đó đến gần hết đại lộ chỉ thấy trúc anh đào xen kẽ dâm bụt mọc tự do với cỏ dại trên dải phân cách giữa các làn đường. Đoạn cuối đại lộ vài trăm mét um tùm cỏ dại lẫn lộn cỏ trồng quá đầu gối.

Khác với mọi ngày, sáng nay tôi thấy có nhiều tốp công nhân (mỗi tốp khoảng 7-8 người) được huy động ra đại lộ, tập trung ở đoạn từ Trung tâm Hội nghị Quốc gia đến cầu Lê Quang Đạo nhặt cỏ dại, tỉa luống. Dọc đường có một số công nhân dọn dẹp cây đổ sau mưa gió. Một chị công nhân cho biết Xí nghiệp cây xanh số 5 nơi chị làm có hơn 100 công nhân, nhưng nay đã bị tinh giảm còn chưa đến 40 người. Lương công nhân rất thấp, chỉ có khoảng 2 triệu đồng/ tháng, nhưng công nhân chấp nhận làm vì để duy trì bảo hiểm.

Từ đoạn đường qua cầu Lê Quang Đạo hướng đi Xuân Mai việc cắt tỉa không được chu đáo như đoạn đầu đại lộ.

Đoạn đường cách Xuân Mai khoảng 5 km cỏ mọc lút đầu gối dù hằng năm Hà Nội vẫn chi tiền cắt cỏ, tỉa cây.

Loại cỏ trồng đoạn đầu đại lộ Thăng Long không phải loại cỏ thần kỳ ngày nào cũng phải cắt, mà là cỏ lá gừng - loại cỏ rẻ, dễ chăm sóc, một tháng đầu trồng cần tỉa cắt, bón phân, còn sau đó cả tháng mới phải cắt cho phẳng mặt cỏ. Cây trúc anh đào, dâm bụt cũng là loại cây dễ sống, không cần chăm sóc nhiều. Thực tế, cả đại lộ cho thấy việc cắt tỉa là làm chiếu lệ. Do vậy, tôi mới khẳng định để chi được 53 tỷ đồng cắt cỏ đại lộ Thăng Long mỗi năm là rất khó.

Nhưng khó Hà Nội vẫn làm được, đến khi vị Chủ tịch mới của Thành phố nhận thấy là tốn kém và cho dừng lại. Giải pháp chấm dứt tốn tiền cắt tỉa là đại lộ Thăng Long sẽ được cho trồng cây cọ dầu do doanh nghiệp biếu tặng thành phố.

Thoạt nghe khá hấp dẫn vì Hà Nội vừa cắt được khoản chi phí cắt cỏ tốn kém đến khó tin, lại có vẻ không phải mất tiền trồng cây cọ. Song cũng có thể Hà Nội đang chọn làm một việc khó khác.

Thứ nhất, lý do dừng trồng cỏ là chưa thuyết phục. Khi nhận ra chi phí cắt cỏ quá cao, bất hợp lý, tìm ra cách giảm chi phí mới là cái tài của người quản lý. Còn việc thấy chi phí bất hợp lý, cắt luôn nó đi là quá dễ, chẳng khác nào việc bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đau dạ dày, nhưng thay vì chữa trị, bác sĩ cắt phăng dạ dày.

Thứ hai, thay thế trồng cỏ bằng cọ dầu vì có doanh nghiệp tự nguyện tặng chưa chắc đã phải là hay, nếu như không muốn nói thành phố là tự đặt mình vào thế khó. Bởi ai chẳng biết ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp là làm sao để có lợi nhất, có ai bỗng dưng đem cho không biếu không ai một khoản lớn tiền. Đã có nhiều tiền lệ việc doanh nghiệp ủng hộ đi kèm các điều khoản được nhà nước ưu đãi, hỗ trợ... trước mắt hoặc sau này "đòi lại". Vậy nên thành phố sẽ phải lấy gì đáp lại "ân nghĩa" tặng cây này cho doanh nghiệp?

Chưa kể, theo tính toán Hà Nội sẽ trồng dự kiến trồng 65.000 cây (20.000 cây 4 luống dọc đại lộ, 45.000 cây tạo cảnh quan rừng) ở đại lộ Thăng Long. Giá mỗi cây cọ dầu trên thị trường thấp nhất là 450.000 đồng/cây nên riêng tính tiền cây là 29,25 tỷ đồng, chưa kể chi phí trồng, chăm sóc đến khi cây phát triển. Hiện tại, mới có công ty Việt Hưng tặng 10.000 cây (tương đương 4,5 tỷ đồng), các công ty khác tặng 18.000 cây (khoảng 8,1 tỷ đồng). Vậy 37.000 cây còn lại Hà Nội sẽ lấy nguồn vốn từ đâu ra? Trồng cọ dầu cũng tốn chi phí cắt tỉa lá già, phòng trừ sâu bệnh. Chi phí này đã được tính toán chưa? Liệu nó tiết kiệm hay tốn kém hơn so với trồng cỏ?

Việc phủ cây xanh, tạo cảnh quan thành phố, phát hiện và cắt giảm chi phí bất hợp lý là cần thiết, tuy nhiên Hà Nội không nên dừng cắt tỉa cỏ, cây cảnh, thay vào đó là kiểm soát việc sử dụng tiền ngân sách như thế nào là hợp lý. Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, thắt chặt chi tiêu, việc đó còn dễ hơn là chuyển sang trồng cây khác với các chi phí còn chưa lường được hết.

Nguyễn Thanh

Chủ đề khác