VnReview
Hà Nội

Từ Yahoo! đến Xiaomi: Đâu là “dấu ấn của quỷ”?

Thương vụ Yahoo! bán mình cho hãng viễn thông Verizon giá 4,8 tỉ USD không còn mới; nhưng thông tin Xiaomi mất đi 40 tỉ USD giá trị trên thị trường thì quả là quá sốc khi trước đó chưa lâu hãng này còn được xem là một điểm sáng start up trong làng công nghệ thế giới, và cái biệt danh "Apple Châu Á" cũng khiến không ít doanh nghiệp khác ngưỡng mộ.

Khi Yahoo! lâm "trọng bệnh", người ta bắt đầu lôi Jerry Yang – một trong hai người sáng lập và cũng là cựu CEO của Yahoo! ra kể tội. Mà cái tội lớn nhất của Jerry Yang là đã từ chối sáp nhập với Microsoft vào năm 2008 với mức giá 44 tỉ USD vẫn cho là… bèo. Quá đáng tội đi chứ! Khi ấy Yahoo! đã có dấu hiệu sa sút, nhưng Yang lại dùng cái sĩ diện cá nhân để khỏa lấp cho sự sa sút vốn có lỗi lớn từ sự dẫn dắt của chính Yang. Đến khi Yang muốn bán thì Microsoft của Steve Ballmer đã ngó lơ.

Trong các bản "luận tội" gây ra nông nỗi bán mình của Yahoo! có rất nhiều gạch đầu dòng, có liệt kê "tội" của các đời CEO và đời CEO cuối cùng là Marissa Mayer lại được cảm thông nhiều nhất vì đơn giản cô là người "đổ vỏ ốc" cho các vị đi trước. Kì vọng của hội đồng quản trị Yahoo! khi đưa Marissa Mayer về chấp chính để lái con tàu Yahoo! sắp đắm sang hướng dịch vụ và công nghệ, kết cục vẫn không xoay chuyển được. Dù Marissa Mayer có giỏi giang thế nào cũng không thể khắc phục được các sai lầm chiến lược của các "quí ông CEO" tiền nhiệm.

Vậy thì cuối cùng nguyên nhân cốt lõi nhất khiến Yahoo! sa sút và bán mình là gì? Câu trả lời dễ nhất là do điều hành của các CEO, do tầm nhìn chiến lược của bộ sậu lãnh đạo…, nhưng lại là những nguyên nhân rất chung chung. Theo tôi, nguyên nhân cốt lõi ở đây như một sợi chỉ xuyên suốt từ chiến lược điều hành tới định hướng phát triển sản phẩm dịch vụ: Yahoo! đã say mê trên trên đỉnh cao thành công trong khoảng 10 năm đầu của thế kỉ 21 (2001-2010), và tự cho rằng định hướng truyền thông hóa giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là con đường đúng đắn mà thiếu sự đầu tư vào các sáng tạo công nghệ lõi. Trong khoảng thời gian từ 2001-2005 Google cũng chưa đạt được những thành công lớn càng khiến Yahoo! tự tin vào định hướng chiến lược của mình là đúng đắn.

Có một mệnh đề bất di bất dịch mà Yahoo! đã đi ngược: Từ cốt lõi công nghệ có thể đẻ ra nhiều dịch vụ truyền thông, nhưng không thể ngược lại.

Sức mạnh công nghệ tìm kiếm của Google ngày càng khẳng định và đến bây giờ vẫn là số 1 trong khi công cụ tìm kiếm của Yahoo! hay Bing của Microsoft chẳng ăn thua nổi. Và khi Yahoo! Mail, rồi đến Yahoo! Messenger mất dần người dùng vào tay Gmail và các OTT, trong khi blog Yahoo! bị Facebook dần làm lu mờ, thì Yahoo! chỉ còn trơ khung. Không có được công nghệ lõi, có thể chỉ có một thời, khó mà được mãi mãi.

Có thể kể ra thêm rất nhiều minh chứng sống động: Máy tính Dell, từng vang dội và CEO Michael Dell của nó ở tuổi 39 trở thành CEO của năm. Dell được khen ngợi vì tiết giảm được rất nhiều chi phí khi không cần đến R&D công nghệ lõi, không cần sản xuất mà chỉ cần đặt hàng lắp ráp và kiểm định chất lượng. Cuối cùng bây giờ thì sao đã quá rõ.

Ở Việt Nam chúng ta từng phản bác khi FPT tự cho rằng mình là một công ty công nghệ. Rồi chính ông Nguyễn Thành Nam – cựu CEO của FPT – đã phải thốt lên rằng FPT là công ty "con buôn" vì hàm lượng công nghệ hay những đóng góp từ công nghệ vào doanh thu gần như chẳng đáng bao nhiêu. Đó là một thực tế cho dù FPT vẫn đang sống. Và cho dù FPT vẫn đang sống khỏe thì chúng ta vẫn phải nói rằng: Đến bây giờ FPT có chăm chú đầu tư một chút vào các start up công nghệ hơn trước thì họ vẫn chưa phải là công ty công nghệ, cũng có nghĩa là vẫn còn đó một sự thách thức về sức mạnh bền vững.

Thế giới đã có quá nhiều bài học và bài học đó những ngày gần đây được mang ra mổ sẻ đối với trường hợp Xiaomi – một doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc chưa qua hết giai đoạn khởi nghiệp. Xiaomi cách đây khoảng hơn một năm trước được định giá khoảng 45 tỉ USD, được xem là một start up có giá trị lớn nhất thế giới cho tới thời điểm đó. Nhưng đến quý II/2016 vừa rồi khi doanh số của Xiaomi giảm đến 40% ở chính thị trường đã tạo nên tên tuổi của họ (Trung Quốc) thì giá trị doanh nghiệp này được cho là đã "bay hơi" khoảng 40 tỉ USD.

Xiaomi được mệnh danh là "Apple Châu Á", được ca tụng về phương thức bán hàng online giá điều chỉnh linh hoạt nhờ thế tiết kiệm được nhiều chi phí và giá cả cạnh tranh tốt hơn. Nhưng tất cả những điều kể trên thuộc phạm trù thương mại dù rằng có thể có những sáng tạo trong phương thức kinh doanh, chứ không phải là sáng tạo về công nghệ. Xiaomi sản xuất rất nhiều sản phẩm ngoài smartphone, như quạt máy, nồi cơm điện, laptop, dây đeo thể thao, thậm chí cả dù nữa.v.v…, nhưng thử đặt câu hỏi công nghệ lõi của họ ở đâu trong các sản phẩm đó thì lại rất khó tìm thấy câu trả lời.

Xiaomi có nét giống Dell với việc không đầu tư sâu cho R&D công nghệ lõi, cũng lại có nét giống Yahoo! ở sự dàn trải trong giai đoạn kinh doanh thành công, nhưng lại không giống được "ảnh gốc" của họ là Apple khi họ được xem như một phiên bản Châu Á. Thậm chí Xiaomi cũng không được như BlackBerry hay HTC có những sáng tạo công nghệ đáng nhớ dù hiện đang bên bờ vực nguyên hiểm.

Không ai có thể phủ nhận tài năng của Lei Jun – nhà sáng lập đồng thời là CEO của Xiaomi hiện tại. Cũng không ai có thể phủ nhận những gì tươi mới mà Xiaomi mang lại cho thị trường dù là ở khía cạnh giá rẻ, cách bán online linh hoạt… Nhưng hết những "bài" những "chiêu" đó rồi thì Xiaomi còn lại gì? Trong một thị trường Trung Quốc mà dường như bất cứ hãng smartphone nào cũng có thể làm ra sản phẩm với mức giá rẻ và bán online rộng khắp, thì những tươi mới mà Xiaomi mang lại khó có thể trở thành thứ "đặc sản" để cạnh tranh lâu dài. Tất nhiên cho dù như thế thì lợi thế về giá của Xiaomi không phải là đã hoàn toàn mất hết ưu thế cạnh tranh nhưng nếu chỉ lẩn quẩn ở phân khúc này thì cũng như "một đứa trẻ mãi không lớn".

Gần đây chúng ta được thấy ASUS đã "đứng lên" muốn trở thành người lớn như thế nào khi tung ra thế hệ ZenFone thứ 3 với mức giá được đẩy lên cao tới mức ảo tưởng. Nhưng cho dù thế đi nữa thì cũng cho thấy họ đang định hướng thoát khỏi kiếp bị xem là làm hàng giá rẻ, chất lượng tầm tầm và thương hiệu cũng tầm tầm.

Xiaomi bị "bốc hơi" 40 tỉ USD chưa phải là dấu chấm hết. Họ vẫn có thể điều chỉnh, thay đổi để trở lại. Muốn vậy có lẽ họ cần phải thoát khỏi cái dớp "dấu ấn của quỷ" của những công ty công nghệ to xác, lớn tiền nhưng lại mờ nhạt về những sáng tạo công nghệ lõi với sự khác biệt.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác