VnReview
Hà Nội

Chính phủ điện tử góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo

Kể từ khi ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Thủ tướng, cụm từ xây dựng "Chính phủ liêm chính, kiến tạo..." được nhắc đi, nhắc lại trên các diễn đàn và trong công chúng nhiều không kể xiết. Nhưng cụm từ "Chính phủ điện tử" kể từ khi Đề án tin học hóa 112 bị thất bại đến nay chẳng mấy ai nhắc tới. Người ta như muốn thoát khỏi sự ám ảnh của "bóng ma 112" đã đè nặng bấy lâu nay. Nhưng chính thời điểm hiện nay, chúng ta hãy quan tâm tới vấn đề này để làm sao Chính phủ điện tử phải trở thành một phương tiện hữu hiệu, một cánh tay đắc lực cho "Chính phủ liêm chính, kiến tạo".

1. Tôi còn nhớ trong bài nói về nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Phải chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển". Đó là cách thay đổi tư duy về mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kế thừa và sáng tạo tư duy ấy đồng thời kỳ vọng xây dựng thành công một "Chính phủ liêm chính, kiến tạo...". Theo các nhà nghiên cứu, muốn trở thành một chinh phủ kiến tạo thì chức năng quan trọng nhất của nhà nước đó là quy hoạch, xây dựng và phát triển đất nước theo một chiến lược nhất định, đúng đắn, hợp lòng dân; tạo được môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập; đẩy mạnh giám sát để phát hiện những gì mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn của cả hệ thống.

Hành trình để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo đã được khởi động ngay sau khi Chính phủ mới được kiện toàn đầu tháng 4/2016. Các thành viên Chính phủ đều có chương trình hành động và có những việc làm tỏ rõ quyết tâm thực hiện, nhất là Thủ tướng, rất sâu sát trong việc chỉ đạo chống bão, chống hạn, xâm nhập mặn và đặc biệt là sự cố ô nhiễm môi trường, tàn phá rừng... Để có sự chuyển biến từ vai trò quản lý nhà nước theo kiểu "cai trị" sang vai trò phục vụ dân đòi hỏi phải cải cách, cơ cấu lại bộ máy quản lý. Vì thế tân Thủ tướng đặc biệt tập trung cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế, thể chế chính sách, nhất là trong kinh tế. Chính phủ cũng phải là người "cầm lái", chứ không phải là người "bơi chèo", chính phủ hoạt động theo "kiểu doanh nghiệp" là biết tách các quyết định về chính sách (cầm lái) khỏi việc cung ứng dịch vụ (bơi chèo). Muốn cầm lái tốt đòi hỏi phải có những người có tầm nhìn toàn hệ thống để thấy các khả năng có thể điều hòa, cân đối được những yêu cầu trái ngược nhau về các nguồn lực. Việc bơi chèo đòi hỏi phải có những người toàn tâm tập trung vào một nhiệm vụ và thực hiện tốt nhiệm vụ đó. Muốn cầm lái tốt, muốn bơi chèo giỏi phải có những điều kiện, phương tiện tốt. Chính phủ điện tử, thiết nghĩ, là công cụ rất đắc lực để xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo.

2. Chính phủ Điện tử là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để các cơ quan của chính quyền từ trung ương tới địa phương đổi mới, làm việc có hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn; cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý nhà nước.

Đảng và Chính phủ ta đã rất quan tâm, coi trọng phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước. Đề án 112 là một ví dụ, Đề án tin học hóa này - được Thủ tướng quyết định năm 2001 (Quyết định 112 ngày 25/7/2001), đã đầu tư rất nhiều tiền để thực hiện và mong muốn hết giai đoạn 1 (năm 2005) đạt được một số tiêu chí của một Chính phủ điện tử. Số tiền đã chi là 1.534 tỷ đồng trong đó tổng kinh phí đã sử dụng là gần 1.160 tỷ đồng Việt Nam. Nhưng đến cuối năm 2005 đề án 112 thất bại, sau khi phát lộ nhiều sai phạm và chi phí quá lớn nhưng hiệu quả; lại rất thấp. Tháng 4/ 2007, Thủ tướng Chính phủ khi đó là ông Phan Văn Khải đã phải dừng triển khai Đề án này. Từ đó đến nay Chính phủ điên tử chỉ được đầu tư từ từ, dần dần, có thể nói là nhỏ giọt mà chưa có sự đột phá nào.

Thất bại của Đề án 112 đã góp phần làm chậm quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, kết quả đạt được chỉ ở mức khiêm tốn: Đến nay các bộ, ngành và địa phương đã có trang hoặc cổng thông tin điện tử và ứng dụng CNTT giải quyết các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí hoạt động; tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Nhưng một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự tích cực triển khai ứng dụng CNTT, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém. CNTT được ứng dụng nhiều trong các cơ quan nhà nước nhưng mang tính rời rạc, chưa liên kết thành một hệ thống, văn bản điện tử không được truyền tải thông suốt giữa các cơ quan nhà nước, dữ liệu không được chia sẻ và khai thác chung. Không ít chương trình phần mềm được xây dựng từ nhiều năm trước không được nâng cấp, khó sử dụng. Việc sử dụng phần mềm, các dịch vụ CNTT đôi khi lại là gánh nặng cho cán bộ, công chức, gây tâm lý không muốn tăng cường tin học hóa. Các dịch vụ công như giấy phép, các thủ tục hành chính được nhiều bộ ngành, địa phương thực hiện cấp qua mạng điện tử, nhưng người dân, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong sử dụng các dịch vụ do được cung cấp từ rất nhiều địa chỉ khác nhau mà không có một địa chỉ duy nhất trên mạng điện tử. Tốc độ đường truyền nói chung còn thấp, chưa ổn định nên chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của người sử dụng.

Chiếu theo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) của Liên hiệp quốc năm 2014, Việt Nam xếp hạng thứ 99 trên thế giới, đứng thứ 5 trong khối ASEAN, sau cả Brunei và Philippines. Chỉ số về cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam được đánh giá thấp, chỉ đạt 0,41 điểm (thang điểm 1), trong khi đó của Singapore là 0,992 điểm và Malaysia là 0,677 điểm; chỉ số về hạ tầng viễn thông của Việt Nam đạt 0,38 điểm, trong khi đó của Singapore là 0,879 điểm và Malaysia là 0,446 điểm.

Trình độ Chính phủ điện tử của ta chỉ đạt được mức ấy là do nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực CNTT vốn đã ít ỏi lại chưa được bố trí tập trung nên không bảo đảm được việc triển khai các kế hoạch, chương trình về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước theo tiến độ, mục tiêu đề ra. Nhưng một phần còn do tư duy và nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của CNTT ở nhiều cấp chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa đầy đủ nên việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về ứng dụng CNTT còn chậm chạp, không quyết liệt.

Để xây dựng thành công Chính phủ liêm khiết, kiến tạo như mong muốn của toàn dân, có lẽ không biện pháp, phương tiện nào tốt hơn là tiếp tục đẩy mạnh tốc độ xây dựng Chính phủ điện tử. Một Chính phủ điện tử mạnh sẽ nâng cao được chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Chính phủ điện tử sẽ công khai, minh bạch tất cả hoạt động của các cơ quan nhà nước góp phần đắc lực cho việc chống tham nhũng, lãng phí.

Trong giai đoạn hiện nay, nguồn lực tài chính của chúng ta còn eo hẹp mà nhiều ngành đòi hỏi được ưu tiên, nhưng thiết nghĩ việc xây dựng chính quyền điện tử phải được ưu tiên hàng đầu, vì lợi ích của nó sinh ra rất to lớn. Nguồn lực tài chính không đòi hỏi như Đề án 112 trước đây, nhưng ít nhất Chính phủ mới phải đảm bảo trong một thời gian ngắn nâng cao đồng bộ ba nhóm chỉ số: dịch vụ công trực tuyến (OSI), hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI) theo phương pháp đánh giá Chính phủ điện tử của quốc tế. Vì đầu tư riêng rẽ từng chỉ số, không đồng bộ sẽ không đạt hiệu quả mong muốn.

Tôi tiếp cận với một vài chuyên gia triển khai phần mềm e-office của Tập đoàn công nghệ Bkav khi xây dựng tỉnh điện tử cho một số tỉnh, hoặc tin học hóa cho một số cấp, ngành, họ cho rằng, cách phân phối nguồn lực tài chính của ta cho công nghệ thông tin sau Đề án 112 vẫn không thay đổi. Ví dụ, tỉnh A, tỉnh B làm tốt hay không tốt hàng năm vẫn chỉ có từng ấy tiền, đầu tư hạng mục này thì thôi hạng mục kia. Phầm mềm phục vụ cho tỉnh điện tử đã dùng của hãng B, dù biết của hãng A là tốt hơn của hãng B, những đã dùng của B rồi thì cứ dùng, vì họ đã là khách hàng "cánh hẩu". Phần mềm của hãng A có tốt, rẻ mấy thì "cứ đợi đấy". Có đấu thầu mua sắm phần mềm phục vụ cho tỉnh điện tử dù nói là công khai, minh bạch, công bằng, nhưng cuối cùng vẫn là hãng B thắng thầu! Tư tưởng cục bộ, bản vị, lợi ích nhóm đã chi phối đầu tư trong xây chính quyền điện tử vẫn hiện hữu.

Cách cấp kinh phí của nhà nước ta lâu nay vẫn dựa vào đầu vào, chứ không phải do chất lượng công viêc được thực thi, ví dụ trong giáo dục cấp tiền dựa trên số liệu có bao nhiêu học sinh, ngành cảnh sát thì dựa trên cơ sở đánh giá về số nhân lực cần để đấu tranh chống tội phạm, ngành công nghệ thông tin dựa trên số máy móc được trang bị.

Vì vậy Chính phủ mới, chính quyền các cấp nên thay đổi cách phân phối nguồn lực tài chính, phải chú ý đến kết quả, nếu ngành nào làm tốt mà cần đầu tư kinh phí để làm tốt hơn phải được đầu tư đúng mức. Nếu không thay đổi tư duy đầu tư theo định hướng kết quả thì ngân sách ngày càng phình ra nhưng chất lượng không được cải thiện.

Những mục tiêu chủ yếu để xây dựng Chính phủ điện tử là: Liên thông văn bản điện tử từ Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; 100% dịch vụ công được cung cấp qua mạng điện tử; Xây dựng Cổng dịch vụ công Quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng điện tử. Một tin vui, Cổng dịch vụ công quốc gia-nơi tích hợp tất cả dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương được đưa vào hoạt động cuối năm 2016. Đến nay hầu hết các thủ tục hành chính đã được cung cấp trực tuyến ở mức độ 2 (cho phép sử dụng mẫu đơn được tải từ mạng Internet) đang phấn đấu để tất cả các dịch vụ công phải được cung cấp ở mức độ 3, mức độ 4.

Để Chính phủ điện tử Việt Nam lên hạng so khu vực và thế giới, đồng thời phục vụ đắc lực cho một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động là không hề dễ dàng, bên cạnh có nguồn lực tài chính đủ mạnh và thay đổi tư duy phân phối còn đòi hỏi sự nỗ lực của Chính phủ, các cấp, ngành và từng cá nhân, nhất là những người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

                                                                                                           Đ.Ngọc

Chủ đề khác