VnReview
Hà Nội

Y tế điện tử - tiềm năng lớn, khai thác chậm

Ứng dụng công nghệ thông tin để chăm sóc sức khỏe người dân - Y tế điện tử (e-Health), trở nên thông dụng từ năm 1998. Trải qua hơn 25 năm, nhiều nước trên thế giới đã đạt được những thành tựu khả quan trong lĩnh vực này. Nước ta, được đánh giá là có tiềm năng lớn về e-Health, nhưng việc áp dụng vào đời sống lại chậm hơn nhiều so với các ngành khác. Vì sao?

Bước khởi đầu gây hứng khởi

Kể từ ngày 1/7/2016, khi các cơ sở khám chữa bệnh cả nước triển khai thực hiện giám định bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử, tới nay đã có hơn 13.000 cơ sở trong tổng số 14.000 cơ sở y tế trên toàn quốc kết nối thành công vào hệ thống thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH). Phải mất hơn 4 năm dự án này mới hoàn thành và lần đầu tiên, một dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) đã kết nối đồng bộ với tất cả các cơ sở y tế toàn quốc trên một nền tảng ứng dụng quản lý điều hành thống nhất.

Hệ thống hoạt động trực tuyến này cung cấp các công cụ giúp cơ sở y tế khai thác thông tin, tra cứu thẻ BHYT, lịch sử khám chữa bệnh của người bệnh có BHYT và quản lý thông tuyến trên cả nước, giúp cho việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT hiệu quả, kịp thời hơn trước. Người bệnh giảm được thời gian chờ khám bệnh, thanh toán viện phí, được cung cấp đầy đủ thông tin về chi phí được quỹ BHYT chi trả, tham gia giám sát quyền lợi được hưởng. Với việc ứng dụng CNTT, các chi phí ngoài quy định được phát hiện và xử lý kịp thời, tránh được tình trạng lạm dụng quỹ BHYT.

Tuy nhiên, thành quả trên mới chỉ là một bước, một khâu của e-Health. So với châu Âu, một vài nước ở châu Á, e-Health của nước ta vẫn là "người học trò nhỏ". Trao đổi với anh Hoàng Văn Nam, Giám đốc công ty xuất khẩu lao động đã từng sống ở Nhật Bản, anh cho biết: "Nền y tế Nhật Bản là y tế không giấy tờ. Người dân Nhật ai cũng có Thẻ sức khỏe điện tử. Tất cả các dữ liệu bệnh viện đều online. Các thư viện y khoa online rất phổ biến. Vào các bệnh viện, bạn chỉ cần một tấm thẻ đưa vào máy thì toàn bộ quy trình thủ tục hành chính sẽ được tự động hóa. Sau khi bác sĩ khám bệnh, nhân viên y tế; điều khiển máy phát thuốc miễn phí cho bạn".

Bác sĩ Vương Văn Quý, Đặng Thị Dinh đều làm việc tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội và có nhiều dịp công tác ở châu Âu cho biết: "Người bệnh ở các nước này chỉ cần mang một Thẻ Y tế điện tử từ khi khám đến lúc điều trị mà không cần thêm bất kỳ giấy tờ tùy thân hoặc sổ khám bệnh, thẻ BHYT nào, mặc dù bệnh nhân đã khám chữa bệnh ở nhiều bệnh viện khác nhau. Nhờ có mạng lưới e-Health, đơn thuốc có thể kê qua mạng chỉ sau vài phút, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian. Hệ thống e-Health của châu Âu có sự tham gia của hơn 27 nước thành viên sử dụng CNTT đã tăng chất lượng dịch vụ y tế lên nhiều".

Khi hỏi về e-Health ở nước ta hai bác sĩ đều cho rằng, "cái gì cũng có, nhưng manh mún và chậm so với khu vực". Và qua các bác sĩ tôi càng hiểu về phạm vi rộng lớn, phức tạp của e-Health: Từ khám bệnh từ xa, hội chẩn từ xa, điều trị từ xa, huấn luyện, đào tạo chuyên môn trực tuyến cho các bệnh viện tuyến dưới, đội ngũ chăm sóc ảo... cho đến hồ sơ y tế điện tử (EHR) và đây là khâu quan trọng.

EHR tích hợp các thông tin: Lịch sử bệnh nhân và nhân khẩu học, ghi chú lâm sàng của bác sĩ, danh sách đầy đủ các loại thuốc và dị ứng của bệnh nhân, mua thuốc theo toa qua mạng, kết quả chẩn đoán hình ảnh... EHR được bệnh viện quản lý chặt chẽ nhưng cũng được chia sẻ thông tin với các tổ chức khác như phòng thí nghiệm, các chuyên gia, phương tiện chẩn đoán hình ảnh, các cơ sở cấp cứu, trường học… Các bác sĩ cho rằng: "Sử dụng dữ liệu giấy truyền thống chậm hơn nhiều so với tìm trong EHR. Tốc độ xử lý các phác đồ điều trị sẽ nhanh hơn nhờ các thông tin y khoa được truy vấn và truy xuất một cách tiện lợi. Quy trình giao-nhận kết quả xét nghiệm từ các phòng ban và tính năng kê đơn thuốc điện tử cũng nhanh hơn. Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng được công nhận giữa các bệnh viện nên người dân không phải khám nhiều lần, tiết kiệm cả về vật chất và sức khỏe. Vì thế các y, bác sỹ được giải phóng khỏi các công việc liên quan đến thủ tục giấy tờ, họ sẽ dành thời gian để thăm và khám bệnh cho bệnh nhân được nhiều hơn".

Giám định BHYT điện tử mà chúng ta thực hiện từ 1/7/2016 là cơ sở bước đầu của việc xây dựng EHR, đã gây được hứng khởi trong ngành. Để trở thành e-Health theo đúng nghĩa còn rất nhiều bước, nhiều khâu phải triển khai. Làm sao đẩy nhanh được tiến độ? Phải chăng "xã hội hóa" ứng dụng CNTT y tế là một biện pháp?

"Xã hội hóa" ứng dụng CNTT y tế

Theo các chuyên gia y tế, điều kiện, tiềm năng để thực hiện e-Health ở nước ta khá lớn: Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng internet cao nhất thế giới, hơn 35% dân số sử dụng internet, đường truyền đã có 4G. Trong tương lai, khi dân số ngày càng già đi, mô hình bệnh tật của con người chuyển dần sang các bệnh mạn tính cần được điều trị lâu dài, công nghệ, thiết bị y tế càng hiện đại, thì e-Health sẽ đóng vai trò chủ chốt trong ngành Y tế, mà cụ thể là hình thức y tế từ xa - khám, chữa bệnh, tư vấn cho bệnh nhân qua điện thoại di động (m-Health) và các thiết bị cầm tay khác - sẽ phát triển. Thêm nữa, trình độ CNTT nước ta vào loại khá, nếu biết kết hợp chặt chẽ với ngành Y có thể thực hiện e-Health ở nhiều hình thức, cấp độ khác nhau.

Thực hiện e-Health ở nước ta, nếu kể từ khi xuất hiện hình thức khám chữa bệnh từ xa đến nay, có bề dày hơn 10 năm, nhưng bước đi để đạt được đúng nghĩa của e-Health rất chậm. Từ năm 1997, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu thực hiện e-Health, đến nay mới chỉ có vài bệnh viện trong số 113 bệnh viện có hệ thống công nghệ và CNTT khá hoàn chỉnh để thực hiện e-Health. Còn các cơ sở khác, nếu có hệ thống CNTT thì chỉ tạm đáp ứng nhu cầu bình thường và manh mún, đơn lẻ, chưa có khả năng liên kết một cách quy mô giữa các đơn vị y tế.

Để đẩy nhanh tiến trình thực hiện e-Health, thiết nghĩ, cần "xã hội hóa" ứng dụng CNTT y tế. "Xã hội hóa y tế" nói chung là một chủ trương đúng đắn của nhà nước và trong thực tế đã đạt được một số kết quả, như việc vay vốn, hợp tác với các doanh nghiệp để xây dựng cơ sở hạ tầng một số bệnh viện công, nhưng liên doanh, liên kết để phát triển kỹ thuật mới, trang bị được nhiều loại thiết bị y tế hiện đại, có hệ thống CNTT tốt thì còn rất hạn chế. 

Lâu nay các bệnh viện, cơ sở y tế chỉ quen với việc "xin tiền" Chính phủ để được là chủ sở hữu, chủ đầu tư mua sắm thiết bị y tế, hệ thống CNTT, để không "đi thuê". Nay chính phủ mới yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội: "Các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng số, đồng thời quyết liệt đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động của mình. Đây phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, là trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước từ trung ương tới địa phương" (Trích phát biểu tại Diễn đàn cấp cao CNTT-Truyền thông 2016 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc).

Để hiện thực hóa yêu cầu đó, các bệnh viện cũng nên "xã hội hóa" ứng dụng CNTT y tế. Bản chất của hình thức này chính là thay đổi đầu tư ứng dụng các giải pháp CNTT sang thuê dịch vụ. Nhà cung ứng giải pháp CNTT không chuyển giao công nghệ một lần mà trở thành nhà cung ứng dịch vụ. Hình thức này vừa đảm bảo cập nhật công nghệ mới theo lộ trình nâng cấp sản phẩm của đơn vị cung ứng giải pháp, vừa tối ưu việc sử dụng nguồn nhân lực CNTT tại đơn vị ứng dụng. Hình thức thuê này còn giúp bệnh viện tiết kiệm được chi phí bản quyền phần mềm hoạt động. Nếu như Bộ Y tế sớm có khung pháp lý các chuẩn kỹ thuật cho hệ thống ứng dụng CNTT y tế và việc thuê dịch vụ có thể khơi dậy tiềm năng này trong xã hội một cách mạnh mẽ, góp phần đẩy nhanh tiến trình e-Health ở nước ta.

Phần mềm giám định BHYT điện tử bắt đầu hoạt động từ 1/7 vừa qua do Chính phủ tin tưởng giao cho Viettel đảm nhiệm. Trên thị trường hiện có một số phần mền phục vụ cho e-Health. Nhưng để có phần mềm cho một tấm Thẻ y tế trong tương lai đáp ứng đủ yêu cầu của e-Health hầu như chưa có. Rõ ràng là, rất cần sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành Y tế, các đơn vị CNTT để có một phần mềm chuẩn dùng chung cho e-Health. Tài năng tin học ở nước ta được cho khá nhiều, vì thế nên tổ chức cuộc thi viết phần mềm e- Health để chọn ra một phần mềm tốt nhất, chứ không nên chỉ định dùng phần mềm của hãng nào.

Nguồn "nhân lực số" ở nước ta khá dồi dào, rất nhiều trường đại học, học viện có khoa CNTT, thế nhưng CNTT y khoa hầu như chưa có. Các nước được gọi là có "nền Y tế điện tử" thì các trường Y đều có Khoa CNTT y khoa riêng biệt. Muốn đẩy nhanh bước tiến của e- Health và thực hiện nó một cách chuyên nghiệp chúng ta cần đào tạo ngay nguồn nhân lực chuyên sâu này.

Lợi ích của việc giám định BHYT y tế điện tử - một bước thực hiện e-Health đã tạo ra bước đột phá trong công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho dân, minh bạch về tài chính, tạo thuận lợi cho người bệnh, tiết kiệm đáng kể chi phí xã hội. Lợi ích lớn hơn qua sự kết nối toàn hệ thống là phục vụ công tác điều hành của ngành Y tế, tập trung dữ liệu phân tích xu hướng bệnh tật của từng nơi, từng nhóm đối tượng, nhóm tuổi..., từ đó phục vụ công tác hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe nhân dân sát thực tế, tạo ra những bước thay đổi căn bản trong phòng bệnh và khám chữa bệnh ở nước ta. Với bước khởi đầu gây hứng khởi trên và tiếp tục đổi mới phương thức đầu tư, "xã hội hóa" ứng dụng CNTT, chuẩn bị tốt đội ngũ tin học y tế..., nước ta sẽ đẩy nhanh e-Health, chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn, rút ngắn khoảng cách tụt hậu về y tế của nước ta với thế giới.

Đ.Ngọc

Chủ đề khác