VnReview
Hà Nội

Câu chuyện về socola Việt Nam "ngon nhất thế giới"

Được thành lập tại Việt Nam vào năm 2012, sau hơn một năm hoạt động công ty đã; đạt doanh thu 120.000 USD, Marou dần vươn mình biến thành một startup trị giá triệu đô và đưa Việt Nam vào bản đồ socola thế giới, bên cạnh các tên tuổi lớn đến từ châu Âu.

Vậy điều gì đã tạo ra một thương hiệu chocolate (socola) như vậy, từ một đất nước vốn không có truyền thống sử dụng cacao? Với đội ngũ chỉ hơn 20 nhân viên và nhà máy của Marou tại Thủ Đức đang sản xuất 100 kg socola mỗi ngày. Tính tới cuối năm 2014, Marou đã làm ra tới 3 tấn socola và phần lớn được dùng để xuất khẩu. Hãy cùng VnReview.vn tìm hiểu câu chuyện về Marou và về thế giới socola qua bài viết dưới đây.

Câu chuyện của Marou...

Tuy được hai đồng sáng lập người Pháp là Samuel và Vincent Mourou mở ra tại Việt Nam, nhưng có lẽ với định hướng xuất khẩu nên gần như các bài báo viết về sản phẩm của Marou chủ yếu xuất hiện ở nước ngoài. Từ những lần đầu xuất hiện trên các tạp chí và blog nước ngoài như Le Nouvel Observateur (Pháp), Chocablog, ChocolateReviews.co.uk, VOA, AFP... cho tới gần đây là trên New York Times, Nikkei.

Hai đồng sáng lập của Marou

Chia sẻ trong một bài trên tạp chí HCMcLife hồi năm 2012, Vincent - đồng sáng lập Marou cho biết, socola của họ khá nổi tiếng trong cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam, đó là cơ sở để họ tập trung đưa sản phẩm vào các nhà hàng, cafe hay khách sạn sang trọng như Zest Bistro, Au Parc, Fanny, Sofitel Plaza, Une Journee A Paris...  và xuất khẩu. Qua báo Nhịp cầu đầu tư, đồng sáng lập Maruta cho biết, hiện 70% sản phẩm xuất của Marou dành cho xuất khẩu sang Bắc Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu.

Gần đây, khi người Việt đã biết nhiều hơn về sản phẩm của họ, Marou đã chính thức mở cửa hàng dạng tiệm cafe tên là Maison Marou ở quận 1 để giới thiệu sản phẩm cũng như tiếp cận người dùng trong nước, nhất là giới trẻ.

Socola của Marou khác với các loại socola khác như thế nào?

Phần lớn socola trên thế giới được làm bán thủ công, sản phẩm càng nhiều thì quy trình tự động hóa càng nhiều, nguyên liệu chủ yếu là cacao và đường. Tuy nhiên, người dùng vẫn ưa chọn các sản phẩm có tỷ lệ thủ công cao. Marou đã rất khôn ngoan khi tập trung vào chất lượng thay vì số lượng, nhất là trong lĩnh vực vốn đang có rất nhiều hãng lớn tham gia.

Video quy trình chế tạo socola thủ công của hai sáng lập viên công ty Marou (nguồn: Rice Creative)

Cùng với đó, phía Marou xác định mặt hàng của họ ở phân khúc cao cấp nên chọn lựa đầu vào rất kỹ lưỡng. Buộc những nông dân phải lên men chúng trong 6 ngày sau khi thu hoạch, sau đó phơi khô thêm 7 ngày nữa rồi mới cho vào bao và không được phun thuốc trừ sâu hay chất bảo quản. Sau đó công đoạn sản xuất sản phẩm cũng gần như thủ công hoàn toàn. Cũng cần phải lưu ý rằng, dù cây cacao mất 5 năm để ra trái nhưng từ khi ra trái có thể khai thác trong 40 năm.

Theo chia sẻ trên New York Times, những hạt cacao này được Marou rang ở nhiệt độ 110 độ C. Sau khi tách vỏ và xử lý thủ công, chúng được được đưa vào 13 máy khuấy socola chạy 48 giờ. Sau đó, một chuyên gia socola đổ vào khuôn tạo hình, gõ cho hết bong bóng và thành phẩm được đóng gói bằng tay.

Bao bì của Marou được vẽ bằng tay và in theo kỹ thuật in lụa truyền thống của Việt Nam

Một điểm nữa tạo ra sự khác biệt với socola khác dựa trên phân loại socola theo tỷ lệ cacao và nguồn gốc nguyên liệu nhập vào, theo đó Marou phân loại theo địa phương như socola Marou Đồng Nai, Marou Bà Rịa, Marou Đà Lạt,... cùng tỷ lệ cacao khác nhau tương ứng 70%, 75%...

Cùng với phân loại sản phẩm và thủ công hóa khâu sản xuất, họ còn đầu tư kỹ lưỡng cho khâu thiết kế để tạo thêm sự khác biệt với các đối thủ. Trong blog Tumblr của Marou có viết: "Chúng tôi cố gắng thay đổi cách nghĩ của mọi người về "Made in Vietnam" nghĩa là gì bằng cách chú trọng về xuất xứ, chất lượng, cách thức trình bày sản phẩm và tất cả những điều đó chúng tôi đều cố tạo ra phong cách riêng".

Theo đó, nhà thiết kế James Wolf của Marou đã tạo ra những kệ nhỏ làm bằng tre để trưng bày sản phẩm và thiết kế giấy gói cho Marou từ mẫu hoa văn của Việt Nam được vẽ tay với màu giấy là màu tự nhiên của vỏ quả cacao, và sử dụng kỹ thuật in lụa truyền thống của người Việt để in bao bì. Qua đó có thể thấy, họ đã khai thác tối đa và đưa các yếu tố bản địa đặc trưng vào sản phẩm, điều mà ít doanh nghiệp Việt làm được.

Thế nào là socola "ngon nhất thế giới"?

Quy trình làm thủ công là vậy, nhưng làm thể nào để tạo ra vị riêng cũng như một sản phẩm "ngon" lại là một chuyện khác. Hẳn rất nhiều người trong số chúng ta, nhất là các chị em phụ nữ, đã ít nhất một lần nghe đến cụm từ "ngon nhất thế giới" (the best in the world) đi kèm với món socola mà họ mua hoặc qua các bài báo, kể cả bài báo về socola của Marou gần đây. Tuy nhiên, rất ít người định nghĩa được thế nào là "ngon nhất" đối với socola.

Ngay cả những người lập ra nó là Maruta và Mourou cũng đã thử làm socola từ hạt cacao mua từ một nông trại ven đường hồi đầu năm 2011 bằng cách mua một vài kg hạt cacao để thử làm socola, nhưng họ cũng không biết vị socola ngon-dở như thế nào ngoài một chiếc máy xay hạt và một lò nước tại Thủ Đức, TP.HCM. Điểm thú vị là họ đã được trải nghiệm hương vị gần như "dùng được" ngay từ mẻ đầu tiên dù kinh nghiệm của cả hai người lập ra nó lúc này gần như vẫn là số 0.

Socola được làm thủ công của Sprüngli tại Zurich, Thụy Sỹ. (Ảnh: Sprüngli AG)

Lần theo các bài báo quốc tế, có thể nói có hàng loạt bài báo sử dụng cụm từ "the best chocolate in the world" (socola ngon nhất thế giới) cho nhiều loại socola khác nhau chứ không chỉ cho mỗi Marou, đủ để thấy đây đơn thuần chỉ là ngôn ngữ PR và chưa có một chuẩn nào cụ thể cũng như danh hiệu riêng dành cho một thương hiệu socola nào trên thế giới. Nói như vậy không có nghĩa là socola của Marou không ngon, chỉ có điều rất khó để phủ nhận hay khẳng định nó "ngon nhất thế giới", bởi điều này tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi người.

Vậy trải nghiệm thực tế về socola Marou như thế nào? Phần lớn những người được phóng viên VnReview.vn cho dùng thử 5 vị phổ biến của socola Marou cho rằng, socola của Marou hơi chua và đậm, một số người còn nhận định socola của hãng này ngon nhưng chưa phải là ngon nhất mà họ đã từng có dịp ăn. Một số bạn yêu thích socola lại cho rằng, socola của Marou ngon và tạo được vị riêng, có thể dùng thay thế cafe hằng ngày. Những bạn từng có dịp đi nhiều nơi trên thế giới cho biết, vị của Marou có khác biệt nhưng chưa phong phú, nhất là so với nhiều thương hiệu socola tại Nhật mà họ từng có dịp thưởng thức.

Độc giả của VnReview.vn đang dùng thử socola Marou

Chia sẻ với phóng viên VnReview.vn, một nhân viên tại tiệm trưng bày của Marou cho biết, bản thân mỗi người có một khẩu vị khác nhau, hàm lượng và nguồn gốc nguyên liệu của Marou cũng khác nhau nhằm đáp ứng khẩu vị của nhiều người. Nhưng có một điểm chung, nếu bạn ưa thích cacao và "quen" với vị của nó thì sẽ dễ "tiêu thụ" những thanh socola này, còn không bạn sẽ mất thời gian để làm quen với nó, nhất là những vị socola có hàm lượng cacao nhiều hay socola đen.

Thấy gì từ startup thành công của Marou?

Bạn thấy gì từ những hình ảnh trên? Điều dễ nhận thấy là Marou rất chịu khó đầu tư chỉn chu cho khâu thiết kế và nhận diện sản phẩm. Bên cạnh việc nhấn mạnh vào sự khác biệt từ đầu vào của nguyên liệu cacao dựa trên thổ nhưỡng từng vùng đất, khiến người dùng "muốn thử ngay" thì họ còn biết cách tạo ra sự liền lạc về thiết kế bao bì và nhận diện của nó.

Cụ thể, họ đưa tên từng địa phương vào sản phẩm thay vì né nó để gán mác nước ngoài. Bạn đã thử vị Bà Rịa, tại sao không thử tò mò vị của Tiền Giang, Đồng Nai, Daklak hay Đà Lạt? Họ cũng rất thông minh và tôn trọng người dùng bản địa khi đưa ra mức giá sản phẩm tại Việt Nam thấp chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với giá của sản phẩm mà họ đưa ra tại thị trường nước ngoài.

Bản đồ những vùng đất cung cấp cacao tương ứng với các vị socola cho Marou.

Bên cạnh đó, yếu tố truyền thông của Marou rất khôn ngoan. Chỉ cần một số blog và tờ báo nước ngoài nổi tiếng đưa tin về họ, khi đó các báo Việt Nam sẽ lần lượt dịch lại và góp phần PR tên tuổi cho họ đến người tiêu dùng Việt Nam rất hiệu quả. Tần suất các bài báo không nhiều, xuất hiện đều đặn mỗi năm vài bài từ năm 2012 đến nay vừa đủ để đưa tên tuổi của họ đi xa, nhất là khi họ đánh vào tính địa phương hóa và nhấn mạnh vào yếu tố "sản phẩm thủ công cao cấp và số lượng có hạn".

Như đã phân tích ở trên, dù sẽ còn phải tranh cãi với danh hiệu "socola ngon nhất thế giới", nhưng rõ ràng Marou là một thương hiệu đã được định vị tốt và là một startup thành công đáng để học hỏi, nhất là cách mà họ đã tạo ra một sản phẩm tốt người biết đến một sản phẩm "made in Vietnam" chỉn chu, "ngon lành" như thế, khai thác yếu tốt Việt Nam từ thổ nhưỡng trong vị cacao cho tới hoa văn trong thiết kế. Là người sinh ra và lớn lên ở trong nước, liệu bạn và tôi có dám ước mơ tạo ra một sản phẩm "made in Vietnam" để xuất khẩu hay không?

Một số hình ảnh khác của sản phẩm:

Cửa hàng kiểu cafe kiêm trưng bày sản phẩm Maison Saigon Marou tại Q1, TP.HCM

Sản phẩm đóng gói để bán cho khách hàng trực tiếp tại tiệm Masion Saigon Marou

TM

Chủ đề khác