VnReview
Hà Nội

Tại sao Facebook bị chỉ trích giúp ông Donald Trump đắc cử?

Tổng thống Mĩ đắc cử Donald Trump tuyên bố mạng xã hội đã giúp đưa ông đến Nhà trắng, trong khi Facebook bị chỉ trích là gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử do lan truyền các tin tức giả mạo.

Vậy thì Facebook đã có vai trò gì mà một mặt ông Trump ghi nhận công lao, mặt khác lại bị chỉ trích?

Theo báo Mỹ USA Today đưa tin hôm qua (ngày 14/11), ông Trump có khoảng 28 triệu người theo dõi trên Facebook, Twitter và Instagram. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên kể từ khi đắc cử tổng thống Mĩ hôm 8/11 với chương trình 60 Minutes tối Chủ nhật, ông Trump nói mạng xã hội là yếu tố chính giúp ông đánh bại đối thủ đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton.

"Tôi nghĩ mạng xã hội có sức mạnh nhiều hơn tiền mà họ đã chi ra. Tôi nghĩ sức mạnh đó có thể ở một mức độ nhất định", ông Trump nói. Ông cho rằng mạng xã hội đã giúp ông chống lại sự giả dối mà truyền thông truyền thống gây ra.

"Khi anh tặng cho tôi một bài báo tồi tệ hoặc khi anh cho tôi một bài báo không chính xác, tất nhiên tôi có một biện pháp đáp trả", ông nói. Hồi tuần trước, ông đã phàn nàn rằng những cuộc biểu tình chống đối ông là không công bằng và bị truyền thông kích động.

Facebook

Các thuật toán được thiết kế để phát tán bài báo người dùng sẽ thích và có xu hướng "nhồi" cho họ thêm những bài báo củng cố quan điểm chính trị của họ.

Theo tường thuật của BBC News hôm nay (ngày 15/11), trên Facebook ông Trump có cả một lực lượng quân đội "giấu mặt" – là hàng ngàn trang Facebook ủng hộ ông Trump. Đó là những nhóm Facebook kín hoặc công khai. Hầu hết đều có vài trăm thành viên, nhưng nhiều nhóm có hàng ngàn thành viên. Và một số ít có vài trăm ngàn người theo dõi. Một thành viên của nhóm Americans For Trump cho biết nhiều người sợ thể hiện quan điểm ủng hộ ông Trump trước mặt gia đình và bè bạn. Do đó, nhóm Facebook là nơi lý tưởng để họ giãi bày. Đây là phàn nàn phổ biến trong giới ủng hộ ông Trump, trong đó nhiều người nói họ cảm thấy bị bịt miệng bởi đường hướng chính trị, báo chí hay thậm chí cả hàng xóm.

Trong nhiều nhóm, những người ủng hộ ông Trump chia sẻ tin tức và thường là tin tức chỉ trích gay gắt hoặc phỉ báng nhắm vào bà Hillary Clinton. Nhiều bài đăng đính kèm các bài báo giả lẫn với các bài báo thực tế ủng hộ ông Trump.

Trong số các tin tức giả được lan truyền rộng rãi có tin Giáo hoàng Pope Francis ủng hộ ông Trump, bà Hillary Clinton ám sát một nhân viên FBI và tổng thống Obama "thừa nhận" ông sinh ra ở Kenya.

Những tin tức giả như vậy được lan truyền rộng rãi trên Facebook trong suốt chiến dịch tranh cử, và CEO Facebook bị chỉ trích là không có hành động gì để ngăn chặn những kẻ tung tin giả. Mới đây nhất, CEO Facebook đã phải hứa hẹn sẽ xử lý tin tức giả mặc dù phủ nhận tin tức giả trên Facebook có ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

Ông Joshua Benton, giám đốc Nieman Journalism Lab ở Đại học Harvard chỉ ra rằng những bài báo giả mạo được chia sẻ hàng trăm nghìn lần trên Facebook – nhiều hơn rất nhiều bài báo điều tra chính thống về cả bà Clinton và ông Trump. Theo ông Facebook là rất lớn, do đó 1% tin tức giả trên Facebook mà ông chủ mạng xã hội này công nhận cũng là một điều rất kinh khủng.

Theo viện nghiên cứu Pew Research, hơn 60% người Mĩ trưởng thành nhận tin tức bầu cử năm nay từ mạng xã hội – so với 49% hồi bầu cử năm 2012.

Nhưng sự gia tăng của truyền thông xã hội như là một nguồn tin tức đã phát sinh một vấn đề cơ bản khác. Các thuật toán được thiết kế để phát tán bài báo người dùng sẽ thích và có xu hướng "nhồi" cho họ những bài báo củng cố quan điểm chính trị của họ, trong khi hạn chế những nguồn tư liệu khác hoặc trái với quan điểm đó. Kết quả là người dùng mạng xã hội dành phần lớn thời gian trong một không gian ảo được gọi là "những bong bóng lọc".

"Các mạng xã hội – đặc biệt là Facebook – được dựa trên phần lớn các mối quan hệ cá nhân bạn có", ông Benton nói. "Nó dựa trên cơ sở người mà bạn kết bạn là ai, người quen của bạn là ai và bạn bè của chúng ta phần lớn có xu hướng chia sẻ quan điểm chính trị với chúng ta".

"Do đó mối quan hệ Facebook của chúng ta kết cục dẫn đến việc chúng ta nhìn thấy nhiều nội dung xác định quan điểm của chúng ta hơn. Đó là một dạng nhận tin tức khác so với việc chúng ta tiếp nhận từ báo chí, nơi mà các ý tưởng sẽ trình bày với bạn ít nhất trên danh nghĩa khách quan hơn là điều gì đó được thiết kế để làm hài lòng bạn".

Theo trang Politico đưa tin, Teddy Goff - giám đốc chiến lược kỹ thuật số của bà Clinton đã chính thức đổ lỗi cho Facebook cho phép phát tán thông tin sai lệch về ứng viên đảng Dân chủ và cho biết đảng viên Dân chủ trong và ngoài chính phủ đang xem xét làm thế nào để xử lý "vấn đề lớn" tin tức giả trên mạng xã hội.

campaign's chief digital strategist on Monday blamed Facebook for enabling the spread of misinformation about the Democratic nominee — and said Democrats in and out of government have been looking at how to tackle the "big problem" of fake news on the social network.

"Mọi người có quyền nói bất cứ gì họ muốn, có quyền truy cập các site họ muốn, chia sẻ những gì họ muốn", ông Teddy Goff nói, "Nhưng một nhà xuất bản với hồ sơ thổi phồng/bơm thông tin không thể được xếp hạng cao trên Google và cũng nên tương tự như vậy trên Facebook".

Từ lâu, nhiều cơ quan, tổ chức xã hội đã đặt ra vấn đề Facebook và các mạng xã hội phải có trách nhiệm gì trong việc góp phần phát tán, lan truyền những thông tin sai sự thật. Nhưng cho đến nay, Facebook dường như không muốn làm gì với tin tức giả ngoài việc giảm sự phát tán của chúng với số lượng không xác định. Hồi tháng Tám vừa qua, Facebook tuyên bố sẽ thẳng tay trừng trị nạn giật tít câu view song theo hai hướng tiếp cận: đề nghị người dùng báo cáo và sử dụng thuật toán – dựa vào máy học để giảm tít câu view bằng cách lọc các từ khoá phổ biến. Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp này không rõ ràng và trên thực tế, Facebook vẫn bị chỉ trích rất nhiều sau cuộc bầu cử Mỹ 2016 về nạn phát tán tin bài giả.

Trước sức ép của dư luận Mỹ, trong hai ngày 14-15/11, liên tiếp cả Facebook và Google đã có những động thái nhằm xử lý tình trạng tin tức giả mạo lan truyền trên mạng lưới của mình. Hai hãng Internet khổng lồ này đã quyết định cấm các nhà xuất bản tin tức giả tham gia mạng lưới quảng cáo của mình. Mặc dù Facebook, Google không nói rõ làm thế nào họ phát hiện nhà xuất bản tin tức giả mạo nhưng điều đó cho thấy rõ ràng Facebook và các ông trùm Internet khác không thể chối bỏ trách nhiệm trước nạn phát tán thông tin sai trái, độc hại trên mạng.

Minh Hương

Chủ đề khác