VnReview
Hà Nội

“Cây gậy” và “vòng kim cô”

Việc đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp để quản chặt hơn, hợp lí hơn đối với thuê bao trả trước là cần thiết. Nhưng, quản chặt không có nghĩa là… bóp đến ngộp thở, không chỉ khiến nhà mạng khó kinh doanh, mà ngay cả đa phần người dùng cũng gặp phiền phức, nhiêu khê hơn.

Hội thảo về quản lý báo chí, thông tin điện tử và viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức ngày 23/12/2016, trong đó có một số ý kiến từ các sở TT&TT đề xuất nên quản thuê bao di động trả trước như đối với thuê bao di động trả sau, buộc phải kí hợp đồng.

Tất nhiên khi đề xuất như thế, thì có thể thấy ngay bài toán trước mắt phải giải quyết: Với hơn 100 triệu thuê bao trả trước hiện nay không có kí hợp đồng sử dụng dịch vụ, sẽ xử lí thế nào? Sẽ cho qua, sẽ chỉ áp dụng đối với thuê bao trả trước phát triển mới? Hay sẽ hồi tố buộc nhà mạng và người sử dụng phải đến các điểm giao dịch kí hợp đồng nếu muốn tiếp tục sử dụng dịch vụ?

Và cũng có thể thấy ngay rằng, nếu bắt người dùng thuê bao trả trước phải kí bổ sung hợp đồng, thì sẽ có không ít hệ lụy: Người dân sẽ phản ứng không đồng thuận vì gây phiền phức đối với họ; thuê bao sẽ rời mạng trong đó một phần chạy qua nhà mạng khác, một phần sẽ hủy dịch vụ; nhà mạng có thể sẽ gánh hậu quả là khả năng tăng trưởng thuê bao chậm lại, ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp dịch vụ, kinh doanh và tăng trưởng.

Nói thật, tôi chẳng thấy ở đề xuất đó có sáng kiến gì. Có chăng đó là loại "tối kiến" không quản được thì cấm, không quản được thì ép và gây khó dễ mà mặc cho doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn như thế nào trong kinh doanh, mặc cho người dùng gặp phiền phức như thế nào trong việc sử dụng dịch vụ. Hãy nên nhớ rằng, trong số hơn 100 triệu thuê bao di động trả trước đang tồn tại, những thuê bao làm bậy, lừa đảo, tung tin nhiễu, xả tin nhắn rác và quảng cáo.v.v… chỉ là thiểu số. Để quản để trị nhóm thiểu số ấy mà bắt đa số còn lại gánh chịu các biện pháp nặng tính cực đoan thiếu hợp lí là hoàn toàn không ổn.

Người viết bài này, cũng đã đi qua một số quốc gia và vùng lãnh thổ đang phát triển và phát triển cao, nhưng chẳng thấy nơi nào trong số đó bắt thuê bao trả trước phải kí hợp đồng mới được sử dụng dịch vụ thông tin di động trả trước. Cần khẳng định rằng, Việt Nam đang là một quốc gia có mức thu nhập trên đầu người trung bình so với trên thế giới nhưng thực sự vẫn còn là một nước kém phát triển. Mà muốn phát triển, thì ngoài những hướng đi riêng, thì cũng cần tiếp nhận và chấp nhận những thông lệ quốc tế. Thông lệ quốc tế không phải là luật có tính áp đặt tuân thủ nhưng trong rất nhiều trước hợp chúng ta không thể mặc kệ, bất chấp hay làm trái ngược lại với nó. Một đề xuất có sức nặng, nó không chỉ cần bám sát được thực tế công tác quản lí và hoạt động kinh doanh dịch vụ trong nước mà còn cần có những học hỏi, trải nghiệm từ thực tế quản lí của các nước. Không phải cứ thấy tiện là đề xuất, đề xuất để tiện quản lí, quản lí chặt nhưng gây ngột ngạt cho cả một ngành, và liên quan đến là hàng chục triệu người dùng, qui định như thế cũng không dễ phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội.

Thời gian gần đây, Bộ TT&TT đã có những động thái rất mạnh mẽ và khác biệt với thời gian trước đây trong việc thúc đẩy quản chặt thuê bao di động trả trước và tin nhắn rác. Chính những động thái tích cực này mặt khác cũng phản ánh sự quản lí lơi lỏng của các cơ quan chức năng trong một thời gian dài, trong đó có phần đã nuông chiều nhà mạng quá mức dẫn đến việc quản lí thuê bao di động trả trước có cũng như không. Cho dù việc sốc lại công tác quản lí chỉ mới diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng tình hình trên thị trường như SIM rác, tin nhắc rác đã giảm rõ rệt. Vậy thì, chìa khóa giải quyết vấn đề ở đây là các qui định phải được thực hiện quyết liệt, nghiêm minh bất kể là "con" của bộ ngành nào, chứ không phải đưa ra thêm những qui định khắt nghiệt đứng ngoài lề các thông lệ quốc tế.

Cho đến thời điểm này, Bộ TT&TT đang có đầy đủ cơ sở pháp lí (các văn bản pháp qui), quyền hành và quyền lực để xử lí nghiêm trong vấn đề quản lí thuê bao di động trả trước liên quan tới nhà mạng. Có thể phạt nặng, có thể đình chỉ cung cấp dịch vụ, có thể cách chức nhiều vị trí lãnh đạo của nhà mạng trực thuộc.v.v… Khi quyền lực của "cây gậy" còn chưa được sử dụng và phát huy hết hiệu quả, thì chẳng nên vội đẻ ra thêm các qui định mới khi chưa chắc rằng nó chỉ mang đến điều tích cực mà không trở thành "vòng kim cô" làm nảy sinh những hệ lụy tiêu cực gây thêm khó khăn áp lực lên cộng đồng doanh nghiệp và người dùng.

Khi sức mạnh của "cây gậy" được sử dụng đúng nơi đúng chỗ và đúng mực, thì không chỉ phát huy được hiệu quả, sức răn đe trong công tác quản lí, mà còn tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác