VnReview
Hà Nội

Khó lường các thương hiệu smartphone Trung Quốc

Khái niệm "khó lường" ở đây cần được khu biệt chỉ trong phạm trù cạnh tranh trên thị trường mà ở đó, trong hai quí nửa cuối năm 2016, các thương hiệu smartphone Trung Quốc đã dần mở rộng được thị phần ở mức đáng kể, nếu không muốn nói là "đáng báo động" đối với các đối thủ cạnh tranh của họ.

Những con số thống kê thị trường smartphone toàn cầu kết thúc quí IV/2016 đã khá rõ theo số liệu của Strategy Analytics: Apple thắng lớn với 78,3 triệu chiếc iPhone được bán ra và tất nhiên trong đó iPhone 7 và 7 plus là chủ lực, nhiều hơn Samsung khoảng 0,5 triệu chiếc. Xét về thị phần trong quí IV/2016, Apple đứng đầu với 17,8% trong khi Samsung đạt 17,7%.

Về tỉ lệ sự xê xích là không đáng kể. Nhưng nội hàm của tỉ lệ này mới quan trọng: Gần như 100% con số thị phần nói trên của Apple là smartphone cao cấp, vì thế doanh số cũng nhiều hơn kéo theo lợi nhuận cũng bộn hơn. Trong khi đó, 17,7% của Samsung chủ yếu đến từ doanh số smartphone tầm trung và tầm thấp. Sau thảm họa Note 7, phân khúc cao cấp của Samsung bị bỏ trống, cho dù Galaxy S7/S7 edge được "làm mới" cũng chưa thể bù đắp hết khoảng trống Note 7 để lại.

Xét ở cả hai tiêu chí: Ngôi vị trên thị trường smartphone toàn cầu và phân khúc smartphone cao cấp, hiện chỉ có cặp song đấu "Sung" – "Táo" là đáng gờm đối với nhau. Apple vượt lên vị trí số 1 quí IV "nhờ" vào thảm họa Note 7, nhưng tính chung cả năm 2016, thị phần Apple tính theo đơn vị máy bán ra còn thua xa Samsung: 14,5% so với 20,8%, tương ứng với 215,4 triệu chiếc so với 309,4 triệu chiếc của Samsung.

Nhưng chúng ta dễ dàng thấy rằng, sự vượt lên của Apple tính từ sau thảm họa Note 7 có thể đã nằm trong dự đoán. Không có gì khó lường! Tôi đã từng có bài phân tích rằng, từ sau vụ Note 7, iPhone 7 và 7 Plus có đường rộng thênh thang hơn trên thị trường vì gần như không có đối thủ xứng tầm trong cùng thời điểm, và nếu có thì cũng không đủ sức làm khó iPhone thế hệ thứ 7.

Tính riêng quí IV/2016 và cả năm 2016, các vị trí 3, 4, 5 trong Top 5 thương hiệu smartphone toàn cầu thì Huawei, OPPO, Vivo vẫn yên vị mà không có xáo trộn vị trí. Với Samsung và cả Apple, tổng lượng smartphone bán ra trong năm 2016 đều giảm so với 2015 lần lượt là: 309,4/319,7 triệu chiếc (Samsung) và 215,4/231,5 triệu chiếc (Apple), và tất nhiên cũng kéo theo thị phần sụt giảm. Tuy nhiên với 3 thương hiệu của Trung Quốc là Huawei, OPPO và Vivo, tổng lượng máy bán ra so 2 năm 2016/2015 đều tăng từ mạnh và rất mạnh: Huawei là 138,8/107,1 triệu chiếc (tăng 29,6%); OPPO 84,6/39,7 triệu chiếc (tăng 113%); Vivo 71,9/39 triệu chiếc (tăng 84%). Nên nhớ rằng, năm 2015 tổng thị phần của cả Huawei, OPPO, Vivo cộng lại là 12,9%, còn thua Apple (16,1%) và thua xa Samsung (22,2%). Nhưng; kết thúc năm 2016, tổng thị phần của Huawei, OPPO và Vivo cộng lại đạt 19,8%, đã vượt qua Apple (bị tụt xuống còn 14,5%) và sắp đuổi kịp Samsung (ở mức 20,8%).

Từ những số liệu thống kê thị trường như trên cho thấy, mới chỉ xét 3 thương hiệu smartphone Trung Quốc trong Top 5 toàn cầu 2016 đã thấy rõ một sự gia tăng thế lực đáng kể, nếu cộng thêm thị phần trong nhóm "Others" thì thị phần của smartphone Trung Quốc còn tăng thêm khá nhiều. Diễn biến khó lường ở đây không chỉ có sự tăng trưởng mạnh mẽ thị phần của Huawei và đột biến của OPPO, Vivo mà còn lại nhiều thương hiệu smartphone Trung Quốc khác cũng có thể có tiềm năng tăng trưởng mạnh hay đột biến trong những thời điểm tương lai. Đơn cử Xiaomi hai, ba năm về trước đã từng như vậy. Đây có thể xem là một yếu tố khó lường trên thị trường smartphone toàn cầu trong thời gian tới.

Các thương hiệu smartphone Trung Quốc có thể chưa đạt đến một sự tăng trưởng ổn định ở phạm vi toàn cầu như Samsung, Apple. Song trên thị trường smartphone toàn cầu trong 5 năm trở lại đây, ngoài "Sung" và "Táo" thì cũng có thương hiệu nào khác có sự tăng trưởng ổn định nếu không muốn nói là suy giảm, thậm chí gần như phá sản?

Dư luận mạng thì hay đưa các yếu tố địa chính trị vào đánh giá những vấn đề về kinh tế, thị trường, sản phẩm… và trên thực tế, thi thoảng lại rộ lên những xìcăngđan từ một số thương hiệu smartphone Trung Quốc khiến dư luận người dùng phân vân rồi dẫn đến nhìn nhận tiêu cực. Nhiều ý kiến đến bây giờ vẫn cho rằng smartphone Trung Quốc nói chung có được thị phần là nhờ lợi thế cạnh tranh về giá nhưng chất lượng thì còn thiếu ổn định, thậm chí đáng quan ngại.

Nhưng theo tôi, bất cứ một hãng sản xuất sản phẩm công nghệ nào nếu dùng lợi thế cạnh tranh giá rẻ cũng chỉ nhất thời/tạm thời vì giá cả không phải là một thứ giá trị. Giá trị phải là chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ, trong đó bao gồm những công nghệ, tính năng, tiện ích… mang đến cho người dùng cùng với sự phục vụ, hậu mãi chu đáo. Nhìn vào Top 3 thương hiệu Huawei, OPPO, Vivo, sản phẩm của họ có mức giá không hề rẻ hơn sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh còn lại (ngoài Samsung và Apple). Họ không chỉ mới bắt đầu mà đã đi sâu vào cạnh tranh bằng công nghệ, tiện ích, các chương trình marketing, truyền thông và bán hàng, những cấu hình tạo nét riêng và khác biệt cho sản phẩm, đơn cử như trường hợp Huawei P9 camera kép hợp tác với Leica; Huawei GR5 2017 camera kép có mức giá tầm trung; OPPO F1s camera selfie 16MP; Vivo V5 Plus với bộ đôi camera selfie 20MP…

Một điển hình khó lường là khi OPPO tung ra F1s với quảng cáo camera selfie 16MP còn lớn hơn độ phân giải của camera chính, đánh đúng tâm lí thích selfie và làm đẹp ảnh chụp của người dùng đã khiến cho Samsung phải rượt đuổi theo… Dư luận là một chuyện nhưng các nhà sản xuất như Samsung, Apple hay LG, Sony… sẽ chẳng bao giờ để nhận định của mình bị trôi dạt theo dư luận, mà ngược lại họ rất tỉnh táo phân tích và phán đoán sự trỗi dậy và những thế mạnh trong cạnh tranh của các thương hiệu smartphone Trung Quốc nếu không muốn một ngày nào đó thị phần của mình bị đối thủ thâu tóm.

Huawei đã bước đầu đặt chân vào thị trường Mỹ và vấn đề đang được đặt ra là nếu Huawei chắc chân được ở thị trường smartphone lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc này, thì thị phần của Huawei sẽ chuyển biến tích cực. Và nếu những OPPO, Vivo, Xiaomi… lần lượt chinh phục được thị trường Châu Âu và Mỹ, thì thế lực của các thương hiệu smartphone Trung Quốc sẽ càng khó lường hơn.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác