VnReview
Hà Nội

Vỉa hè - không gian vật lý và không gian xã hội

Từ mùng 5 Tết Nguyên đán 2017 đến nay, T.P.HCM mở chiến dịch "giành lại vỉa hè cho người đi bộ", đập bỏ, tháo dỡ ngay những công trình lấn chiếm lề đường, cẩu xe biển số xanh vi phạm. Tại Hà Nội, dọc các tuyến phố thuộc Q.Hoàn Kiếm, lực lượng chức năng cũng ra quân xử lý các hành vi vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè. Nghị quyết 36 của Chính phủ về vấn này ban hành năm 1995, cách đây 12 năm, như đang "sống lại". Vì sao một Nghị quyết hợp lòng dân mà số phận của nó lại chật vật đến vậy?

;                        

1- Năm 1995, thực hiện Nghị định 36/1995 của Chính phủ về đảm bảo an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị, TP.HCM, Hà Nội và các thành phố khác trên cả nước đã liên tục ra quân xử lý các hành vi lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, giữ xe. Chương trình được triển khai trên khắp địa bàn các thành phố với hàng vạn vụ vi phạm đã được xử lý. Cùng thời điểm này, để việc quản lý vỉa hè hiệu quả hơn, TP.HCM và Hà Nội đã chuyển công tác quản lý vỉa hè từ Sở Giao thông Vận tải cho các quận, huyện, thế nhưng, tất cả cũng chỉ rộ lên vài tháng…

Sau đợt ra quân thực hiện Nghị định 36, hai thành phố lớn còn triển khai khá nhiều chương trình văn minh đô thị gắn với việc giữ cho vỉa hè thông thoáng như chương trình xây dựng khu phố văn hóa, giữ gìn trật tự văn minh đô thị… Tuy nhiên, mọi hoạt động cũng không thu được kết quả căn cơ. Với quyết tâm lập lại trật tự đô thị, hai thành phố đã xây dựng chương trình "tuyến đường mẫu" với nhiều chính sách được các chuyên gia về quản lý đô thị đánh giá cao. Lãnh đạo các thành phố này nhìn nhận hoạt động buôn bán trên vỉa hè là một cách mưu sinh của một bộ phận người dân, do vậy, đã chấp nhận dành một phần vỉa hè cho hoạt động kinh doanh. Phần này được phân định rõ với phần vỉa hè dành cho người đi bộ bằng một vạch sơn. Người kinh doanh chỉ được bày bán hàng hoặc để xe trong phần vỉa hè đã được quy định. Người dân đã rất ủng hộ cách làm này và hy vọng sẽ xử lý dứt điểm được vấn nạn lấn chiếm vỉa hè. Thế nhưng, cho đến nay vỉa hè, nhất là ở TP.HCM vẫn bị lấn chiếm. Các lực lượng chức năng lại phải "ra quân" để giành lại nó cho người đi bộ.

Cái không khí nhộn nhịp ra quân đó khiến tôi nhớ lại chuyện cách đây khá lâu: Một trí thức Việt kiều nói với tôi, có lần anh ta bị lạc đường ở TP.HCM. Cầm tấm bản đồ mang theo, anh ngăn vài người đi qua để hỏi thăm đường về khách sạn, thế nhưng không một ai làm được việc anh yêu cầu là xác định vị trí nơi họ đang đứng trên bản đồ. Anh đưa nhận xét, so với các nước Âu- Mỹ, năng lực định vị đồ vật của người Việt mình không tốt. Anh nói, đế mô tả vị trí một vật nào đó trong không gian vật lý, (ví như căn nhà nằm trong ngõ, biển quảng cáo ở ngã tư), những người mà anh nhờ chỉ dẫn thường tốn khá nhiều công sức. Họ loay hoay với nhiều phương án liên kết vật cần được định vị với các vật mà không dứt khoát theo phương án nào. Họ gặp khó khăn trong việc tra cứu bản đồ hoặc định vị đồ vật, suy cho cùng là do không có ý thức làm chủ không gian vật lý. Nhưng lại họ có ý thức làm chủ không gian công cộng - cứ nhìn cái vỉa hè thì biết.

Theo các nhà khoa học, "không gian" được chia ra nhiều dạng, nhưng thường hay nhắc tới là không gian vật lý và không gian công cộng. Không gian công cộng hay còn gọi là không gian xã hội là không gian phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người và được chia ra hai loại: Không gian "phi vật thể", ví dụ như các diễn đàn trên Internet, các cuộc đối thoại tranh luận trên báo chí, tivi; Không gian "vật thể", ví dụ như quảng trường, đường phố, công viên, vỉa hè...

Cái ý thức "làm chủ" (chiếm giữ) không gian xã hội của người Việt mình như nhận xét của anh Việt kiều dẫn ở trên, có lẽ xuất phát từ tính vị kỷ, từ nhận thức sai lệch về "tự do" của nhiều người. Họ hiểu rằng, "mình là một cá thể tự chủ và có quyền tự mình quyết định việc chiếm lĩnh, khai thác không gian xã hội để thỏa mãn các nhu cầu, lợi ích của riêng mình. Họ không hiểu rằng, trong không gian xã hội - ngôi nhà chung của mọi công dân, việc thực hiện quyền tự do của một người là đồng nghĩa với việc hạn chế tự do của người khác. Vì thế họ không quan tâm đến mối liên hệ giữa mình và cộng đồng, không tính đến các hệ lụy xã hội của hành vi mà mình gây ra. Bởi thế, mới có chuyện nhiều gia đình có cửa hàng ở mặt tiền thuê bảo vệ "nhắc nhở người đi đường vô tình đứng lâu trên vỉa hè tránh ra chỗ khác cho họ làm ăn". Không những lấn chiếm, chủ của nhiều ngôi nhà mặt tiền còn cho thuê cả vỉa hè trước mặt nhà mình. Người bán hàng nào muốn "đặt gánh" trên vỉa hè trước nhà họ đều phải trả cho họ một khoản tiền 1 - 2 triệu đồng/tháng. Họ coi vỉa hè trước cửa nhà mình là bất khả xâm phạm.

Nhiều nhà xã hội học có nhận xét: Việc sử dụng không gian riêng ở khu vực đô thị Hà Nội diễn ra theo kiểu "hướng ra bên ngoài" thể hiện ở việc người dân lấn chiếm không gian chung, chiếm dụng và sử dụng không gian chung (nhất là các vỉa hè, công viên, v.v.) cho mục đích cá nhân. Hoặc như nhận xét của giáo sư Chu Xuân Diên: "Các ứng xử thông thường của một người Việt Nam tại nơi công cộng mới chỉ dừng lại ở mức bảo đảm thuần phong mỹ tục, chưa bảo đảm được tính hợp lý, tính có tổ chức, tính liên kết và tính trật tự".

Soi vào thực tế, thấy nhận xét trên quá đúng! Các hành động của cá nhân liên quan đến việc chiếm lĩnh, sử dụng không gian công cộng cho các mục đích cá nhân, thường tự phát, tùy tiện và có thể tìm thấy ví dụ ở trên đường phố: muốn băng qua đường, thì cứ tìm cách băng qua cho được; ở quầy bán vé, muốn mua vé thì tiến đến quầy bằng cách chen vào bất kỳ khoảng trống nào trước quầy, trong khách sạn, muốn vào thang máy thì cứ vào, dù trong thang máy có người đang đi ra. Rất nhiều người không hiểu rằng, muốn băng qua đường chỉ có quyền băng qua tại lối đi dành cho người đi bộ, người muốn vào thang máy phải tôn trọng quyền ưu tiên rời khỏi thang máy của người đang ở bên trong, người muốn mua vé phải tôn trọng quyền ưu tiên của người đến trước.

2- Trong không gian xã hội, người sử dụng vừa là người quan sát, vừa là người tham gia các hoạt động chung. Hình thức hoặc hoạt động của mỗi cá nhân trong không gian xã hội thường gây ảnh hưởng tới người khác, vì thế, không gian xã hội là nơi thường xảy ra các xung đột. "Cuộc chiến giành lại vỉa hè" vừa qua được xem là một xung đột xã hội. Người buôn bán vì tính vị kỷ, vì hiểu sai lệch khái niệm "tự do", chỉ muốn làm chủ không gian xã hội để hưởng lợi cho mình. Đã nhiều lần chúng ta tuyên truyền, giải thích, kêu gọi, trông chờ vào lòng tự giác của họ để làm cho đường thông, hè thoáng nhưng không lay chuyển được nhận thức của họ thì phải dùng tới pháp luật, cơ quan quản lý phải ra tay thiết lập lại trật tự vỉa hè trả lại không gian xã hội sử dụng đúng mục đích của nó - phục vụ lợi ích chung.

Có người ví ông Phó chủ tịch UBND Q.1 TP.HCM, Đoàn Ngọc Hải như "người hùng". Thực ra ông ấy đang làm công việc cần làm của một người lãnh đạo chính quyền có trách nhiệm. Và thực tế cho thấy, hành động kiên quyết đã có tác động tới sức ỳ do tính ích kỷ sinh ra - một số hộ dân lấn chiếm vỉa hè đã chủ động dỡ bỏ các hạng mục xây dựng lấn chiếm lề đường, không đợi đội kiểm tra của chính quyền ra tay. Đây chính là sự hợp tác có hiệu quả giữa chính quyền và người dân vì lợi ích chung.

3- Để việc lập lại trật tự vỉa hè không rơi vào tình trạng bắt cóc bỏ đĩa như những lần trước, thiết nghĩ, hai thành phố lớn đang có kế hoạch xây dựng thành phố thông minh, nên đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát các tuyến phố chính để vừa theo dõi tình hình giao thông vừa phát hiện sớm các hành vi lấn chiếm vỉa hè. Hình ảnh lấn chiếm vỉa hè được lưu lại để cơ quan chức năng có căn cứ xử lý người vi phạm. Lắp đặt camera sẽ giảm bớt lực lượng giữ gìn trật tự đô thị đồng thời phát huy vai trò của người dân trong việc giám sát trật tự đường phố, vỉa hè một cách lâu dài.

                                                                                                 Đ.Ngọc

Chủ đề khác