VnReview
Hà Nội

Khi khách hàng dùng quyền “xử” YouTube

Lâu nay, người ta thường chỉ nghe những "ông lớn" của làng internet như Facebook, Google "xử" người dùng vì các vi phạm về bản quyền hay vì những nội dung thô tục chứ hầu như không thấy chiều ngược lại. Nhưng bây giờ thì đã xảy ra chiều ngược lại, khi hàng loạt doanh nghiệp tại Việt Nam như Vinamilk, Vietnam Airlines, Mead Johnson Nutrition VN và nhiều công ty bất động sản lớn cho biết sẽ rút hoặc ngưng quảng cáo trên kênh YouTube.

Theo bài báo "Doanh nghiệp Việt tẩy chay YouTube" đăng trên báo Thanh Niên mới đây, nguyên nhân các doanh nghiệp "xử" YouTube là vì quảng cáo của họ bị chèn vào 17 clip đăng trên YouTube đã được Cục Phát thanh - Truyền hình - Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) phát hiện có nội dung không lành mạnh, vi phạm pháp luật Việt Nam. Hồi cuối tháng 2/2017, Bộ TT-TT và Bộ Văn hóa cho biết sẽ xử phạt YouTube và yêu cầu gỡ bỏ các clip này. Trong số các nhãn hàng bị ảnh hưởng liên đới vì vi phạm luật quảng cáo có những thương hiệu lớn như: Vinamilk, Unilever, P&G, FPT, Samsung, Yamaha, Vietnam Airlines và một số dự án bất động sản lớn".;

Việc những nội dung được phát nhan nhản trên YouTube có "nội dung xấu" thì nhiều người dùng đã quá rõ từ lâu nay rồi. 17 video theo thống kê của Cục Phát thanh - Truyền hình - Thông tin điện tử thực ra là còn quá ít. Chỉ riêng các nội dung câu view, đẩy vống vấn đề lên thành xuyên tạc, xăm xoi riêng tư, trái đạo lí, xúc phạm cá nhân.v.v… thì đã đầy rẫy trên YouTube. Đơn cử về "cuộc tình 27-72" giữa Ngọc Trinh và Hoàng Kiều, hiện có rất nhiều clip với nội dung xuyên tạc nghe rất chối tai còn lưu hành trên YouTube, đó là chưa kể tới những lĩnh vực khác như chính trị, văn hóa, xã hội…

Tất nhiên YouTube cũng có những qui định chế tài đối với người dùng, thậm chí khá là chặt chẽ và cụ thể, nhưng đó là… "luật YouTube" hoặc những qui định đó được soạn thảo dựa trên nền tảng pháp lí của quốc gia khác chứ không phải Việt Nam, trong khi "ông lớn" này lại đang kiếm được không ít tiền mỗi năm từ thị trường Việt.

Trước đây khi Facebook chưa thịnh hành và mạnh mẽ như bây giờ, thì Google gần như độc chiếm thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam (thị phần của các đơn vị còn lại không đáng kể so với Google). Facebook mạnh lên đã soán ngôi Google trong lĩnh vực này tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam năm 2015 khoảng hơn 7.000 tỉ đồng thì trong đó Facebook kiếm hơn 3.000 tỉ đồng; Google kiếm khoảng 2.200 tỉ đồng và tất nhiên trong đó có phần đóng góp từ YouTube.

Và cũng là lẽ tất nhiên trong con số 2.200 tỉ Google thu về từ dịch vụ quảng cáo trực tuyến có không ít chi phí từ các doanh nghiệp như Vinamilk, Unilever, P&G, FPT, Samsung, Yamaha, Vietnam Airlines… Và thực tế trái khoáy đang diễn ra là, dù các doanh nghiệp này không muốn nhưng nội dung quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của họ lại được đưa vào những clip có nội dung vi phạm. Trong trường hợp này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về đơn vị làm đại lí quảng cáo là trung gian giữa khách hàng doanh nghiệp và YouTube, tiếp đến chính là trách nhiệm đã để tạo ra một môi trường nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và hẳn nhiên là thuộc về YouTube/Google.

Chẳng có doanh nghiệp nào muốn mẫu quảng cáo của mình dính vào nội dung xấu, vi phạm các qui định sở tại. Càng không có doanh nghiệp Việt nào muốn quảng cáo trên các clip có nội dung xuyên tạc, nói xấu về đất nước mình. Bởi như vậy, không chỉ hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực mà thậm chí doanh nghiệp còn bị rầy rà về pháp lí.

Nếu chiếu theo đạo lí "ăn cây nào rào cây đó" của người Việt thì trường hợp YouTube và đại lí quảng cáo của họ đối với những khách hàng doanh nghiệp tại Việt Nam trong trường hợp đang được đề cập thực quá phũ phàng vì Google (vận hành, khai thác YouTube) cùng với nhiều "ông lớn" khác lâu nay chỉ biết "ăn" mà không chịu "rào". Và tất nhiên, chẳng một quốc gia có chủ quyền nào lại chấp nhận tình trạng này diễn ra và kéo dài.

Chẳng phải chưa có tiền lệ. Google từ nhiều năm nay đã bật khỏi thị trường Trung Quốc đại lục hơn 1,3 tỉ dân khi không chấp nhận "luật chơi" của chính phủ nước này, kéo theo mất đi một nguồn thu khổng lồ. Trong năm 2016, ứng dụng Bigo Live phổ biến tại Việt Nam để xảy ra tình trạng tràn lan những hình ảnh phơi bày thân xác phụ nữ, những câu chat và bình luận có nội dung thô tục trái thuần phong mỹ tục bị cơ quan chức năng "tuýt còi", cuối cùng đã phải chấn chỉnh.

Luật ở mỗi quốc gia dù có khác nhau nhưng bất cứ doanh nghiệp qui mô thế nào đi nữa khi đã hội nhập làm ăn thì đều phải tuân thủ một phương châm toàn cầu hóa là kinh doanh có trách nhiệm: Trách nhiệm với luật pháp, văn hóa, tập tục, con người tại đất nước mà hàng năm đã mang lại cho doanh nghiệp đó hàng trăm triệu đôla.

Thế Lâm

Chủ đề khác