VnReview
Hà Nội

“Quả bóng” GrabCar tại Đà Nẵng đang được “chuyền” như thế nào?

Sau rất nhiều bài báo nhìn chung thể hiện sự không đồng tình với việc Đà Nẵng từ chối ứng dụng đặt xe trên internet GrabCar, thì địa phương này cũng đã có phản hồi: "Không ngăn cản, không cấm quyền tự do kinh doanh…", mà "đơn giản" chỉ là đang chờ ý kiến của Bộ GTVT về việc triển khai dịch vụ GrabCar trên địa bàn.

"Liên khúc đợi chờ"…

Sự chờ đợi, trong các lĩnh vực như hành chính, kinh doanh, sinh hoạt.v.v… và ngay cả trong chuyện tình cảm, là điều bình thường. Nhưng sẽ không ổn, và càng không bình thường, khi một bộ máy hành chính bắt người dân và doanh nghiệp chờ đợi mà không đưa ra được hạn cuối phải trả lời hay giải quyết vấn đề.

Đó chính là câu chuyện mà dư luận gần đây "sôi nổi" không đồng tình về quyết định của UBND TP.Đà Nẵng từ chối cho triển khai dịch vụ vận tải hành khách qua hợp đồng điện tử GrabCar. Có thể thông cảm và thấu hiểu với nỗi "ưu tư" của chính quyền Đà Nẵng: đó chính là nguy cơ ùn tắc giao thông, vấn đề quản lí xe GrabCar như thế nào để tuân thủ pháp luật, hay để tìm các giải pháp giải quyết những bất cập trong công tác quản lí loại hình này… Tuy nhiên, tất cả những lí do đó, không thể được đánh đồng như là nguyên nhân phải cấm, phải chặn một loại hình vận tải hành khách mới có nhiều ưu điểm ở tính minh bạch, tiện ích và đặc biệt là có lợi hơn cho người tiêu dùng Việt Nam về chi phí so với loại hình taxi truyền thống hiện nay.

Dịch vụ GrabCar đã được Bộ GTVT cho thí điểm tại 5 thành phố gồm Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2018. Chính quyền Đà Nẵng cho biết thời gian qua đã gửi 2 văn bản lên Bộ GTVT về việc này (vào tháng 11/2016 và tháng 2/2017), nhưng đến nay chưa có hồi âm và vẫn đang phải chờ.

Xâu chuỗi lại, có thể thấy ngay một "liên khúc đợi chờ" trong câu chuyện này: Đà Nẵng chờ Bộ GTVT, Grab chờ Đà Nẵng, còn người tiêu dùng tại Đà nẵng và đến Đà Nẵng cũng phải chờ (GrabCar) theo cho nên chưa thể được trải nghiệm dịch vụ vận tải hành khách có giá rẻ hơn, tiện ích hơn và an toàn hơn.

"Quả bóng" trách nhiệm về đâu?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định: Chính phủ đang hoạt động theo phương châm Chính phủ kiến tạo. Theo đó, chính quyền các địa phương cũng phải kiến tạo, mà cụ thể và thiết thực nhất là kiến tạo chính sách, môi trường để người dân, doanh nghiệp được thuận tiện làm những gì luật pháp không cấm. Dịch vụ GrabCar đã được Bộ GTVT cấp phép cho thí điểm tại Đà Nẵng, thì chính quyền Đà Nẵng không lí gì, và cũng không có thẩm quyền cấm GrabCar. Việc Ủy ban An toàn giao thông Đà Nẵng đề xuất chặn ứng dụng Grab trên internet có thể nói là một đề xuất nông nổi, đi ngược lại sự hội nhập quốc tế trong thời đại nền kinh tế tri thức và nền kinh tế chia sẻ mang đến những phương thức kinh doanh mới có lợi cho người tiêu dùng.

TP.HCM, Hà Nội ùn tắc giao thông là thế, khó khăn bất cập trong quản lí giao thông là thế nhưng cũng không thể muốn cấm, muốn chặn loại hình đặt xe qua internet là được, mà chỉ có thể dùng pháp luật chế tài một cách đúng đắn, hợp lí. Bởi đối với một chính quyền kiến tạo, thì nhiệm vụ tối thượng chính là kiến tạo nên lợi ích cho người dân của mình. Chính vì thế, Grab, Uber, và sắp tới là ứng dụng tương tự mang tên FaceCar của doanh nghiệp Việt (được Việt kiều Đức đầu tư 1 tỉ USD nhằm mang ra thế giới) vẫn cứ hoạt động theo đúng pháp luật tại Hà Nội và TPHCM trong khi chính quyền hai thành phố này phải gồng mình để tìm giải pháp giải quyết tình trạng kẹt xe đang diễn ra rất trầm trọng.

Tuy nhiên, công văn mới nhất (số 2283/BGTVT-VT) của Bộ GTVT gửi Ủy ban Nhân dân TP.Đà Nẵng và Công ty TNHH GrabTaxi ngày 7/3/2017 khiến người ta đọc xong… thấy trớt quớt.

Công văn có đoạn: "Bộ GTVT đề nghị Công ty TNHH GrabTaxi chỉ thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng (GrabCar) tại thành phố Đà Nẵng khi có sự phối hợp quản lý của Sở GTVT Đà Nẵng. Đề nghị Công ty TNHH GrabTaxi triển khai thực hiện". Vậy với trích đoạn này nên hiểu "ý tứ" của Bộ GTVT theo hướng nào? Một là, GrabCar chỉ được triển khai khi "có sự phối hợp quản lý của Sở GTVT Đà Nẵng", tức là khi được địa phương gật đầu. Nếu thế thì ý kiến của Bộ GTVT tại công văn lại mâu thuẫn với chính sự chấp thuận của Bộ này đã cho phép GrabCar được triển khai tại 5 thành phố, thậm chí mẫu thuẫn với cả Văn bản số 1850/TTg-KTN ngày 19/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy có thể thấy, với hai công văn Đà Nẵng gửi Bộ GTVT, "quả bóng" về trách nhiệm giải quyết vấn đề GrabCar tại Đà Nẵng đã được "chuyền" sang Bộ GTVT. Nhưng với công văn số 2283/BGTVT-VT, Bộ GTVT đã đá "quả bóng" trách nhiệm sang nơi khác một cách đầy mâu thuẫn, nước đôi mà không thể hiện rõ quan điểm giúp cho vụ việc này được giải quyết một cách rốt ráo. Một khả năng rất lớn có thể xảy ra là: Nếu Sở GTVT Đà Nẵng không "có sự phối hợp quản lí", thì GrabCar sẽ không thể thí điểm được tại Đà Nẵng, và Đà Nẵng sẽ bị tiếng xấu là cấm cản kinh doanh tự do. Mà đáp số của khả năng này hoàn toàn có thể dự đoán ngay được bởi chính quyền Đà Nẵng đã và đang không muốn triển khai GrabCar trên địa bàn. Còn nếu khả năng… rất khó xảy ra là Sở GTVT Đà Nẵng "có sự phối hợp quản lí", thì Bộ GTVT lại được tiếng thơm ra tay "cứu vớt" giải quyết vấn đề. Với công văn số 2283/BGTVT-VT, Bộ GTVT đã thoát "quả bóng" trách nhiệm chỉ đạo giải quyết vấn đề một cách ngoạn mục.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác