VnReview
Hà Nội

Những vết đâm chí mạng của sự bất lực

Anh Lương Quốc Thiện - một tài xế xe ôm GrabBike - cần nhiều ngày nữa để bình phục hoàn toàn và những kẻ vung những nhát tuốcnơvít chí mạng vào anh chắc chắn sẽ phải chịu tội trước pháp luật. Song câu chuyện ở đây không chỉ thuần túy là vấn đề đâm chém bạo lực gây sát thương, mà bản chất của nó chính là sự xung đột giữa mới và cũ, công nghệ và truyền thống.

Trong một bài viết trước đây đăng trên VnReview tôi đã dẫn ra những con số: Từ tháng 11/2015-11/2016 tại TP.HCM đã xảy ra ít nhất 65 vụ tài xế xe ôm truyền thống đuổi đánh, hành hung tài xế xe ôm GrabBike vì cho rằng bị "cướp nồi cơm". Và tôi cũng đã từng khẳng định rằng, đó chỉ là cách nghĩ của một bộ phận tài xế xe ôm truyền thống chứ ở đây chẳng có ai "cướp nồi cơm" của ai cả.

Nguyên nhân chính của những vụ đánh đấm, hành hung tài xế GrabBike chính là vì tài xế xe ôm truyền thống cảm thấy bị mất dần "vị thế xe ôm" của mình. Trên thực tế thì họ dần bị mất khách vì cách làm ăn cũ kĩ và lười nhác, đa phần suốt ngày chỉ chốt ở một vị trí, ai gọi thì chạy chở khách còn không thì thôi, giá cả thì hét trên trời, thậm chí không ít tài xế xe ôm truyền thống ăn mặc lôi thôi, ăn nói thì chợ búa.v.v… Những hình ảnh này không phải xa lạ mà đã quá quen thuộc. Vì thế khi GrabBike xuất hiện, giá cước rẻ hơn và thái độ phục vụ lịch sự hơn, thông tin minh bạch và hành khách cảm thấy an toàn hơn, khiến cho xe ôm truyền thống mất dần thị phần cũng là điều tất yếu.

Nói vậy không có nghĩa đơn giản cứ chạy GrabBike là kiếm được nhiều tiền. Chính ông Nguyễn Tuấn Anh - CEO Grab Việt Nam - từng xác nhận với tôi: "Chạy GrabBike phải siêng năng, thậm chí phải động não tính toán quãng đường và địa điểm tìm đón khách thì thu nhập mới cao, còn không thì chỉ thu nhập bình bình". Nhưng trên thực tế, tài xế xe ôm truyền thống chẳng mấy người siêng năng như tài xế GrabBike. Không ít tài xế chốt bến bãi "ngon ăn" chỉ cần chạy 2-3 cuốc mỗi ngày với giá chặt chém, kiếm được một, hai trăm ngàn là nghỉ xả hơi không thiết chạy nữa, hoặc hét giá ngất trời nếu có khách tới hỏi…

65 vụ đuổi đánh hay thêm hàng trăm vụ nữa cũng không thể giúp lấy lại "nồi cơm" cho xe ôm truyền thống được. Ngược lại, càng thêm vụ bạo lực nào do tài xế xe ôm truyền thống gây ra đối với tài xế GrabBike sẽ chỉ càng cho thấy sự bất lực một cách trầm trọng hơn, và càng tô đậm thêm hình ảnh côn đồ mà thôi. Những nhát dao hay những nhát tuốcnơvít kia, chính là những hành vi đỉnh điểm khắc họa của sự thua kém về năng lực cạnh tranh. Bởi vì, tài xế xe ôm truyền thống có đuổi đánh, đâm chém tài xế GrabBike đến cỡ nào thì cũng chẳng thể ngăn được hành khách đến với GrabBike, càng không thể ngăn được những cuốc đặt xe qua internet thực hiện trên những chiếc smartphone đầy tiện lợi mà giá cả thì rẻ hơn từ 30-60% tùy cuốc. Đúng hơn thì chính những vụ đuổi đánh và những nhát đâm chí mạng bất lực kia sẽ chất chồng thêm những rào cản ngăn hành khách đến với xe ôm truyền thống.;

Mới đây, Bộ Tài chính đã bác kiến nghị của Hiệp hội Taxi TP.HCM và các hãng taxi truyền thống đòi giảm thuế xuống bằng với mức thuế của Uber, Grab. Bộ Tài chính cho rằng không có cơ sở để giảm thuế theo như kiến nghị vì hai phương thức kinh doanh dịch vụ giữa taxi truyền thống với Uber, Grab có sự khác nhau. Trên thực tế, taxi truyền thống hiện cũng đã đưa ra các ứng dụng đặt xe qua internet nhưng nếu ai đã từng đặt xe theo phương thức này của các hãng taxi truyền thống mới thấy những ứng dụng của họ đang được vận hành "củ chuối" như thế nào.

Có một câu nói đang rất phổ biến của thời internet là "khi thế giới thay đổi, chúng ta phải đổi thay". Và câu khẩu hiệu "thay đổi hay là chết" không phải là một phương châm mơ hồ nữa mà chính là lối đi rất cụ thể, thiết thực đối với từng tổ chức, doanh nghiệp. Một Kodak to lớn là thế không kịp thích nghi với thời đại "phim số" đã bị phá sản trong thê thảm. Một Yahoo! mạnh mẽ và kiêu ngạo là thế nhưng không kịp đổi thay để đến thời điểm này đã sa sút, tàn tạ và bán mình. Trong khi đó, bộ não của thời đại là IBM đã nhìn xa hàng chục năm sớm từ bỏ mảng phần cứng ít lợi nhuận để chuyển dịch dần sang mảng dịch vụ và giải pháp thì đến nay vẫn tiếp tục khẳng định vị thế "ông lớn" trên thị trường…

Càng đánh càng đâm càng chém…, những vết đâm vết chém ấy chưa lấy đi được tính mạng của anh Lương Quốc Thiện và các tài xế GrabBike song đã kịp "giết chết" hình ảnh của xe ôm truyền thống và thiện cảm của người dân đối với những người hành nghề xe ôm này. Bạo lực xuất phát từ sự bất lực thì càng không thể đánh chiếm được lòng người và thiện cảm xã hội. Và một khi tài xế xe ôm truyền thống tự từ bỏ quyền hành nghề lương thiện và nhúng tay vào bạo lực thì tương lai đón đợi chỉ là sự bi đát mà thôi.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác