VnReview
Hà Nội

Dịch vụ công trực tuyến, còn nhiều thử thách

Theo Báo cáo mới đây của Liên hợp quốc, năm 2016, Việt Nam xếp thứ 89/193 thế giới về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, tăng 10 hạng so với năm 2014, và cũng chính thức gia nhập nhóm các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử cao. Chỉ số thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến của nước ta được đánh giá ở mức cao với 0,57 điểm, xếp hạng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu nâng cao chỉ số Chính phủ điện tử lên thứ 80 trong năm 2017 và lên thứ 70 vào năm 2020 thì dịch vụ công trực tuyến- phần cốt lõi của Chính phủ điện tử còn phải vượt qua nhiều thử thách.

Có chính phủ điện tử, nhưng...

Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Nó giúp người dân nhiều tiện ích: tiết kiệm thời gian, chi phí và có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Thực hiện loại dịch vụ này là công khai hóa, minh bạch hóa thủ tục hành chính cho người dân, phòng ngừa được tiêu cực nội bộ, vì tất cả hồ sơ từ mức phí, số thứ tự... đều hiển thị trên màn hình máy tính nên không còn tình trạng chen lấn, và triệt tiêu các loại "cò" - cò bán hồ sơ, cò khai hồ sơ... Văn minh công sở cũng thay đổi về chất.

Năm 2015, Chính phủ ra Nghị quyết riêng về Chính phủ điện tử đặt mục tiêu đến hết năm 2016 các bộ, ngành trung ương có 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản tới cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; Phấn đấu đến hết năm 2016 một số dịch vụ công phổ biến, liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 - cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; Cuối năm 2017, 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến; Tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Thử nhìn lại xem những mục tiêu đó đạt được mức nào? Chưa có con số thống kê chính xác, các cơ quan chức năng có liên quan tới Công nghệ thông tin cho biết, đến nay chưa đạt 30% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, còn ở cấp độ 4 - cấp cao nhất - cho phép người dân ngồi ở nhà làm hết các thủ tục và nhận kết quả trực tuyến, mới có hơn 1.200 dịch vụ công đang được cung cấp, chỉ đạt 1% so với tổng số 125.000 dịch vụ công mà Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp đang cung cấp cho người dân. Vậy là còn hàng ngàn loại giấy tờ hành chính chưa biết đến bao giờ mới có thể thực hiện được hoàn toàn qua mạng.

Thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là những địa phương tiên phong trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và đang xây dựng thành phố thông minh, nhưng loại dịch vụ này làm các nhà chức trách phải "sốt ruột". TP Hà Nội đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến từ tháng 8/2016 và phấn đấu hết năm nay đạt 40% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 trong tổng số khoảng 1.800 dịch vụ hành chính công. Nhưng những dịch vụ đã triển khai ở mức 3 chất lượng cũng rất đáng suy nghĩ, ví dụ "chuyện học bạ điện tử", tháng 1/2017 các trường phổ thông ở Hà Nội khi dùng phần mềm tính điểm mới đã phải thốt lên rằng: "Chúng tôi quá khổ với phần mềm tính điểm mới", có thầy phải thức tới 3 giờ sáng để chuyển điểm về Sở, do phần mềm mới chưa được thử nghiệm đã đưa vào sử dụng nên liên tục bị trục trặc. Còn người dân thì cũng chưa mặn mà với loại dịch vụ này.;

Với TP Hồ Chí Minh, đã triển khai dịch vụ công trực tuyến được hơn một năm, nhưng Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong rất "sốt ruột" vì kết quả đạt được không như mong đợi. Báo Sài Gòn Giải Phóng tháng 3/2017 có bài phản ánh, cho thấy, hầu hết các quận-huyện của thành phố, người dân chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến mà vẫn trực tiếp đến cơ quan công quyền để nộp thủ tục hành chính. Họ hầu như không quan tâm đến những tiện ích công qua mạng mà nếu có cũng chỉ là tham khảo. Quận 1 - quận đi đầu trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính, có tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến thấp đến… bất ngờ! Cụ thể, với lĩnh vực đăng ký hộ kinh doanh cá thể, trong năm 2016 chỉ có trên 100 trường hợp thực hiện thủ tục này qua mạng, chiếm chưa đến 10% trên tổng số hơn 1.200 hồ sơ. Tương tự, lĩnh vực cấp bản sao trích lục hộ tịch, số người thực hiện hiện dịch vụ này qua mạng cũng chưa đạt 10%.

Ít công dân điện tử

Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến còn rất thấp, do: Cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, hệ thống trang thiết bị của mạng lưới trực tuyến chưa đồng bộ; Có địa phương lập trang Thông tin điện tử chỉ để giới thiệu thông tin chung (địa giới hành chính, thông tin thời sự, nhất là hoạt động của lãnh đạo) và mang tính phong trào, cũng "gọi là có" như các địa phương khác để không mang tiếng là lạc hậu, mà chưa lấy tiêu chí quan trọng là mang lại tiện ích về dịch vụ công cho người sử dụng. Nói như ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam: "Điểm lại các dịch vụ công trực tuyến hiện nay vẫn chưa có nhiều dịch vụ mang tính "an sinh" hàng ngày để thực sự phục vụ người dân".

Cũng không thể phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ cùng nhiều cơ quan nhà nước trong việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến, nhưng con người vẫn là yếu tố tiên quyết. Một số cán bộ chưa được bổ túc trình độ công nghệ thông tin cho nên khả năng xử lý còn hạn chế. Phần lớn dân cư là người cao tuổi, dân lao động, nông dân trình độ sử dụng công nghệ thông tin còn kém, thậm chí không biết gì về internet nên e ngại đụng vào bàn phím, vẫn muốn trực tiếp đến các cơ quan hành chính làm thủ tục cho yên tâm. Có người biết sử dụng thì tâm lý lo ngại về sự không thuận tiện, mất an toàn thông tin khi sử dụng loại dịch vụ này. Rõ ràng là dịch vụ công trực tuyến chưa thực sự phát huy hết hiệu quả là do có rất ít "công dân điện tử". Đó được coi như một trong những thử thách phải vượt qua.

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, trong đó có mục tiêu: đến năm 2020 hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 4. Nhưng "cung" có, mà ít "công dân điện tử" sử dụng thì trở nên lãng phí. Câu trả lời là, để có thêm nhiều người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến thì các cơ quan chức năng có liên quan cần lựa chọn cài đặt phần mềm phục vụ cho chương trình này tốt nhất, ít thao tác, có tính bảo mật cao, và rút ngắn tới mức tối đa thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân khi sử dụng dịch vụ này so với thực hiện thủ công.

Có lẽ ngay từ bây giờ, đồng thời với việc triển khai dịch vụ công trực tuyến phải thường xuyên tổ chức các lớp, điểm đào tạo, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ này. Ai là người làm công việc đó? Thiết nghĩ, ngoài những lực lượng công nghệ thông tin ở địa phương, thì sinh viên khoa Công nghệ thông tin ở các trường đại học hãy xuống với dân vừa thực tập vừa hướng dẫn cho dân, thanh niên tình nguyện có trình độ tin học vững vàng nên về những "vùng lõm" công nghệ thông tin để hướng dẫn cho người dân sử dụng máy tính, hướng dẫn người dân đăng ký sử dụng các dịch vụ mình cần…

Sự phát triển về lượng và chất của dịch vụ công, nhất là dịch vụ công trực tuyến là một tiêu chí để đánh giá nền kinh tế thị trường. Mức độ phát triển dịch vụ công phản ánh mức độ phát triển, tính chất xã hội của kinh tế thị trường, "tính nhân dân" của một nhà nước. Nó khác hẳn tính chất bao cấp ban ơn của Nhà nước trong nền kinh tế kế hoạch hóa trước đây. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói "Chính phủ đang hướng đến xây dựng một Chính phủ kiến tạo mà việc phục vụ nhân dân phải xuống tới tận địa phương, không chỉ dừng ở cấp trung ương". Nếu điều đó được thực hiện tốt trong dịch vụ công trực tuyến thì "chuyện lên hạng" của Chính phủ điện tử như mong muốn của chúng ta không quá khó khăn.

                                                                                    Đăng Ngọc

Chủ đề khác