VnReview
Hà Nội

Có tầm, thiếu tâm, tàu vỏ thép thành cơn ác mộng...

Thảo luận về kinh tế-xã hội tại Nghị trường chiều 9/6/2017, đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng đã đề cập đến vụ việc "tàu vỏ thép đóng mới trị giá hàng chục tỷ bị gỉ sét". Chỉ tính ở hai tỉnh Bình Định, Phú Yên, đóng 37 tàu đến nay đã có 21 tàu hư hỏng nặng sau một vài chuyến đi biển, thậm chí 1 chiếc phải nằm lại trong lòng biển khơi. Giấc mơ làm giàu của ngư dân đã biến thành cơn ác mộng...;

Có tầm

Công ty TNHH Đại Nguyên Dương - công ty ngoài quốc doanh, đã hành nghề đóng tàu hơn 10 năm, theo như lời quảng bá của họ là "có đủ năng lực, công nghệ" để đóng một số loại tàu. Còn Công tyTNHH Nam Triệu là doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, đã có bề dày lịch sử, xét về tiềm lực và kinh nghiệm hiện đang đứng hàng đầu trong lĩnh vực đóng tàu trên cả nước. Công ty đã đóng mới nhiều tàu lớn như tàu 53.000 T, 56.200 T, FSO5 và các phương tiện thủy khác, được đánh giá cao về mặt chất lượng và thẩm mỹ, thỏa mãn tất cả các yêu cầu về quy phạm và công ước quốc tế. Hai Công ty được cho là có đủ điều kiện đóng tàu vỏ thép cho ngư dân theo Nghị định 67 của Chính phủ. Về mặt kỹ thuật, có thể nói là họ "đủ tầm", thậm chí như Công ty Nam Triệu "vượt tầm" để đóng những con tàu vỏ thép thay cho những tàu vỏ gỗ của ngư dân.

Nhưng... thiếu tâm

Cứ theo lời quảng bá của hai công ty này thì họ vừa "có tài" vừa "có tâm". Nhưng cái tâm của hai công ty này đã bộc lộ ra sao? Họ coi kiếm được hợp đồng đóng tàu vỏ thép cho ngư dân là cơ hội "làm tiền" và lộ nguyên hình của một "con buôn" chứ không phải doanh nhân thời kinh tế thị trường. Lợi dụng tính thật thà, chất phác, thiếu hiểu biết về kỹ thuật, công nghệ đóng tàu của ngư dân để lừa dân, "làm xiếc" trên thân phận ngư dân. Nghị định 67 nêu rõ: "Hỗ trợ 100% thiết kế mẫu tàu cho ngư dân", nhưng Công ty Đại Nguyên Dương thu 130 triệu đồng thiết kế/tàu, Công ty Nam Triệu thu 240 triệu đồng thiết kế/tàu. Chính phủ đã thuê các cơ quan thiết kế, theo mẫu cụ thể, các công ty đóng tàu đóng theo mẫu đó, sao còn đè cổ thu phí của ngư dân? Trong hợp đồng đóng tàu,  thép là của Nhật Bản, Hàn quốc thì họ đã thay bằng thép Trung quốc. Có chủ tàu yêu cầu công ty dùng thép 8 ly thì họ dùng thép 6 ly, thép 10 ly thì dùng thép 8 ly!

Theo các chuyên gia lành nghề về thép, có 2 dòng, thép dành cho xây dựng và thép dành cho đóng tàu. Tiêu chuẩn thép đóng tàu là cần có đủ hàm lượng các chất cần thiết để tránh ăn mòn kim loại, loại bỏ hiện tượng gỉ sét, nếu không chỉ một năm là thép han gỉ. "Nếu dùng thép xây dựng, không chịu được sóng mạnh là hư hỏng, không chịu được độ mặn của nước biển là han gỉ. Thép của Trung Quốc đến nay vẫn không được đánh giá cao như Hàn Quốc, Nhật Bản. Nếu bảo thép Trung quốc chất lượng như Nhật Bản, Hàn quốc là ngụy biện". Họ còn đổ lỗi "vì nước biển quá mặn" nên tàu gỉ! Không chỉ ngụy biện mà còn có những hành động theo kiểu côn đồ. Có chủ tàu kể, "ra nhà máy của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, thấy họ đóng tàu cho mình bằng thép ghi "made in China", tôi yêu cầu họ làm cho đúng hợp đồng thì bị họ phản ứng". Ngư dân khác tố giác: "Công ty Đại Nguyên Dương cho nhân viên đuổi đánh, bắt xóa toàn bộ hình ảnh khi họ phát hiện công ty này tráo thép Nhật Bản, Hàn Quốc bằng thép Trung Quốc giá rẻ, kém chất lượng".

Không chỉ có vỏ tàu bị tráo thép mà máy tàu, bộ phận quan trọng nhất cũng là hàng rởm. Theo quy định trong Nghị định 67, "máy móc đóng tàu cho ngư dân phải mới, chính hãng", nhưng qua kiểm tra một số tàu máy dùng một thời gian đã hỏng hóc. Hãng Mitsubishi Nhật Bản sợ ảnh hưởng tới thương hiệu của mình đã sang kiểm tra 9 máy thì 8 máy của Công ty Nam Triệu đóng tàu cho ngư dân không phải máy của Mitsubishi Nhật Bản, chỉ 1 máy đúng hãng cung cấp qua kênh chính phủ, 8 máy kia đều bị hoán cải, thay thế linh kiện dẫn đến hỏng hóc liên tục, khiến chủ tàu điêu đứng.

Biến thành ác mộng...

Nghị định 67 là chủ trương lớn, đúng đắn, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo, bởi ngư dân là những "cột mốc sống" trên biển. Chủ trương này giúp ngư dân đóng tàu to, hiện đại để vươn khơi bám biển dài ngày, thực hiện ước mơ làm giàu chính đáng. Ngư dân không bao giờ quản ngại bất trắc rình rập, cho dù tàu có bị đâm chìm, rượt đuổi, đánh đập, bắn chết họ vẫn lớp sau noi theo lớp trước mà bám biển.

Thế nhưng, có nhiều tàu vỏ thép trị giá hàng chục tỷ đồng vừa đóng mới, đi chuyến biển đầu tiên đã bị hư hỏng, nằm bờ. Giấc mơ của nhiều ngư dân trở thành cơn ác mộng; những ngư dân hiền lành, chất phác thành những "tử nạn dự bị" không do thiên tai mà do nhân tai. Bất trắc trên sóng cả ba đào, ngư dân ta đều vượt qua, nhưng sự thiếu tâm, thậm chí có thể nói là "nhẫn tâm" của các công ty đóng tàu như Nam Triệu, Đại Nguyên Dương làm họ khôn lường. Nhiều chủ tàu vay vốn Ngân hàng giờ tàu nằm bờ, họ lâm vào cảnh nợ nần... Nước mắt ngư dân giờ mặn hơn nước biển!

Sự gian dối của hai công ty đã biến một chủ trương tốt đẹp thành nỗi đau của ngư dân. Mỗi con tàu vỏ thép đóng mới có trị giá từ 15 đến 18 tỷ đồng, có tàu hơn 20 tỷ đồng, trong đó 95% là vốn vay ngân hàng. Mỗi tháng chủ tàu phải trả tiền gốc và lãi cả hơn 100 triệu đồng. Bây giờ, tàu hỏng nằm bờ, thời gian khắc phục kéo dài, nguy cơ mất khả năng trả nợ dẫn đến vỡ nợ ngân hàng là rất lớn. Và ai dám chắc những con tàu sau khi sửa chữa, khắc phục sự cố hư hỏng sẽ bảo đảm an toàn và hiệu quả khi khai thác trên biển?

Dấu hiệu hình sự đã rõ

Những con tàu đánh cá gỉ sét, hỏng hóc vì mục đích trục lợi trên lưng ngư dân là tội ác không thể dung thứ. Dấu hiệu hình sự đã rõ:

- Bình Định hỗ trợ ngư dân đến kiểm tra thì các cơ sở đóng tàu 67 không cho vào.

- Hành động đuổi đánh, cản trở ngư dân kiểm tra tài sản của chính mình ở Công ty Đại Dương Nguyên đã diễn ra một cách trắng trợn.

- Tại Hội nghị chuyên đề đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/CP của Chính phủ tại Bình Định ngày 9/6 vừa qua với sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng 28 tỉnh có biển, các cơ sở đóng tàu, chủ tàu, ngư dân các tỉnh, ông Trần Đình Sơn, chủ tàu thép BĐ 99245 TS, tố cáo lãnh đạo Công ty Nam Triệu đã gặp riêng, đưa 100 triệu đồng và bảo ông viết giấy rút đơn kiến nghị thẩm định tàu. Phát biểu xong, ông gửi đơn trình báo ngay tại hội nghị. Vì nhẹ dạ, một số ngư dân đã rút đơn, nhưng một số khẳng khái không rút mà còn tố giác công khai như ông Sơn đối với Nam Triệu. Một vài báo đã tìm được "nắm xôi đút miệng" - chứng cứ bằng văn bản của Công ty Nam Triệu với chủ tầu. Đó là văn bản thỏa thuận và cam kết mà Công ty Nam Triệu soạn sẵn đề nghị chủ tàu ký để "nhận một khoản tiền khắc phục hậu quả" với điều kiện không khiếu nại và "im lặng" với truyền thông. Công ty Đại Nguyên Dương  cũng tiếp xúc với 5 chủ tàu vỏ thép ở Bình Định đề nghị tặng 130 triệu đồng để mua lấy sự im lặng. Ông Nguyễn Văn Lý, chủ tàu BĐ 99004 TS ( Bình Định), cho biết: lãnh đạo Công ty Đại Nguyên Dương đã mời 5 chủ tàu vỏ thép hỏng do công ty này đóng đến Quy Nhơn, hứa đưa tiền để thuyết phục họ rút khiếu nại với các cơ quan chức năng. "Họ nói với anh em tụi tui là sơn lại tàu với giá 270 triệu đồng, nhưng họ cho thêm để đủ 400 triệu đồng, tụi tui tự sửa chữa và từ nay về sau không khiếu nại gì. Tàu tôi giá hơn 15 tỉ đồng, mới đem về có ba tháng mà vỏ thép đã gỉ như 10 năm, hư tràn lan, đưa mấy trăm triệu bảo đừng khiếu nại sao được". Không chỉ ông Lý, cả 4 chủ tàu còn lại cũng không chấp nhận đề nghị của Công ty Đại Nguyên Dương.

Văn bản thỏa thuận trên có thể xem như chứng cứ của hành vi hối lộ hay dân gian thường gọi là đút lót. Đó là hành vi đưa tiền, hoặc vật phẩm có giá trị, hoặc những thứ khác khiến cho người nhận cảm thấy hài lòng, để mong muốn người nhận giúp đỡ mình thực hiện hành vi trái pháp luật.

Chứng lý làm ăn gian lận thương vụ đóng tàu của hai công ty này đã quá rõ! Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng đưa vụ việc vào vòng tố tụng - khởi tố vụ án, rà soát lại tất cả những tàu vỏ thép đã được đóng trong thời gian qua; điều tra làm rõ vụ việc, cả về mặt kỹ thuật, sự liên quan trách nhiệm của các công ty cung cấp thiết bị cho tàu, cơ quan đăng kiểm... Vì để chậm ngày nào là ngư dân khổ thêm ngày đó và ảnh hưởng tiêu cực tới một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

                                                                                             Đ. Ngọc

Chủ đề khác