VnReview
Hà Nội

Chân dung chính chủ và… người dùng khổ chủ

Cho dù đại diện Cục Viễn thông đã có những giải thích, nhưng thực sự vẫn chưa thể thuyết phục được người dùng di động hiện nay về qui định phải bổ sung, cập nhật ảnh chân dung chính chủ tại cửa hàng/điểm giao dịch của nhà mạng.

Thêm nhiều qui định mới cần thiết

Khách quan mà nói, trong Nghị định 49/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6.4.2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông đã có nhiều điểm mới, tích cực, không những giúp cho công tác quản lí ngành chặt chẽ hơn, mà một số điểm cũng mở thoáng ra đối với người dùng di động.

Đơn cử như qui định bỏ bản khai đăng kí thông tin thuê bao, bỏ phương thức lưu trữ bản giấy, vừa hiện đại vừa giúp nhà mạng tiết giảm chi phí giấy mực và cũng giúp cho công tác lưu trữ thuận tiện hơn. Hay như qui định không hạn chế số lượng SIM trên mỗi người dùng nhưng phải kê khai đầy đủ thông tin và chính chủ, thoáng hơn cho người dùng, như vậy là chỉ cần quản đúng những thứ cốt lõi cần quản: Thông tin cá nhân người dùng. Hoặc qui định doanh nghiệp viễn thông có quyền cắt hợp đồng đối với thuê bao không cung cấp lại thông tin thuê bao, tất nhiên là sau nhiều lần thông báo; siết nghiêm như thế là cần thiết, để cho thị trường thông tin di động giảm dần tình trạng SIM rác dẫn đến tin nhắc rác.

Song điểm mới nổi bật nhất có lẽ là qui định "chính danh" về trách nhiệm của nhà mạng: Doanh nghiệp viễn thông chịu trách nhiệm toàn bộ về qui trình đăng kí thông tin cá nhân sử dụng dịch vụ thông tin di động. Hàng chục năm qua, nhà mạng lơ là về trách nhiệm này của mình, để cho các đại lí tha hồ làm SIM không bán ra tạo ra SIM rác, tin nhắc rác; cơ quan quản lí thì buông lỏng. Bây giờ siết trách nhiệm qui về một mối, tăng mức phạt vi phạm và xử nghiêm, là rất cần thiết.

Bổ sung ảnh chân dung để làm gì?

Tuy nhiên bên cạnh những qui định cần thiết và tích cực trên, thì vấn đề dư luận không đồng thuận là thuê bao di động (TBDĐ) phải bổ sung ảnh chân dung chính chủ. Không có gì phiền hà đối với TBDĐ đăng kí mới sau ngày 24/4/2017 khi các nhà mạng đã triển khai việc chụp ảnh khách hàng trong quá trình làm thủ tục tại cửa hàng hoặc điểm giao dịch, vì thao tác này chỉ mất vài chục giây đến chừng một phút. Nhưng đối với những TBDĐ đã đăng kí sử dụng dịch vụ từ thời điểm 24/4/2017 trở về trước là cả một hành trình nhiêu khê. Những khách hàng này, theo con số do đại diện Cục Viễn thông đưa ra, là hơn 120 triệu thuê bao tính đến cuối năm 2016 (còn tính đến thời điểm này có thể hơn 130 triệu thuê bao), trong đó khoảng 80 triệu thuê bao đã đăng kí thông tin cá nhân không chính xác dưới dạng này hoặc dạng kia. Vậy câu hỏi đặt ra là nếu thông tin cá nhân không chính xác thì yêu cầu đăng kí lại là được, sao cứ phải bổ sung ảnh chân dung chính chủ? Cần biết rằng, trong thủ tục đăng kí sử dụng dịch vụ thông tin di động hiện nay đã yêu cầu khách hàng phải xuất trình chứng minh nhân dân, nhà mạng sao chụp lại để lưu trữ cũng đồng thời có thể đối chiếu chứng minh thư kia có chính chủ hay không.

Hơn nữa, trên chứng minh nhân dân cũng đã có ảnh chân dung chính chủ, thậm chí cả dấu vân tay. Nếu vì e ngại ảnh chụp trên chứng minh thư đã cũ, cần phải cập nhật đến thời điểm hiện tại, thì cũng nên biết rằng theo thời gian 10, 15 năm tới, gương mặt người thật ngoài đời cũng sẽ có những đổi khác so với ảnh chụp chân dung chính chủ hôm nay. Về mặt lưu trữ hồ sơ cá nhân thì hình chân dung để nhận dạng là một trong những yếu tố kém tính ổn định so với tên tuổi, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quê quán, dấu vân tay… Không lẽ tới khi ấy, lại bắt người dùng di động chụp ảnh chân dung chính chủ để cập nhật tiếp?

Những ngày qua, các quan chức của Cục Viễn thông cũng đã trả lời báo chí và giải thích xung quanh qui định buộc phải bổ sung ảnh chân dung chính chủ đối với TBDĐ, tuy nhiên hầu như các lập luận, lí do đưa ra thiếu tính thuyết phục, đặc biệt là chưa thể trả lời rõ ràng cho câu hỏi: Qui định bổ sung ảnh chân dung chính chủ để làm gì?

Vì "chính chủ" sẽ trở thành khổ chủ

Dư luận phản ứng trước qui định bổ sung ảnh chụp chân dung chính chủ là hoàn toàn có cơ sở. Bởi cứ theo con số của Cục Viễn thông đưa ra, thì chí ít khoảng 80 triệu TBDĐ sẽ phải đăng kí lại thông tin cá nhân và chụp ảnh chân dung chính chủ để bổ sung. Như vậy sẽ có một cuộc "xuống đường" đến các cửa hàng/điểm giao dịch của nhà mạng để bổ sung ảnh chân dung lớn nhất trong lịch sử ngành di động. Những cuộc di chuyển không chỉ mất thời gian, bị phiền hà, mà thậm chí còn gây ra tốn kém chi phí đi lại không cần thiết.

Đối với các TBDĐ ở những đô thị lớn, gần hoặc không quá xa các điểm giao dịch của nhà mạng, thì việc bổ sung ảnh chân dung đã phiền phức. Song đối với những người dùng di động ở vùng sâu vùng xa, nông thôn và vùng cao hẻo lánh, hải đảo… thì hành trình bổ sung ảnh chân dung chính chủ sẽ trở nên vất vả, nhiêu khê. Những em thiếu niên hay ông già bà cả sức khỏe yếu đi đứng đã khó khăn, thì việc phải di chuyển xa để làm thủ tục bổ sung chân dung chính chủ sẽ trở thành cực hình, và càng rầy rà hơn khi phải cần người theo hộ tống. Vì thủ tục bổ sung ảnh chân dung chính chủ mà họ sẽ trở thành những khổ chủ thật sự của cơ quan quản lí.; Những khổ chủ ấy hoàn toàn không có lỗi vì đây là một qui định mới, vậy mà bắt họ phải gánh chịu sự phiền hà, tốn kém là hoàn toàn không hợp lí.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra trường hợp vì để tiện, để thuận cho công tác quản lí mà đẩy cái khó, sự phiền hà cho người dân nhưng là một điển hình của cách làm việc theo kiểu này. Thị trường thông tin di động đang yên đang lành, bỗng dưng nổi lên bão tố với một qui định không cần thiết mà ngoài cơ quan quản lí, thì hàng chục triệu người dùng – khổ chủ còn lại không ai mong muốn.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác