VnReview
Hà Nội

Có hay không việc hoóc-môn tăng trưởng trong sữa ảnh hưởng đến sức khoẻ con người?

Sữa tươi và các sản phẩm làm từ sữa bò lâu nay vẫn được xem là nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng cho con người, với nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên gần đây, nhiều nguồn thông tin trên các mạng xã hội và báo chí đề cập đến tác hại của sữa, do bò sữa được tiêm hoóc-môn tăng trưởng nên trong sữa sẽ có các hoóc-môn này khiến người sử dụng có nguy cơ bị ung thư, dậy thì sớm, loãng xương… Điều này gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Quả thực, có nhiều điều về sữa gây lo ngại cho cộng đồng. Sữa không còn được sản xuất và chế biến theo các cách thức truyền thống. Một con bò sữa trước đây chỉ cho khoảng 10-15 lít sữa/ngày, nhưng việc sử dụng thuốc và hoocmon tăng trưởng khiến bò sữa hiện nay có thể cho tới 40-60 lít sữa/ngày. Ngoài ra, các vấn đề về thanh trùng và nhiều thứ khác đã làm thay đổi chất lượng sữa. Sữa bò bị cho là liên quan đến việc gia tăng mụn trứng cá, nhiễm trùng tai tái phát ở trẻ em, có thể liên quan đến hoạt động thiểu năng tuyến giáp, ung thư do hoocmon, dị ứng thực phẩm… Liệu hoóc-môn tăng trưởng có hại như vậy không?

Hoóc-môn tăng trưởng là gì?

Hoóc-môn tăng trưởng (Growth Hormone-GH) là một hoóc-môn kích thích sự phát triển, sản sinh tế bào và tái tạo tế bào ở người và các động vật khác. Hoóc-môn này được tiết ra tự nhiên từ tuyến yên, thiếu nó trẻ sẽ có chiều cao khiêm tốn so với trẻ cùng trang lứa. Hoóc-môn tăng trưởng làm tăng sự vận chuyển axít amin vào mô, tổng hợp protein ở gan, đưa axít béo vào máu, giảm hấp thu glucose ở cơ và mô mỡ, tăng tái tạo glucose ở gan, kích thích gan thận và một số mô khác tạo ra ;IGF-1 (insulin like growthe factor 1 - yếu tố tăng trưởng giống insulin-1) làm tăng sự phân bào; trong vai trò này, GH không chỉ có ích cho lứa tuổi trưởng thành mà cho cả người lớn tuổi. Ở người, hoóc-môn tăng trưởng được tổng hợp và chiết xuất để điều trị một số bệnh, chủ yếu dùng phát triển chiều cao, chống lão hoá.

Hoóc-môn tăng trưởng ở bò cũng được tổng hợp và tiêm vào bò để chúng lớn nhanh và cho nhiều sữa. Hoóc-môn này được sản xuất từ tuyến yên của bò và được kết hợp thêm 1 axit amin trước khi nó được tiêm vào bò sữa.

Tất cả sữa (cho dù từ bò, dê, người hoặc cá heo) tự nhiên có chứa một lượng nhỏ các hoóc-môn khác nhau, bao gồm estrogen và progesterone. Do các hoóc-môn như estrogen hòa tan trong chất béo, nên sữa nguyên chất sẽ chứa nhiều hoóc-môn hơn so với sữa không béo. Tuy nhiên, sữa hữu cơ có chứa cùng một lượng hoóc-môn như sữa sản xuất thông thường.

Uống sữa bò bị tiêm hoóc-môn tăng trưởng có hại không?

Nếu google cụm từ khoá "hormone cows milk effects", hoặc các từ khoá liên quan khác, bạn sẽ thấy hàng loạt bài viết cả ủng hộ và phản đối uống sữa, cả khẳng định lẫn phủ nhận tác hại của hoóc-môn tăng trưởng trong sữa đối với sức khoẻ con người, VnReview xin lược dịch 3 trong số những bài viết có nhiều thông tin đáng chú ý nhất về vấn đề này.

Theo bài viết trên trang Elservier nêu kết quả nghiên cứu của Tạp chí Khoa học Ngành sữa (Journal of Dairy Science - Tạp chí chính thức của Hiệp hội Khoa học Ngành sữa Mỹ), thì khi thử nghiệm trên chuột, cho dù với nồng độ estrogen cao hơn 100 lần nồng độ ở sữa bò, mức hoóc-môn trong máu và các cơ quan sinh sản không hề bị ảnh hưởng. Nghiên cứu này cũng xác định rằng chỉ khi tăng nồng độ estrogen lên 1000 lần so với mức trung bình thì nó có ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản.

Estrogens tìm thấy trong thực phẩm được cho là có vai trò tiêu cực đối với sức khoẻ sinh sản của con người, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn về mối liên hệ này. Trong sữa bò có chứa estrogen tự nhiên, và khi bò mang thai thì estrogen trong sữa tăng lên. Hiện tại, bò thường được vắt sữa từ khoảng 60 ngày trước ngày sinh bê dự kiến, nghĩa là sữa bò ở ba tháng cuối của thai kỳ có thể chứa estrogen nhiều hơn khoảng 20 lần so với sữa bò không mang thai. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các hệ tiêu hóa và gan có khả năng khử hoạt hóa một số lượng lớn estrogen trước khi chúng tiếp xúc với các bộ phận khác của cơ thể và điều này có thể giải thích tại sao estrogen tự nhiên trong sữa dường như ít ảnh hưởng đến chuột. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng, các xét nghiệm này được thực hiện trên chuột trưởng thành và cần nhiều nghiên cứu hơn để kiểm tra tác động của estrogen từ sữa đối với sự phát triển của hệ sinh sản trước và trong khi dậy thì.

Trang ScienceDrivenNutrition có bài viết khá dài dẫn nguồn từ nhiều nghiên cứu khoa học khác nhau, khẳng định rằng sữa và hoóc-môn tăng trưởng có trong sữa không đáng sợ như vậy.

Theo bài viết, mặc dù sữa bò thực sự có chứa một chút hoóc môn tăng trưởng, nhưng nó không quan trọng: hoóc-môn tăng trưởng từ bò không có hoạt tính sinh học ở người.

Hoóc-môn tăng trưởng của bò (bGH, còn được gọi là somatotropin bò, bST) là một hoóc-môn peptide, nghĩa là nó được làm từ các axit amin, giống như các loại protein khác chúng ta ăn và tiêu hóa. Không có nghiên cứu nào chỉ ra rằng hoóc-môn tăng trưởng từ sữa sẽ có thể tồn tại trong quá trình tiêu hóa hoặc các mảnh vỡ từ quá trình tiêu hóa này có bất kỳ hoạt tính sinh học nào. Trên thực tế, không có gì gợi ý rằng hoóc-môn tăng trưởng từ bò thậm chí có ảnh hưởng đến thụ thể hoóc-môn tăng trưởng của con người.

Nhưng ngay cả khi điều này xảy ra - ngay cả khi bGH có hoạt tính sinh học ở người - lượng hoóc-môn tăng trưởng trong sữa bò rất ít (khoảng 1/1000 gram một lít sữa), và 85-90% số đó bị phá hủy trong quá trình xử lý nhiệt để tiệt trùng cho sữa. Lượng nhỏ còn sót lại có thể dễ dàng tiêu hóa trong ruột và hấp thu như các axit amin, như trường hợp của bất kỳ loại protein có trong chế độ ăn uống nào khác.

(Một số blog đưa ra tuyên bố ngược lại, rằng hoóc-môn tăng trưởng không bị phá vỡ thông qua tiêu hóa hay làm nóng, nhưng điều này là do nhiều người nhầm lẫn hoóc-môn tăng trưởng với một loại hoóc-môn khác gọi là IGF-1 bền hơn so với bGH. Hơn nữa, mặc dù IGF-1 có khả năng chịu nhiệt tốt hơn so với bGH, nhưng nó được phá vỡ trong quá trình xử lý nhiệt đặc biệt đối với sữa bột dành cho trẻ sơ sinh).

Cần biết rằng, hoóc-môn tăng trưởng trong sữa không tồn tại ở đó để làm cho bê con sinh trưởng nhanh hơn. Hoóc-môn này nằm trong sữa bò giống như trong sữa mẹ, do có sự vận chuyển thụ động từ máu vào sữa. Hàm lượng hoóc-môn tăng trưởng trong sữa bò không ảnh hưởng đến bê con vì ngay cả khi sự tăng trưởng của nó phụ thuộc ít nhất một phần vào sữa thì hoóc-môn tăng trưởng (và IGF-1) trong sữa không phải là nguồn chính: bê con tự sinh ra số lượng hoóc-môn lớn hơn nhiều trong tuyến yên.

IGF-1 (insulin-like growth factor 1 - yếu tố tăng trưởng giống Insulin-1) cũng là một hoocmon peptide giống như hoóc môn tăng trưởng, nhưng hai hoóc-môn không giống nhau. Trên thực tế, IGF-1 được sản xuất bởi gan như là một phản ứng đối với sự sản xuất hoóc-môn tăng trưởng của tuyến yên, và rất nhiều ảnh hưởng của hoóc-môn tăng trưởng được trung gian thông qua IGF-1. Mặc dù có mối liên hệ đã quan sát được giữa nồng độ IGF-1 trong máu và sự phát triển của một số loại ung thư nhất định, nhưng sự lo sợ về IGF-1 trong sữa là không cần thiết. Các nghiên cứu cho thấy lượng IGF-1 trong sữa bò không có hoạt tính sinh học rõ rệt ở người - giống như với hoóc-môn tăng trưởng - mặc dù IGF-1 từ bò và con người là giống hệt nhau.

Điều này chỉ đơn giản có thể là do nồng độ IGF-1 trong sữa thấp hơn nhiều so với nồng độ IGF-1 trong dịch tiêu hóa của chúng ta. Lượng IGF-1 trong sữa bò tương đương với lượng IGF-1 trong sữa mẹ và thấp hơn sản lượng mà gan của chúng ta tạo ra hàng ngày.

Do nồng độ IGF-1 trong máu của chúng ta cao hơn gấp 100 lần so với sữa, theo lý thuyết thì nếu một đứa trẻ uống một lít sữa một ngày – loại sữa lấy từ bò sữa có sử dụng hoóc-môn tăng trưởng tổng hợp để sản xuất nhiều sữa hơn và cả nhiều IGF-1 hơn – thì lượng IGF-1 mà trẻ sơ sinh sẽ lấy từ sữa chỉ chiếm 1% sản lượng của chính nó (do cơ thể tự sản sinh ra). Số lượng IGF-1 trong sữa đơn giản là quá nhỏ để có bất kỳ tác động nào.

Mặc dù lượng IGF-1 trong sữa rất ít, nhưng thực tế lượng hoóc-môn này tăng lên sau khi uống sữa. Tuy nhiên, sự gia tăng nồng độ IGF-1 không phải là kết quả duy nhất của việc uống sữa. Có rất nhiều thực phẩm làm tăng việc sản sinh IGF-1 của chúng ta. Trên thực tế, chính protein trong đậu nành lại làm cho IGF-1 của bạn tăng lên hơn so với sữa bò.

Trong khi đó, theo trang Metabolic Effect, trích dẫn một báo cáo kết quả nghiên cứu đăng trên số ra tháng 2/2010 của tạp chí Pediatric International, cho thấy một vấn đề có thể gây lo ngại liên quan đến sữa và tác động của nó đối với hệ thống hoóc-môn.

Các nhà nghiên cứu muốn biết tác động của các hoóc-môn tăng trưởng đối với nam giới và phụ nữ, bằng cách thử nghiệm với 7 người đàn ông, 5 phụ nữ và 6 trẻ em trước tuổi dậy thì. Người lớn và trẻ em tham gia cuộc nghiên cứu đã uống 2 ly sữa khoảng 230ml và đã xét nghiệm nước tiểu và máu trước khi uống sữa và nhiều lần sau khi uống sữa.

Phụ nữ trưởng thành trong nghiên cứu đã uống cùng một lượng sữa (2 ly 230ml mỗi ngày) trong 21 ngày đầu khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt. Sau đó họ đã theo dõi hai chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp để xác định xem sự rụng trứng của phụ nữ có bị ảnh hưởng hay không.

Kết quả của cuộc nghiên cứu rất đáng lo ngại, đặc biệt đối với trẻ em. Các nam giới trưởng thành đã tăng đáng kể lượng hoóc-môn nữ trong đó có estrogen và progesterone trong máu cũng như giảm testosterone huyết thanh.

Tất cả những người trưởng thành trong nghiên cứu này, cũng như trẻ em, đều tăng hàm lượng estrogen và progesterone và ngăn chặn sự điều tiết hóc môn của cơ thể với những hoóc-môn này.

Theo các nhà nghiên cứu, hàm lượng hoóc-môn có thể là vấn đề đặc biệt đối với trẻ em khi làm chậm sự trưởng thành về giới tính ở trẻ trai và tăng lên ở các bé gái. Ngoài ra, như các nhà nghiên cứu đã thảo luận, người lớn về mặt lý thuyết có thể thấy nguy cơ ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt tăng lên.

Việc lượng testosterone hạ thấp ở nam giới trong nghiên cứu này mâu thuẫn với niềm tin chung rằng sữa giúp làm tăng testosterone và cải thiện cơ bắp.

Tuy nhiên, cần tỉnh táo để nhận thấy rằng, rất dễ dàng để thực hiện một nghiên cứu nhỏ như thế này, trong khi có nhiều nghiên cứu khác cho thấy các khía cạnh tích cực của việc tiêu thụ sữa. Ví dụ về các khía cạnh có ích của việc uống sữa bao gồm tăng protein (đặc biệt là BCAA), vitamin D và canxi.

Theo Metabolic Effect, chúng ta nên xem xét vấn đề từ cả hai phía. Với những người bị các vấn đề liên quan đến hoóc môn như đa nang buồng trứng, đau bụng kinh, mụn trứng cá, các vấn đề về tuyến tiền liệt, vv) thì nên giảm hoặc ngừng hoàn toàn việc tiêu thụ sữa. Tuy nhiên, những người có chế độ ăn kiêng cũng có nhiều cải thiện về sức khoẻ khi thay thế tinh bột và các thực phẩm có đường bằng protein sữa.

Với những thông tin mâu thuẫn cả về mặt lâm sàng và trong nghiên cứu như thế này, những gì chúng ta có thể làm là:

1. Nếu bạn đang ăn một lượng lớn thực phẩm từ sữa dưới dạng thức ăn hàng ngày như: pho mát, sữa chua và các chế phẩm sữakhác, VÀ bạn đang bị các vấn đề liên quan đến hoóc môn (mụn trứng cá, đa nang buồng trứng, đau bụng kinh, viếm tuyến tiền liệt, v.v ...) thì có thể giảm lượng sữa của bạn, loại bỏ nó trong một thời gian ngắn hoặc tìm một chất thay thế vĩnh viễn cho sữa.

2. Khi lựa chọn các thực phẩm từ sữa, hãy chọn các sản phẩm sữa hữu cơ hoặc sữa thô (chưa qua tiệt trùng, chế biến). Những sản phẩm này có nguy cơ ít hơn.

3. Nếu không mua được các sản phẩm sữa hữu cơ, bạn có thể chọn mua loại sữa ít béo hơn vì các sản phẩm giàu chất béo tập trung các hợp chất tan trong chất béo như hoóc môn. Sữa nguyên kem có chứa nhiều hoóc môn hơn.

4. Nếu bạn nghi ngờ các thực phẩm từ sữa có thể là nguyên nhân cho một vấn đề sức khoẻ nào đó, hãy làm một bài tự kiểm tra: Loại bỏ tất cả các loại thực phẩm từ sữa trong thời gian 10 đến 14 ngày hoặc cho đến khi các triệu chứng được cải thiện. Sau đó thực hiện "thách thức" bằng cách ăn một lượng lớn thực phẩm sữa. Sau cuộc thử thách này, một lần nữa tránh ăn các thực phẩm từ sữa trong khoảng thời gian từ 4 đến 5 ngày để tìm kiếm bất kỳ triệu chứng xấu hoặc tái phát. Ví dụ, nếu bạn bị mụn trứng cá và việc loại bỏ sữa cải thiện được, nhưng thách thức gây tái phát hoặc tồi tệ hơn, bạn nên giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng sữa. Nếu không có thay đổi nào, có thể sữa không phải là nguyên nhân.

Các thực phẩm thay thế cho sữa

Với những ai muốn tránh sử dụng sữa, thì có thể có một vài lựa chọn thay thế:

- Sữa hạnh nhân không đường

- Sữa dừa không đường

- Sữa đậu nành không đường (lưu ý: đậu nành cũng là một nguồn estrogen thực vật, có thể gây rối loạn tuyến giáp)

- Sữa gạo không đường (có nhược điểm là hàm lượng carbohydrates cao

- Pho mát hạnh nhân và gạo

- Các loại sữa từ hạt khác

Vân Hà

Chủ đề khác