VnReview
Hà Nội

Hoan nghênh xử mạnh vi phạm bản quyền truyền hình

Bản quyền truyền hình trên internet liên quan sâu đậm tới lợi lộc, doanh thu của cả bên lậu và bên bị lấy lậu, rồi cả những người xem phim lậu. Việc đẩy mạnh xử tình trạng vi phạm bản quyền này được Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn đặt thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2017.

Sự quyết liệt của Bộ trưởng

Xin nói thẳng: Nếu Bộ trưởng Tuấn hạ quyết tâm, tôi tin tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình trên internet sẽ hạ nhiệt, một số đầu mối lậu sẽ bị xử…

Tôi tin thế là vì tôi nhìn vào một số động thái của Bộ trưởng Tuấn từ khi ông ngồi vào ghế tư lệnh ngành thông tin & truyền thông. Cụ thể là tình trạng SIM rác và tin nhắn rác. Bao đời bộ trưởng, thứ trưởng; bao chiến dịch gióng trống khua cờ trên truyền thông; bao phát ngôn sắc lạnh và mạnh mẽ… Nhưng rồi chúng ta thấy gì trong những năm về trước thì đã quá rõ.

Đến thời Bộ trưởng Tuấn, ông "tróc" đúng đầu mối: Nhà mạng. Nhà mạng là trung tâm để xảy ra tình trạng SIM rác và tin nhắn rác. Thế là ông xử. Ông chỉ đạo họp các nhà mạng lại, cam kết, thực thi… Ông đến thị sát một số nơi. Tư lệnh ngành đã hạ quyết tâm, tiếp cận vấn đề đúng hướng và có phương pháp triển khai chuẩn chỉ, thì hiệu quả thấy rõ. Thì rõ rồi hơn 12 triệu SIM rác bị cắt. Thì rõ rồi tình trạng tin nhắn rác đến giờ đã giảm nhiều lắm. Thì rõ rồi không còn những cảnh khuyến mãi xô bồ, vượt rào thiếu lành mạnh chính là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng SIM rác và tin nhắn rác.

Bây giờ, Bộ trưởng Tuấn chuẩn bị xử mạnh tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình trên internet. Tôi thấy cũng một kịch bản, phương pháp làm việc tương tự như chiến dịch dẹp SIM rác và tin nhắn rác vậy. Họp các nhà mạng (cả di động và ISP cung cấp đường truyền internet qua cáp), thảo luận .v.v… Bước đầu là thế. Còn bước tiếp, có lẽ cần các nhà mạng cam kết không dung chứa những trang web, tên miền vi phạm bản quyền; rồi lên danh sách các website, ứng dụng OTT vi phạm, mời họp và cam kết; rồi ra quân kiểm tra và xử…

Trình tự có thể khái quát là thế. Tuy nhiên ở nước ta, hành lang pháp lí nhiều khi chưa hoàn thiện, ngay cả việc áp dụng để xử những hành vi xấu, sai trái, vì thế cũng cần xem xét để bổ sung, hoặc nếu đã có qui định để làm cơ sở xử lí thì cần công bố rõ ràng và cách vận dụng như thế nào cho đúng và hợp lí.

Hãy nhìn sang Thái Lan…; 

Theo những con số thống kê không chính thức thì hiện nay tại thị trường Việt Nam tồn tại hơn 70 website phim online vi phạm bản quyền và hàng trăm ứng dụng OTT "ngồi mát ăn bát vàng" trên lưng người khác bằng việc vi phạm bản quyền.  

Thực ra đây mới chỉ là những mảng thấy được trong phần nổi của tảng băng mà phần chìm có khi còn kinh khủng hơn rất nhiều. Nhưng vấn đề là, một khi đã bắt tay vào chiến dịch, thì phát hiện tới đâu xử ngay tới đó, miễn là đúng đối tượng và có phương pháp.

Phương pháp ở đây là củng cố các căn cứ pháp lí để xử lí tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình trên internet cũng như những qui định về trách nhiệm của các nhà mạng, các ISP. Thứ nhất, cần phân định rõ trách nhiệm của các ISP, thẩm quyền xử lí (cắt dịch vụ) đối với những bên thuê dịch vụ hosting, đặt server. Thứ hai, các mạng di động dừng hướng truy cập từ người dùng vào các website vi phạm bản quyền/các ứng dụng OTT phim lậu qua smartphone. Thứ ba, cần tiếp tục cảnh báo YouTube, Facebook không thể lơ là, dung túng cho các tài khoản vi phạm bản quyền truyền hình cũng như bịa đặt, xuyên tạc thông tin cá nhân, đời tư, xã hội.v.v… Thứ tư, củng cố căn cứ pháp lí để Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) được phép áp dụng các biện pháp kĩ thuật thu hồi tên miền và chặn truy cập đến các website có nội dung vi phạm bản quyền. Các biện pháp này khi đã áp dụng thì phải đồng bộ, để tránh tình trạng đối tượng vi phạm bị cắt dịch vụ tại ISP này lại chạy sang làm khách hàng của ISP khác, vừa gây bất bình đẳng vừa thiếu kiên quyết trong việc xử lí. Cũng cần triển khai tương tự như vậy đối với các mạng di động khi chặn truy cập của thuê bao đến các ứng dụng OTT vi phạm bản quyền truyền hình.

Ở không ít quốc gia tiên tiến những qui định cũng như biện pháp xử lí như vậy đã được áp dụng, vì thế mang đến hiệu quả rõ rệt trong việc giảm tỉ lệ vi phạm bản quyền truyền hình.

Không ở đâu xa mà quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á với Việt Nam là Thái Lan mới chỉ một, hai tháng trở về trước thôi Ủy ban Truyền thông Quốc gia của nước này đã ra tối hậu thư hạn định thời gian cho các ISP (hầu hết là những "ông lớn") cũng như các mạng xã hội Facebook, YouTube… phải loại trừ những nội dung, thông tin vi phạm nói chung và vi phạm bản quyền nói riêng nếu không muốn bị đình chỉ hoạt động hoặc chặn truy cập vào tên miền, dịch vụ. Một khi đã áp dụng chế tài nghiêm khắc như thế, các ISP, các mạng xã hội nếu không tuân thủ sẽ phải hứng chịu thiệt hại rất lớn về người dùng từ đó kéo theo thiệt hại nặng về doanh thu, tài chính.  

Vâng, nhìn sang Thái Lan để làm nghiêm, làm mạnh. Nhìn sang Thái Lan để tìm ra một phương cách, một cách thức triển khai các biện pháp xứ lí tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình trên internet tại Việt Nam. Chí ít là bước đầu bêu tên các website, ứng dụng OTT vi phạm; tiếp đó ra hạn định thời gian khắc phục nếu không sẽ bị thu hồi tên miền, chặn truy cập dịch vụ.v.v…

Thế Lâm

Chủ đề khác