VnReview
Hà Nội

Máy giặt Samsung, LG bị kiện phòng vệ: Chuyện nhỏ hay lớn?

Máy giặt Samsung, LG sản xuất tại Việt nam xuất sang Mỹ bị điều tra phòng vệ thương mại. Đây không chỉ là thông tin không vui đối với hai "đại gia" này mà cả đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Bình thường và không bình thường…

Mỗi năm trên thế giới xảy ra hàng trăm vụ kiện phòng vệ thương mại và dẫn đến các quyết định điều tra. Theo các tài liệu, kiện tụng về phòng vệ thương mại có thể dẫn đến các cuộc điều tra gồm nhiều dạng, như tự vệ, chống bán phá giá và chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp..v.v… Hàng chục năm trước, Việt Nam hầu như chỉ là "nạn nhân" của các vụ kiện phòng vệ thương mại mà đặc biệt là ngành tôm và cá basa. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, Việt Nam cũng đã chủ động sử dụng kiện phòng vệ thương mại như một thứ vũ khí để đấu với sản phẩm ngoại nhập trên "sân nhà".

Chúng ta thường được nghe nói Mỹ là nơi xuất phát số lượng các vụ kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất, sau đó đến Liên minh Châu Âu, Nhật Bản..v.v…, là các thị trường lớn và nhập khẩu nhiều. Không phải vụ kiện phòng vệ thương mại nào cũng đúng đắn hay hợp lí, thế nhưng vẫn có thể thắng vì hoàn toàn phụ thuộc vào sự phán xử của các cơ quan chức năng tại các quốc gia thụ lí đơn kiện.

Quyết định điều tra phòng vệ thương mại đối với sản phẩm máy giặt của Samsung và LG sản xuất tại Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ đã được Ủy ban Thương mại quốc tế của Mỹ chấp thuận xuất phát từ đơn kiện của Whirlpool – một hãng chuyên sản xuất đồ điện gia dụng của Mỹ. Whirlpool dẫn những số liệu thống kê cho rằng, từ năm 2012-2016 lượng máy giặt nhập khẩu vào Mỹ tăng gấp đôi từ 1,6 triệu chiếc lên 3,21 triệu chiếc mỗi năm khiến cho ngành sản xuất máy giặt của Mỹ giảm doanh số và lợi nhuận, thất nghiệp tăng.;

Cụ thể hơn, các số liệu nghiên cứu thị trường cho thấy thị phần máy giặt của Whirlpool giảm mạnh trong một năm trở lại đây, từ 19,2% xuống còn 17,3% tính đến hết quí I/2017. Trong khi đó, thị phần Samsung tăng từ 16,2% lên 19,7%, LG cũng tăng nhanh thị phần lên 16,8% đứng thứ 3 thị trường. Các quan sát cho rằng đây có thể là lí do trực tiếp khiến Whirlpool khởi kiện Samsung và LG, và cho rằng hai "đại gia" Châu Á này bán phá giá, chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang Thái Lan và Việt Nam để giảm chi phí sản xuất, nhưng nghiêm trọng hơn là bị Whirlpool cáo cuộc Samsung và LG đồng thời nhằm lẩn tránh thuế mà Mỹ áp dụng đối với ngành hàng này nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc. 

Tận dụng những biện pháp, công cụ luật pháp cho phép như kiện phòng vệ thương mại là rất phổ biến trong thương mại quốc tế, thậm chí là chuyện bình thường để các doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi của mình tại thị trường nội địa. Nhưng có rất nhiều trường hợp, các vụ kiện phòng vệ thương mại lại không bình thường, lại được xử thắng nhờ vào chủ trương, chính sách bảo hộ chặt chẽ của các quốc gia. Có thể thấy, vụ kiện máy giặt của Whirlpool đối với Samsung, LG là một điển hình.

Chuyện nhỏ hay lớn?

Có lẽ đây là lần đầu tiên một loại sản phẩm công nghệ/điện gia dụng sản xuất tại Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại, đặt ra một khả năng rằng trong tương lai sẽ đến những sản phẩm công nghệ, điện tử, điện gia dụng nào khác cũng sẽ bị điều tra như thế.

Được biết sản phẩm máy giặt của Samsung được sản xuất tại nhà máy SEHC tại Khu Công nghệ cao TP.HCM và máy giặt của LG được sản xuất tại tổ hợp nhà máy ở Hải Phòng. Những nhà máy/tổ hợp này của Samsung và LG sản xuất nhiều loại sản phẩm điện tử và điện gia dụng như tivi, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt, tủ lạnh, máy hút bụi..v.v… Đơn cử Samsung Việt Nam, năm 2016 họ đạt doanh thu 46,3 tỉ USD và xuất khẩu được xấp xỉ 40 tỉ USD, chiếm tỉ trọng hơn 22% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, sản phẩm máy giặt chỉ đóng góp một phần nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu, phần lớn đóng góp thuộc về mảng thiết bị di động. Như vậy, nếu xét trong cơ cấu xuất khẩu nói chung, tổng hợp nhiều loại sản phẩm và ngành hàng, thì sự tác động của ngành hàng máy giặt không quá lớn.

Ngược lại, nếu chỉ xét riêng về thị trường máy giặt tại Mỹ và xuất khẩu máy giặt từ Việt Nam vào Mỹ cũng như thị phần máy giặt của Samsung, LG tại quốc gia này, thì lại là vấn đề mang ý nghĩa lớn, thậm chí là sống còn. Bởi nếu bị áp mức thuế cao (trường hợp sản phẩm máy giặt và các bộ phận đi kèm của Trung Quốc, Hàn Quốc nhập khẩu vào Mỹ bị áp thuế từ 32,1%-52,5%), thì vị thế, thị phần của Samsung và LG trong ngành hàng máy giặt tại thị trường Mỹ sẽ gặp thách thức rất lớn, khó khăn cạnh tranh trực diện với chính sản phẩm máy giặt của Whirlpool, và những thương hiệu khác (không bị mức thuế suất cao); hoặc có thể bị áp hạn ngạch xuất khẩu vào Mỹ.

Theo tiến trình thì khoảng tháng 10/2017, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ sẽ đưa ra kết luận cuối cùng và tới tháng 12 cơ quan này sẽ đệ trình báo cáo lên Tổng thống Mỹ - Donald Trump. Samsung và LG có thừa nguồn lực tài chính, đội ngũ pháp lí và kinh nghiệm theo đuổi các vụ kiện tụng về phòng vệ thương mại trên thương trường quốc tế. Lúc này, vụ việc vẫn đang trong tiến trình điều tra, chưa thể nói trước được điều gì. Song có thể dự báo được một bất lợi lớn nếu báo cáo vụ việc được trình lên Tổng thống Donald Trump – người đã tranh cử tổng thống Mỹ với lời hứa đưa việc làm trở lại Mỹ.

Thẩm Hồng Thụy

Chủ đề khác