VnReview
Hà Nội

HTC, nếu còn có ngày mai…

Đến lúc này chúng ta chưa rõ kiểu bán mình của HTC cho Google là như thế nào, có giống với cách Motorola bán dứt hẳn bộ phận sản xuất điện thoại di động cho Google hay giống kiểu RIM bán thương quyền sản xuất điện thoại BlackBerry cho TCL? Nhưng chung qui lại, chuyện gì phải đến đã đến…

Tình huống bán mình của HTC gây ra tiếc nuối có phần giống với trường hợp Yahoo! Là khi Microsoft ra giá cao đến hơn 30 tỉ USD thì lãnh đạo Yahoo! vẫn làm mình làm mẩy. Cho đến khi phải bán, chỉ còn được 4,2 tỉ USD mà còn trong nỗi ê chề.

Khi HTC còn trên đỉnh cao đứng thứ 4 thị trường smartphone toàn cầu năm 2011 với vốn hóa lên đến 33,8 tỉ USD, người ta đã ví hãng điện thoại này như một trường hợp chuyển mình quật khởi thoát khỏi thân phận OEM. Trên thực tế không ít người đã từng thích thú với các mẫu điện thoại HTC Legend, Sensation… và hãng này từng đi đầu về tính năng công nghệ mới như 4G LTE, máy 2 camera hỗ trợ 3D cùng với nét riêng về thiết kế và giao diện Sense.; 

Thế nhưng từ năm 2014 trở lại đây, khi thị phần của HTC tụt dốc một cách thê thảm, thì những tiên lượng bán mình đã râm ran kéo dài suốt đến thời điểm trước khi thông tin bán bộ phận điện thoại di động cho Google giá 1,1 tỉ USD được công bố. Điều mà tôi nói là tiếc nuối về vụ HTC bán mình cho Google đề cập ở trên, không phải là tiếc cho thương hiệu này, mà là tiếc cho việc bán mình quá muộn kéo theo mất giá. Sự muộn màng này có lẽ cũng xuất phát từ chủ ý níu kéo chút hi vọng mong manh có thể vực dậy. Nhưng đến khi số liệu kinh doanh tháng 8/2017 được công bố, HTC chỉ đạt doanh thu 99,69 triệu USD, thấp nhất trong suốt 13 năm và giảm 51,5% so với tháng trước đó, thì mọi hi vọng đã tắt ngấm.

Doanh thu 99,69 triệu USD/tháng, làm tròn cả năm khoảng 1,2 tỉ USD, có lẽ còn không bằng được doanh số mảng điện thoại của Samsung Vina tại Việt Nam chứ đừng nói là so với bình diện thị trường toàn cầu của các hãng khác.

Có hay không một mẫu số chung qua những vụ sụp đổ hay bán mình, từ Yahoo! đến BlackBerry rồi bây giờ là HTC? Có. Một sự níu kéo hi vọng thiếu sáng suốt, hay ở một góc nhìn khác có thể nói là một sự cứng đầu.

Với Jerry Yang – nhà sáng lập và là cựu CEO của Yahoo! gốc Đài Loan, thì cứng đầu thật, ngay cả khi những cổ đông lớn muốn Yahoo! bán mình cho Microsoft được giá cao và hi vọng "ánh sáng cuối đường hầm" thì Yang vẫn lắc đầu. John Chen – CEO hiện thời của RIM (sở hữu BlackBerry) là một doanh nhân Hồng Kông khi bước vào "ghế nóng" tại hãng này lại là người được hội đồng lãnh đạo đặt niềm tin là chuyên gia vực dậy, và cũng chính Chen là người đã rút lại kế hoạch bán mình lần đầu của BlackBerry với mức giá cao hơn. Trong khi tại HTC, khi Peter Chou âm thầm rút lui khỏi vị trí CEO năm 2015 và Cher Wang lên thay, cũng vẫn chỉ một sự níu kéo mong manh. Họ là những doanh nhân gốc Hoa thành đạt, nhưng lại không thành công trong việc giữ vững doanh nghiệp của mình và để cho nó suy vong trong mòn mỏi và mất giá.

Một mẫu số chung nữa đối với trường hợp từ Yahoo! đến Nokia, BlackBerry và HTC là sự bảo thủ của tầng lớp lãnh đạo. Về cá nhân, họ là những người giỏi giang, nhưng họ không xuất sắc và chuẩn mực được như Steve Jobs với iPhone song lại muốn bắt người tiêu dùng đi theo cách họ định ra từ mẫu thiết kế, tính năng cho đến giá cả của sản phẩm. Họ nhìn về một thị trường đổi thay trên những hào quang và thành công đã gặt hái được hơn là những thất bại chưa được cảnh báo đúng mức độ cần thiết. Và kết cục đối tượng phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất chính là các cổ đông chứ không phải là ai khác.

Có nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân suy vong của HTC là bị sa vào vụ kiện tụng với Apple vài năm trước mà sao nhãng việc kinh doanh, rồi thiếu kinh phí marketing cần thiết để quảng bá những nét hay ho và mới mẻ của các sản phẩm, không tung ra được những sản phẩm tạo trào lưu.v.v… Khi đã thoái trào, qui kết nguyên nhân thì gần như cái gì cũng được cho là đúng. Nhưng tôi không nghĩ vụ kiện kia lại gây hệ lụy lớn đến vậy. Marketing là vấn đề lớn của HTC khi cựu CEO Peter Chou từng cho biết năm 2013 rằng kinh phí của họ chỉ bằng 1/4 so với Samsung. Và cái thua ở đây chính là từ phát ngôn đó: Nhìn thấy nguyên nhân mà không làm gì để thay đổi được. Nhiều phân tích thì cho rằng HTC còn thua vì nguyên nhân thiết kế kiểu dáng cứ na ná như nhau, thiếu tươi mới, xa cách người tiêu dùng nữ…

Trong khi từ góc nhìn phân tích chiến lược, một số chuyên gia cho rằng khi đã không thể cạnh tranh với Apple, Samsung ở phân khúc cao cấp nhưng HTC cũng không đành lòng, không yên phận với việc "đánh mạnh" vào phân khúc tầm trung và tầm thấp để giữ vững doanh số "nồi cơm" của mình như các thương hiệu Trung Quốc đã làm được, dẫn đến tình trạng "đầu không đội trời, chân không đáp đất" nhỡ nhỡ nhàng nhàng…

Sau bán mình sẽ là gì cũng là vấn đề đáng quan tâm đối với trường hợp của HTC và cả Google. Google từng không thành công khi bung ra 12,5 tỉ USD mua bộ phận điện thoại di động của Motorola sau đó bán lại cho Lenovo chỉ thu về được hơn 2 tỉ USD. Có nhiều ý kiến cho rằng thương vụ đó Google nhắm chủ yếu vào các bằng sáng chế để ăn dài hạn chứ không nhằm sản xuất điện thoại. Thế nhưng bây giờ Google lại mua HTC, vậy nhằm để củng cố, đẩy mạnh sản xuất điện thoại hay cũng chỉ nhằm lấy bằng sáng chế? Và sau khi bán mình liệu tình hình của HTC có sáng sủa hơn trong tương lai?... Những vấn đề này có lẽ phải chờ thêm trong những tháng tới mới dần rõ tường.

Thế Lâm

Chủ đề khác