VnReview
Hà Nội

“Nền khoa học sẽ chết nếu không có công bố”

Gerard Piel-người đầu tiên xuất bản tạp chí Scientific American, nói một câu thật chí lý: "Nền khoa học sẽ chết nếu không có công bố". Vậy mà ở nước ta, trong danh sách 1.226 Giáo sư, Phó giáo sư được xét duyệt năm 2017, chỉ có 34% Giáo sư và 53% Phó giáo sư có công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí ISI/Scopus, tỷ lệ này rất thấp, phản ánh chất lượng học hàm, học vị của chúng ta như thế nào. Phải chẳng những vị này đang góp phần "giết chết nền khoa học"!

1-;Theo thống kê của ngành Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2017 cả nước có 24.500 Tiến sĩ (TS), trong đó có hơn 16.500 TS đang làm việc trong các trường Đại học và Cao đẳng. Trong số TS đang công tác tại các trường Đại học và Viện Nghiên cứu thì số có chức danh khoa học Giáo sư (GS), và Phó giáo sư (PGS) có khoảng hơn 11.000 người. Số lượng nguồn nhân lực "tinh hoa" này của nước ta so với các nước khu vực Đông Nam Á, chẳng thua kém, thậm chí còn cao hơn Thái Lan, Philippines, nhưng số lượng công trình khoa học hàng năm được công bố trên các tạp chí đạt chuẩn ISI (Viết tắt của "Institute for Scientific Information", Viện Thông tin Khoa học) và Scopus (Một cơ sở dữ liệu thư mục gồm các bản tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học) còn rất thấp. Nhiều chuyên gia của Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, Việt Nam tụt hậu nhiều mặt, trong đó công bố công trình khoa học quốc tế nước ta đi sau các nước Singapore, Malaysia và Thái Lan hàng chục năm.

Hiện tượng nhiều vị TS, 3-4 năm liền không hề có bài báo khoa học nào được đăng trên các tạp chí, kể cả trong nước, không hề hiếm, thậm chí nhân gian còn nói: "Ra cửa gặp TS... giấy"! Chẳng nói đâu xa, trong tổng số 1.226 người được cho là đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2017 thì 94 người bị nghi "chưa đủ tiêu chuẩn". Thủ tướng phải có ý kiến chỉ đạo kiểm tra để phát hiện sự thật và chỉ ít ngày sau đã có ông Đặng Công Tráng - Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Công nghiệp T.P Hồ Chí Minh xin rút khỏi chức danh PGS vì bị phát hiện "đạo văn" của một Thạc sĩ.

Trong số 85 GS được xét duyệt năm 2017 thì 34% GS không có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí nổi tiếng quốc tế, đối với PGS tỷ lệ này là trên 53%. Những ngành có ít bài báo khoa học chủ yếu thuộc các ngành xã hội. Ngành Luật, Ngôn ngữ học là hai ngành "trắng" bài báo khoa học trên ISI/Scopus.

Nói như Gerard Piel thì các vị này đang góp phần "giết chết khoa học"!

2- Không có công bố khoa học trên các tạp chí nổi tiếng, lỗi không chỉ tại người nghiên cứu mải đi dạy thêm kiếm tiền hoặc yếu kém về năng lực, lười biếng, mà còn do Hội đồng Chức danh GS Nhà nước nương nhẹ tiêu chuẩn. Tôi hỏi một số vị GS về xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017, họ nói: "Theo Hội đồng Chức danh GS Nhà nước ban hành, các ứng viên được xét duyệt trên cơ sở tiêu chuẩn hợp nhất Quyết định số 174/2008 và Quyết định số 20/2012 của Thủ tướng". Theo đó, việc công nhận chức danh PGS có 4 tiêu chuẩn, nhưng không có tiêu chuẩn nào yêu cầu ứng viên phải có bài báo khoa học đăng trên tạp chí ISI/Scopus. Với chức danh GS có 5 tiêu chuẩn, cũng không thấy yếu tố bài báo khoa học đăng trên tạp chí ISI/Scopus mà chỉ cần "có đủ công trình khoa học quy đổi theo quy định, trong đó có ít nhất 50% số công trình khoa học quy đổi từ các bài báo khoa học".

Trong khi đó, danh mục tạp chí được tính điểm bao gồm cả các tạp chí ISI/Scopus và tạp chí trong nước, tạp chí nội bộ trường với mức điểm quy đổi chênh lệch rất ít, chỉ từ 1 điểm đến 1,5 điểm. Mức chênh lệch này, thiển nghĩ không phù hợp với độ khó khi đăng bài trên tạp chí trong nước và tạp chí ISI/Scopus. Và trong quy định về tiêu chuẩn GS, PGS hiện hành, cũng không có sự rạch ròi: Mỗi bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế Hội đồng xét duyệt có thể cho 1 điểm nhưng cũng có thể cho 0.5 điểm. Vì vậy cần có quy định cụ thể cho công bố khoa học trên tạp chí ISI/Scopus để tránh tình trạng thẩm định cảm tính, sinh chuyện này, chuyện khác...

Vì sao Hội đồng Chức danh GS Nhà nước lại không quan tâm nhiều tới tiêu chuẩn công bố khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế trong quá trình xét học hàm, học vị? Phải chăng vì nhiều vị ngồi ghế Hội đồng này thuộc thế hệ GS, TS "cổ lai hy", khi họ được phong học hàm, học vị đó, không bị ràng buộc bởi tiêu chuẩn công bố khoa học quốc tế, nên nay "không muốn làm khó cho lớp sau", vì mình ngồi ghế "phán xét" mà chưa chắc đã bằng người ta? Tăng tiêu chuẩn này vô hình trung thừa nhận mình kém hơn họ!

Hội nhập quốc tế về khoa học cũng như các ngành khác, càng ngày càng sâu rộng, không đưa ra những tiêu chuẩn tầm quốc tế trong xét học hàm, học vị thì chất lượng nguồn nhân lực tinh hoa này mãi tụt hậu so với thế giới là chuyện đương nhiên. Trong cuộc vươn ra biển lớn của giới Khoa học- Công nghệ, dù cán bộ nghiên cứu ở viện này viện khác hay giảng viên ở đại học phải coi công bố khoa học trên các tạp chí có uy tín quốc tế là một nghĩa vụ cao cả. Tạp chí Philosophical Transactions of the Royal Society của Vương quốc Anh, xuất bản đầu tiên năm 1665, là tập san khoa học đầu tiên trên thế giới. Từ truyền thống đó, tập san khoa học được xem là một diễn đàn, nơi mà các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu, chia sẻ ý tưởng và phương pháp. Vì tính liên tục trong xuất bản, tập san khoa học còn là một phương tiện chuyển tải thông tin từ thế hệ này sang thế hệ nối tiếp. Và ngày nay có nhiều tập san mới ra đời xuất bản trực tuyến công bố kết quả nghiên cứu của tất cả các chuyên ngành khoa học. Tiêu biểu là tạp chí PLoS ONE của Public Library of Science; Scientific Reports của Springer-Nature. Đây là những tập san rất lớn, mỗi năm công bố trên 30.000 bài báo khoa học. Có công trình công bố quốc tế là vinh dự của nhà khoa học, danh dự của đơn vị nơi mình công tác và còn thể hiện sự cạnh tranh tầm quốc gia trong sự phát triển của Khoa học-Công nghệ nước ta với cộng đồng quốc tế.

Những năm qua, Nhà nước ta đã có những chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước như Đề án 322 về "Đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước giai đoạn 2000 – 2010"; Đề án 911, đầu tư 14 nghìn tỷ đồng về "Đào tạo giảng viên có trình độ TS cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020". Bộ Giáo dục-Đào tạo đang xây dựng Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm giai đoạn từ năm 2018 đến 2025 và tầm nhìn 2030, với nguồn kinh phí 12 ngàn tỷ đồng để đào tạo 9.000 TS. Quy trình đào tạo cần bắt buộc có bài báo công bố ISI, Scopus. Đó cũng là cách để khoa học nước nhà hội nhập sâu với thế giới. Có như vậy văn bằng TS đào tạo ở Việt Nam mới có thể tương đương chất lượng với văn bằng tại các nước khác.

Hy vọng việc xem xét phong học hàm, học vị ở giới tinh hoa của trí thức Việt Nam mùa sau không bỏ qua yếu tố công bố khoa học quốc tế.

                                                                                              Đ.Ngọc

Chủ đề khác