VnReview
Hà Nội

Giờ Trái Đất có thực sự hiệu quả?

Được tổ chức từ năm 2007, trong 11 năm qua, sự kiện Giờ Trái Đất dần trở nên quen thuộc và được đánh giá là một trong những hành động vì môi trường lớn nhất thế giới. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, không ít ý kiến cho rằng sự kiện Giờ Trái Đất không thực sự hiệu quả, thậm chí chỉ làm mất thời gian.

Giờ Trái Đất là gì?

Giờ trái đất (EH - Earth Hour), do WWF - Quỹ quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên khởi xướng, là một sáng kiến toàn cầu nhằm nâng cao ý thức của người dân về tiết kiệm năng lượng và biến đổi khí hậu.

Sáng kiến này kêu gọi các cá nhân và doanh nghiệp trên toàn thế giới tắt điện một tiếng đồng hồ vào tối thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm. Năm 2018, Giờ Trái Đất được tổ chức sớm vào ngày 24/3, để tránh trùng hợp với thứ bảy Tuần Thánh của Công giáo vào ngày 31/3. Mục tiêu của chiến dịch nhằm khẳng định mỗi một hành động cá nhân khi được nhân lên trên diện rộng có thể giúp thay đổi môi trường sống tốt hơn.

Nhiều bạn trẻ hưởng ứng sự kiện Giờ Trái Đất

Sự kiện này bắt đầu từ Sydney, Úc vào năm 2007 khi mà 2 triệu người tham gia tắt đèn. Vào năm 2008, hơn 50 triệu người trên toàn cầu cũng tham gia, năm 2009 là hơn 1 tỷ người, hơn 4000 thành phố trên toàn thế giới. Năm 2018, ban tổ chức Giờ Trái Đất cho biết có tới 187 quốc gia với từ hơn 7000 thành phố tham gia sự kiện này.

Tham gia vào hiến dịch Giờ Trái Đất khá muộn, từ năm 2009, nhưng Việt Nam đã nhanh chóng hưởng ứng chiến dịch này bằng việc kêu gọi sự tham gia của hàng ngàn cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội của 63 tỉnh thành trên cả nước.

Có thực sự hiệu quả?

Mặc dù Giờ Trái Đất có mục tiêu cao cả nhưng hiện có những quan điểm bất đồng về hiệu quả của nó. Trong 11 năm hoạt động, phong trào đã bị phê phán bởi không ít chuyên gia, những người nêu nghịch lý rằng Giờ Trái Đất chỉ là một phong trào và nó hầu như không giúp chống lại sự biến đổi khí hậu.

Karthikeyan KC, tác giả của nhiều cuốn sách khoa học đăng trên tạp chí Geekswipe cho rằng hầu hết chúng ta đều đã ít nhiều nghe nói về sự nóng lên của toàn cầu, hậu quả của khí thải CO2, hiệu ứng nhà kính…, các thông tin này xuất hiện hàng ngày, hàng giờ trên internet, biển quảng cáo, trên sóng truyền hình, các phương tiện truyền thông, cũng như từ các tổ chức phi lợi nhuận. "Vậy thì, thêm một sự kiện được tổ chức với tầm cỡ quốc tế như Giờ Trái Đất nữa liệu có làm thay đổi được ý thức con người hay chỉ khiến chúng ta tốn thêm thời gian theo dõi?", Karthikeyan đưa ra nhận định.

Cũng theo anh, tắt đèn là hành động giúp tiết kiệm năng lượng, nhưng nếu chỉ tắt đèn trong một giờ mỗi năm thì vẫn chưa thể gọi là đủ, và nó chưa thể giúp bảo vệ môi trường cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu: "Hơn nữa, nếu nói rằng việc tắt đèn trong một giờ thực sự giúp cắt giảm khí thải CO2 trong thời gian đó thì bạn cần xem xét lại. Việc chuyển bóng đèn từ trạng thái bật sang tắt có thể sẽ giúp thay đổi một lượng nhỏ khí thải, nhưng là rất nhỏ và nó sẽ không là gì nếu so sánh với mức phát thải CO2 trong một giờ của những cây nến được dùng trong sự kiện Giờ Trái Đất. Hàng triệu người tham gia sự kiện Giờ Trái Đất, cũng từng đó cây nến được đốt và thải CO2 ra môi trường, và có lẽ chúng ta đang vận dụng Giờ Trái Đất một cách sai lệch và mâu thuẫn".

Tắt đèn trong một giờ là chưa đủ để bảo vệ môi trường

Trong khi đó, tờ HuffingtonPost trích dẫn lời nhà khoa học Maggie Koerth-Baker, tác giả của cuốn sách Tương lai của Năng lượng, cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng những nước tham gia Giờ Trái Đất thậm chí tạo ra sự gia tăng nhỏ trong lượng phát thải: "Khi mọi người bật đèn trở lại vào cuối Giờ Trái Đất, điều đó có nghĩa là các nhà máy nhiệt điện và khí đốt tự nhiên sẽ phải làm việc nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu gia tăng điện đột ngột này. Để làm được điều đó, chúng tạo ra lượng phát thải nhiều hơn mức hiện tại, giống như khi xe của bạn đốt cháy nhiều xăng hơn nếu bạn nhanh chóng tăng tốc và giảm tốc hơn là nếu bạn duy trì tốc độ không đổi".

Một dẫn chứng được đưa ra rằng các nhà khai thác lưới điện quốc gia ở Anh đã xác nhận việc giảm tiêu thụ điện không làm giảm năng lượng nhận từ lưới điện, do đó lượng khí thải không giảm vì sau đó họ phải tốn thêm nhiều năng lượng để cung cấp điện trở lại.

Maggie cho rằng tác động tới môi trường không hẳn là do các cá nhân mà vấn đề còn nằm ở các cơ sở hạ tầng mà chúng ta đang sử dụng. "Người dân châu Âu không sử dụng ít năng lượng hơn người dân Châu Á hay Châu Phi chỉ bởi họ có ý thức tốt hơn, những người ủng hộ Giờ Trái Đất và sẵn sàng sống trong bóng tối. Họ sử dụng năng lượng ít hơn bởi vì các cơ sở hạ tầng của họ cho phép tiêu tốn ít năng lượng hơn, và cũng ít gây ô nhiễm môi trường hơn", Maggie nói.

Giáo sư Steven Sherwood, Đại học New South Wales, cũng chỉ trích thông điệp của Giờ Trái đất là tắt điện để giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu. Ông cho rằng thông điệp này có thể khiến nhiều người hiểu nhầm rằng việc giải quyết vấn đề này rất dễ dàng và tất cả những gì cần làm chỉ là tắt điện. "Sự kiện Giờ Trái đất được cho là giúp nâng cao nhận thức nhưng lại có một vấn đề nảy sinh. Theo tôi, thay vì tắt đèn có thể triển khai các chiến dịch như "đi làm bằng xe đạp một ngày. Nó sẽ giúp mọi người bỏ xe hơi và đi xe đạp để rồi nhận ra rằng có cách tốt hơn để đi lại và nó nên là một phần của giải pháp cho vấn đề năng lượng của chúng ta. Sống trong bóng tối thì không làm được điều như vậy".

Thông điệp Giờ Trái Đất 2018

Thực tế, cho đến nay vẫn chưa có thước đo hay thống kê về việc Giờ Trái Đất đã giúp tiết kiệm bao nhiêu năng lượng trên toàn cầu hay giúp bảo vệ môi trường ra sao. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng sự kiện này không nhằm mục tiêu tiết kiệm năng lượng mà để tăng nhận thức xã hội, là dịp để mọi người thể hiện sự ủng hộ về tương lai năng lượng sạch, ô nhiễm thấp và kết nối trở lại với thiên nhiên.

"Tôi nghĩ chiến dịch này bổ sung hữu ích cho một loạt chiến dịch giúp thông tin về hiệu suất năng lượng và biến đổi khí hậu. Nó không phải là hành động có thể thay đổi cuộc chơi nhưng là thứ bạn có thể chia sẻ với gia đình, con cái để làm nổi bật một số vấn đề, thực trạng hiện nay và cách giải quyết", Andy Pitman, Giáo sư về biến đổi khí hậu cho biết trên IBTimes.

Cần tuyên truyền đúng về Giờ Trái Đất

Sau sự kiện Giờ Trái Đất hàng năm, báo chí thường đăng các bài viết tổng kết 1 giờ tắt điện đã tiết kiệm được bao nhiêu điện, bao nhiêu tiền. Giờ Trái Đất 2018 theo công bố của EVN thì Việt Nam đã tiết kiệm được 485kWh điện, tương đương 834 triệu đồng. Tuy nhiên, đây không nên là điều cần nhấn mạnh về tính hiệu quả của chương trình Giờ Trái Đất, bởi thực sự số tiền cũng như số kWh điện tiết kiệm được quả thực không đáng là bao so với chi phí bỏ ra để tuyên truyền cho sự kiện, tổ chức các hoạt động nhằm gây thanh thế cho sự kiện. Đó là chưa kể, hàng nghìn bóng đèn LED, hàng nghìn cây nến sử dụng trong các buổi lễ sẽ ra bãi rác hoặc trở thành rác khó phân hủy, thì tác hại đối với môi trường khó mà đo đếm được.

Cái cần nhấn mạnh ở đây là ý thức tiết kiệm điện cũng như ý thức bảo vệ môi trường được nâng cao như thế nào sau sự kiện, đã có bao nhiêu người tham gia và cam kết sẽ thực hành ý thức tiết kiệm điện trong cuộc sống hàng ngày, có những biện pháp nào được chỉ ra để tránh lãng phí điện năng và các tài nguyên khác...? Sẽ chỉ là "bắt cóc bỏ đĩa" nếu sau khi kết thúc Giờ Trái Đất thì mọi người lại quay trở lại với việc tiêu thụ điện như cũ, mọi hoạt động trở lại bình thường mà không có bất kỳ chương trình hành động nào khác để duy trì và lan rộng ý thức tiết kiệm điện.

G.L

Chủ đề khác