VnReview
Hà Nội

Cộng hòa là gì, Dân chủ là gì, Cộng hòa dân chủ là gì?

Những ngày này, khắp nơi trên cả nước người dân đang nói nhiều về việc nên hay không nên đổi tên nước trở về tên cũ trước năm 1976 là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay vẫn giữ nguyên tên hiện nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai hiểu bản chất thật sự của các tên gọi này có ý nghĩa như thế nào?

Các loại hình chế độ và hệ thống chính phủ

Các nhà nước trên thế giới đều áp dụng một hình thức chính thể nào đó để tổ chức hệ thống quyền lực của mình nhằm quản lý xã hội. Theo lý giải của báo Pháp luật TP.HCM, từ "chính thể" là khái niệm để chỉ về mặt hình thức của một nhà nước, còn "chế độ chính trị" thể hiện bản chất cũng như phương pháp sử dụng quyền lực cai trị của nhà nước.

Theo Wikipedia tiếng Việt, về cơ bản có hai hình thức chính thể là quân chủ và cộng hòa.

Trong đó, chính thể quân chủ được chia làm 2 loại là quân chủ chuyên chế và quân chủ lập hiến. Với chế độ quân chủ chuyên chế, mọi quyền lực nhà nước tối cao tập trung vào nhà vua, còn quân chủ lập hiến chia đôi quyền lực nhà nước tối cao với một bên là vua còn bên kia là một nhóm người do nhân dân bầu ra được gọi là Quốc hội hoặc Nghị viện, Nhà vua trong chế độ này chỉ là một biểu tượng của dân tộc. Hình thức quân chủ lập hiến có nghĩa là "lập ra" "hiến pháp"; khi có hiến pháp thì tất cả mọi người, kể cả nhà vua, khi muốn làm gì cũng phải tuân theo những điều mà hiến pháp đã quy định.

Ngày nay hầu hết các quốc gia theo chính thể quân chủ đều có bản Hiến pháp quy định rõ những nguyên tắc để xác định quyền và nghĩa vụ của vua, hoàng tộc, chính phủ, các tổ chức đại diện dân trong nước, quyền và nghĩa vụ của công dân, nên gọi đó là chính thể "quân chủ lập hiến"; chứ không phải như thời xưa vua nắm tất cả quyền lực nhà nước trong tay mình (gồm cả lập pháp, hành pháp, tư pháp) nên gọi là "quân chủ chuyên chế" (hay quân chủ tuyệt đối).

quân chủ lập hiến

Nước Anh là điển hình của hình thức quân chủ lập hiến

Trong chính thể cộng hòa thì quyền lực nhà nước không phụ thuộc vào một người mà thuộc về một nhóm người hoặc một tập thể. Ở những nước theo chính thể "cộng hòa" thì vị nguyên thủ quốc gia, các cơ quan quyền lực nhà nước tối cao đều do nhân dân bầu lên chứ không phải do thừa kế, người đứng đầu nhà nước không phải là một vị vua/quốc vương.

hai loại chính thể cộng hòa là cộng hòa quý tộc và cộng hòa dân chủ.

Cộng hòa quý tộc là một hình thức nhà nước trước đây khi chuyển giao từ một nhà nước quân chủ sang nhà nước cộng hòa quý tộc (ví dụ nhà nước La Mã), quyền lực của vua được chuyển sang cho tầng lớp quý tộc. Gọi là "cộng hòa" vì những người nắm giữ quyền lực cao nhất của chế độ này được bầu cử hàng năm trong số những nhà quý tộc, ngoài 2 quan chấp chính được bầu hàng năm còn có một Viện nguyên lão, các giám quan, pháp quan… nhằm điều hành đất nước và cai quản dân chúng. Hiện không có nước nào theo chế độ này mà kết hợp với loại hình cộng hòa dân chủ - một thể thức mà ở đó nhiều người cùng tham gia vào việc điều hành một nước, với Bộ máy nhà nước có sự phân quyền giữa 3 nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Chính thể cộng hòa dân chủ cho người dân có khả năng tham gia quyết định các chính sách hoặc tham gia thành lập bộ máy nhà nước thông qua bầu cử. Có 2 hình thức dân chủ là dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp (dân chủ đại diện). Tuy nhiên, tùy theo từng nước và hoàn cảnh quốc gia mà thể chế dân chủ phát triển đến mức độ nào. Hiện không có mô hình chung về loại hình chính thể cộng hòa dân chủ.

Các loại hình nhà nước cộng hòa trên thế giới

Có rất nhiều hình thức nhà nước cộng hòa khác nhau do cách thức lựa chọn người đứng đầu nhà nước cũng như quyền lực của những người đứng đầu nhà nước đó.

- Cộng hòa dân chủ: là một hình thức cộng hòa mà quyền lực của chính phủ là quyền lực chung, "của dân, do dân, vì dân", không có quyền lực cá nhân hay quyền lực của một nhóm nhà lãnh đạo, các cơ quan chính phủ đều được bầu hoặc bổ nhiệm, nơi mà tất cả công dân đủ điều kiện đều có một tiếng nói bình đẳng trong các quyết định của địa phương và quốc gia mà có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

- Cộng hòa lập hiến: người đứng đầu quốc gia và các viên chức chính phủ khác được bầu lên với vai trò là các đại diện của người dân, và phải điều hành đất nước theo luật hiến pháp hiện hành mà giới hạn quyền lực của chính phủ đối với công dân. Trong một cộng hòa lập hiến, các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp là ba ngành riêng biệt và ý nguyện của đa số người dân bị giảm chế để bảo vệ những quyền cá nhân, có nghĩa là không có nhóm người nào hay cá nhân nào có quyền hạn tuyệt đối. Một hiến pháp tồn tại và giới hạn quyền của chính phủ làm cho nhà nước trở thành hiến định.

- Cộng hòa nghị viện: Cộng hòa đại nghị hay cộng hòa nghị viện là một hình thức cộng hòa mà nguyên thủ quốc gia được bầu ra bởi các nghị viên, quốc gia đó có một nghị viện mạnh và các thành viên chính của bộ phận hành pháp cũng được chọn ra từ nghị viện đó. Tổng thống của các nước theo cộng hòa nghị viện thường không có quyền hành pháp lớn bởi vì nhiều quyền trong đó được trao cho người đứng đầu chính phủ (thường được gọi là thủ tướng). Một số nước như ở Cộng hòa Nam Phi và Botswana, người đứng đầu chính phủ và nguyên thủ quốc gia có thể là một chức vụ. Một số nước khác, như Phần Lan hay Ireland, tổng thống có quyền hành pháp để điều hành công việc hàng ngày của chính phủ nhưng thông thường họ không dùng những quyền này. Do đó, một số nền cộng hòa đại nghị được xem như là một chế độ bán tổng thống nhưng hoạt động dưới quyền nghị viện.

- Cộng hòa tổng thống: người đứng đầu nhà nước đồng thời là người đứng đầu chính phủ, thể chế này được gọi là tổng thống chế.

- Cộng hòa bán tổng thống (bán-tổng thống chế): người đứng đầu nhà nước không phải là cùng một người với người đứng đầu chính phủ, người sau thường được gọi là thủ tướng.

- Cộng hòa liên bang: một liên minh liên bang của các bang hoặc tỉnh với một hình thức chính phủ cộng hòa, trong đó thống đốc các bang được nhân dân bầu cử lên và có toàn quyền điều hành trong bang đó. Ví dụ bao gồm Argentina, Áo, Brazil, Đức, Ấn Độ, Nga, Hoa Kỳ, và Thụy Sĩ.

- Cộng hòa Hồi giáo - Các quốc gia như Afghanistan, Pakistan, Iran là nước cộng hòa điều chỉnh theo luật Hồi giáo.

- Cộng hòa xã hội chủ nghĩa: hình thức nhà nước cộng hòa của các nước cộng sản. Nhân dân bầu quốc hội, quốc hội bầu chính phủ, như vậy nhân dân gián tiếp tham gia vào công việc nhà nước thông qua đại diện là các đại biểu quốc hội. Đảng và Quốc hội nắm toàn quyền đất nước. Việt Nam theo thể chế này.

Bỏ phiếu bầu cử là hình thức mà các nước cộng hòa đều áp dụng, trong đó có Việt Nam

Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện

Các cộng hòa thường liên hệ với dân chủ. Theo giải thích của GS-TS Nguyễn Đăng Dung - khoa Luật ĐHQG Hà Nội trên báo Dân Trí, hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp được hiểu là bản thân người dân quyết định điều gì đó liên quan trực tiếp đến quyền lực nhà nước (vốn thuộc về nhân dân), chẳng hạn như bỏ phiếu để tách, nhập địa phương này vào địa phương kia; hay như việc bỏ phiếu thông qua bản hiến pháp của quốc gia được xem như hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp cao nhất…

Việc bỏ phiếu bầu ra một người thay mặt mình để giải quyết công việc nhà nước cũng như bãi miễn họ khi không còn xứng đáng thuộc hình thức dân chủ đại diện (dân chủ gián tiếp), chẳng hạn bầu ra tổng thống Mỹ cũng là hình thức dân chủ đại diện. Có người nhầm lẫn đây là dân chủ trực tiếp. Việc người dân nước nào đó bỏ phiếu quyết định thông qua bản hiến pháp nước họ mới là dân chủ trực tiếp.


Vân Hà

(Tổng hợp)

Chủ đề khác