VnReview
Hà Nội

Bóng ma độc quyền đang trở lại thị trường viễn thông Việt Nam

Ai cũng biết, cạnh tranh là yếu tố giúp nuôi dưỡng thị trường phát triển và làm lợi cho người tiêu dùng. Hơn 10 năm qua, thị trường viễn thông Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh nhờ có sự cạnh tranh của nhiều nhà mạng đối chọi với vị thế độc quyền của VNPT. Tuy nhiên, khi thị trường gần như là của ba nhà mạng lớn, người ta lại lo ngại về tình trạng "độc quyền nhóm" khi mà các mạng lớn liên kết với nhau nhằm tăng giá dịch vụ, đẩy người dùng vào thế buộc phải chấp nhận.

Viettel – một thời gian nan chống độc quyền...

Nhà mạng Viettel chắc chắn hiểu rõ hơn ai hết chặng đường đầy khó khăn những năm phải đấu tranh phá bỏ sự độc quyền từ VNPT, nhưng sau khi gặt hái được thành công, nhà mạng này dường như đã quay lưng lại với người tiêu dùng và cũng chèn ép các doanh nghiệp nhỏ hơn.

Suốt những năm đầu thập niên 2000, Viettel liên tục bị "ông độc quyền" VNPT chèn ép, chủ yếu là cản trở việc kết nối vào hệ thống tổng đài chuyển mạch và tổng đài nội hạt của VNPT tại các tỉnh thành nhằm hạn chế khả năng mở rộng dịch vụ của nhà mạng non trẻ này. Bài viết của tác giả Khiết Hưng đăng trên báo Tuổi trẻ năm 2005 đã nêu rõ tình thế của Viettel khi đó: "Trong một báo cáo gửi bộ trưởng Bộ Bưu chính-viễn thông, Viettel cho biết các bưu điện tỉnh thường xuyên trì hoãn việc tiếp xúc, bàn bạc kết nối. Thậm chí, một số bưu điện các tỉnh còn đưa ra các đòi hỏi trái với thỏa thuận kết nối giữa Viettel và VNPT như đòi 10% hoa hồng thu hộ cước, đòi phải thanh toán cước nội tỉnh cho các cuộc gọi xuất phát từ thuê bao huyện, không cho thuê vị trí, không cho tiếp thị trực tiếp đến khách hàng...".

viettel mobile

Viettel hẳn còn nhớ những ngày đầu gian khó

Tuy nhiên, Viettel đã chiến đấu với VNPT trong một tư thế khá là ngang sức, không hề là "châu chấu đá voi". Được sự hậu thuẫn từ Bộ Quốc phòng, Viettel có đủ tiềm lực kinh tế cũng như nhân lực để trụ vững trên thị trường bằng chiến lược ưu tiên phát triển hạ tầng, mở rộng mạng lưới, có nhiều chính sách cước táo bạo, luôn là nhà mạng tiên phong, dẫn dắt thị trường trong các đợt giảm cước viễn thông. Chính Viettel là nhà mạng đầu tiên áp dụng những chính sách như giảm cước tới 75% vào giờ thấp điểm, giảm 80% cước GPRS, giảm cước gọi từ di động sang các máy cố định cùng mạng Viettel…

Người tiêu dùng đã từng được chứng kiến những cuộc rượt đuổi giữa Viettel và VNPT trong cạnh tranh giá cước, dịch vụ, chẳng hạn khi Viettel tuyên bố hạ giá cước nội mạng rẻ hơn gọi cố định, ngay lập tức anh em nhà VNPT - VinaPhone và MobiFone vội vã lập liên minh cho phép khách hàng mới gọi miễn phí nội mạng trong một năm. Hay khi Viettel tung ra những bộ SIM và gói cước dành cho sinh viên thì các nhà mạng khác cũng nhanh chóng tìm đến nhóm khách hàng này. Những cuộc đua giành giật thuê bao mới bằng các đợt khuyến mãi tặng 100%, thậm chí 150% giá trị thẻ nạp… Nhờ có áp lực cạnh tranh từ Viettel và các nhà mạng khác, Việt Nam từ chỗ là một trong những nước có cước viễn thông đắt nhất thế giới nay đã dễ chịu hơn rất nhiều.

Hiện tại, Viettel có khoảng 60 triệu thuê bao di động (44% thị phần), là mạng viễn thông có hạ tầng lớn nhất Việt Nam với khoảng 55.000 trạm phát sóng, trong đó có 25.000 trạm 3G và các dịch vụ 3G đang đóng góp trên 50% doanh thu cho nhà mạng này (theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn).

... Và chèn ép, nuốt; "cá bé"

Một bài viết trên báo ICTNews từng bình luận: "Khi Viettel mới cung cấp dịch vụ di động, cơ quan quản lý nhà nước đã phải "trói" anh em nhà VNPT để lính mới Viettel có lợi thế cạnh tranh bằng mức cước thấp hơn VinaPhone và MobiFone. Chỉ sau 3 năm thâm nhập thị trường, Viettel đã phát triển nhanh chóng và được "ngồi cùng thuyền" doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế cùng anh em nhà VNPT".

Tuy nhiên, các mạng di động khác đã và đang tham gia thị trường viễn thông Việt Nam không được may mắn và ưu ái như vậy.

Mạng S-Fone gia nhập thị trường tương đối sớm, từ tháng 7/2003 và cũng từng có những dấu ấn nhất định trên thị trường. Là liên doanh với đối tác là nhà mạng lớn nhất Hàn Quốc SK Telecom, S-Fone cũng góp phần không nhỏ trong việc ép VNPT rời bỏ vị thế độc quyền và là nhà mạng mang nhiều cái "đầu tiên" vào Việt Nam: áp dụng cách tính cước theo block 10 giây và sau đó là block 6 giây; tính cước thống nhất một vùng; nhiều gói cước linh hoạt… S-Fone từng thu hút hàng triệu thuê bao mới với chiến dịch tặng máy điện thoại – nhà mạng đầu tiên áp dụng phương thức tặng máy điện thoại kèm SIM. Đây cũng là nhà mạng đầu tiên cung cấp 3G và các dịch vụ 3G tại Việt Nam. Những năm 2006 - 2008, gói cước tình nhân Forever Couple đã từng là 'mốt' trong giới trẻ các thành phố lớn - nơi mà S-Fone phủ sóng như Hà Nội hay TP.HCM bởi mức cước gọi nội mạng siêu rẻ.

mạng S-Fone

S-Fone từng mang lại nhiều dịch vụ mới mẻ cho người dùng trong nước

S-Fone không thành công một phần là do mạng này sử dụng công nghệ CDMA khá hạn chế về số lượng thiết bị đầu cuối hỗ trợ (điện thoại CDMA khá hiếm và đắt), nhưng một nguyên nhân sâu xa khác còn là do mạng này bị các mạng lớn chèn ép.

Năm 2004, báo Sài Gòn Giải Phóngbài viết cho biết: S-Fone xin được kết nối với 2 mạng VinaPhone và MobiFone nhưng VNPT nêu những lý do kỹ thuật về mạng GSM và CDMA và không cho kết nối, trong khi mạng Cityphone (cũng là CDMA, nhưng của VNPT!) lại được kết nối ngay. Cũng với lý do kỹ thuật, VNPT không cho S-Fone được đấu nối trực tiếp với tổng đài chuyển mạch kép mà phải qua một tổng đài trung gian do VNPT quản lý. Cước phí qua tổng đài trung gian này là 250 đồng/phút và khi đó mỗi tháng, S-Fone cho biết là họ phải đóng thêm gần 2 tỷ đồng cho tổng đài trung gian này. S-Fone từng phải nhờ Bộ BCVT (nay là bộ TT&TT) can thiệp nhưng hầu như không có tác dụng.

Cũng trong bài báo trên của báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Viettel (nay là Phó TGĐ Tập đoàn Viettel) cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam chỉ có thể thực sự có cạnh tranh khi các công ty mới, ngoài VNPT chiếm từ 20% thị phần trở lên. "Muốn cạnh tranh thực sự thì phải tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mới phát triển. Khi đã chiếm được khoảng 20% thị phần rồi, mọi chuyện sẽ khác đi rất nhiều", ông Hùng khẳng định. Tất nhiên khi đó Viettel mới chỉ chiếm thị phần rất khiêm tốn trên một thị trường mà VNPT chiếm tới 93%.

Những ai theo dõi thị trường viễn thông di động hẳn không quên nhà mạng Beeline - với sự đầu tư hợp tác giữa hãng di động Nga Vimplecom và Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu (Gtel) của Bộ Công an - đã từng có những chiến dịch phát triển thuê bao rất táo bạo, đặc biệt là sự ra đời của các gói cước như Big Zero, Tỉ phú 1, Tỉ phú 2 đã thu hút rất nhiều thuê bao mới, mức tăng trưởng có lúc đạt 400%/ngày, khiến các nhà mạng lớn phải giật mình kinh sợ.

Khi đó, lãnh đạo hai tập đoàn VNPT và Viettel đều bày tỏ sự lo ngại các doanh nghiệp mải chạy đua cạnh tranh sẽ bán dưới giá thành khiến thị trường phát triển không lành mạnh. Lãnh đạo Tập đoàn Viettel lúc đó đề xuất Bộ TT&TT nên quy định mức giá sàn cho hai năm 2010 và 2011 là 800 đồng/phút.

beeline

Beeline không thua kém về sự năng động, sáng tạo trong kinh doanh, nhưng vẫn không trụ nổi trên thị trường Việt Nam

Báo chí đã từng bình luận rất nhiều về đề xuất áp giá sàn của Viettel, bởi điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ, vì "cửa" vào thị trường của họ chỉ có mỗi cách là giá phải rẻ hơn, do vậy nếu áp dụng giá sàn, họ sẽ hết đường. Trong bài viết "Đại gia di động âm mưu giết mạng nhỏ" đăng trên VnExpress năm 2010, tác giả Hồng Anh bình luận: "Một chuyện khá tức cười khác là trước đây, khi còn là mạng di động nhỏ, Viettel thường đi tiên phong trong việc giảm cước đem lại lợi ích rất lớn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi đã trở thành mạng di động lớn nhất, tình hình đã diễn ra ngược lại: Viettel là mạng tiên phong trong việc đề xuất các biện pháp giảm khuyến mại, khống chế giá sàn, cản trở sức cạnh tranh của các mạng di động mới xuất hiện trên thị trường. Với đề xuất này, Viettel từ người hùng chống độc quyền bỗng chốc trở thành người châm ngòi cho tư tưởng độc quyền".

Nếu không có sự can thiệp của Bộ TT&TT yêu cầu ngừng cung cấp gói cước Tỉ phú rất có thể Beeline sẽ còn khiến các "đại gia" giữ thị phần khống chế không thể ngồi yên nhiều phen nữa.

Điều đáng nói là, một nhà mạng nhỏ với chỉ khoảng 2 triệu thuê bao như Beeline, đã đặt cược tất cả vào một gói cước hầu như không có lợi nhuận chỉ để mong nâng số thuê bao rồi sau đó sẽ có những kế sách khác để phát triển, nhưng đã bị chính sách quản lý can thiệp và dập tắt từ trong trứng nước ngay sau khi ba mạng lớn khiếu nại Beeline bán phá giá dịch vụ.

Kết cục đáng buồn cho Beeline là nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường, rút cả hình ảnh chú gà con dễ thương cùng thương hiệu Beeline khỏi Việt Nam, để lại Gtel với mạng G-Mobile đang chật vật tồn tại.

Chung số phận với Beeline, S-Fone còn có EVN Telecom - nhà mạng đuối sức trong cuộc cạnh tranh và phải chấm dứt hoạt động từ năm 2011 và sau đó sáp nhập vào Viettel. Cũng như các mạng nhỏ khác, EVN Telecom cũng từng bị VNPT và Viettel ngăn cản phát triển dịch vụ mới.

Theo bài viết trên VnExpress năm 2006, EVN Telecom tung ra dịch vụ di động nội tỉnh E-Phone, giống như CityPhone do VNPT cung cấp, có giá cước tương đương với điện thoại cố định có thể nhắn tin, nhưng liền sau đó bị các doanh nghiệp khác kiện vì giá quá rẻ. Thậm chí, VNPT còn dùng biện pháp mạnh là không cho EVN Telecom kết nối dịch vụ nhắn tin từ E-Phone tới các thuê bao di động VinaPhone, MobiFone và CityPhone. EVN Telecom cũng từng "tố" Viettel lôi kéo thuê bao E-Com, đại lý của Viettel đến tận nhà các thuê bao E-Com của EVN Telecom để ‘dụ' họ rời mạng của EVN Telecom.

Báo chí bình luận, EVN Telecom thất bại còn vì tư duy độc quyền của chính họ, một doanh nghiệp nhà nước 100%

Hành vi chèn ép, cậy thế độc quyền để bắt nạt doanh nghiệp nhỏ của Viettel và VNPT thể hiện rõ rệt nhất đối với mạng Vietnamobile do Hanoi Telecom quản lý. Giữa năm 2012, Hanoi Telecom phải khiếu kiện lên Bộ TT&TT và đăng đàn trên các báo về việc VNPT và Viettel đột ngột đồng thời tăng giá thuê kênh truyền dẫn, đặc biệt động thái này diễn ra ngay sau khi hoàn thành việc chuyển giao EVN Telecom về Viettel. Trước đó EVN Telecom là nhà cung cấp kênh truyền dẫn lớn nhất với hơn 40.000 km cáp quang trên toàn quốc. Sau khi nhà mạng này thua lỗ và phải sáp nhập với Viettel thì VNPT và Viettel trở thành 2 nhà cung cấp kênh truyền dẫn lớn nhất chiếm thị phần khống chế. VNPT đồng thời cũng tăng giá cho thuê sử dụng chung trạm thu phát sóng di động (BTS) với mức quá cao đến bất bình thường, tăng từ 110% đến 562% và khẳng định đây là cơ chế "thuận mua, vừa bán"!!! Chưa hết, báo Dân Trí hồi tháng 2/2013 đăng bài viết Hanoi Telecom "tố" bị mạng lớn chèn ép, tự ý cắt giảm các kênh kết nối mà không dựa trên bất cứ văn bản đồng thuận nào, gây thiệt hại nặng về kinh tế cho nhà mạng này...

Từ 7 nhà mạng có hạ tầng và 2 nhà khai thác không tần số, thị trường di động Việt Nam từng được cho là có quá nhiều nhà cung cấp dịch vụ để rồi theo quy luật, những doanh nghiệp (DN) không đủ sức kinh doanh đã phải ra đi.

Vietnamobile cần nhiều nỗ lực vượt bậc mới cạnh tranh và tồn tại được

Dấu hiệu độc quyền quay trở lại

Ý nghĩa của cạnh tranh là đảm bảo cho người mua hàng hóa /người sử dụng dịch vụ được quyền chọn lựa hàng hóa hoặc dịch vụ từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau với giá cả/ chất lượng cạnh tranh.

Tuy nhiên hiện nay, khi 3 nhà mạng Viettel, MobiFone và Vinaphone đang chiếm hơn 95% thị phần viễn thông di động cả nước, nếu họ ngấm ngầm bắt tay nhau thì thị trường sẽ hoàn toàn mất tính cạnh tranh. Trong đợt tăng giá cước 3G mới đây, cả ba nhà mạng đều đồng loạt tăng cước, thay đổi block tính cước, không những giống hệt nhau về phương thức tính cước, giá cước mà còn trùng lặp các gói cước.

Thay vì đặt câu hỏi "Nên dùng gói 3G của mạng nào?" thì bây giờ người dùng không có cơ hội so sánh để lựa chọn, bởi chúng giống hệt nhau. Vậy thì hoặc là bỏ không dùng nữa, hoặc ai đang dùng mạng nào thì cứ dùng tiếp. Vì tính chất công việc, học tập, sẽ rất nhiều người dùng bắt buộc phải tiếp tục sử dụng dịch vụ cho dù giá có cao hơn đi nữa, bởi họ không có lựa chọn khác. Thế thì cạnh tranh ở đâu, khi mà người dùng không còn quyền chọn lựa dịch vụ?

Hiện thị trường còn hai mạng nhỏ là Vietnamobile và G-Mobile với tổng cộng chưa đầy 5% thị phần, cơ hội nâng thị phần là cực khó khi họ vẫn phải phụ thuộc vào việc thuê kênh truyền dẫn của hai doanh nghiệp thống lĩnh thị trường là VNPT và Viettel vốn luôn tìm cách tăng giá và o ép mạng nhỏ bằng cách hàng rào thương mại và kỹ thuật. Trong khi đó, vai trò quản lý và điều tiết thị trường của Bộ TT&TT dường như đang bênh vực cho các mạng lớn, điển hình là việc tăng giá cước 3G gần đây của ba nhà mạng có gói cước tăng sốc tới 233% mà cơ quan quản lý vẫn làm ngơ, thậm chí còn giải thích cho nhà mạng là họ đang bán 3G dưới giá thành - lý do mà gói cước Tỷ phú của Beeline đã bị xử trảm như đã đề cập ở trên.

Bảo vệ và tạo điều kiện cho các mạng nhỏ phát triển cũng chính là bảo vệ tính cạnh tranh cho thị trường viễn thông. Nhìn lại những sự vụ, thực tế nói trên, khó có thể nói Bộ TT&TT đã giữ vai trò vô tư, công tâm trong các cuộc phân xử, kiện cáo giữa các doanh nghiệp.

Một trong những biện pháp để các mạng phải nâng cao chất lượng dịch vụ và năng lực cạnh tranh là cho phép chuyển mạng giữ nguyên số, nhưng đề án này mặc dù đã được đề cập từ lâu song sẽ chưa được triển khai cho đến năm 2017. Mong là trong 3 năm tới, các nhà mạng sẽ cạnh tranh với nhau một cách lành mạnh, bằng chất lượng và những dịch vụ tốt cho người tiêu dùng chứ không phải là những tiểu xảo.

Đông Phong

Chủ đề khác