VnReview
Hà Nội

Tại sao học sinh Việt Nam đạt điểm toán PISA vượt Mỹ?

Tin học sinh Việt Nam vượt Mỹ và các nước phát triển (OECD) về toán và khoa học đang thu hút được sự chú ý. Câu hỏi đặt ra là điều gì đã khiến điểm sát hạch xếp hạng toán PISA của học sinh Việt Nam lại xếp hạng cao như vậy?

Học sinh Việt Nam đạt điểm thi quốc tế cao hơn Mỹ

Học sinh Việt Nam đạt điểm thi quốc tế cao hơn Mỹ là do sức ép điểm cao và chăm chỉ?

Như VnReview đã đưa tin bài thi PISA 2012 do OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) tổ chức đã được tham gia bởi 510.000 học sinh độ tuổi 15 tại 65 quốc gia/nền kinh tế với các môn Toán, Đọc và Khoa học.

Kì thi PISA (kì thi này được tổ chức 3 năm một lần để đánh giá khả năng chung của các quốc gia tham gia) được thiết kế để đem lại dữ liệu giáo dục, giúp cải thiện các chính sách giáo dục nhằm đem lại kết quả tốt hơn.

Trong PISA, môn toán được đặt trọng tâm. Tư duy toán học tốt được OECD đánh giá là tiền đề cho tương lai thành công. Học toán tốt cho phép học sinh tham gia vào các bậc học cao hơn tốt hơn, và cũng sẽ quyết định tới thu nhập tương lai của học sinh.

;Kì thi 2012 là năm đầu tiên Việt Nam tham gia và kết quả có thể khiến nhiều người bất ngờ: Việt Nam và các nước châu Á khác vượt Mỹ và các nước trong tổ chức OECD.

Điểm toán cao do "chăm chỉ", "luyện thi" nhiều?

Trước kết quả xếp hạng Toán và Khoa học PISA, nhiều cư dân mạng Việt Nam tỏ ra khá thận trọng thay vì tự hào. Phần lớn bình luận của thành viên trên trang fanpage Facebook của VnReview đều cho rằng bài toán của PISA quá dễ với lứa tuổi 15. Còn ý kiến của thành viên Mark Hoang cho rằng "Việt Nam có xếp hạng hơn đi nữa, cũng chả bằng, chỉ nặng về phần lý thuyết còn ứng dụng thì thua cả 1 thế kỉ" nhận được số lượt người thích nhiều nhất. Bên cạnh đó, một câu hỏi do thành viên Nguyễn Xuân Hòa nêu ra: "Đừng tự hào vì sao mình nghèo mà học giỏi. Hãy tự hỏi tại sao mình giỏi mà sao mãi vẫn nghèo" cũng đáng để chúng ta suy nghĩ tìm câu trả lời.

Trong khi đó, truyền thông Mỹ cũng tỏ ra sốt ruột về kết quả PISA này. Tờ Christian Science Monitor chạy dòng tít, cũng là câu hỏi cho nước Mỹ rằng: "Các kết quả kiểm tra PISA cho thấy sự trì trệ: Có phải cải cách giáo dục Mỹ đang thất bại?". CNN có bài bình luận: "Tại sao các trường học châu Á có thể dạy phần còn lại của thế giới?". Báo Atlantic chỉ trích: Trường học Mỹ so với thế giới: Đắt đỏ, bất bình đẳng và dốt toán. Báo Anh Guardian, Mirror... đều chạy tít chua chát: Học sinh Anh đạt điểm PISA thấp dù được đầu tư nhiều tiền.

Tuy nhiên, cũng có không ít bài báo phương Tây đăng các phân tích, bình luận với cách nhìn nhận vào bản chất vấn đề chứ không phải vào điểm số.

Nhà hoạt động cải cách giáo dục Mỹ Diane Ravitch được trang American Conservative (người Mỹ bảo thủ) trích dẫn rằng: "Học sinh Mỹ chưa bao giờ ở vị trí cao nhất trong các bài kiểm tra quốc tế. Với PISA cũng vậy, chúng ta làm điều tương tự như đã làm hàng nửa thế kỷ nay".

Bài báo trên trang Người bảo thủ Mỹ cho rằng không nên nhìn vào điểm số mà vội chỉ trích. Điểm số giữa các quốc gia châu Á và Mỹ được nhìn nhận khác nhau. Ở châu Á, phải có điểm cao mới thi đỗ, thi đỗ mới có bằng và cuối cùng là có việc làm. Còn ở Mỹ, các ông chủ công nghiệp lúc nào cũng than thiếu nguồn nhân lực.

Giáo sư James Heckman của Đại học Chicago được báo Mỹ Atlantic dẫn lời rằng: Ở Trung Quốc, người ta càng ngày càng nhận thức được vấn đề những người lớn "điểm cao, năng lực thấp", những người không thể thành thạo chuyên môn như người trưởng thành nhưng lại làm rất tốt trong các kỳ thi ở trường học và đặc biệt là thi đại học - kỳ thi mọi người tin rằng sẽ quyết định tương lai của mỗi người.

Hãng tin AP chạy tít: Học sinh châu Á chăm chỉ thống lĩnh kết quả bài kiểm tra toàn cầu. Trong bài viết này trích dẫn ý kiến của các nhà giáo dục Trung Quốc cho rằng học tập chăm chỉ là yếu tố quan trọng trong kết quả kiểm tra PISA ấn tượng này.

‘‘Các em chăm chú lắng nghe trong lớp và làm bài tập cẩn thận", Bai Bing, vị hiệu trưởng của trường có 40 học sinh được chọn để tham gia bài thi toàn cầu PISA nói. "Các em tôn trọng giáo viên và làm đúng chính xác các bài tập mà giáo yên yêu cầu. Đó là một truyền thống mà người châu Á tập trung hơn với toán học", hãng tin AP trích dẫn.

Còn Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản, ông Hakubun Shimomura đã chỉ ra rằng kết quả của cuộc khảo thí PISA là minh chứng cho sự thành công của cải cách giáo dục nhắm vào giảm tải học đường bất chấp vẫn có những chỉ trích về sức ép thi đầu vào đại học quá nặng nề. Nhiều học sinh Nhật phải học thêm để có thêm lợi thế khi thi cử.

"Các quốc gia châu Á làm tốt hơn trường học châu Âu và Mỹ bởi vì chúng tôi là "những quốc gia mà thi cử giống như địa ngục", giáo sư danh dự Koji Kato của Đại học Sopia ở Tokyo nói. ‘‘Đang có thêm nhiều sức ép dạy để thi. Kinh nghiệm tôi đã làm việc với các giáo viên cho thấy tình hình này ngày càng tồi tệ hơn".

Đối với Việt Nam, theo OECD, không chỉ có thứ hạng cao, Việt Nam cũng nằm trong top các nước có tỉ lệ học sinh "chịu khó" (sẵn sàng vượt qua các điều kiện khó khăn để đạt thành tích cao) cao: trên 13%, cùng với các quốc gia/nền kinh tế khác tại châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore.

Tỉ lệ học sinh Việt Nam coi rằng "cần phải có cố gắng khi học tập ở trường" là 86%. Tỉ lệ học sinh Việt Nam cho biết "thích thú khi đạt điểm cao" là 84%. Tỉ lệ học sinh muốn đến trường tại đất nước hình chữ S cũng nằm trong top OECD (khoảng 85%) và vượt xa mức trung bình.

Bài liên quan:

Học sinh Việt Nam vượt Pháp, Mỹ và Đức về Toán và Khoa học

Thử sức với bài toán khó nhất trong PISA

 

Thái Châu

Chủ đề khác