VnReview
Hà Nội

Trung Quốc đòi các hãng công nghệ đưa chìa khóa bảo mật

Phản ứng với những chỉ trích của Mỹ về luật chống khủng bố của mình, Trung Quốc cho rằng họ không hề có những hành động như Mỹ, đó là lén theo dõi người dân và các đồng minh. Trung Quốc chỉ yêu cầu các công ty công nghệ cung cấp khóa mã hóa và cài đặt cửa hậu.

Một nữ cán bộ cao cấp đại diện cho chính phủ Trung Quốc cho biết dự luật chống khủng bố của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của các công ty công nghệ. Lời tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo về tác động của luật này và yêu cầu Trung Quốc phải sửa đổi.

Dự luật chống khủng bố của Trung Quốc yêu cầu các công ty công nghệ cũng cấp chìa khóa mã hóa và cài đặt cửa hậu để các nhà thực thi pháp luật có thể truy cập, phục vụ các cuộc điều tra chống khủng bố. Dự luật này đã bị Tổng thống Mỹ Obama chỉ trích. Ông Obama phát biểu với hãng Reuters rằng Trung Quốc phải thay đổi dự luật nếu "còn muốn làm ăn, kinh doanh với Mỹ".

Fu Ying, nữ phát ngôn của Trung Quốc, nói rằng nhiều chính phủ phương Tây, trong đó có Washington, cũng có những yêu cầu tương tự về chìa khóa mã hóa, trong khi các công ty Trung Quốc hoạt động tại Mỹ từ lâu vốn là đối tượng bị kiểm tra an ninh rất căng thẳng.

Đề xuất của Trung Quốc "phù hợp với các nguyên tắc luật hành chính quản trị của Trung Quốc cũng như các thông lệ quốc tế, không ảnh hưởng đến lợi ích hợp lý của các hãng", bà Fu nói.

Bà Fu đã đưa ra những ý kiến trên trong một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia Trung Quốc, một ngày trước khi diễn ra kỳ họp Quốc hội của Trung Quốc.

Các chính sách thắt chặt an ninh mạng của Trung Quốc được ban hành trước việc Edward Snowden tiết lộ nhiệu chương trình gián điệp của Mỹ, gây ra những căng thẳng, mâu thuẫn trong các mối quan hệ song phương. Ngoài ra, một vấn đề gây tranh cãi nữa là những quy định trong ngành tài chính, buộc các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc phải mua công nghệ của các công ty trong nước.

Các quan chức Mỹ và phương Tây nói rằng những quy định trên không công bằng với những tên tuổi như Cisco và Microsoft, trong khi đó lại có phần ưu tiên Huawei và ZTE, hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc từng bị tẩy chay trên thị trường Mỹ do các lo ngại về an ninh mạng.

Đại sứ Đức ở Trung Quốc, ông Michael Clauss, cũng bày tỏ lo ngại chính sách an ninh mạng của Trung Quốc "có thể khiến việc tiếp cận thị trường của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn".

Trong khi đó, phát ngôn của Trung Quốc, bà Fu nói Trung Quốc hy vọng các công ty nước ngoài sẽ tiếp tục "hỗ trợ, tham gia và thực hiện" các nỗ lực cải cách của Trung Quốc. Còn hãng tin Xinhua của Trung Quốc thì cho rằng những cảnh báo của ông Obama về chính sách của Trung Quốc là bằng chứng của sự "kiêu ngạo và thói đạo đức giả".

"Với sự minh bạch cao nhất, chiến dịch chống khủng bố của Trung Quốc sẽ khác với những gì Mỹ đã làm: đó là để các cơ quan giám sát được lộng hành và biến việc chống khủng bố thành hoạt động gián điệp, lén theo dõi các công dân và đồng minh của mình",; Xinhua viết.

Nghi ngại về các chính sách của Trung Quốc, người đứng đầu Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, Kenneth Jarrett, đã kêu gọi thảo luận thêm với chính phủ Trung Quốc.

Fu, nữ phát ngôn của chính phủ Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục sửa đổi luật chống khủng bố nhưng sẽ không thỏa hiệp về các ưu tiên bảo mật quốc gia.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến, quan điểm của các bên, vì thế chúng tôi có thể đưa ra những điều luật khắt khe, chính xác hơn", bà nói. "Mặt khác, về cơ bản mà nói, luật sẽ phản ánh những lợi ích chống khủng bố của đất nước chúng tôi".

Hoàng Lan

Theo Fortune

Chủ đề khác