VnReview
Hà Nội

Trung Quốc tấn công mạng quy mô lớn nhắm vào Mỹ

Giới chức Mỹ cho biết, hôm thứ Năm vừa qua tin tặc đã đột nhập vào các máy tính của chính phủ Mỹ, đe dọa tới dữ liệu cá nhân của khoảng 4 triệu nhân viên và cựu nhân viên liên bang. Các nhà trức trách đã điều tra và tìm ra các dấu hiệu tội phạm có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Các chuyên gia an ninh mạng đã liên kết sự việc này với các hành vi đánh cắp hồ sơ y tế trước đó từ Anthem Inc, công ty bảo hiểm lớn thứ hai nước Mỹ, và Premera Blue Cross, một dịch vụ chăm sóc y tế khác.

Trong vụ việc mới nhất của chuỗi các vụ xâm nhập vào hệ thống công nghệ cao của các cơ quan chính phủ Mỹ, Văn phòng quản lý nhân sự (OPM) của Mỹ dường như phải hứng chịu một trong những sự vi phạm trắng trợn nhất về từ trước tới nay về thông tin của các nhân viên chính phủ. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm về hồ sơ nhân viên và thông quan an ninh.

Theo Reuters, một nguồn tin từ cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ chia sẻ rằng có "một tổ chức hoặc một chính phủ nước ngoài" được cho là đứng sau các cuộc tấn công mạng này. Nguồn tin thân cận với vấn đề này còn cho biết, hiện các nhà chức trách đang tìm kiếm các mối liên hệ (có thể) đến từ Trung Quốc.

Một phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, việc tin tặc tấn công "xuyên biên giới" là điều xảy ra thường xuyên và khó mà theo dõi được.

Trong khi đó, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết họ đang điều tra nhằm tìm ra những kẻ phải chịu trách nhiệm.

Một số bang của Mỹ cũng đã điều tra một vụ tấn công mạng vào công ty bảo hiểm Anthem vào tháng Hai vừa qua. Một quan chức phụ trách vụ việc này cho biết các cơ quan điều tra đang xem xét đến một mối liên hệ khá rõ ràng với phía Trung Quốc.

John Hultquist, người lãnh đão của công ty an ninh mạng iSight Partners có trụ sở tại Dallas, chia sẻ với Reuters rằng vụ tấn công mới nhất nhắm vào OPM và các vụ tấn công trước đó tại Anthem và Premera Blue Cross cho thấy dấu hiệu của những hacker gián điệp làm việc cho một chính phủ nào đó, chứ không phải là những tội phạm mạng thông thường.

Ông cho biết, giới điều tra đã mở rộng mạng lưới của mình để thu thập thông tin cá nhân chi tiết hơn. "Đây đúng là việc mà bọn tội phạm thường thực hiện, nhưng dựa vào những hành vi của chúng, chúng tôi tin rằng chúng là điệp viên," Hultquist nhận định.

Các hoạt động gây hại

OPM còn phát hiện ra các hoạt động độc hại mới ảnh hưởng tới hệ thống thông tin của họ vào tháng Tư và Bộ an ninh nội địa Mỹ (DHS) cho biết, sự việc này mới bị phát giác vào đầu tháng Năm. Dữ liệu của OPM bị xâm phạm có thể sẽ ảnh hướng tới 4 triệu nhân viên.

Các cơ quan liên quan chưa xác định được chính xác loại thông tin nào bị đánh cắp.

Một quan chức giấu tên của DHS cho biết, các cuộc tấn công nhắm vào hệ thống IT và dữ liệu mà họ đã lưu trữ tại Bộ nội vụ Mỹ. Cơ quan này cũng không bình luận gì về việc dữ liệu của các cơ quan khác có bị ảnh hưởng hay không.

Trước đó, OPM cũng từng là nạn nhân của một cuộc tấn công mạng khác, nhắm vào hệ thống máy tính của chính phủ liên bang Mỹ tại Bộ ngoại giao, Cục bưu chính và Nhà Trắng.

New York Times trích lời của các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, nhiều hacker Trung Quốc đã bị quy kết là thủ phạm của vụ xâm nhập vào mạng máy tính của OPM vào năm ngoái. Tin tặc có vẻ đã nhắm vào dữ liệu của hàng chục nhân viên được phân loại "tối mật".;

"FBI đang hợp tác với các cơ quan liên quan để điều tra về vấn đề này", thông cáo của Cục điều tra liên bang Mỹ cho biết. "Chúng tôi đang xem xét tất cả các nguy cơ tiềm tàng đối với các hệ thống ở khu vực công lẫn tư một cách nghiêm túc, tiếp tục điều tra và chịu trách nhiệm về những kẻ gây ra các mối đe dọa trong không gian an ninh mạng".

Chính phủ Mỹ từ lâu đã quan ngại về gián điệp mạng và các hành vi đánh cắp từ Trung Quốc, họ cũng đã thúc dục chính quyền Bắc Kinh hành động nhiều hơn để hạn chế các mối quan ngại này.

Phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi, phát biểu tại một cuộc họp báo thường ngày tại Bắc Kinh rằng, Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ tin tưởng và hợp tác nhiều hơn. "Nếu không có chứng cứ nào cụ thể để điều tra mà luôn miệng nói rằng "có thể", điều này thể hiện sự vô tắc trách và thiếu khoa học", ông Hồng Lỗi chỉ trích.

Phía Nhà trắng chưa có bình luận gì về phát ngôn này của Trung Quốc.

Kể từ khi bị xâm phạm, OPM cho biết họ đã thực hiện các biện pháp phòng vệ an ninh bổ sung cho hệ thống mạng của mình. Ngoài ra, họ sẽ thông báo cho 4 triệu nhân viên và cung cấp dịch vụ theo dõi tín dụng cũng như đánh cắp nhận dạng mà những kẻ tấn công có thể sử dụng.

Các vụ tấn công ngày càng lan rộng

"Vài tháng qua đã có một loạt vụ vi phạm dữ liệu lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ". Hạ nghị sĩ Adam Schiff, thuộc Ủy ban thường trực phụ trách tình báo của Hạ viện Mỹ (House Permanent Select Committee on Intelligence), cho biết. Theo đó, hàng chục triệu hồ sơ có thể đã bị đánh cắp trong các cuộc tấn công nhắm vào Anthem và Premera Blue Cross.

Theo Hultquist, với thủ đoạn này thì những kẻ tấn công đã chỉ đích danh một nhóm nhà tài trợ chịu trách nhiệm cho cả 3 vụ việc này.

Các tổ chức lớn nhất của Mỹ cho biết, họ đang làm việc với chính quyền để chắc rằng các biện pháp an ninh đã được thực hiện nhằm đảo bảo thông tin cá nhân của các nhân viên không bị ảnh hưởng. "AFGE sẽ đề nghị phải làm rõ trách nhiệm trong vụ việc này", J. David Cox Sr, Chủ tịch của Liên đoàn Nhân viên chính phủ Mỹ (AFGE) cho biết trong một tuyên bố.

Vào tháng Tư vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đáp trả các vụ tấn công nhắm vào mạng máy tính Mỹ ngày càng tăng bằng việc đưa ra các chương trình trừng phạt mới, nhắm vào các cá nhân và tổ chức bên ngoài nước Mỹ đang tài trợ/sử dụng các cuộc tấn công mạng, đe dọa chính sách an ninh đối ngoại và ổn định kinh tế của nước này.  

Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa ra cáo buộc rằng các quan chức nước ngoài đã tham gia vào các hoạt động tình báo thương mại trái phép.

5 quan chức Trung Quốc bị FBI truy nã.

Động thái này xảy ra sau vụ việc 5 sĩ quan Trung Quốc bị buộc tội gián điệp kinh tế. Không dừng lại ở đó, các quan chức Mỹ cũng đã trực tiếp ám chỉ việc Triều Tiên đứng sau cuộc tấn công "tai tiếng" nhắm vào Sony sau khi hãng này tung ra một bộ phim miêu tả vụ ám sát (giả tưởng) lãnh đạo Triều Tiên.

Trung Quốc cũng không phải tay vừa khi thường xuyên từ chối thẳng thừng các cáo buộc của giới điều tra Mỹ về việc chính phủ Trung Quốc đứng sau các cuộc tấn công vào các công ty và cơ quan liên bang Mỹ.

Các quan chức quân sự Mỹ ngày càng quan ngại và công khai lên tiếng về các hoạt động gián điệp và các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc, Nga và một số nước khác. Một bản báo cáo của Lầu Năm Góc đưa ra vào tháng Tư cho biết, các tin tặc đã liên kết với chính phủ Trung Quốc để liên tục nhắm vào các mục tiêu mạng quân sự Mỹ vào năm ngoái nhằm tìm kiếm các thông tin về bằng sáng chế.

Hữu Thắng

Theo Reuters

Chủ đề khác