VnReview
Hà Nội

FBI khó tuyển được hacker giỏi vì họ đều... nghiện cần sa

Cần sa, lương thấp và thiếu bình đẳng giới đang là những rào cản khiến cho FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ) gặp khó khăn trong việc tuyển dụng các hacker giỏi vào bộ phận an ninh mạng.

Theo Indenpendent, trong một báo cáo gần đây về chiến lược an ninh mạng, Bộ Tư pháp Mỹ đã chỉ ra rằng 40% vị trí trong đội an ninh mạng của FBI vẫn chưa tìm được người thích hợp.

"FBI đã không thể tuyển được 52 trong tổng số 134 chuyên gia máy tính theo chỉ tiêu tuyển dụng. Ngoài ra, 5 trong tổng số 56 văn phòng của bộ phận an ninh mạng không hề có một chuyên gia máy tính nào", báo cáo cho biết.; 

Mọi chuyện còn đang tồi tệ hơn đối với FBI khi lệnh tạm hoãn tuyển dụng công chức mới do Tổng thống Donald Trump ban hành từ tháng 1 vẫn bị kéo dài. Số lượng các công việc liên quan đến an ninh mạng của FBI đang ngày càng tăng lên trong khi việc tuyển dụng lại gặp khó khăn.

Theo dự đoán, số lượng các công việc an ninh mạng sẽ vượt xa số lượng các chuyên gia có trình độ vào năm 2020. Trước tình thế này, Tổng thống Donald Trump đã phải ra văn bản hành pháp về "Vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho ngành an ninh mạng", chủ yếu nhắm vào việc thay đổi chương trình đào tạo. Dù vậy, trước mắt, FBI vẫn đang phải chật vật đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc tuyển dụng khó khăn là vì nhiều hacker giỏi bị nghiện cần sa. Vào năm 2015, một nhân viên tuyển dụng của FBI cho biết là trong số 5.000 người nộp đơn ứng tuyển vào bộ phận an ninh mạng, chỉ có 2.000 người là đạt đủ điều kiện về việc không sử dụng cần sa.

Giám đốc FBI James Comey.

Chính giám đốc James Comey của FBI cũng đã xác nhận điều này: "Tôi phải tuyển dụng cho bằng được một đội ngũ nhân viên đủ trình độ để chống lại bọn tội phạm mạng nhưng nhiều người trong số họ hút cần sa trên đường đến phỏng vấn". Ông Comey cũng khẳng định là "hoàn toàn phản đối việc sử dụng cần sa".

Tuy nhiên, chính sách "nói không với ma túy" nghiêm ngặt của FBI có thể loại bỏ những hacker có trình độ ra khỏi danh sách ứng viên vốn không gọi gì là nhiều. Đặc biệt là khi nhiều hacker giỏi có thú vui là hút cần sa khi rảnh rỗi.

Alyssa Mastromonaco, trợ lý cấp cao của cựu Tổng thống Obama, cho biết là bà đã từng trải qua bài kiểm tra an ninh của FBI. Một phần trong bài kiểm tra này có câu hỏi về việc ứng viên có sử dụng chất ma túy trong vòng 7 năm qua hay không và cụ thể đó là chất nào. Để được FBI tuyển dụng, ứng viên phải không dùng ma túy trong ít nhất là 3 năm gần đây.

Theo một khảo sát của trung tâm nghiên cứu Pew, 57% người Mỹ ủng hộ việc hợp pháp hóa cần sa. Không chỉ những người trẻ, nhiều người lớn tuổi cũng ủng hộ việc này. Trong một xã hội Mỹ ngày càng có cái nhìn thoáng hơn về cần sa, các quy định cứng nhắc sẽ trở thành rào cản cho quá trình tuyển dụng.

Một vấn đề khác cũng khiến các nhà tuyển dụng của FBI đau đầu là việc thiếu hụt các nhân viên nữ. Hiện nay, chỉ có 11% nhân viên tại bộ phận an ninh mạng của FBI là nữ và nam giới đang áp đảo nơi này. Ngoài việc thiếu các đồng nghiệp cùng giới, các nhân viên nữ cũng được trả lương trung bình thấp hơn so với nhân viên nam ở mọi vị trí công việc.

Bên cạnh đó, mức lương được FBI trả cho các nhân viên cũng thấp hơn nhiều so với khu vực tư nhân. "Việc tuyển dụng và giữ chân các ứng viên đủ tiêu chuẩn là một thách thức lớn đối với chúng tôi vì các công ty tư nhân có thể đưa ra mức lương cao hơn và yêu cầu tuyển dụng ít nghiêm ngặt hơn", FBI cho biết.

Về cơ bản, nếu bạn là phụ nữ, thích hút cần sa và muốn có nhiều tiền, bạn nên làm cho một công ty tư nhân thay vì FBI. FBI cần thay đổi chính sách tuyển dụng sao cho phù hợp hơn nếu không muốn an ninh mạng của nước Mỹ bị đe dọa vì thiếu nhân lực chất lượng cao.

Nguyễn Long

Chủ đề khác