VnReview
Hà Nội

Trí tuệ Việt Nam hơn hẳn các nước thu nhập trung bình thấp

Trong bảng xếp hạng Good Country Index công bố vào ngày 24/6, Việt Nam xếp thứ 89/125 thế giới về cống hiến khoa học công nghệ với tỷ lệ bằng sáng chế cũng như các bài báo quốc tế thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình. Thống kê cũng chỉ rõ Việt Nam là một trong những quốc gia đóng góp ít nhất cho sự phát triển toàn cầu. Bên lề cuộc thi Hackathon Vietnam 2014 ngày 1/8, phóng viên VnReview đã có dịp phỏng vấn nhanh Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân xung quanh bảng xếp hạng này.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, hiện Việt Nam đứng ở vị trí thấp của bảng xếp hạng là bởi cho đến nay số lượng bằng sáng chế, lượng bài báo về khoa học công nghệ của Việt Nam vẫn thấp hơn so với mức trung bình.

Song "Nếu nhìn vào thành tựu KH&CN thì chúng ta không hề thấp. Bởi với mức đầu tư lớn hơn chúng ta hàng chục lần nhưng rất nhiều nước cũng chỉ có thành tựu KH&CN như Việt Nam. Hơn nữa, trong số 37 nước có mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam thì có tới 30 nước còn xếp hạng sau chúng ta. Về mặt kinh tế cũng như vấn đề đầu tư cho KH&CN thì chúng ta vẫn đang ở mức thấp. Vì vậy có thể nói KH&CN của Việt Nam đang có vị thế có thứ hạng cao hơn về kinh tế, GDP rất nhiều. Nó cho thấy những người làm KH&CN ở Việt Nam đã nổ lực hơn 100% cái mà họ đang có", Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng trí tuệ Việt Nam vượt trội trong các nước thu nhập trung bình

Trên các hãng thông tấn, người đứng đầu ngành KH&CN cho biết chính phủ Việt Nam đã và đang rất nỗ lực xây dựng các chính sách đào tạo, trọng dụng và tôn vinh đội ngũ cán bộ KH&CN, tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để đội ngũ cán bộ KH&CN phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình. Các nhà khoa học trẻ tài năng là những sinh viên, nghiên cứu viên giỏi, cán bộ nghiên cứu khoa học có kết quả nghiên cứu xuất sắc luôn được ưu đãi tạo điều kiện học tập và phát triển. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với mục tiêu "đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông".

Chính phủ đặt ra lộ trình hành động để đạt được mục tiêu phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể là đến năm 2020 có 80% sinh viên công nghệ thông tin và truyền thông tốt nghiệp đại học có đủ khả năng chuyên môn, ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế. Tổng số nhân lực tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin đạt 1 triệu người, trong đó bao gồm nhân lực hoạt động trong nước và nhân lực tham gia xuất khẩu.

Mục tiêu này là hoàn toàn có cơ sở bởi "Việt Nam là quốc gia đang phát triển được xếp hạng trong tốp những quốc gia hàng đầu có số lượng kiều bào tốt nghiệp đại học ở các nước phát triển (OECD). Chúng ta cũng tự hào khi ngày càng có nhiều người Việt ở nước ngoài khởi nghiệp thành công bằng KH&CN", Bộ trưởng Bộ KH&CN nhận định. Hiện, Việt Nam cũng là điểm đến đang được ưu thích của các nhà đầu tư quốc tế về công nghệ. Bên cạnh các tập đoàn lớn như Intel, Microsoft, IBM, Samsung đã đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao, hiện có hơn 10 quỹ đầu tư mạo hiểm có tên tuổi đã và đang tìm kiếm các cơ hội tại đất nước chúng ta. Bên cạnh đó, các công ty trong nước cũng đang thành lập các quỹ tài chính của mình để săn lùng các ý tưởng, các sáng kiến công nghệ đặc biệt là từ các nhóm trẻ xuất sắc để đầu tư dài hạn. Đấy là những tín hiệu hứa hẹn cho một hệ sinh thái thân thiện với sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, việc phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao đã được xác định là "trụ cột chiến lược để hình thành nên đội ngũ doanh nghiệp mới dựa trên công nghệ, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế". Nguồn nhân lực ưu tú này tiêu biểu cho nguồn tri thức tiên tiến, tinh thần doanh nghiệp và khả năng tập hợp nhóm cũng như kết nối toàn cầu. Đó là những điều mà Bộ trưởng Bộ KH&CN thực sự nhìn thấy ở các bạn trẻ, các nhà sáng tạo đầy nhiệt huyết trong cuộc thi Hackathon 2014 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Các lập trình viên cùng nhau tranh tài tại Hackathon Vietnam 2014

Tại Hackathon Vietnam 2014 (diễn ra từ 01 - 02/08/2014), hơn 100 nhóm phát triển;sẽ chạy đua lập trình trong 23 giờ để tạo nên một sản phẩm phần mềm. Năm nay cuộc thi được tổ chức tại viện nghiên cứu cao cấp về Toán, Đại học Bách Khoa Hà Nội, và tại Viện John von Neumann, Đại học Quốc gia TPHCM. Bộ Trưởng Nguyễn Quân hy vọng cuộc thi lập trình này sẽ giúp lựa chọn, sàng lọc những nhóm nghiên cứu trẻ có ý tưởng khoa học tốt, trong tương lai sẽ hình thành nên những doanh nghiệp công nghệ thông tin, đóng góp cho sự phát triển của nền công nghệ phần mềm của Việt Nam.

GL

Chủ đề khác