VnReview
Hà Nội

Siêu bão Maysak, hạn hán kỷ lục ở California và giới hạn của thiên nhiên

Mặc dù những người dân Philippines có thể thở phào khi Maysak đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Nhưng cơn cuồng phong này đã xoá bỏ rất nhiều cột mốc trong lịch sử khí tượng.

Trong khi đó bên kia nửa vòng Trái Đất, lần đầu tiên thống đốc bang California phải ra lệnh buộc người dân tiết kiệm nước khi địa phương này đối mặt với đợt hạn tồi tệ nhất 12 thế kỷ qua.

Siêu bão Maysak và những cột mốc lịch sử

Trong tuần qua, ảnh chụp của các phi hành gia từ trạm không gian quốc tế về siêu bão Maysak đã gây chấn động trên khắp Twitter và Facebook. Tác giả những tấm ảnh, phi hành gia Terry W. Virts, mô tả trong đoạn tweet của mình về mắt của cơn bão: "Nhìn xuống mắt bão - nó là cái rộng nhất tôi từng thấy (từ không gian). Nó trông giống một chiếc lỗ đen trong các bộ phim khoa học giả tưởng".

Siêu bão Maysak, hạn hán kỷ lục ở California và sự ngạo mạn của con người

Siêu bão Maysak bao phủ một phần lớn bề mặt hành tinh. Ảnh: Terry W. Virts & Sam Cristoforetti

Maysak có kích thước gần bằng chiều dài Việt Nam. Ảnh: CIMSS

Lỗ đen chết chóc. Ảnh: Terry W. Virts

Không có gì để bàn cãi về độ đẹp của những tấm ảnh. Thế nhưng nhiều người bình luận rằng đấy là "cái đẹp của chết chóc". Nếu Maysak, với sức gió lên đến 250 km/h cách đây 1 tuần, đánh thẳng vào những thành phố lớn hoặc khu vực đông dân cư, hậu quả chắc chắc sẽ cực kỳ lớn.

May thay, nó đã "nhẹ tay" với Philippines khi suy giảm xuống chỉ còn áp thấp nhiệt đới. 25.000 con người đã có thể trở về nhà sau khi thấp thỏm lo âu về rủi ro lở đất, lũ lụt cũng như sóng thần sẽ tàn phá ngôi nhà của họ.

Dù đã suy yếu thành áp thấp nhưng Maysak vẫn gây không ít thiệt hại cho Philippines. Ảnh: Isolution Micronesia

Song Maysak chỉ mới là lời cảnh báo đầu tiên trong năm nay dành cho con người...

Dưới đây là những "kỷ lục" mới đã được Maysak thiết lập kể từ 1945:

Là cơn siêu bão (super typhoon) thứ 3 với sức gió lên tới cấp 5 (thang đo Mỹ) từng được ghi nhận trong vòng 3 tháng đầu của năm

• Lần đầu tiên có 2 cơn bão lớn (cấp 3 trở lên theo thang đo Mỹ) xảy ra chỉ trong vòng 3 tháng đầu của năm

• ;Là cơn bão (typhoon) thứ 3 của 2015, khi năm này chỉ mới đi được 1/4 quãng đường. Ngoài ra đây không phải là mùa bão

• Là cơn bão (storm, yếu hơn typhoon) thứ 4 ở tây Thái Bình Dương được đặt tên trong 2015. Chỉ có một năm duy nhất có số cơn bão được đặt tên nhiều hơn ở khu vực này là năm 1965, với 5 cơn bão

Về mặt tên gọi và thuật ngữ, trong bài viết này chúng tôi sử dụng biểu mẫu của JTWC dành cho tây bắc Thái Bình Dương bao gồm áp thấp nhiệt đới (tropical depression), bão nhỏ (storm), bão (typhoon) và siêu bão (super typhoon). Trong đó thuật ngữ typhoon (dùng bởi JTWC) và hurricane (dùng bởi CPHC) gần như tương đương nhau, chỉ khác ở cấp siêu bão của JTWC bắt đầu với tốc độ gió duy trì liên tục trong 1 phút phải từ 240 km/h, còn của CPHC phải từ 254 km/h trở lên.

Tại Việt Nam do không thường xuyên có bão lớn nên chúng ta thường dùng thang đo Beaufort với mức 7 (60 km/h) trở xuống gọi là áp thấp, từ 8 - 11 gọi là bão (tương đương với bão nhỏ hay storm), mức 12 trở lên (trên 120 km/h) ở thang đo của JTWC gọi là typhoon. Song thang đo Beaufort khi trên mức 12 không thể hiện được chi tiết thế nào là bão cấp 1 (hurricane cat. 1), 2, 3, 4 và 5 nên không phù hợp để nói về các siêu bão như Haiyan, Sandy hay Maysak.

 

 

Đường đi của Maysak. Ảnh: Weather

Một chi tiết rất đáng chú ý về Maysak là nó xảy ra trong tháng 3. Trong khi theo ghi nhận tần suất bão (mức storm trở lên) tại tây bắc Thái Bình Dương từ 1959 - 2011, thì trong 4 tháng đầu năm, trung bình chỉ có từ 0,2 - 0,6 cơn bão / tháng. Trong khi đó "mùa bão" thường bắt đầu từ tháng 8 - 11, trung bình từ 2,5 - 5,6 cơn bão / tháng.

Vậy mà chỉ mới 3 tháng đầu 2015, khu vực này đã có đến 4 cơn bão được đặt tên, trong đó có một cơn đạt cấp siêu bão. Mà đây lại là "mùa ít bão" tính theo số liệu các năm trước. Như vậy sẽ ra sao nếu Trái Đất chính thức bước vào "mùa bão" 2015 trong vài tháng tới?

Thật khó mà trả lời...

Đại hạn vùng Cali

Nếu như ở phía tây Thái Bình Dương, người Philippines đang lo tát nước thì ngược lại, tại bờ đông của đại dương này, dân ở đây đang phải chắt chiu từng thùng nước. Trong vòng 4 năm qua, 40 triệu con người tại bang California (Mỹ) đang phải đối mặt với đợt hạn nặng nhất mà các nhà khoa học cho rằng đấy là đợt hạn kỷ lục trong vòng 1.200 năm trở lại đây. Nhưng điều khôi hài là quốc gia này chỉ mới thành lập được gần 240 năm.

Một phao tín hiệu nằm trên nền đất khô nẻ, nơi từng là đáy hồ Shata. Ảnh: Getty Images

Đây được xem là đợt hạn hán tồi tệ nhất 12 thế kỷ qua của vùng này

 

Nhiều nông trại ở California bị hoang hoá khi điền chủ cho nhân viên nghỉ việc Thậm chí, đợt hạn liên tục nhiều năm này đã khiến thống đốc bang California, Jerry Brown, từng đề nghị người dân ở đây tự nguyện giảm 20 % mức nước dùng, vào tháng 1 năm ngoái. Tuy nhiên các cư dân đã bác bỏ ý kiến này.

Song hồi đầu tháng 4 này, ông đã chính thức ban bố lệnh hạn chế sử dụng nước trên toàn bang, với mức cắt giảm trung bình tới 25 %. Thậm chí các nhà làm luật của bang không ngần ngại đề ra mức phạt tới 10.000 USD / ngày cho hạt nào "không đạt được chỉ tiêu" cắt giảm.

Để nhấn mạnh sự cần thiết của lệnh hạn chế này, Brown phát biểu trước cộng đồng Sierra Nevada ở gần hồ Tahoe của bang về tình trạng hạn hán: "Chúng ta đang đứng trên một nền đất khô mà đáng lẽ (nhiều năm về trước), chúng ta đang đứng ở trên 1,5 mét tuyết".

Snowpack, nguồn nước của 1/3 bang California, nay không còn nữa. Ảnh: Getty Images

Con số 25 % này không cố định mà biến động tuỳ thuộc ngành nghề của từng người. Các nông dân với nhu cầu tưới tiêu cao sẽ được "dễ thở" hơn những người dân khác. Trên thực tế, các nông dân cũng đã chủ động tiết kiệm nước từ trước đấy nên "ngoại lệ" này có thể chấp nhận được.

Cư dân trong vịnh San Francisco được cho là tiết kiệm nhất. Trong khi những cộng đồng ở nam California lại khá hoang phí. Ảnh: AP

Nhưng nhiều người cho rằng các nông dân mới là người lãng phí nhất

Thống đốc bang hy vọng với động thái cắt giảm này, nó sẽ giúp phục hồi lại 1,5 triệu mẫu vuông đất vốn từng là các "hồ" tuyết (snowpack) trong khu vực bang. 1/3 lượng nước dùng của California đến từ các "hồ" tuyết trên. Nhưng với 4 năm hạn hán liên tục, diện tích các "hồ" tuyết trên đã suy giảm xuống mức kỷ lục.

Và sự xuẩn ngốc của con người....

Với các hình thái khí hậu biến đổi cùng cực như thế, song vẫn có những nơi mà chính quyền cố ý làm ngơ hoặc "không nghe không biết không thấy", thậm chí là... cấm cả người khác "thấy".

Đó là câu chuyện tại một số bang của nước Mỹ, gồm Florida, North Carolina, Louisiana và Tennessee. Tại đây, các nhà làm luật đã phê duyệt các điều luật nhằm cấm người dân nói chung và các nhà môi trường nói riêng sử dụng các thuật ngữ như biến đổi khí hậu (climate change), ấm lên toàn cầu (global warming) và ngay cả nước biển dâng (sea level rise) trong phòng họp, giảng đường, truyền thông đại chúng...

Biến đổi khí hậu không có thật, chỉ có siêu bão thôi!

Kristina Trotta, cựu nhân viên Cục Bảo vệ Môi trường tại Miami, nói với Trung tâm Điều tra Báo cáo Florida: "Chúng tôi được chỉ thị từ các nhân viên hành chính địa phương rằng chúng tôi không được phép dùng các thuật ngữ 'biến đổi khí hậu' hay 'ấm lên toàn cầu' hay ngay cả 'nước biển dâng'. Từ 'nước biển dâng' sẽ được thay thế bằng 'ngập lục phiền toái' (nuisance flooding)".

Việc cấm đoán sử dụng bắt nguồn từ một số nhà làm luật hay thống đốc không tin vào sự biến đổi khí hậu bị gây ra bởi con người. Theo họ, các dữ liệu của các nhà môi trường không đúng đắn và chưa đầy đủ. Song dường như đó không phải nguyên nhân chính.

Hồi 2012, bang North Carolina đã cấm các nhà nghiên cứu xây dựng các báo cáo dự đoán về nước biển dâng. Theo đó, một dự đoán trước đây cho biết đến cuối thế kỷ này, mực nước biển tại North Carolina và Massachusetts sẽ dâng tới 1 mét, nhanh hơn 3 - 4 lần so với trung bình toàn cầu. Theo các nhà làm luật, nếu người dân "biết" chuyện này, họ có thể sẽ hạn chế việc mua dọc bờ biển hoặc chi phí bảo hiểm những căn hộ đó sẽ tăng lên, khiến cho sự phát triển kinh tế vùng biển bị chậm lại.

Còn những bang như Louisiana và Tennessee, yêu cầu giáo viên tránh dùng thuật ngữ biến đổi khí hậu hoặc học thuyết tiến hoá để giảng dạy mà phải sử dụng những lý thuyết khác để giải thích mọi thứ cho các học sinh, ví như thuyết sáng tạo. Như thế, các học sinh sẽ thôi thắc mắc tại sao thời tiết lại bất thường hoặc tại sao cháy rừng hay hạn hán lại diễn ra liên tục. Và như vậy, có lẽ chính quyền bang sẽ bớt đau đầu trước cuộc tuần hành hay biểu tình yêu cầu cắt giảm CO2 hoặc hành động vì môi trường của người dân.

Một số điền chủ ở California cảnh báo nếu tình trạng hạn hán cứ tiếp tục và vụ mùa không đủ thu, họ có thể buộc phải tăng giá lương thực

Thế nhưng đấy có phải là tự do ngôn luận và có phải là vì lợi nhuận mà bất chấp? Chúng tôi dành câu trả lời cho bạn đọc song một thực tế hiển nhiên rằng siêu bão đã đang và sẽ tiếp tục tàn phá Philippines, còn giá lương thực tại California sẽ tăng nếu hạn hán tiếp tục kéo dài khiến cho năng suất cây trồng bị sụt giảm.

Bài liên quan:

Nước mắt Philippines và bài phát biểu làm thế giới bàng hoàng

Biến đổi khí hậu: Tất cả chúng ta đều có tội!

25 sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử Trái đất

Huyền Thế

Tổng hợp từ ABC, BBC, LiveScience, Reuters, Washington Post và Wikipedia

Chủ đề khác