VnReview
Hà Nội

Nồng độ CO2 trongkhí quyển đạt mức kỷ lục trong 2 triệu năm qua

Biến đổi khí hậu đang trở nên lo ngại hơn bao giờ hết khi các nhà khoa học thuộc Cơ quan Đại Dương và Khí Quyển quốc gia Mỹ (NOAA) mới đây công bố mức CO2 (carbon dioxide) trung bình hàng tháng đã đạt con số kỷ lục mới lên tới 400 phần triệu (ppm).

Các nhà khoa học tại NOAA hôm thứ Tư (6/5)cho biết đây là nồng độ CO2 kỷ lục chưa từng thấy trong suốt 2 triệu năm qua.

"Lần đâu tiên kể từ khi chúng tôi bắt đầu theo dõi lượng CO2 trong khí quyển toàn cầu, nồng độ trung bình toàn cầu hàng tháng của loại khí nhà kính này đã vượt qua 400 phần triệu vào tháng 3/2015", NOAA công bố.

Pieter Tan, trưởng Mạng lưới nghiên cứu về khí nhà kính toàn cầu của NOAA cho biết;lượng CO2 đã gia tăng hơn 120 ppm từ thời tiền công nghiệp và một nửa trong số đó đã bắt đầu gia tăng kể từ năm 1980.

Các nhà khoa học lần đầu tiên báo cáo về lượng CO2 vượt mức 400 ppm lần đầu tiên ở Bắc Cực vào năm 2012 và tại trạm Mauna Loa ở Hawaii vào năm 2013.

Khí CO2 là một thành phần khí tự nhiên của bầu khí quyển Trái Đất nhưng việc đốt cháy quá nhiều nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá cũng như do một số hiện tượng như cháy rừng, núi lửa mà lượng CO2 trên toàn thế giới lại đang khiến loại khí này trở thành nguyên nhân hàng đầu dẫn tới việc Trái Đất nóng lên và biến đổi khí hậu.

Khi khí CO2 cán mốc 400 ppm lần đầu tiên vào năm 2012 ở Bắc Cực, nhiều nhà khoa học đã đưa ra những lời cảnh báo hết sức mạnh mẽ tới các nhà lãnh đạo thế giới về việc cần sử dụng năng lượng tái tạo nhiều hơn và cắt giảm việc tiêu thụ các nguồn năng lượng hóa thạch.

Mặc dù đã có khá nhiều các hội nghị thượng đỉnh thế giới về biến đổi khí hậu đã được tổ chức suốt những năm vừa qua, cùng với đó là không ít những cam kết đã được thực hiện về việc cắt giảm khí thải nhà kính giữa các cường quốc xả thải khí nhà kính như Mỹ và Trung Quốc. Nhưng thực tế đã chứng minh, quá trình này thực sự diễn ra rất chậm trong khi "mẹ Trái Đất" lại đang cầu cứu con người hàng ngày.

"Việc cắt giảm đi 80% lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch sẽ cơ bản ngăn chặn được sự gia tăng CO2 trong khí quyển nhưng nồng độ CO2 sẽ không thể bắt đầu giảm đi cho tới khi những cam kết cắt giảm được thực hiện và quá trình này chỉ có thể diễn ra một cách từ từ", Butler, giám đốc bộ phận giám sát toàn cầu của NOAA cho biết.

Được biết, NOAA đã thu thập dữ liệu về nồng độ CO2 trên toàn cầu với các mẫu không khí được lấy từ 40 địa điểm khác nhau trên toàn thế giới, bao gồm một số hòn đảo xa xôi ngoài đại dương.

Tiến Thanh

Theo BusinessInsider

Chủ đề khác