VnReview
Hà Nội

Siêu tăng T-14 Armata của Nga và giấc ngủ dài của người Mỹ

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong lễ duyệt binh mừng chiến thắng phát xít hôm 9/5 vừa qua của nước Nga chính là việc ra mắt thế hệ xe tăng chiến đấu mới, T-14 Armata. Trong con mắt của phương Tây, Armata là một cú "shock" khi thể hiện sự vượt trội gần như toàn bộ trước các đối thủ.

T-14 Armata tanks on Victory Day Parade

Sau khi Chiến tranh Lạnh (Cold War) kết thúc vào những năm 90 của thế kỷ trước, liên bang Soviet sụp đổ trong sự ăn mừng của phương Tây. Kể từ đó cho đến nay, Nga - phần hồn của Soviet - vẫn luôn bị xem là yếu kém hơn trước Mỹ - đại diện của thế giới tư bản. Sức mạnh quân sự của Nga thường bị xếp thứ hai do nền kinh tế suy yếu không đáp ứng đủ cho cuộc chạy đua vũ trang.

Nhưng dưới sự lãnh đạo của tổng thống Vladimir Putin, dường như chú gấu phương bắc đang dần lấy lại sức mạnh sau kỳ ngủ đông dài suốt hai thập kỷ. Và T-14 là một trong những minh chứng đó. Các đặc tính của thế hệ tăng chiến đấu chủ lực thế hệ 5 khiến cho các quốc gia phương Tây "giật mình". Mới đây, Bộ Quốc phòng Đức vừa lên kế hoạch hợp tác với Pháp phát triển ra mẫu tăng chiến đấu mới, nhằm thay thế cho Leopard 2 vốn đã trở nên cũ kỹ kể từ khi được đưa vào phục vụ từ 1979.

Nhưng để hiểu tại sao T-14 lại có ảnh hưởng đến vậy, chúng ta cần nhìn lại lịch sử xe tăng trong nhiều năm qua.

T-14 khi "biến hình"

Chiến tranh lạnh - Cuộc chiến của những cái đầu

Bỏ qua giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ hai, trong những cuộc xung đột vũ trang lớn gần đây, cuộc đối đầu giữa xe tăng và vũ khí chống tăng luôn ở thế giằng co. Chúng đã để lại nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế xe tăng cũng như vũ khí chống tăng cho các chuyên gia quân sự thế giới. GS. Richard Ogorkiewicz, một chuyên gia về thiết giáp với quyển "Xe tăng - 100 năm tiến hoá" đã ghi nhận những thay đổi trong học thuyết sử dụng tăng của Nga và phương Tây.

Nổi bật như cuộc chiến Ramadan (hay Yom Kippur) diễn ra năm 1973. Khi đó lực lượng vũ trang của Ai Cập đã tổ chức một cuộc tấn công lớn nhằm giành lại kênh đào Suez nối liền Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương vốn đang bị quân đội Israel chiếm giữ. Phía Israel nhanh chóng phản kích bằng sư đoàn 252. Tuy vậy, đội quân thiết giáp Do Thái đã đánh giá nhầm đối thủ và họ nằm trong tầm ngắm của tên lửa chống tăng AT-3 "Sagger" được sử dụng bởi bộ binh Ai Cập. Kết quả 165 trong tổng số 268 chiếc xe tăng Do Thái bị tiêu diệt trong cuộc chiến.

AT-3 Sagger

AT-3 Sagger rất dễ vận chuyển, có thể gắn trên cả xe hơi và IFV

Sự kiện này khiến cho nhiều quốc gia bất ngờ và họ phải xem xét lại vai trò của xe tăng trong lực lượng mặt đất. Một số người cho rằng xe tăng không còn đáng sợ nữa. May thay, điều này sau cùng cũng bị bác bỏ khi có nhiều tăng bị tiêu diệt bởi... tăng đối phương hơn là tên lửa chống tăng khi cuộc chiến kết thúc. Nhưng nó vẫn đặt ra nhiều câu hỏi về việc làm sao bảo vệ được tổ lái nói riêng và cỗ xe bọc thép nói chung trước các mối đe doạ không đến trực tiếp từ xe tăng.

Cũng từ đây, một số thiết kế tăng mới như Merkava của Israel đặt nặng vai trò bảo vệ tổ lái khi xe trúng đạn. Một phần vì quốc gia này có diện tích nhỏ và dân số không lớn, nhưng lại thường xuyên trong tình trạng căng thẳng với các quốc gia láng giềng. Động cơ của Merkava được đưa ra phía trước thân xe nhằm che chắn nhiều hơn cho tổ lái. Cửa ra vào nằm ở phía đuôi xe để giúp tổ lái nhanh chóng thoát ra ngoài. Song các phiến quân Hezbollah cũng nhạy bén không kém và thay vì bắn trực tiếp từ phía trước cỗ xe, họ nhắm vào "cửa hậu" của Merkava khi nó chạy qua hoặc quay đầu lại...

Merkava IV tank

Phía trước tăng Merkava IV rất cứng nhưng đằng sau lại dễ bị "thông"

Một ví dụ khác về cuộc đối đầu của xe tăng là cuộc chiến Vùng Vịnh (Gulf War) diễn ra hồi 1990. Lúc đó xe tăng chủ lực của quân đội Mỹ, M1A2 Abrams, là phiên bản nâng cấp từ M1A1 được thiết kế hồi 1979, cho thấy khả năng chiến đấu vượt trội so với tăng T-72 của quân đội Iraq do Nga sản xuất. Đặc biệt trong trận 73 Easting, một nhóm 12 chiếc Abrams đã tiêu diệt 28 tăng, 16 APC và 30 xe tải của quân Iraq trong chưa tới nửa giờ.

Tuy vậy, theo Victor Suvorov, một thành viên cục quân báo Soviet mà về sau đào ngũ sang phương Tây, cho biết năng lực chiến đấu của M1 đã bị thổi phồng quá mức. Một phần vì quân đội Mỹ có ưu thế về không quân đã giúp lực lượng mặt đất của họ tiêu diệt hiệu quả các vị trí của đối phương. Trên thực tế máy bay cường kích vẫn là "nỗi ám ảnh" của xe tăng từ Thế chiến thứ hai khi cách tốt nhất để tiêu diệt một chiếc Tiger là dùng... bom! Một phần khác, theo Suvorov, vì những vũ khí mà Soviet xuất khẩu cho nước ngoài là những phiên bản "thấp kém" (monkey model), có chất lượng không bằng hàng nội địa. Như những chiếc T-72 mà quân đội Iraq dùng chỉ có khả năng chống đạn xuyên giáp ở mức 2 mét, tức chỉ bằng 1/2 phiên bản gốc. Suvorov viết:

"Hướng thiết kế 'monkey' không chỉ áp dụng cho việc sản xuất xe tăng mà còn cho mọi loại thiết bị quân sự khác như súng, rocket, máy bay, máy radio... Trong thời bình, những phiên bản này được sản xuất theo số lượng lớn và chúng chỉ được gửi đến các nước đồng minh với Liên bang Soviet. Tôi từng thấy 2 phiên bản khác nhau của xe chiến đấu bộ binh BMP-1 với 1 được đưa cho quân đội Soviet và 1 được gửi cho những người bạn Arab".

Iraqi T-72 tanks

Theo Suvorov, tăng T-72 của Iraq chỉ là bản "chất lượng thấp"

Mục đích của việc trên cũng không quá khó hiểu. Những thiết kế đơn giản hơn sẽ tốn ít chi phí và thời gian sản xuất hơn, cho phép sản xuất ở số lượng lớn nhanh hơn, đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu. Ngoài ra, những thiết bị này hoàn toàn có thể bị lực lượng tình báo của phương Tây tìm cách sở hữu và vì vậy, có thể phát hiện ra những bí mật thiết kế của Soviet và tìm cách khắc chế.;Nếu phương Tây chỉ có trong tay những sản phẩm "chất lượng kém", vũ khí đối phó của họ cũng sẽ không đánh giá đúng thực lực và quân đội Soviet có. Thêm vào đó, trong trường hợp xảy ra chiến tranh với các nước láng giềng (ví dụ Trung Quốc), Soviet sẽ có ưu thế hơn khi đối phương sử dụng vũ khí kém hơn.

Lẽ tất nhiên, phương Tây mà đặc biệt Mỹ, cũng có thể áp dụng cách tương tự với đồng minh của mình. Rất khó để nói những chiếc F-16 mà nước này bán cho Đài Loan liệu có chất lượng bằng phiên bản nội địa hay không. Dù sao, Mỹ cũng không muốn để bí mật của mình rơi vào tay Nga hay Trung Quốc. Ít nhất là càng lâu bị lộ càng tốt.

Song, với việc M1 có thể diệt T-72 của Iraq dễ dàng cách đây hơn 20 năm, Mỹ và phương Tây dường như đã "ngủ quên" trên chiến thắng và không còn chú trọng vào việc phát triển xe tăng nữa. Kế hoạch nâng cấp M1A2 lên A3 sẽ không diễn ra trước 2020, và trước mắt Mỹ sẽ còn tiếp tục dùng M1A2 cho đến 2050.

Và T-14 Armata xả khói trên Quảng Trường Đỏ là một bất ngờ "gây shock" với người Mỹ và cả phương Tây...

T-14 Armata ưu việt ở điểm nào?

T-14 không chỉ đơn giản chỉ là một chiếc tăng. Nó là một phần trong Nền tảng Chiến đấu Đa dụng Armata là nước Nga dưới thời Putin đang xây dựng nhằm kết nối mọi phương tiện chiến đấu mặt đất, từ xe tăng cho đến xe chiến đấu bộ binh (IFV), xe chở lính bọc thép (APC), pháo tự hành và các hình thức vận chuyển khác. Càng nhiều thành phần được chia sẻ giữa các loại phương tiện trên thì chi phí sản xuất sẽ giảm xuống và việc thay thế, sửa chữa cũng dễ dàng hơn. Dĩ nhiên, T-14 là điểm nhấn chính của nền tảng này.

Nhưng nét nổi bật của T-14 không dễ nhận ra nếu chỉ nhìn bằng mắt thường.

T-14 tank

T-14 được bọc ERA toàn bộ

Tháp pháo T-14 hoàn toàn tự động, không cần pháo thủ như một số tăng chiến đấu hiện nay (M1 Abrams vẫn cần pháo thủ). Trong khi đó, toàn bộ tổ lái 3 người hoạt động trong một khoang chiến đấu bọc thép nằm phía trước thân xe. Và với việc không cần pháo thủ, T-14 có thêm nhiều không gian để chứa các khí tài khác hơn cũng như nhiều đạn dược hơn.

Pháo chính của T-14 là model mới nhất của Nga, 2A82 cỡ 125 mm nòng trơn, có thể bắn hiệu quả tới 8 km, phù hợp với nhiều loại đạn xuyên giáp (AP), đạn công phá cao (HE) cũng như phóng được cả tên lửa chống tăng (AT). Trong tương lai, T-14 có thể sẽ được nâng cấp lên pháo 2A83 cỡ 155 mm. Đây là mẫu pháo được dự định thiết kế cho T-95 (một dự án đã bị huỷ bỏ) với số lượng sản xuất ra khoảng 2.000 chiếc. Loạn đạn xuyên giáp cao tốc của 2A83 có thể đạt tốc độ tới 1.900 km/s sau khi đã rời nòng được 2 km.

Vũ khí phụ của T-14 là một súng máy 6P7К dùng đạn 7,62 mm với cơ số đạn 1.000 viên. Hoặc nó có thể thay bằng một đại liên 6P49 dùng đạn 12,7 mm với cơ số đạn 300 viên. Trong trường hợp "cần thiết", T-14 có thể dùng cả pháo phòng không đồng trục cỡ đạn 30 mm thay 2 loại súng máy trên. Có nghĩa T-14 có thể chiến đấu được với rất nhiều loại mục tiêu - bộ binh, xe bọc thép, máy bay (tầm thấp), xe tăng... tuỳ theo trang bị có sẵn.

Marder IFV

IFV Marder của Đức đang bắn đạn chống tăng MILAN

Và như đã nêu, những cuộc chiến tại Trung Đông cho thấy sự "mong manh" của xe tăng với các loại vũ khí chống tăng vác vai. Do vậy, chiếc tăng chiến đấu thế hệ 5 này không thể không được trang bị các hệ thống phòng bị nhằm ngăn ngừa mối đe doạ từ các vũ khí trên. Đây cũng là điểm khiến T-14 trở nên hoàn toàn khác những chiếc tăng trước đấy của Nga - nó chú trọng tính năng bảo vệ hơn là khả năng di động.

Về phòng ngự bị động, ngay trong "tiềm thức" thiết kế, T-14 được hoàn toàn bọc kín bởi lớp giáp phản ứng nổ (ERA) ở phía trước, bên hông và mặt trên của cỗ xe. Cấu tạo vật lý và hoá học của loại giáp ERA này chưa được rõ, song về năng lực nó có vẻ giống với loại giáp Chobham và Dorchester được phát triển bởi Bộ Quốc phòng Anh, giúp đưa chiếc tăng lên "cứng" ngang hàng với các đại diện NATO.

Nhưng chỉ bị động thôi chưa đủ. Với sự phát triển của các vũ khí AT thế hệ mới, T-14 còn được trang bị thêm hệ thống phòng ngự chủ động Afghanit. Hệ thống này sử dụng bộ radar quét mảng ở bước sóng milimet có trên những chiếc phản lực chiến đấu, có khả năng quét và phát hiện từ xa những đầu đạn AT đang tiến lại gần, kể cả loại đầu đạn siêu thanh lẫn đạn nổ 2 tầng (tandem). Theo thông tin sơ bộ, hệ thống Afghanit có khả năng quét tới 360°, tức kể cả đối phương tấn công từ phía sau thì T-14 vẫn an toàn. Và nó loại bỏ đầu đạn AT theo 2 cơ chế: "mềm" cho các đầu đạn truyền thống kiểu "bắn-rồi-quên" như RGP và "cứng" bằng cách gây nhiễu hệ thống dẫn đường của ATGM, khiến chúng không "khoá" được mục tiêu.

T-14 Turret

Hệ thống radar mảng và phòng ngự chủ động trên T-14

Bên cạnh đó, tháp pháo T-14 được thừa hưởng thiết kế "tàng hình" vốn đang được áp dụng cho máy bay và tàu chiến. Điều này sẽ giúp nó khó bị phát hiện hơn trước radar của đối phương, tăng khả năng chiến đấu và xâm nhập vào đất địch.

Ngoài mục đích phòng vệ, hệ thống radar của Afghanit còn có thể được dùng cho việc tấn công bằng cách quét và đưa ra các "thực đơn" đạn đạo cho chỉ huy tổ lái. Nhờ vậy, tháp pháo của T-14 không cần thiết có pháo thủ nữa mà chỉ huy có thể chọn cách tiêu diệt mục tiêu thông qua hệ thống quan sát ban đêm, ban ngày cũng như tầm nhiệt. Dĩ nhiên, súng máy trên T-14 cũng có thể được sử dụng tương tự như pháo chính.

Mối lo ngại cho phương Tây

Với tất cả các đặc điểm trên, dự án Armata của Nga cho cả thế giới thấy nước này không còn áp dụng học thuyết "số lượng bù chất" nữa. Khi tính mạng của tổ lái được bảo toàn hơn đồng nghĩa với việc họ có thể chiến đấu hiệu quả hơn và có thể tái vũ trang nhanh chóng nếu chiếc tăng cũ bị loại khỏi vòng chiến. Những người lính có nhiều kinh nghiệm chiến đấu đôi khi giá trị bằng hàng chục "lính mới" vốn dễ trở thành "bia tập bắn" cho đối phương. Thực tế tại Thế chiến thứ hai, năng lực chiến đấu của lính Đức giảm đáng kể về phía cuối cuộc chiến, khi rất nhiều cựu binh (kỳ cựu) bỏ mạng ở xứ người.

Ngoài ra, T-14 sẽ là tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Nga, có nghĩa nó sẽ được sản xuất với số lượng lớn. Một số phân tích ban đầu cho thấy chi phí sản xuất T-14 vào khoảng 200 - 400 triệu Ruble (khoảng 4 - 7,5 triệu USD). Dù chi phí hiện tại chưa được Nga công bố, nhưng số lượng lớn đồng nghĩa với việc giảm giá thành và nhiều khả năng chỉ đắt hơn chiếc T-90 hiện có một chút. Trong khi đó nhiều nước phương Tây như Anh, Pháp, Đức vì "nhu cầu" chiến tranh không cao, họ chỉ duy trì một số lượng vài trăm chiếc để phòng vệ. Điều đó dẫn tới chi phí sản xuất tăng phương Tây thường cao hơn.

Leopard 2 tank

Một chiếc Leopard 2 của Đức

Nhưng cuộc xung đột tại Ukraine mới đây cũng như sự xuất hiện của T-14 đã "hâm nóng" tình hình. Tháng trước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen vừa lên kế hoạch đưa vào sử dụng lại 100 chiếc Leopard 2. Và mới đây, Bộ Quốc phòng nước này cho biết sẽ hợp tác với Pháp để xây dựng thế hệ tăng chiến đấu mới. Dự kiến "Leo 3" (tên tạm gọi của chiếc tăng này) sẽ được hoàn chỉnh công nghệ và thiết kế vào 2018. Hãng sản xuất Leopard 2, Krauss-Maffei Wegmann, có thể sát nhập với công ty Pháp Nexter Systems trong năm nay để tạo thành một liên doanh Pháp-Đức. Họ sẽ là ứng cử viên nặng ký nhất cho việc thiết kế và sản xuất Leo 3.

Đó là châu Âu. Còn về phía Mỹ, hiện tại nước này dường như chưa có kế hoạch thiết kế mới chiếc tăng nào. Chỉ duy nhất kế hoạch nâng cấp M1A2 lên A3 và chi tiết kế hoạch này cũng đã được rõ. Kể cả với việc nâng cấp các hệ thống điện tử cũng như một nòng pháo 120 mm, Abrams vẫn không "cùng hạng cân" với chiếc T-14 hiện có, chưa tính tới bản nâng cấp lên pháo 155 mm sau này. Thậm chí ngay cả Hàn Quốc lẫn Trung Quốc, tăng của các nước trên cũng đã vượt qua Abrams của Mỹ về khả năng nạp đạn tự động. Tổ lái Abrams vẫn cần có một người chuyên để... nạp đạn. Nếu nâng cấp lên pháo cỡ nòng 150 mm hoặc hơn, nạp bằng máy gần như là bắt buộc vì khối lượng của quả đạn.

M1A2 Abrams

Tăng M1A2 của Mỹ

Nhưng Mỹ sẽ tiếp tục dùng Abrams cho đến 2050. Và nâng cấp hệ thống nạp tự động bằng máy sẽ yêu cầu thiết kế lại gần như hoàn toàn cỗ xe, không khác gì việc sản xuất một thế hệ mới. Thêm vào đó, lớp giáp của Abrams cũng rất "mong manh" trước các loại thuốc nổ IED và đạn AT thế hệ mới, kể cả khi nó đã được "bọc" ERA (do Mỹ sản xuất). Có nghĩa Abrams vẫn "doạ" được những lực lượng vũ trang hoặc các quốc gia có quân đội yếu kém, nhưng nếu đối đầu với các nước mạnh về quân sự, Abrams không phải là bài toán quá khó.

Hình ảnh diễu hành của những chiếc T-14 Armata của Nga  

Và mặc dù học thuyết quân sự của Mỹ nặng về không quân và hải quân hơn, do đặc thù địa lý giáp 2 đại dương. Song điều này chỉ hiệu quả khi khu vực chiến sự tiếp giáp biển và đối phương không có hệ thống phòng không mạnh. Trong trường hợp nếu máy bay không thể cất cánh nếu đối phương bủa vây SAM khắp nơi, thì bản thân năng lực của bộ binh sẽ đóng vai trò quyết định trong cuộc giao tranh. Và thiết giáp của ai mạnh hơn, người đó sẽ làm chủ cuộc chơi.

Trong khi người Đức đã "hiểu ra" vấn đề, có lẽ người Mỹ nên "tỉnh mộng"?

Huyền Thế

Tổng hợp từ Business Insider, Deutsche Welle và Wikipedia

Chủ đề khác