VnReview
Hà Nội

Trung Quốc lắp kính viễn vọng khổng lồ để tìm... người ngoài hành tinh

Khi NASA đã có một bước tiến quan trọng trong việc tìm ra một hành tinh có thể được coi như là "bản sao" của Trái Đất ở khoảng cách hơn 1.400 năm ánh sáng thì tại Trung Quốc, công trình kính viễn vọng khổng lồ để dò thám sự sống ngoài Trái Đất đang trong những công đoạn lắp đặt cuối cùng.

Kính viễn vọng vô tuyến FAST khi nhìn từ trên cao.

Hôm thứ Năm (23/7) và cách chỉ 1 giờ trước khi NASA công bố cột mốc quan trọng khi tìm ra được Trái Đất phiên bản 2.0, các kỹ sư của dự án xây dựng kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới tại Trung Quốc đã bắt đầu lắp ráp các gương trên công trình.

Được khởi công xây dựng từ tháng 6/2011, công trình kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất trong lịch sử có tên FAST đặt tại một hố tự nhiên quanh địa hình Karst ở tỉnh Quý Châu (Trung Quốc). FAST sử dụng gần 460.000 tấm gương phản chiếu với diện tích bề mặt lên tới 250.000 m2. Diện tích này được ước lượng tương đương với khoảng 30 sân bóng đá có kích thước tiêu chuẩn.

Theo quy trình thiết kế, các gương này cần phải được đặt một cách chính xác với độ sai lệch nhỏ hơn độ dày của một sợi tóc. Bởi chỉ cần làm sai lệch khoảng cách trong thời gian 1 phút giữa các gương cũng có thể làm gián đoạn tín hiệu và khiến toàn bộ công trình gần như vô dụng.

Tất cả tín hiệu sau khi thu thập được từ ngoài vũ trụ sẽ được gương phản chiếu tới một cảm biến có kích thước chỉ nhỏ khoảng một viên thuốc ngủ ở xung quanh FAST.

FAST hứa hẹn sẽ giúp Trung Quốc tăng cường hoạt động tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất xa xôi, nơi mà con người vẫn hy vọng sẽ có người ngoài hành tinh sinh sống.

Theo Wu;Xiangping, tổng thư ký Hiệp hội thiên văn học Trung Quốc nói với Tân Hoa Xã: "FAST có thể phát hiện được những nơi vô cùng xa xôi...thậm chí là cả nền văn minh ngoài Trái Đất"

Trong khi đó, phi hành gia Shi Zhicheng cũng đồng tình với quan điểm trên của Xiangping cho biết: "Nếu người ngoài hành tinh có tồn tại, những thông điệp mà họ tạo ra sẽ để lại một dấu vết nào đó và FAST có thể phát hiện và nhận ra được những dấu vết đó khi nó truyền qua không gian".

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khác từ FAST trong thời gian tới. Ví dụ như để tập trung vào một đối tượng cụ thể trong không gian, những tấm gương sẽ phải được điều chỉnh riêng biệt để có được góc bắt tín hiệu tốt nhất.

Tuy nhiên, theo một nhà khoa học không gian Trung Quốc giấu tên, các thiết bị và công nghệ để điều khiển chính xác các góc cho FAST gần như vẫn chưa được sử dụng và thử nghiệm cho tới nay.

Hiện tại, công trình kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới có tên Arecibo Observatory đang được đặt tại Puerto Rico do Mỹ xây dựng có đường kính lên tới 300 mét. Nếu như FAST sớm được đưa vào hoạt động, công trình này hứa hẹn sẽ có thể chính thức soán ngôi công trình kính viễn vọng Arecibo Observatory của Mỹ.

Tiến Thanh

Theo South China Morning Pos

Chủ đề khác