VnReview
Hà Nội

Khám phá các loại vũ khí chống tăng trên thế giới (phần 2)

Sự phát triển của nhiều loại vũ khí chống tăng (AT) đã khiến cho sức tấn công của những cỗ máy bọc thép trở nên bớt đáng sợ hơn so với nhiều thập kỷ trước.

Ở phần trước, chúng ta đã bàn về súng trường, lựu đạn cùng với súng chống tăng - những loại vũ khí AT cơ bản nhất. Tại phần này, chúng ta sẽ bàn nhiều hơn về các loại vũ khí hiện đại.

Xe diệt tăng (tank destroyer)

Có thể xem xe diệt tăng là phiên bản mạnh mẽ hơn của súng AT. Nhưng theo hướng ngược lại, cũng có thể xem chúng là những chiếc tăng "giản hoá". Bởi vì trong giai đoạn đỉnh cao của WW2, nhìn bên ngoài những chiếc xe diệt tăng rất giống với xe tăng mà không ít người đã tưởng những cỗ máy bọc thép này là xe tăng.

Jagdpanther dựa trên xe tăng Panther của Đức

Vậy chúng khác nhau thế nào?

Trước hết, xe diệt tăng được ra đời trên cơ sở bộ binh các quốc gia cần có những súng AT mạnh mẽ hơn trên chiến trường, tức cỡ nòng phải lớn hơn và khối lượng quả đạn phải nhiều hơn. Điều này khiến cho việc làm ra và sử dụng những súng AT dạng xe kéo hoặc di chuyển... bằng tay (do người đẩy) trở nên khó khăn hơn.

Để tiêu diệt những chiếc tăng có giáp ngày càng dày hơn, một quả đạn thường là không đủ. Và không phải lúc nào pháo thủ súng AT cũng có thể bắn trúng ngay từ quả đạn đầu tiên. Nhưng một khi đã nổ súng, thường đối phương có thể đoán biết vị trí ẩn nấp của đội diệt tăng, từ đó có thể tiến hành tấn công ngược trở lại. Điều này khiến cho việc diệt tăng bằng súng AT trở nên rất nguy hiểm, vì rất khó để thay đổi vị trí sau khi bắn nếu khẩu súng quá to và nặng.

Những chiếc xe diệt tăng đầu tiên có cấu tạo rất đơn giản

Do vậy các quân đội đã nghĩ ra ý tưởng đặt những khẩu pháo AT có kích thước ngày càng lớn lên trên những cỗ xe bọc thép, giúp các đội diệt tăng có khả năng cơ động cao hơn so với việc cố thủ tại một vị trí duy nhất. Và vì bánh xích cho phép đạt trọng tải cao hơn trên cùng một diện tích tiếp xúc so với bánh hơi, những chiếc xe diệt tăng này thường dùng chung thân với những chiếc xe tăng, khiến chúng thoạt trông khá giống với xe tăng.

Nhưng dù bề ngoài đều là những cỗ máy bọc thép, tăng và xe diệt tăng vẫn có một số khác biệt chính:

- Xe tăng thường dùng để tấn công, xe diệt tăng thường để để phòng vệ.

- Xe tăng thường có tháp pháo bịt kín hoàn chỉnh, xe diệt tăng không có tháp pháo hoặc tháp pháo không hoàn chỉnh (nhằm tạo nhiều không gian để đặt nòng AT to hơn hoặc chứa nhiều đạn hơn).

- Giáp xe tăng dày và bảo vệ tốt hơn giáp của xe diệt tăng (vì tăng thường dùng để tấn công, phải tiến sâu vào đất địch).

- Xe tăng thường có thêm súng máy để diệt bộ binh, xe diệt tăng thường chỉ có một nòng pháo để diệt tăng.

- Tháp pháo của tăng cơ động hơn, có thể xoay ngang được nhiều hơn. Còn pháo xe diệt tăng thường bị cố định về phương ngang, khó xoay trở hơn.

- Chi phí sản xuất xe tăng thường cao hơn xe diệt tăng.

Nhiều xe diệt tăng có nòng súng khá thấp

Khi WW2 bước vào những giai đoạn căng thẳng, các phe đều chạy hết công suất để sản xuất vũ khí phục vụ chiến đấu, việc đồng nhất và tận dụng lại các khí tài sẵn có là một cách đảm bảo nguồn cung cho tiền tuyến. Vì vậy triết lý thiết kế xe diệt tăng ngày càng giống với thiết kế của tăng. Gần như mọi chiếc tăng đều có phiên bản "giản hoá" thành xe diệt tăng với chi phí và nguyên vật liệu tốn ít hơn. Những chiếc tăng cũ bị hư hỏng khi giao chiến đều được tận dụng lại để, hoặc có thể sửa làm tăng hoàn chỉnh, hoặc làm xe diệt tăng, tuỳ theo điều kiện sẵn có.

Thậm chí có lúc khi số lượng tăng "chính thống" trở nên quá ít ỏi để phục vụ chiến đấu, nhiều xe diệt tăng đã được đẩy từ vị trí phòng vệ sang tiến công chủ động để giúp hỗ trợ bộ binh giành cứ điểm.

Xe diệt tăng ISU-122 của Nga

Một số mẫu xe diệt tăng tiêu biểu có thể kể ra như Panzerjäger, Marder, Sturmgeschütz, Jagdpanther (Đức); SU-85, SU-100, ISU-122, ISU-152 (Nga); M3 Gun Motor Carriage, M10 tank destroyer (Mỹ); Archer, 17pdr SP Achilles (Anh).

Xe chiến đấu bộ binh (IFV)

Có một số quan điểm cho rằng IFV là phiên bản hiện đại của xe diệt tăng. Tuy nhiên cách nhìn này chỉ hợp lý nếu xem xe tăng là một lực lượng bổ sung tiến công cho bộ binh (ở WW1), tức bộ binh là nòng cốt còn thiết giáp chỉ để hỗ trợ (support). Nhưng tới WW2, quan điểm trên bị thay đổi hoàn toàn khi xảy ra những trận đánh mà xe tăng là phương tiện chủ lực, có hàng trăm chiếc tăng bị diệt trong một trận trong khi số lượng bộ binh tham gia không đáng kể. Nhiều người cho rằng nên xem xe tăng là một lực lượng riêng và độc lập, chứ không phải là một phần của bộ binh.

Xe chiến đấu bộ binh hiện đang dần thay thế tăng trong việc hỗ trợ bộ binh

Nếu dựa vào quan điểm sau, IFV không phải là thế hệ sau của xe diệt tăng mà chỉ là một dạng vũ khí khác có khả năng chống tăng (AT). Và thực tế thì vai trò của IFV khá rộng chứ không chỉ nhằm mỗi việc đối đầu với tăng. IFV được xem là phiên bản chiến đấu của xe chở lính bọc thép (APC) với chức năng chính nhằm tăng cường khả năng đối đầu với quân địch cho bộ binh. Nói một cách chính xác, IFV mới là phương tiện hỗ trợ đúng nghĩa cho bộ binh trên chiến trường thay cho xe tăng.

Vũ khí của IFV rất đa dạng, có thể thay đổi tuỳ theo mục tiêu chiến đấu chứ không cố định như tăng hay xe diệt tăng. Thường các IFV sẽ có một súng máy để chống bộ binh và một nòng pháo cỡ nhỏ (20 - 40 mm) để phá huỷ các cấu trúc kiên cố. Để đối đầu với tăng, các IFV có thể được gắn một nòng AT cỡ nhỏ (dưới 100 mm). Tuy vậy, các nòng AT chỉ diệt được các loại tăng cũ kỹ chứ gần như "vô dụng" với tăng thế hệ mới. Do đó, giải pháp AT phổ biến dùng trên IFV thường là tên lửa chống tăng (AT missile).

Xe chiến đấu bộ binh Puma của Đức

Hầu hết các IFV hiện đại đều có thể gắn tên lửa AT để phục vụ chiến đấu.

Tên lửa chống tăng (AT missile)

Tên lửa nói chung có thể xem là loại vũ khí thay thế cho đạn pháo truyền thống, nhờ tầm bắn xa hơn và có thể điều khiển hướng bay, chọn điểm rơi ngay sau khi bắn. Song nhược điểm lớn nhất của tên lửa là chúng đắt đỏ hơn đạn pháo rất nhiều.

Tương tự súng AT, tên lửa AT ra đời như một lẽ tất nhiên. Và do tính hiệu quả cao của mình, tên lửa AT có rất nhiều loại, dùng cho nhiều phương tiện chiến đấu khác nhau. Nên chúng tôi sẽ chia tiếp tên lửa AT ra các loại nhỏ hơn sau.

Rocket chống tăng cầm tay (AT rocket launcher)

Có một chút tranh cãi về cách dùng 2 từ "rocket" và "missile". Trong tiếng Việt cả 2 từ trên đều được dịch là "tên lửa" và hay bị dùng lẫn lộn. Song do cơ chế sử dụng ống phóng phản lực tương tự nhau nên cả rocket và missile đều bị nhầm lẫn trong cách mô tả một loại vũ khí. Trên thực tế, rocket thường ám chỉ những loại đầu đạn phản lực (có hoặc không có cánh định hướng) chỉ bay theo một phương định sẵn. Còn missile là những đầu đạn có cánh và có thể đổi được hướng sau khi bắn, có độ chính xác cao hơn. Ngoài ra rocket thường có kích thước nhỏ hơn missile nên có thể vác vai (man portable) dễ dàng hơn.

Ở đây chúng tôi sẽ dùng từ "tên lửa" để ám chỉ "missile", còn "rocket" với nghĩa độc lập.

Một lính Mỹ thực hiện ngắm bắn Bazooka M1

Chiếc AT rocket đầu tiên và nổi tiếng cả thế giới là Bazooka (Mỹ). Được thiết kế vào 1942 nhưng thực tế, ý tưởng của Bazooka đã có từ WW1 và dựa trên những súng phóng lựu đạn AT (xem ở phần 1). Tuy vậy những trái lựu AT đầu lõm tương đối kém chính xác và cự ly không xa nên khó đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Thế nên quân đội Mỹ đã nghĩ đến một dự án làm sao có thể bắn những trái lựu AT chính xác hơn và cự ly xa hơn. Và chiếc Bazooka M1 đầu tiên đã được đưa vào thực địa hồi cuối 1942 ở mặt trận Bắc Phi với đầu đạn M6 có khả năng xuyên giáp 76 mm với tốc độ lúc phóng đạt 81 m/s.

Tuy vậy, câu chuyện của Bazooka M1 không suôn sẻ chút nào vì lính Mỹ tại Bắc Phi không hề được huấn luyện bài bản cách dùng. Thậm chí tướng Dwight D. Eisenhower (Mỹ) còn nhận một tin shock hơn trước khi hạ cánh xuống đấy là không người lính nào đã nhận được hướng dẫn sử dụng! Chỉ mãi khi quân Đồng Minh đánh vào Sicily (Ý) giữa 1943, chỉ vài lực lượng của Mỹ mới dùng M1A1 (bản cải tiến của M1) để đối đầu tăng Đức. Tuy vậy Bazooka có một nhược điểm là khi bắn, nó để lại đuôi lửa (backblast) lớn cũng rò khói ra (khi trời lạnh), khiến cho xạ thủ dễ bị lộ vị trí và quân Đức có thể tấn công ngược lại. Thêm vào đó, đuôi lửa của Bazooka còn gây nguy hiểm cho cả các thành viên còn lại trong tổ bắn. Theo ghi nhận của quân đội Mỹ, việc sử dụng Bazooka không chỉ rất nguy hiểm mà còn gần như là tự sát!

Súng Bazooka và các đầu đạn

Đến cuối 1943, Bazooka có phiên bản cải tiến M9 được trang bị thêm kính ngắm phản xạ (reflex sight) cho phép ngắm mục tiêu tốt hơn. M9 cũng sử dụng đầu rocket mới M6A3 cho phép xuyên giáp tới 105 mm. Tuy vậy, quân đội Đức nhanh chóng nhận ra những mối đe doạ đến từ Bazooka nói riêng và các loại vũ khí AT khác nói chung, nên họ không chỉ tăng thêm độ dày cho những cỗ xe bọc thép, mà còn lắp thêm nhiều miếng chắn bọc những vị trí hiểm yếu, khiến cho các tổ diệt tăng của Mỹ gặp thêm nhiều khó khăn hơn. Tướng George S. Patton (Mỹ) cũng phải thừa nhận "mục đích của Bazooka không phải để chủ động 'săn' tăng đối phương, mà là lá bài cuối cùng để ngăn tăng đối phương càn quét bộ binh phe ta. Để đảm bảo chức năng bảo vệ này, tầm bắn (Bazooka) chỉ nên dưới 30 yard (27 mét)". Với cự ly ngắn như trên, việc dùng Bazooka cũng nguy hiểm không kém dùng lựu đạn AT là bao. Các báo cáo chiến dịch cho thấy tỷ lệ lính tử vong ở các đội diệt tăng bằng Bazooka khá cao.

Nhưng chuyện trái ngang của Bazooka không chỉ dừng ở đó. Trong chương trình Vay Mượn (Lend-Lease) mà Mỹ hợp tác với Nga, quân đội Nga đã nhận được các vũ khí do Mỹ sản xuất để hỗ trợ đánh quân Đức. Tại mặt trận Đông Âu, quân Đức đã bắt được không ít tù binh Nga cùng với những cây Bazooka vốn không được huấn luyện cách dùng bài bản. Nhưng người Đức với trình độ cơ khí vượt bậc nhanh chóng nhận ra tính hiệu quả của những cây AT rocket. Họ đã nghiên cứu ngược M1 và lập tức cho ra phiên bản "tốt hơn cả đồ thật" Panzerschreck (RPzB) nổi tiếng trong 1943.

Tuy dựa trên Bazooka nhưng;Panzerschreck nguy hiểm hơn rất nhiều

RPzB không chỉ sớm có mặt ở tiền tuyến để đối kháng với tăng Đồng Minh mà nó còn mạnh mẽ hơn cả M1/M1A1! Với đầu rocket cỡ 88 mm (M1 chỉ có 60 mm), sơ tốc lúc phóng 110 m/s, tầm bắn tới 150 mét, khả năng xuyên giáp 100 mm cho phiên bản đầu và 160 mm cho phiên bản sau, RPzB thực sự hoàn toàn vượt trội Bazooka M1. Ngay cả sỹ quan Mỹ sau khi thử nghiệm dùng RPzB 54 để so sánh với Bazooka M9 cũng nhận xét ông sẽ chọn dùng RPzB để chống tăng hơn chiếc Bazooka. Song cũng như Bazooka, RPzB để lại đuôi lửa lớn và xì khói ra sau khi bắn, khiến việc lộ vị trí sau khi tác chiến trở thành mối lưu tâm cho các đội diệt tăng của Đức. Ở những vị trí bắn có không gian hạn hẹp, pháo thủ còn phải mang theo mặt nạ phòng hơi độc để tránh khói sinh ra sau khi bắn.

Lính Đức thực hiện ngắm bắn Panzerschreck kèm mặt nạ phòng hơi độc

Câu chuyện về Bazooka tiếp tục "dở khóc dở cười" khi chính quân đội Mỹ sau đấy lại dựa vào RPzB để thiết kế ra chiếc Super Bazooka M20. Cây AT rocket mới có đầu đạn 90 mm, tầm bắn 150 mét và xuyên được giáp 280 mm. Bù lại, M20 nhẹ hơn RPzB 54 tới 20%. Nhờ kinh nghiệm thực chiến từ M1 lẫn RPzB 54, M20 được chuẩn bị khá kỹ càng các hướng dẫn sử dụng, gồm cả bảo dưỡng khi dùng ở các môi trường có ẩm độ cao như tại Việt Nam hay Hàn Quốc.

Song do M20 ra mắt quá trễ khi WW2 kết thúc, cộng với việc ngân sách quốc phòng bị cắt giảm ngay sau đấy, nên số lượng M20 được sản xuất không nhiều. Các lực lượng của Mỹ sau đấy chủ yếu được trang bị những cây M1/M9 vốn bị xem cũ kỹ và kém tin cậy. M1/M9 diệt tăng thì ít mà để bắn vào các cấu trúc cố định như lô cốt thì nhiều. Cộng với kích thước lớn, về sau các phiên bản Bazooka lần lượt bị thay thế bởi súng M67 hay M72 LAW, gọn nhẹ hơn và có sức công phá cao hơn.

Super Bazooka rất mạnh mẽ nhưng lại thiếu "đất dụng võ"

Nhưng loại AT rocket nổi tiếng nhất không phải là Bazooka hay RPzB, mà là "huyền thoại" RPG của Nga. RPG có tên đầy đủ là súng phóng lựu đạn AT cầm tay, hoặc đơn giản là lựu đạn phóng dạng rocket. Cây RPG đầu tiên (RPG-2) được phát triển từ 1947, có phần mang âm hưởng từ cây Panzerfaust được ra mắt từ 1943 của Đức.

Lại nói về Panzerfaust, đây mà một vũ khí AT khác có kích thước nhỏ gọn, bắn được một lần và chỉ cần một người sử dụng. Panzerfaust có một phiên bản "mini" Faustpatrone với đầu đạn 100 mm có tầm bắn 30 mét và 4 phiên bản "chuẩn" với các cỡ đầu đạn 106 / 150 mm có tầm bắn tương ứng với tên gọi 30 / 60 / 100 / 150 mét.

Lính Đức trang bị Panzerfaust trên mặt trận Đông Âu

Một điểm đáng chú ý là trong các trận chiến đô thị, Panzerfaust rất hữu dụng nhờ kích thước nhỏ gọn và có thể bắn được ở những không gian chật hẹp, điều mà cả Bazooka lẫn RPzB rất khó thực hiện (vì đuôi lửa lớn). Số lượng tăng bị diệt bởi Panzerfaust tăng lên nhanh chóng vào cuối cuộc chiến, một phần cũng vì nó dễ chế tạo hơn các vũ khí AT kích thước lớn khác. Bản thân quân Đồng Minh sau khi chiếm được các kho vũ khí của Đức cũng tận dụng Panzerfaust để đối đầu với tăng đối phương khi tác chiến ở đô thị.

Lính Phần Lan đang ngắm bắn Panzerfaust

Những cây Panzerfaust còn lại tại bảo tàng quân sự Helsinki (Phần Lan)

Bên cạnh đó, quân đội Phần Lan (do mâu thuẫn với Nga) đã được quân đội Đức viện trợ một lượng lớn Panzerfaust để đối đầu với tăng Nga. Các thiệt hại to lớn mà Panzerfaust gây ra cho các binh đoàn T-34 hay IS-2 đã khiến người Nga suy nghĩ nghiêm túc về thứ vũ khí này. Phần nào thiết kế của RPG-2 được lấy ra từ phiên bản Panzerfaust 250 (dự kiến đi vào sản xuất trong tháng 9/1945) với tốc độ phóng lên tới 150 m/s.

Về bản chất, đầu đạn của Panzerfaust lẫn RPG-2 (và nhiều phiên bản sau này) đều là những quả lựu đạn AT có đầu nổ lõm. Nhưng RPG dùng cơ chế phóng rocket để đưa quả đạn PG-2 tiếp cận với mục tiêu với tốc độ 84 m/s, tầm bắn 150 mét và khả năng xuyên giáp 180 mm. RPG-2 được sản xuất rộng rãi và cung cấp cho nhiều nước, có mặt trong rất nhiều cuộc xung đột sau đấy. Nhờ giá thành rẻ và dễ chế tạo, RPG-2 trở thành một "huyền thoại" trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tại Việt Nam, RPG-2 thường được biết đến dưới tên gọi B-40.

RPG-2 (B-40) rất phổ biến trong chiến tranh Việt Nam

Một quả đạn PG-2

Kế thừa RPG-2, RPG-7 (tên gọi B-41 tại Việt Nam) đi vào hoạt động từ 1961 và được dùng cho tới tận ngày nay. Độ bền cao, cấu tạo đơn giản, dễ sử dụng, hiệu quả cao khiến cho RPG-7 là một trong những vũ khí AT được sử dụng rộng rãi nhất thế giới. Tính cho tới hôm nay, đã có hơn 9 triệu chiếc RPG-7 được sản xuất (chưa tính con số sản xuất lậu, hàng nhái) và có thể nói hầu như mọi quân đội trên thế giới đều biết sử dụng loại súng này.

Tuy có cùng cỡ nòng 40 mm như RPG-2 nhưng RPG-7 có nhiều khác biệt. RPG-7 có phần buồng đốt phình to ở giữa, giúp cho quá trình đốt cháy liều phóng không diễn ra quá nhanh mà triệt để hơn, sử dụng được loại thuốc nổ mạnh hơn RPG-2. Do vậy tuy có chiều dài ngắn hơn RPG-2 (950 vs. 1200 mm) nhưng áp lực nổ lúc bắn của RPG-7 lại mạnh hơn. Do đó xạ thủ RPG-7 được khuyến cáo không bắn quá nhiều quả liên tục như RPG-2.

RPG-7 (B-41) ở trên và RPG-2 ở dưới

RPG-7 và quả đạn PG-7V tiêu chuẩn

Về loại đạn, RPG-7 hiện có 6 loại đạn khác nhau, trong đó có 3 loại để diệt tăng gồm PG-7V / PG-7VL / PG-7VR, 2 loại để chống bộ binh OG-7V / TBG-7V và 1 loại để phá lô cốt GSh-7VT. Tuy khác biệt về hình dạng và chức năng nhưng các quả rocket của RPG-7 cơ bản đều có 3 phần. Phần đầu tiên nằm ở phía đuôi chứa liều phóng sẽ giúp quả rocket bay ra khỏi nòng với sơ tốc 115 m/s. Nhưng để có thể bay xa và nhanh hơn, phần tiếp theo nằm ở giữa sẽ được kích hoạt sau khi bay được 10 mét giúp tăng tốc quả rocket lên tới 295 m/s và cho phép nó bay xa tối đa hơn 900 mét. Lúc này nếu như quả đạn bị trật mục tiêu hoặc chưa va chạm vào đâu, ngòi nổ phụ ở đuôi phần lựu đạn sẽ được kích hoạt cho phép nó nổ trong an toàn.

Cấu tạo một quả đạn PG-7V

Song để bay xa được đến vậy, các quả rocket của RPG-7 đều có 1 bộ cánh bung ra ở phía đuôi nhằm ổn định phương bay và 1 bộ cánh ở phía mũi nhằm tạo hiệu ứng xoay. Bù lại, những chiếc cánh này lại bị ảnh hưởng của gió trong khi bay và sẽ bị lệch đi so với phương bắn ban đầu, đòi hỏi xạ thủ phải có kinh nghiệm để có thể bắn đúng mục tiêu. Nên tuy bay được tới gần 1 km, tầm bắn hiệu quả được khuyến cáo (cho tân binh) thường chỉ trong 200 mét trở lại.

Một số loại đạn dùng cho RPG-7

Và mặc dù tuy đã "cổ" (ra mắt hơn nửa thế kỷ) song RPG-7 vẫn là loại vũ khí đáng gờm vì nó có nhiều loại đạn dùng cho nhiều mục tiêu khác nhau. Các quả đạn diệt tăng PG-7V / PG-7VL thông thường có khả năng xuyên giáp 260 / 500 mm chỉ hiệu quả với các loại tăng hay xe bọc thép hạng nhẹ. Nhưng do các loại tăng thế hệ mới hầu như đều được bọp thêm giáp hộp hay giáp phản ứng nổ (ERA), RPG-7 cần một loại đạn mạnh hơn có tên PG-7VR. Đạn này có cấu tạo 2 tầng nổ (tandem) trong đó đầu nổ 1 (nhỏ hơn) sẽ để đục lớp giáp hộp / ERA và đầu nổ 2 (lớn hơn) dùng để đục giáp chính của xe. Theo thông số kỹ thuật, đạn PG-7VR có thể xuyên giáp 600 mm (có bọc ERA) và 750 mm (không bọc ERA).

Hầu như mọi quân đội trên thế giới đều biết cách dùng RPG-7

Ngày nay, tuy "con cháu" có rất nhiều (RPG-18, 22, 27, 28, 29...) song RPG-7 vẫn được ưa dùng trên khắp thế giới. Đến nỗi khi nhắc tới RPG, người ta thường liên tưởng ngay tới hình ảnh của RPG-7. Sẽ rất khó hình dung sẽ có loại AT rocket nói riêng hay vũ khí chống tăng nói chung nào khác có thể vượt qua loại khí tài này.

(còn tiếp)

Huyền Thế

Chủ đề khác