VnReview
Hà Nội

Tháng 1/2016 tiếp tục phá kỷ lục tháng nóng nhất

Tháng 1/2016 tiếp tục ghi nhận là tháng Một nóng kỷ lục trong vòng 135 năm qua. Điều đáng lo là vùng biến động nhiệt độ cao chủ yếu xuất hiện tại vùng Bắc Cực.

Bản đồ sự biến động nhiệt độ tháng vừa qua so với ngưỡng nhiệt trung bình

Đáng chú ý là vùng cực Bắc và châu Âu có biến động dương tăng cao nhất. Ảnh NASA

Số liệu được công bố từ NASA và Cơ quan Khí quyển và Đại Dương Mỹ (NOAA) cho biết, tháng 1/2016 là tháng Một nóng nhất trên toàn cầu trong vòng 135 năm qua trở lại đây.

Không chỉ vậy theo NASA khẳng định, đây là tháng có biên độ nhiệt lớn nhất, vượt trên mức trung bình 1,13 độ C của toàn cầu. Điều này dẫn tới đây là tháng thứ 9 trong chuỗi những tháng phá kỷ lục nóng nhất bắt đầu từ hồi tháng 5/2015 và là tháng thứ 4 ghi nhận mức nhiệt cao hơn trung bình 1 độ C. Đồng thời, mức nhiệt này cũng cao hơn 0,3 độ C so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo IFLScience, hiện tượng;El Niño vẫn cho thấy những tác động rất lớn tới khí hậu toàn cầu, đặc biệt tại bờ Đông nước Mỹ trong vài tháng qua. Hiện tượng El Niño đã dẫn tới hạn hán ở Úc, Nam Phi và Nam Mỹ khiến gần 100 triệu người phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và nước uống. Đặc biệt, các trận trận cháy rừng lớn trên khắp Indonesia đã đưa một lượng CO2 khổng lồ thải vào bầu khí quyển.

Biểu đồ cho thấy nền nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng nhanh hơn tại các vùng vĩ độ cao. Ảnh NASA

Theo tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), mặc dù El Niño đã đi vào thời điểm thoái trào nhưng những tác động của hiện tượng này vẫn còn khá mãnh liệt tại một số vùng trên hành tinh.

Hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến hành tinh giống như một "lò bát quái" thiêu đốt con người và các sinh vật sống trong đó. Đáng lưu tâm là Bắc Cực hiện đang là nơi gánh toàn bộ luồng nhiệt của hành tinh. Các biển băng đang thu hẹp đáng kể trong thời gian vừa qua do tác động của nhiệt độ.

Theo Trung tâm Dữ liệu Tuyết và Băng quốc gia Mỹ, quy mô biển băng tại Bắc Cực đã xuống thấp hơn mức trung bình thời điểm này cách đây 30 năm khoảng 1 triệu km2. Quy mô này có thể sánh ngang với kích thước của hai tiểu bang Texas và New Mexico kết hợp lại.

Nếu cứ theo đà tăng nhiệt này trong thời gian tới, con người gần như sẽ chẳng còn thấy những biển băng mà thay vào đó là mực nước biển dâng tới sát nơi chúng ta sinh sống.

Có lẽ rằng không phải đợi đến ngày mai, ngay từ ngày hôm nay chúng ta cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa để cắt giảm khí thải CO2, nguyên nhân hàng đầu dẫn tới hiệu ứng nhà kính, trái đất ấm dần lên và nguy hiểm hơn hết là khiến mực nước biển dâng.

Tiến Thanh

Chủ đề khác