VnReview
Hà Nội

Phát hiện vi khuẩn 'ăn' rác thải nhựa

Các nhà khoa học vừa phát hiện loại vi khuẩn có thể phá vỡ cấu trúc nhựa PET, hứa hẹn sẽ được ứng dụng trong tương lai để phân hủy rác thải nhựa.

ABC News hôm 11/3 đưa tin, các nhà khoa học Nhật Bản dẫn đầu là Hunsuke Yoshida, tiến sĩ thuộc Viện Công nghệ Kyoto phát hiện một loài vi khuẩn mới tiết ra enzyme phân hủy nhựa PET, loại nhựa phổ biến dùng để sản xuất chai lọ và hộp nhựa.

Rác thải nhựa là một vấn đề gây đau đầu cho bảo vệ môi trường

Con người tạo ra 45 triệu tấn nhựa polyethylene terephthalate (PET) mỗi năm trên toàn thế giới. Một phần nhỏ trong số này được mang đi tái chế, phần lớn còn lại nằm ở bãi rác và các kênh rạch, gây ra nhiều vấn đề cho môi trường sinh thái.

Giới khoa học từ lâu đã tìm kiếm tác nhân sinh học giúp phân hủy hiệu quả cấu trúc dẻo dai và chắc chắn của PET. Nhưng họ chỉ tìm thấy vài loại nấm phân hủy một phần nhựa.

Nhóm nghiên cứu tiến hành thu thập 250 mẫu vụn bao gồm đất, trầm tích, nước thải và bùn từ một nhà máy tái chế PET. Sau đó, họ tiến hành sàng lọc các chủng vi khuẩn trong mẫu, xem xét chúng có tham gia vào quá trình phân hủy nhựa hay không.

"Một mẫu trầm tích chứa tổ hợp nhiều vi sinh vật khác nhau, bao gồm: vi khuẩn, tế bào nấm men và động vật nguyên sinh", Kenji Miyamoto thuộc Đại học Keio, Nhật Bản, nói.

Khi cho tổ hợp vi khuẩn tiếp xúc với lớp màng PET mỏng, chúng phân hủy nhựa tạo thành những vết lõm. Lớp màng nhựa PET hoàn toàn bị phân hủy sau 6 tuần.

"Chúng tôi phân lập thành công vi khuẩn Ideonella sakaiensism khỏi tổ hợp vi sinh vật, và nhận thấy chủng vi khuẩn này sản xuất hai loại enzym là PETase và MHETase", các nhà nghiên cứu cho biết.

Hai loại enzym PETase và MHETase đều có khả năng phân hủy nhựa PET và một hợp chất khác mang tên MHET (mono 92-hydroxyethyl) sinh ra trong quá trình. Các sản phẩm phân hủy thân thiện với môi trường như ethylene glycol và axit terephthalic sau đó được vi khuẩn sử dụng như một nguồn năng lượng.

Theo VnExpress

Chủ đề khác