VnReview
Hà Nội

Tìm cách chung sống với biến đổi khí hậu

Ngày 25/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, NN&PTNT về việc thực hiện chính sách phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại buổi làm việc với Bộ TN&MT. Ảnh: VGP/Hoàng Long

Buổi sáng, tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) nhanh hơn so với các dự báo trước đó, trong khi chúng ta chưa chủ động có những tính toán để đưa ra các giải pháp ứng phó kịp thời. Cùng với đó, dù hệ thống chính sách, giải pháp ứng phó với BĐKH rất nhiều nhưng việc thực hiện còn hạn chế.

Hơn nữa, theo ông Trần Hồng Hà, BĐKH là vấn đề phức tạp, lâu dài, đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn kể cả về bộ máy, nhưng so với các nước, Việt Nam chưa đầu tư được bao nhiêu. Chưa kể công tác điều hành vẫn còn nhiều bất cập như chưa có cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm toàn bộ về việc bảo đảm nguồn nước.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, phải tiếp cận BĐKH một cách bài bản, tổng thể, trong đó có vai trò điều phối để tập trung nguồn lực, điều phối bài bản liên ngành, liên vùng thì mới ứng phó hiệu quả.

Tại buổi làm việc của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân với Bộ NN&PTNT vào chiều cùng ngày, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã thông tin về tình hình hạn hán nghiêm trọng tại Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại ĐBSCL.

Với tình hình hiện nay, cả nước đã thất thu gần 1 triệu tấn lúa, trong đó ĐBSCL thất thu 400.000 tấn. Dự báo, tới đây 80.000 ha lúa Hè Thu không được gieo cấy, tức sẽ thất thu tiếp khoảng 400.000 tấn lúa. Nhưng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, vẫn không đau xót bằng 175.000 ha cà phê, hồ tiêu bị chết khô vì thiếu nước. "Ở Gia Lai, quân đội phải chở nước cứu hồ tiêu; ở Bình Phước, cả cánh rừng hồ tiêu chết khô", theo người đứng đầu ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh, thiên tai diễn ra làm đảo lộn mọi mặt cuộc sống của người dân, trong khi đó dự báo thiên tai sẽ diễn biến ngày càng gay gắt hơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng tin tưởng "vẫn có thể ứng phó hiệu quả".

Theo đó, cần tăng cường năng lực quốc gia về giám sát, dự báo về BĐKH để thông báo cho dân biết. Nguyên tắc là phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính. Cùng với đó, phải làm tốt các yêu cầu lồng ghép ứng phó BĐKH trong quy hoạch phát triển, làm từng cái cầu, con đường đều phải tính toán, cân nhắc. Ngoài ra, phải sử dụng nước tiết kiệm, xây dựng hồ chứa nước, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như năng lực phòng chống thiên tai cho cộng đồng.

Hình ảnh tại cuộc làm việc với Bộ NN&PTNT. Ảnh: congly.com.vn

Phát biểu tại các buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, thích ứng với BĐKH là nội dung vừa cấp bách, vừa lâu dài. Quý 1/2016, lần đầu tiên tăng trưởng nông nghiệp âm, một phần do tác động của BĐKH. Do đó, chúng ta phải thực sự chung sống với BĐKH vì đây là vấn đề không thể tránh được.

Trong bối cảnh hiện nay, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cần làm rõ dự báo cũng như xem xét tính hiệu quả của các chính sách, giải pháp về tình hình BĐKH. Bên cạnh đó, phải làm rõ cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm nước sinh hoạt, sản xuất.

Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, để ứng phó BĐKH thành công, phải thay đổi hành vi trong nhiều lĩnh vực. Trước hết, cần quyết liệt tiết kiệm sử dụng nước cả trong sản xuất và tiêu dùng. Phải có một cuộc cách mạng từ nền nông nghiệp dùng nhiều nước sang nền nông nghiệp ít nước, không thể coi nước là nguồn tài nguyên vô hạn, không mất tiền. Đồng thời, cần chuyển trồng trọt nước ngọt là chủ yếu sang cả trồng trọt nước lợ và nước mặn cũng như có các biện pháp thay đổi hành vi sử dụng nước của người dân, tăng cường nghiên cứu tái sử dụng nước.

Hơn nữa, chúng ta phải có giải pháp đồng bộ về quản lý nước ở 3 cấp là quốc gia, vùng và hộ gia đình. Trong đó, phải thiết lập bằng được cơ chế tổng thể trong quản lý nước, có sự liên kết giữa các bộ ngành, vùng, nhằm bảo đảm nước sinh hoạt, sản xuất.

Bộ NN&PTNT cần tiếp tục triển khai các giải pháp như tăng cường bảo vệ rừng, phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; điều chỉnh chế độ canh tác, đẩy mạnh công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cần giảm cây trồng sử dụng nhiều nước, nghiên cứu, phát triển các giống cây trồng có thể thích hợp với nước ngọt, nước mặn và nước lợ; hoàn thiện hệ thống thủy lợi; hình thành phương pháp ứng phó tại chỗ; hỗ trợ người dân xây dựng các hệ thống trữ nước nhỏ...

Người đứng đầu MTTQ Việt Nam cũng cho biết, sắp tới Mặt trận sẽ khảo sát tình hình này tại Tây Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên, để có báo cáo tổng thể về tình hình BĐKH hiện nay, làm rõ tác động đến người nông dân, đến sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: BĐKH tác động hằng ngày đến cuộc sống của từng gia đình, từng người dân Việt Nam hôm nay và mai sau. Tất cả mọi người dân cần cùng suy nghĩ, có trách nhiệm đóng góp trí tuệ, sức lực vào việc ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, mỗi người dân có thể cùng MTTQ Việt Nam giám sát việc thực hiện các chương trình phòng tránh thiên tai, ứng phó với BĐKH của quốc gia và địa phương nơi mình sinh sống.

Theo Báo Chính Phủ

Chủ đề khác