VnReview
Hà Nội

Loại bỏ nhiên liệu hoá thạch

Chính phủ Thuỵ Điển mới công bố kế hoạch tham vọng đầu tư vào năng lượng tái tạo và sạch.

Theo báo Anh Independent, phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Stefan Löfven tuyên bố đất nước của ông sẽ hành động hướng đến mục tiêu trở thành "một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới không dùng nhiên liệu hoá thạch".

Thuỵ Điển muốn trở thành quốc gia đầu tiên chấm dứt sử dụng nhiên liệu hoá thạch

Các quốc gia Bắc Âu đã dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo, trong đó ở Thuỵ Điển các nguồn năng lượng tái tạo chiếm đến 2/3 sản lượng điện.

Trong một ngày gió bất thường hồi tháng Bảy vừa qua, Đan Mạch đã sản xuất được 140% nhu cầu điện chỉ qua các tuốc bin chạy gió, phần điện dôi dư được xuất khẩu cho các nước láng giềng là Đức, Thuỵ Điển, Na Uy (một trong những nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới).

Ở Iceland, gần 100% điện là từ các nguồn năng lượng tái tạo nhờ đầu tư vào thuỷ điện và sản xuất năng lượng địa nhiệt (là năng lượng được tách ra từ nhiệt trong lòng Trái Đất).

Tuy nhiên, để đạt được bước nhảy vọt là loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hoá thạch là một nhiệm vụ khó hơn nhiều. Làm thế nào một đất nước công nghiệp, phát triển với dân số 10 triệu người, có thể chấm dứt sử dụng nhiên liệu hoá thạch trong vài thập kỷ tới?

Trong ngân sách của Thuỵ Điển, công bố hồi tháng Chín năm ngoái, chính phủ tuyên bố họ sẽ dành 4,5 tỷ kronor (khoảng 518 triệu USD) trong năm nay cho hạ tầng xanh – đầu tư cho những thứ như tấm năng lượng mặt trời, tuốc bin gió cũng như giao thông công cộng sạch hơn, mạng lưới điện, hệ thống lưu trữ năng lượng thông minh hơn.

Hằng năm, chính phủ sẽ chi 50 triệu kronor (5,8 triệu USD) cho nghiên cứu lưu trữ điện, 1 tỷ kronor (116 triệu USD) cho nâng cấp các toà nhà chung cư để hiệu quả sử dụng năng lượng của các hộ dân cao hơn.

Chính phủ Thuỵ Điển cũng sẽ dành thêm nhiều tiền đầu tư cho các dự án xanh ở nước ngoài, với mỗi năm chi 500 triệu Kronor đầu tư vào kiến tạo hạ tầng xanh ở các nước đang phát triển. Thuỵ Điển hy vọng điều này sẽ gửi đi một thông điệp quan trọng với các nước phương Tây trước thềm hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc vào tháng 12 tới tại Paris.

Hiện nay điều hành đất nước Thuỵ Điển là một chính phủ liên minh, dẫn đầu bởi đảng Dân chủ xã hội cánh tả, đảng đã thống lĩnh chính trị Thuỵ Điển kể từ những năm 1920.

Đối tác khác trong liên minh chính phủ là Đảng Xanh, đảng phái được thành lập từ phong trào chống điện hạt nhân của những năm 1980.

Một vài nhà máy điện hạt nhân của Thuỵ Điển dự kiến sẽ được đóng cửa sớm, phần lớn bởi chúng đã cũ và không có lãi, ngoài ra còn có sức ép tăng tốc triển khai và ứng dụng năng lượng tái tạo.

Trong một phát biểu trước Quốc hội, khi đề cập đến các chính sách xanh này, Thủ tướng Löfven nói: "Trẻ em nên được lớn lên trong một môi trường không độc hại - nguyên tắc phòng ngừa, việc loại bỏ các chất độc hại và ý tưởng người gây ô nhiễm phải trả tiền là nền tảng chính trị của chúng ta".

Với sự đầu tư cho năng lượng xanh và sự quyết liệt của chính phủ đối với những kẻ gây ô nhiễm, Thuỵ Điển đang nhắm tới là một điển hình cho các nước khác tại Hội nghị sắp tới của Liên Hợp Quốc.

Hồng Hà

Chủ đề khác