VnReview
Hà Nội

Hoàng Sa của doanh nhân Thái Bình là tàu ngầm hay tàu lặn?

Theo ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ KHCN), tàu ngầm Hoàng Sa của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa chưa phải là tàu ngầm chỉ là tàu lặn hoặc phương tiện lặn.

Ngay lập tức, phát biểu của ông Vụ trưởng nhận được hai luồng ý kiến khác nhau: Một bên đồng tình đây chỉ là một thiết bị lặn được dưới nước trình độ công nghệ còn thấp trong khi một bên khác cho rằng phát biểu của ông thiếu thiện chí ủng hộ sự sáng tạo trong dân chúng.

Vậy tàu ngầm là gì? tàu lặn là gì? Chúng khác nhau thế nào?

Tàu Hoàng Sa của doanh nhân Thái Bình là tàu ngầm hay tàu lặn?

Có lẽ theo nhận thức thông thường chúng ta cho rằng tàu ngầm là phương tiện hoạt động dưới lòng biển dành cho mục đích quân sự (tuần tra do thám, tấn công): kích cỡ lớn, lặn sâu, dài ngày, được trang bị vũ khí. Và ngược lại, thiết bị lặn cỡ nhỏ, dành cho mục đích nghiên cứu, du lịch... dưới nước thì được gọi là tàu lặn.

Song trên thực tế, trên thế giới còn có nhiều loại tàu ngầm cỡ nhỏ, chỉ chở được từ 1-5 người, lặn sâu khoảng 50m và chỉ dành cho mục đích du lịch, khám phá dưới nước. Thậm chí, những kẻ buôn lậu ma tuý Colombia còn sử dụng tàu ngầm để vận chuyển ma tuý.

Vậy thì tàu lặn khác gì tàu ngầm? Tìm hiểu trên mạng chúng tôi thấy không có nhiều định nghĩa về tàu lặn, tàu ngầm đến từ các nguồn chính thống.

Theo định nghĩa của trang National Geographic (Mỹ), tàu ngầm (submarine) là một phương tiện do con người điều khiển không thường xuyên trồi lên mặt nước.

Còn tàu lặn (submersible) là phương tiện do con người điều khiển và được một "tàu mẹ" trên mặt nước "chăm sóc", được kéo lên mặt nước sau khi lặn.

Theo từ điển Bách khoa toàn thư nước (Water Encyclopedia) tàu lặn là những cỗ máy lặn được thiết kế để cho mục đích khám phá dưới nước. Nó có thể là thiết bị có người điều khiển hoặc được điều khiển từ xa. Khi được thiết kế cho chiến tranh, nó được gọi là tàu ngầm với khung (thân tàu) được làm bằng thép hoặc titan; sử dụng năng lượng hạt nhân hoặc nhiên liệu diesel, pin điện; được trang bị hệ thống tạo khí nội bộ; kính tiềm vọng; và vũ khí bao gồm cả ngư lôi, mìn, tên lửa chống tàu và và đối đất, tên lửa đạn đạo với đầu đạn hạt nhân.

Tương tự như vậy, theo Wikipedia, tàu lặn là phương tiện hoạt động dưới đáy biển nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, nó có thể hoạt động ở các vùng nước sâu. Tàu lặn được phát triển từ khoảng năm 50 của thế kỷ trước. Đó là kết quả của những cải tiến công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu đến thăm các vùng biển sâu để trực tiếp quan sát, thực hiện các phép đo, tìm kiếm các thiết bị đã mất… và phục vụ cho các hoạt động cứu hộ.

Hầu hết các tàu lặn hiện đại là hậu duệ của tàu lặn hình cầu (Bathysphere), được phát triển vào những năm 1930, nhưng không thể hoạt động ở những vùng nước quá sâu. Bathysphere có thể tiến hành đo đạc độ sâu từ bề mặt, có thể đi tới được những vùng tối của đại dương. Bathysphere được đưa xuống nước bằng dây tời trên tàu biển phía trên. Năm 1954, một tàu lặn khác được Auguste Piccard thiết kế và thử nghiệm thành công đã khắc phục được nhược điểm của Bathysphere (chỉ di chuyển lên xuống bằng dây dẫn). Con tàu lặn của Auguste Piccard được trang bị động cơ nhưng vẫn còn khá hạn chế. Ông thiết kế tàu thành hai phần chính, trong đó quả cầu lặn lớn dành cho thủy thủ đoàn và phao lớn hình tàu ngầm được bơm đầy dầu, có thể làm rỗng để đưa tàu trở lại mặt nước.

Tàu lặn có thể lặn sâu đến gần chục km như tàu Mir I & II của Mỹ lặn sau đến 6 km, tàu lặn Trung Quốc có người lái Triệu Long lặn sâu đến 7,062 km

Bathysphere là mẫu tàu lặn đầu tiên của thế giới

Mẫu tàu lặn không người lái Yunon của Nga

Giống như tàu lặn, tàu ngầm là một loại tàu đặc biệt có khả năng bơi dưới nước, vận động theo hướng và chiều sâu. Tàu ngầm khác với tàu lặn ở chỗ khả năng lặn sâu của tàu ngầm hạn chế hơn và tàu ngầm có thể hoạt động độc lập chứ không cần có tàu mẹ hỗ trợ.

Tàu ngầm lớp Shuka-B của Nga

Mặc dù tàu ngầm đã được thử nghiệm từ trước đó rất lâu, nhưng phải tới thế kỷ 19 thì tàu ngầm mới chính thức được một số lực lượng hải quân sử dụng.;Tàu ngầm được sử dụng phổ biến trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất (1914-1918), và nay thì tàu ngầm có mặt trong quân đội của nhiều nước trên thế giới. 

Tàu ngầm có thể sử dụng với mục đích dân sự như cứu hộ, thăm dò, thám hiểm đại dương, kiểm tra và bảo trì cơ sở hạ tầng. Tàu ngầm cũng được thiết kế để thực hiện các chức năng chuyên biệt hơn như tìm kiếm và cứu hộ, sửa chữa cáp ngầm dưới biển hoặc phục vụ trong ngành du lịch, và khảo cổ học.

Do hoạt động dưới biển sâu nên tàu ngầm phải chịu áp lực (nước) rất lớn. Càng lặn xuống sâu, áp lực nước càng lớn kèm với điều kiện không có ánh sáng, ôxy. Phần lớn tàu ngầm có cấu tạo thân hình trụ với phần mũi tàu bán cầu (hoặc hình nón). Phần nhô ra ở giữa thân tàu có thiết kế thẳng đứng được gọi là tháp chỉ huy. Đây là nơi đặt các thiết bị liên lạc, kính tiềm vọng và hệ thống cảm biến.

Vỏ tàu rất dày và nhiều lớp, được làm từ hợp kim titan và có các khung sườn cứng. Lớp chắc chắn nhất là vỏ bền (hoặc vỏ nặng). Để cải thiện khả năng đi biển của tàu, phía trên bên ngoài vỏ bền được "khoác" lớp vỏ nhẹ. Ở khoảng giữa hai lớp vỏ này thường là các sitec dằn và chứa nhiên liệu. Kết cấu như vậy gọi là kết cấu vỏ kép. Nếu vỏ nhẹ không hoàn toàn bao bọc quanh vỏ bền thì con tàu đó thuộc loại tàu có kết cấu thân rưỡi. Có cả loại tàu có kết cấu thân (vỏ) đơn. Để nâng cao khả năng sinh tồn của tàu ngầm, thân bền của nó được chia ra thành nhiều khoang độc lập (từ 3 đến 10) bằng các vách ngăn ngang kín nước.

Tàu ngầm tuân theo định luật Archimedes: một vật thể chìm trong chất lỏng sẽ chịu một lực hướng lên trên và bằng với trọng lượng của chất lỏng bị vật thể đó chiếm chỗ. "Lực nâng" này có thể điều khiển được bằng cách thay đổi trọng lượng của con tàu. Để lặn, tàu ngầm hút nước biển từ ngoài thân tàu vào trong các sitec dằn của nó. Để tàu nổi lên, nó dùng khí nén thổi nước thoát ra (khỏi các sitec dằn). Vì vậy đối với các loại tàu ngầm, người ta phân biệt hai loại độ choán nước: độ choán nước nổi (tiêu chuẩn) và độ choán nước ngầm.

Tàu ngầm ở dưới nước trong trạng thái treo. Chuyển động lên xuống của nó được điều khiển bởi (sự vận hành) các bánh lái theo phương ngang bố trí ở đằng mũi tàu và đuôi tàu. Khi cạnh trước của tấm bánh lái ở vị trí cao hơn cạnh sau, dòng chảy của nước sẽ tạo ra lực nâng. Nếu trái lại, dòng chảy hướng đến sẽ tạo áp lực lên mặt phẳng làm việc của tấm bánh lái theo phương từ trên xuống dưới. Con tàu bất động sẽ không có khả năng điều khiển được, và hoặc là phải nổi lên, hoặc phải lấy thêm (tải trọng) dằn, nằm trên nền đất.

Tàu ngầm không thể lặn sâu như tàu lặn, khả năng lặn sâu của tàu ngầm phụ thuộc vào thiết kế và chất liệu vỏ tàu. Ví dụ, trong khi tàu lặn Trieste Challenger Deep có thể chạm tới đáy rãnh Mariana (10.911 m), điểm sâu nhất được biết đến trong các đại dương; là nhờ thiết kế hình cầu và kích thước nhỏ hơn tàu ngầm nên mới có thể chịu được áp lực nước như vậy. Trong khi đó, ALFA (Nga), tàu ngầm hạt nhân có thể lặn sau nhất hiện nay, với thân tàu bằng Titan, có thể lặn tới độ sâu 670 m. Tuy nhiên tàu ngầm này không thể duy trì hoạt động ở độ sâu này quá lâu, bởi Titan sẽ trở nên giòn và dễ vỡ khi liên tục tiếp xúc với áp lực nước cao.

Như vậy, có thể khẳng định tàu lặn và tàu ngầm được phân biệt không phải bởi ở mục đích sử dụng, kích cỡ, lặn sâu hay không mà qua thiết kế, và đặc biệt khả năng hoạt động độc lập. Tàu ngầm và tàu lặn càng không phải là hai khái niệm để phân biệt giữa một bên công nghệ cao và một bên là công nghệ thấp hơn.

Về tàu ngầm Hoàng Sa

Trên thế giới, có nhiều cá nhân, hoặc công ty tư nhân tự bỏ tiền đầu tư đóng tàu ngầm, chi phí đến hàng triệu USD. Tại Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hoà, một doanh nhân Thái Bình, đã ấp ủ dự án tự đóng tàu ngầm từ nhiều năm nay. Trải qua nhiều cuộc đánh giá, sát hạch của các cơ quan chức năng, chiếc tàu ngầm Hoàng Sa của ông cuối cùng đã lần đầu tiên được đưa ra biển thử nghiệm ngày 3/7 vừa qua.

Mặc dù chi tiết cuộc lặn thử không được công bố, nhưng theo tin đăng trên VnExpress, ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ công nghệ cao (Bộ KHCN), cho biết, theo đề nghị của ông Hòa, Bộ Quốc phòng "đã cho tàu lặn thử một chút xuống biển". "Tuy nhiên để đánh giá đầy đủ cần có buổi thử nghiệm lặn chìm nữa", ông Dương nói.

Còn trao đổi với phóng viên báo VnExpress, ông Nguyễn Quốc Hòa tự tin nói: "Không cần thiết phải thử nghiệm lần hai, vì lần trước trước tàu đã lặn, nổi thành công".

Theo nguồn tin của phóng viên VnReview có được, chiếc tàu mini do ông Hoà đích thân điều khiển đã lặn thử ở độ sâu 10m với nhiều lần lặn, trồi lên mặt nước. Chi tiết một cuộc lặn sâu như vậy kéo dài bao lâu không được tiết lộ.

Về thông số kỹ thuật, tàu ngầm Hoàng Sa được thiết kế bằng thép, nặng 9 tấn, dài 7 mét, ngang 2,5 mét, cao hơn một mét. Ông Hoà cho biết tàu có vận tốc tối đa 15 hải lý/giờ và có thể lặn sâu 50m. Thời gian lặn theo tính toán là 3 ngày 3 đêm. Tàu có sức chứa 2 người.

Thực sự, đối với một cá nhân, để làm được một chiếc tàu Hoàng Sa là khó, và tốn kém thời gian, tiền bạc. Nếu không có đam mê, nhiệt huyết thì không bao giờ có thể làm được. Tuy nhiên, để hoạt động được như thiết kế đối với tàu ngầm Hoàng Sa chắc chắn còn cần phải có thêm thời gian hơn nữa. Tín hiệu mừng là được biết Bộ Khoa học và Bộ Quốc phòng đã thống nhất Bộ Quốc phòng cấp kinh phí hỗ trợ ông Nguyễn Quốc Hoà triển khai hoài bão tự chế tàu ngầm.

Gia Lộc

Chủ đề khác