VnReview
Hà Nội

Tên lửa được sản xuất ngay tại chiến trường sẽ không còn là viễn cảnh

Đến tận nửa đêm của hôm thứ Sáu vừa rồi tại phòng thiết kế Raytheon ở Tucson, Arizona (Mỹ), ánh đèn vẫn sáng trưng. Các kỹ sư của hãng sản xuất tên lửa lớn nhất thế giới vẫn đang miệt mài trong phòng thí nghiệm để vật lộn với các công cụ sản xuất mới nhất của bộ quốc phòng Mỹ: máy in 3D.

Thời báo Financial Times mô tả, cỗ máy in 3D này cũng được mua trên thị trường như bao thiết bị thương mại khác, nhưng điều đặc biệt là nó được tinh chỉnh bởi các nhà nghiên cứu của hãng Raytheon, mà theo lời Taylor Lawrence, Chủ tịch của Raytheon Missile Systems thì "nó được hỗ trợ tối đa". Các kỹ sư thiết kế rất quan tâm việc thử nghiệm với các phương thức mới, họ làm việc cả ngày cả đêm, xuyên suốt cả những ngày cuối tuần và thâu đêm thứ Sáu để nó có thể… sản xuất và "in" ra tên lửa.

Vào tháng Ba vừa rồi, lực lượng Hải quân Mỹ đã thử nghiệm một tên lửa Trident II D5 do Lockheed Martin sản xuất với một thành phần được in 3D. Trong năm tới, nhà sản xuất tên lửa châu Âu MBDA cũng sẽ sử dụng một phần công nghệ in 3D cho các hệ thống sản xuất tên lửa của họ.

Theo lời ông Lawrence, trong vài năm trở lại đây, các máy in 3D có thể được sử dụng trên chiến trường để sửa chữa hoặc thay thế các bộ phận của tên lửa, đẩy nhanh tiến độ và giảm thiểu các rủi ro trong công tác hậu cần (cung cấp vũ khí). Các nhà nghiên cứu hiện cũng đang tìm cách để in các mạch điện tử sử dụng trong các hệ thống dẫn đường và các bộ phận vi sóng cho radar. "Sẽ vẫn còn rất nhiều thử thách để có thể in toàn bộ tên lửa bằng 3D, nhưng chúng tôi đã nhìn thấy viễn cảnh đó không còn xa", ông chia sẻ.

Lockheed Martin cho biết, các bộ phận bay của tên lửa D5 - một lớp vỏ để bảo vệ các đầu kết nối cáp dữ liệu - được thiết kế và sản xuất nhanh gấp đôi so với bình thường. Tại Raytheon, ông Lawrence cho rằng: "Về cơ bản, chúng tôi có năng lực sản xuất mới với tốc độ nhanh hơn, dẫn tới giảm chi phí đáng kể".

Xu hướng tất yếu của công nghiệp quốc phòng

Jeff Morgans, người đứng đầu hoạt động tại MBDA, ước tính rằng công nghệ in 3D có thể cắt giảm thời gian sản xuất các thành phần của tên lửa xuống còn 3/4 thời gian hiện nay. Hiện tại, phải mất hơn một năm kể từ ngày sản xuất thành phần đầu tiên của nó, ông nói, và thậm chí là lâu hơn bao gồm cả giai đoạn thiết kế để cho ra một mẫu tên lửa hoàn chỉnh ra chiến trường. Công ty này, được đồng sở hữu bởi các tập đoàn lớn như BAE Systems, Airbus và Leonardo-Finmeccanica, năm ngoái đã tăng gấp đôi mức đầu tư cho in 3D.

Sẽ còn mất cả hàng thập kỷ trước khi quân đội có thể bắt đầu in 3D toàn bộ các loại tên lửa theo cách này, Mr Morgans cho biết: "hiệu suất của vũ khí hết sức quan trọng. Chúng tôi có thể tự tin nói rằng công nghệ [sắp được sử dụng] không có rủi ro nào đáng kể".

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu đang căng thẳng trở lại, từ châu Á tới Trung Đông và vượt qua cả biên giới của châu Âu, giới quốc phòng đòi hỏi phải chú ý hơn về nhu cầu trang bị các hệ thống tên lửa. Do vậy, không ngạc nhiên khi xuất hiện hàng loạt máy bay chiến đấu và tàu chiến thế hệ mới, như máy bay tàng hình F-35 của Mỹ hay tàu khu trục type-45 của Anh.

Cục Chiến lược Tình báo Quốc phòng Mỹ (SDI) đã đưa ra tham vấn và dự báo rằng, thị trường tên lửa và các hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu sẽ tăng gần một nửa, lên mức 36 tỷ USD trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2025. Sẽ có khoảng 200.000 tên lửa được sản xuất trong 5 năm tới, theo dự báo của bộ phận Forecast International (trực thuộc SDI).

Thách thức vẫn còn ở phía trước

Cùng với nhu cầu tăng cao về mặt số lượng và tốc độ sản xuất, các chính phủ cũng muốn tăng tầm bắn, sức mạnh, độ chính xác và thêm nhiều tính năng cho các tên lửa hơn bao giờ hết, mà không làm giá thành đội lên đáng kể. Các tên lửa sẽ phải trở nên thông minh hơn, thậm chí có thể được giám sát toàn bộ hành trình.

Trong tương lai, các vũ khí được in 3D ngày càng phổ biến, từ chiếc máy bay quân sự cho tới tên lửa tầm xa

Ván bài chiến lược mới được biết tới là công nghệ in 3D, có thể khiến cho các cải tiến này trở nên khả thi hơn - đơn cử như giảm thiểu trọng lượng để nhường chỗ cho trang bị các hệ thống khác hoặc mở rộng tầm bắn xa hơn. Với công nghệ in 3D, các thành phần có thể tạo hình dạng rỗng bên trong, điều mà các phương pháp sản xuất truyền thống vẫn đang gặp khó khăn và thường phải làm theo kiểu cắt bỏ vật liệu, vốn gây tốn kém và lãng phí về nhiều mặt.

Khả năng "in" kim loại và hợp kim theo những phương thức khác nhau có thể sẽ mở rộng khả năng thiết kế. "Các kỹ sư có thể có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo tuyệt vời", ông Lawrence, nhưng "khi mà công nghệ sản xuất truyền thống nói "không" và chạm vào giới hạn, thì sự ra đời của in 3D đã giúp giúp ta vượt qua các giới hạn đó".

TM

Chủ đề khác