VnReview
Hà Nội

Trung Quốc sáng tạo hơn Mỹ tưởng

Người Mỹ muốn tin rằng Trung Quốc không thể sáng tạo. Nhưng công nghệ lại cho thấy một câu chuyện khác.

Với những ai chưa từng đến các thành phố lớn của Trung Quốc, khó mà tưởng tượng được công nghệ ở đây đã phát triển như thế nào. Trung Quốc không còn là quốc gia của thập niên 1990, với đầy rẫy những nhà máy da giày và xưởng làm túi xách giả nữa. Nơi đây giờ đã trở thành miền đất hứa của những ứng dụng sáng tạo nhất.

Theo Washington Post, khi nhắc đến Internet Trung Quốc, người ngoài thường nghĩ ngay đến kiểm duyệt, không Facebook, Twitter hoặc Google. Họ nghĩ đến một quốc gia trì trệ và không có sức sống về thông tin số. Người Mỹ muốn tin rằng kiểm duyệt sẽ làm cản trở sự sáng tạo trong công nghệ, nhưng Trung Quốc lại đang thách thức quan niệm trên.

"Có một quan niệm kỳ lạ là bạn không thể làm ra một ứng dụng di động nếu bạn không biết sự thật về những gì đã xảy ra ở Quảng trường Thiên An Môn", Kaiser Kuo, cựu giám đốc truyền thông quốc tế của Baidu, công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc nói. "Điều đó không đúng".

Thực tế là đằng sau Vạn lý Tường lửa, hệ thống kiểm duyệt được thiết kế để chặn các thông tin bất lợi cho chính phủ Trung Quốc, ngành công nghệ nước này đang phát triển như vũ bão.

Phần lớn trong số 700 triệu người dùng Internet của Trung Quốc không được quyền tiếp cận thông tin tự do như ở Mỹ, và đôi khi phải lướt web với tốc độ chậm như rùa. Tuy nhiên, họ đang là động lực cho sự bùng nổ công nghệ ở Trung Quốc, mà trong năm ngoái đã đưa 4 công ty của nước này vào top 10 thế giới tính theo vốn hóa thị trường.

Trung Quốc hiện nay là nước đứng đầu thế giới về thương mại điện tử. Ngân hàng Morgan Stanley dự đoán, đến năm 2018 số giao dịch trực tuyến ở Trung Quốc sẽ nhiều hơn của cả thế giới cộng lại. Được hậu thuẫn bởi thị trường khổng lồ trên, các start-up công nghệ Trung Quốc đang mạnh dạn thử nghiệm những mô hình mới, có tiềm năng tạo ra lợi nhuận lớn và ảnh hưởng đến người dân trên toàn thế giới.

"Bạn vào Facebook và không thể trực tiếp mua được thứ gì bằng ứng dụng này. Nhưng trên WeChat và Weibo bạn có thể mua mọi thứ bạn thấy", William Bao Bean, giám đốc quỹ đầu tư SOS Ventures kiêm CEO của Chinaccelerator, một vườn ươm công nghệ ở Thượng Hải nói. "Tương lai của Facebook chính là bắt chước WeChat".

Thay đổi định kiến

Terry Zhu, giám đốc chi nhánh Bắc Kinh của quỹ đầu tư Blue Run Ventures, biết rằng lâu nay Trung Quốc vẫn phải chịu tiếng xấu về tình trạng sao chép, nhái. Nhưng ông không hiểu tại sao người ta cứ có định kiến rằng Trung Quốc không thể sáng tạo.

Khi Zhu bắt đầu tham gia thị trường công nghệ ở Bắc Kinh vào cuối thập niên 1990, các công ty công nghệ Trung Quốc chỉ là những phiên bản sao chép tồi của các đồng nghiệp Mỹ. Tencent sao chép ICQ, một dịch vụ chat của Mỹ thời đó, và đổi tên thành OICQ. Baidu thì bắt chước Google, còn Alibaba thì trông giống như Amazon.

Tuy nhiên, Zhu cho rằng mọi chuyện giờ đã khác. Các công ty Trung Quốc đã học hỏi những công nghệ tốt nhất và biết sáng tạo một cách thông minh cho phù hợp với môi trường kinh doanh trong nước.

Mặc dù bị kiểm duyệt, WeChat của Tencent là một ứng dụng cực kỳ sáng tạo. Nó kết hợp những tính năng hữu ích nhất của dịch vụ chat, mạng xã hội, thanh toán di động và thậm chí là bản đồ trực tuyến. Người dùng có thể sử dụng WeChat để đọc tin tức, gửi địa điểm thời gian thực cho bạn bè hoặc trả tiền cho một chiếc bánh mua ở vỉa hè.

Nhiều chuyên gia nhận định, sự bùng nổ của thị trường di động Trung Quốc đang thúc đẩy khả năng sáng tạo ở nước này. Vì ngành bán lẻ vẫn còn tương đối mới, nên thương mại điện tử Trung Quốc ít gặp phải cạnh tranh từ các cửa hàng thực. Tầng lớp trung lưu của Trung Quốc cũng đang gia tăng nhanh chóng, chiếm 4% dân số vào năm 2000 và 68% dân số vào năm 2012. Theo nghiên cứu của McKinsey, tầng lớp này sẽ chiếm 75% dân số Trung Quốc vào năm 2022.

Trong khi các công ty Mỹ còn mải mê với doanh thu quảng cáo, doanh nghiệp Trung Quốc đã trở thành những người tiên phong trong thương mại điện tử. Bean cho biết dòng tiền chảy qua các ứng dụng thương mại điện tử là rất lớn. Tuy nhiên, giống như những người đồng nghiệp ở Thung lũng Silicon, các start-up Trung Quốc cần chứng tỏ họ có thể tạo ra doanh thu đủ lớn để mô hình hoạt động được trong trung hạn.

Thích nghi với sự "bảo kê" của chính phủ

Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng cho phép doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển chừng nào họ còn có thể duy trì khả năng kiểm duyệt. Cho đến nay, các công ty công nghệ bị chính phủ gây khó dễ chủ yếu là của nước ngoài. Các đại gia công nghệ như Facebook và Google còn bị cấm hoạt động tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Trong tháng 4 năm nay, chính phủ Mỹ đã chính thức gọi Vạn lý Tường lửa là một rào cản thương mại với Mỹ. Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ cho biết hoạt động kinh doanh của 4/5 doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi hệ thống kiểm duyệt trên.

Nhiều người lo ngại rằng sự kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc sẽ cản trở sự sáng tạo ở nước này. Và những bộ óc giỏi giang nhất sẽ rời sang nước khác, khiến nền công nghệ Trung Quốctụt hậu so với thế giới. Một số nhà khoa học của Trung Quốc phàn nàn rằng việc các website nước ngoài bị chặn gây khó khăn cho hoạt động nghiên cứu của họ. Nhưng phần lớndoanh nhân Trung Quốc vẫn tỏ ra tự tin rằng, công nghệ di động sẽ vẫn phát triển mạnh mẽ bất chấp sự kiểm duyệt của chính phủ.

Đó là vì chính phủ Trung Quốc vẫn cần ngành công nghệ trong nước phát triển. Chính phủ có thểnghi ngại về những tác động bất lợi của Internet với họ, nhưng họ cũng đang phải vật lộn để ngăn chặn đà giảm tốc của nền kinh tế. Bắc Kinh hiểu được sức mạnh của Internet và muốn tận dụng nó để thúc đẩy tăng trưởng.

Ngoài ra, Zhu cho rằng các công ty Trung Quốc sẽ tìm cách thích nghi với những luật lệ thay đổi không ngừng ở nước này. Doanh nhân Trung Quốc chưa bao giờ được phát triển trong một môi trường Internet tự do hoàn toàn, nhưng hoạt động sử dụng Internet ở nước này vẫn đang tăng trưởng phi mã. "Rồi thế nào cũng có cách", Zhu nói về tinh thần thích nghi của giới doanh nhân Trung Quốc.

Long Nam

Chủ đề khác